Chấm thi THPT quốc gia: Điểm môn văn đang từ 0,75 – 8,5
Tình hình chấm thi tại một số tỉnh cho thấy điểm môn văn dao động từ 0,75 – 8,5.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chấm thi tại Bắc Ninh -TUỆ NGUYỄN
Ngày 1.7, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, dẫn đầu đoàn kiểm tra của Bộ kiểm tra công tác chấm thi tại 3 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn. Tại các địa phương, nhiều giám khảo môn thi tự luận đánh giá đáp án và hướng dẫn chấm môn ngữ văn khá rõ ràng, dễ chấm.
Mất điểm ở phần đọc hiểu và làm văn
Theo kết quả chấm, thí sinh Bắc Giang phổ điểm chủ yếu trong khoảng 5 – 6 điểm môn văn, ít bài được 8 điểm trở lên. Một cán bộ chấm thi nhận định với Thanh Niên, so với năm ngoái, điểm năm nay cũng không cao hơn vì đề phân hóa khá rõ. Học sinh hay bị mất điểm ở phần đọc hiểu và phần làm văn. Cán bộ chấm thi môn văn của Bắc Giang cho biết những ngày qua họ chấm “hết công suất” nhưng cũng chỉ được khoảng 30 – 40 bài/ngày.
Theo cô Vũ Thị Mai Liên, Phó trưởng môn của tổ chấm 1 (môn ngữ văn tại Bắc Giang), ngày thứ tư chấm bài môn ngữ văn, tiến độ tổ 1 chấm đạt khoảng 25 – 30%. Mức điểm cao nhất đến thời điểm này là 8,25 – 8,5 điểm; đã xuất hiện điểm liệt với những bài thi 1 hoặc 0,75 điểm.
Ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho biết toàn tỉnh có 19.527 bài thi tự luận, 92.286 bài thi trắc nghiệm (do Trường ĐH Mỏ địa chất chủ trì chấm). Thời điểm này ban chấm thi đã đạt được khoảng 20% bài tự luận. Theo kế hoạch, ngày 4.7, Bắc Giang sẽ hoàn thành toàn bộ khâu chấm thi.
Theo ông Bạch Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, việc chấm 2 vòng độc lập cũng đã xuất hiện một số bài thi chênh hơn 1,5 điểm giữa 2 vòng chấm và đã phải triệu tập trưởng môn chấm để xử lý.
Chấm kiểm tra 5%
Năm nay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại Lạng Sơn. Việc chấm tự luận được tiến hành từ ngày 2.7 với hơn 8.000 bài thi, dự kiến xong ngày 6.7. Giám đốc Sở GD-ĐT Lạng Sơn nêu quyết tâm chỉ đạo việc chấm tự luận một cách trung thực, khách quan nhất.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chia sẻ áp lực của kỳ thi năm nay sau những sai phạm chấm thi ở một số tỉnh của năm ngoái. Tuy nhiên, theo ông Độ, nếu giám khảo làm hết trách nhiệm và năng lực của mình thì mức chênh lệch điểm môn ngữ văn giữa 2 vòng chấm chỉ có thể chênh nhau dưới 1 điểm là tối đa.
Cô Vũ Trúc Hà, Trưởng môn chấm thi tự luận (Ban chấm thi Lạng Sơn), cũng cho rằng mặc dù đề văn có đáp án mở nhưng hướng dẫn chấm của Bộ cụ thể, rõ ràng nên khó có thể xảy ra trường hợp lệch tới hơn 1 điểm giữa 2 giám khảo vì cho rằng khác nhau về quan điểm.
Trong khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý các ban chấm thi cần đảm bảo đúng tiến độ chấm nhưng điều quan trọng đặt lên hàng đầu là sự trung thực, khách quan, phản ánh đúng kết quả bài làm của thí sinh. Đặc biệt lưu ý chấm kiểm tra 5% bài thi ngữ văn ngay trong quá trình chấm, trong đó có những bài có điểm cao. Ông Độ cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát từ nay đến kết thúc khâu chấm thi; Kịp thời báo cáo trưởng ban chấm, ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và Bộ GD-ĐT khi xảy ra vấn đề bất thường để có phương án xử lý kịp thời.
