‘Chấm thi đại học sai sót, có biểu hiện đánh dấu bài’
Sau khi chấm thẩm định hơn 1.000 bài thi môn Toán, Văn, Lịch sử, Địa lý ở các trường khác nhau, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc chấm thi chưa nghiêm túc. Kết quả chấm thi tốt nghiệp ở nhiều địa phương cũng những bất thường.
Chiều nay, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2013. Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Ngô Kim Khôi cho biết, cả nước có 370 lượt trường tổ chức thi (246 đại học và 124 cao đẳng). Năm 2012, số hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng là hơn 2 triệu, giảm 160.000 hồ sơ so với năm 2011.
Việc cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình không truyền tin vào phòng thi, theo ông Khôi nhằm tăng cường sự giám sát xã hội đối với công tác tổ chức thi, đấu tranh chống tiêu cực đã khuyến khích thí sinh, những người tham gia công tác tuyển sinh… phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm quy chế, góp phần siết chặt hơn nữa kỷ luật phòng thi.
Kết quả thanh tra công tác coi thi cho thấy, tại một số Hội đồng tuyển sinh cơ sở vật chất không đảm bảo, phòng thi chật hẹp, bố trí hơn 40 thí sinh một phòng thi, không lập danh sách ảnh phòng thi theo quy định; nghiệp vụ coi thi của mọt số cán bộ còn hạn chế, không thực hiện đúng quy trình ký giấy thi, giấy nháp, không thực hiện đánh số báo danh do trưởng điểm thi quy định…
Hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận của Bộ Giáo dục đã chấm 1.405 bài thi môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý của một số trường. Kết quả cho thấy, việc chấm thi của các trường có sai sót, chưa nghiêm túc, không chấm hai vòng độc lập theo quy định, có biểu hiện đánh dấu bài. Các trường này đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc và xử lý kỷ luật các đơn vị, cá nhân có liên quan.
Năm nay, sẽ có ít nhất 10% bài thi của thí sinh được chấm thanh tra. Ảnh: Hoàng Hà.
Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường trong công tác xét tuyển, kéo dài thời hạn xét tuyển đến hết ngày 30/11… đã phát sinh những bất hợp lý. Một số trường còn lúng túng, bị động, thông báo thời hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển quá ngắn…
Để hạn chế những khuyết điểm trên, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, năm 2013 sẽ bổ sung Ban chấm thanh tra trực thuộc Hội đồng tuyển sinh trường để chấm thanh tra ít nhất 10% số bài thi của mỗi môn thi tự luận.
Bên cạnh đó, Bộ bổ sung đối tượng dự thi tuyển sinh liên thông cao đẳng, đại học là những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng (kể từ ngày được cấp bằng). Những thí sinh này phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu theo quy định của khối thi tương ứng với ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy.
Năm 2013, Bộ GD&ĐT cho phép 10 trường khối Văn hóa – Nghệ thuật được tổ chức tuyển sinh riêng. Các trường tuyển sinh ngành đào tạo thuộc khối Văn hóa (khối C), không tổ chức thi, chỉ xét tuyển dự vào kết quả thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT. Các trường tuyển sinh ngành đào tạo thuộc khối Nghệ thuật (khối H, N, S) chỉ tổ chức thi các môn năng khiếu, xét tuyển môn Ngữ văn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp và điểm trung bình 3 năm học THPT.
Video đang HOT
Bộ sẽ tiếp tục giao cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển, có thể thực hiện nhiều đợt, nhưng thời gian mỗi đợt ít nhất là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển (20/8). Thời hạn kết thúc công tác này là 30/10/2013.
Một số chính sách ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy cũng được thay đổi. Bộ quyết định tuyển thẳng những học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế; học sinh đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế, đã tốt nghiệp trung học. Học sinh là người dân tộc thiểu số, có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo và học sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ, được ưu tiên xét tuyển nhưng phải học dự bị 6 tháng.
Các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi thấp hơn điểm sàn 1 điểm và phải học dự bị 6 tháng.
Ông Khôi cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 sẽ giữ ổn, khuyến khích các trường thay đổi về cơ cấu theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, nghệ thuật;…
Chỉ tiêu liên thông đại học, cao đẳng chính quy được xác định trong tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng chính quy của trường và chiếm không quá 20% tổng chỉ tiêu này; chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa học vừa làm tiếp tục được xác định tối đa bằng khoảng 50% so với chỉ tiêu chính quy.
“Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp trong các trường đại học theo lộ trình giảm 20% mỗi năm và chấm dứt đào tạo trung cấp trong các trường đại học trước năm 2017″, ông Khôi nói.
Đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012, Cục trưởng Ngô Kim Khôi cho hay, đề thi được bảo mật, an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu; nội dung đề bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, phù hợp với thời gian làm bài. Tổng số học sinh đỗ tốt nghiệp là hơn 940.200 (đạt 97,6%), trong đó giáo dục thường xuyên đỗ hơn 85%.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục thẳng thắn thừa nhận, công tác coi thi vẫn là một trong những khâu yếu kém nhất, giám thị ở một số phòng thi chưa làm tròn chức trách, thiếu nghiêm túc hoặc non kém về nghiệp vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, để thí sinh quay cóp, chép bài của nhau, mang tài liệu vào phòng thi để gian lận, dẫn đến nhiều thí sinh làm bài thi giống nhau, trong đó, có những nội dung sai giống nhau.
Tại Hội đồng coi thi THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) đã để xảy ra tình trạng giám thị và người không có trách nhiệm trong Hội đồng coi thi tham gia giải bài, ném bài cho thí sinh; giám thị buông lỏng trách nhiệm để thí sinh nhận tài liệu từ bên ngoài và quay cóp, chép bài của nhau trong phòng thi.
Bệnh thành tích trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để, là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm, tiêu cực trong thi cử. Kỳ thi chưa tạo được cơ chế giám sát của xã hội, phụ huynh và học sinh. Vì vậy, các hành vi vi phạm quy chế thi, hiện tượng tiêu cực trong coi thi, chấm thi, phúc khảo… không được phát hiện kịp thời, xử lý chưa dứt điểm.
Công tác chấm thi cũng có sai sót, vi phạm quy định của quy chế. Khi Bộ thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm bài thi tự luận môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý của 16 tỉnh, thành phố thì có kết quả thi tăng đột biến với so với các năm trước và trùng lặp nhiều ở một mức điểm.
Kết quả cho thấy, một số