Phổ điểm môn văn tại TP.HCM ở mức từ 6 – 7- 8
Tỷ lệ thí sinh (TS) đạt điểm trên trung bình môn ngữ văn cao hơn năm trước là thông tin được giám khảo tại TP.HCM cho biết vào chiều 1.7, sau 2 ngày chấm thi THPT quốc gia.
Các giáo viên cho biết năm nay việc chấm thi diễn ra rất nghiêm ngặt, nhiều cải tiến hơn các năm trước. Giám khảo phải đeo thẻ từ cổng, nếu quên thẻ không được vào. Không được mang bất cứ vật dụng gì vào phòng chấm. Điện thoại di động cũng phải để ngoài phòng chấm như thí sinh dự thi quốc gia. Đã có giám khảo mang bút khác màu đỏ cũng bị yêu cầu mang ra ngoài. Giám khảo làm việc theo đúng giờ quy định, không được đi trễ về sớm. Tùy tiện bỏ chấm thi sẽ bị kỷ luật, nghỉ vì lý do gì phải có đơn.
Đặc biệt, để giữ bí mật tuyệt đối cho bài thi của TS ở các phòng thi, nhằm tránh tiêu cực, hội đồng chấm thi đã làm thao tác hoán đổi bài thi. Thay vì trước đây, các bài thi được giữ nguyên cố định theo số thứ tự (số báo danh) từng phòng và đưa về phòng chấm cho giám khảo, thì nay bộ phận làm phách sẽ hoán đổi bài giữa các phòng và đánh lại số thứ tự mới. Khi nhận bài chấm, giám khảo phải cắt túi bài còn niêm phong, kiểm tra và ký xác nhận vào biên bản nhận bài.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên chiều 1.7, một giáo viên chấm thi cho biết tỷ lệ TS đạt điểm trên trung bình môn ngữ văn cao hơn năm trước. Theo giáo viên này, ở phần đọc hiểu, hầu như TS đều đạt điểm tối đa là 3 điểm. Riêng câu hỏi nghị luận xã hội, với cách hỏi hàn lâm, đề tài không mới, TS hầu như đều đạt từ 1,5 điểm cho đến tối đa là 2 điểm.
Vì vậy, một số giáo viên thông tin, phổ điểm ngữ văn của khoảng 71.000 TS tập trung ở mức từ 6 – 7 – 8 điểm. Còn lại tỷ lệ TS đạt điểm dưới trung bình và điểm giỏi khá ít.
Bích Thanh – Hậu Nguyên
Theo Thanh niên
Chấm thi THPT quốc gia 2019: Có thí sinh chỉ đạt 0,75 điểm bài thi môn Ngữ Văn
Cô Vũ Thị Mai Liên - Cán bộ Ban chấm thi môn Ngữ văn tại Bắc Giang cho biết, phần lớn số bài văn đạt từ 5- 6 điểm, một số bài thi đạt trên 7 điểm, cao nhất là có một bài đạt 8,5 điểm. Nhưng, đã xuất hiện nhiều bài có điểm thi thấp, thậm chí có bài thi chỉ đạt 0,75 điểm.
Sáng 1/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 đã kiểm tra công tác chấm thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Bắc Giang.
Báo cáo tình hình chấm thi tại địa phương, ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD&ĐT - Phó Ban chỉ đạo thi - Chủ tịch Hội đồng thi tỉnh Bắc Giang cho biết, ban chấm thi tự luận và chấm thi trắc nghiệm khai mạc chấm thi từ 29/6.
Để đảm bảo an toàn cho công tác chấm thi, Ban chỉ đạo thi của tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh triển khai máy phá sóng điện thoại tại địa điểm in sao đề thi và khu vực chấm thi để đảm mật đề thi, bài thi.
Bắc Giang năm nay có 92.286 bài thi trắc nghiệm và 19.350 bài thi tự luận môn Ngữ văn. Tính đến 1/7, khối lượng bài thi đã chấm đạt khoảng đạt 25 - 30%. Theo kế hoạch dự kiến đến ngày 4/7, Bắc Giang sẽ hoàn tất việc chấm thi tự luận.
Cô Vũ Thị Mai Liên - Cán bộ Ban chấm thi môn Ngữ văn tại Bắc Giang cho biết, phần lớn số bài văn đạt từ 5- 6 điểm, một số bài thi đạt trên 7 điểm, cao nhất là có một bài đạt 8,5 điểm. Nhưng, đã xuất hiện nhiều bài có điểm thi thấp, thậm chí có bài thi chỉ đạt 0,75 điểm.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra thi tại Bắc Giang.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu Ban Chỉ đạo thi Bắc Giang lưu ý, khâu chấm kiểm tra phải chấm đuổi theo tiến độ chấm thi và chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi tự luận. Cần thực hiện theo đúng quy chế, ưu tiên chấm kiểm tra các bài đạt điểm cao.
Trong khâu nhập điểm bài thi tự luận, Ban thư kí phải có đủ 3 người/máy để tránh sai sót và đảm bảo nhập 2 máy song song.
Nếu cán bộ chấm thi chênh lệch nhiều, trên 1,5 điểm phải yêu cầu nghiên cứu lại biểu điểm, đáp án chấm. Những bài có chênh lệch trên 1,5 điểm giữa hai cán bộ chấm vòng 1, 2, bắt buộc phải có cán bộ chấm lần thứ 3 và có ý kiến của trưởng môn chấm để thống nhất điểm cuối cùng.
Thứ trưởng yêu cầu Sở GD&ĐT phải tăng cường thanh tra, giám sát 2 ban chấm thi, Ban thư kí, không để phát sinh tiêu cực trong quá trình chấm thi, vào điểm.
"Công tác chấm thi năm nay thực hiện theo đúng tiến độ nhưng không vì áp lực thời gian mà bỏ qua yêu cầu chấm kỹ, chấm chính xác đáp án, biểu điểm" - thứ trưởng Độ nhấn mạnh.
Có dấu hiệu bất thường trong bài thi phải báo ngay điểm trưởng
Cũng trong ngày hôm nay 1/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã kiểm tra công tác chấm thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Bắc Ninh.
Để thực hiện công việc chấm thi, Hội đồng thi Bắc Ninh đã huy động 88 cán bộ chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn. Học viện Nông nghiệp Việt Nam chọn cử 15 cán bộ chấm thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Bắc Ninh.
Để dảm bảo công tác chấm thi nghiêm túc, đúng quy chế, Bộ GD&ĐT đã cử 3 thanh tra ủy quyền cắm chốt giám sát các công việc của các Ban chấm thi. Cùng với đó là Sở GD&ĐT thành lập đoàn thanh tra chấm thi gồm 10 cán bộ thanh tra, giám sát các công việc chấm thi.
Thứ trưởng Độ nhấn mạnh, trong quá trình chấm thi, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, cán bộ chấm thi phải báo cáo kịp thời cho Trưởng Ban chấm thi để có phương án xử lý.
"Nghiêm cấm cán bộ chấm thi tiết lộ nội dung bài thi trên mọi phương diện, hình thức thông tin để đảm bảo quyền lợi của thí sinh và tính bảo mật của kỳ thi" - Thứ trưởng Độ nhấn mạnh.
Bá Nguyễn
Theo Dân trí
Cô bé không tay chân, giàu nghị lực vào đề văn lớp 12 Nhân vật Trần Thị Hiếu Thảo (Trường tiểu học An Thạnh 2B, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) đăng trên báo Tuổi Trẻ ra ngày 18-2 đã được đưa vào đề thi học kỳ 2 môn văn của Trường THPT Mỹ Xuyên. Đề thi học kỳ 2 môn văn khối 12 của Trường THPT Mỹ Xuyên - Ảnh: KHẮC TÂM Ngày 11-3,...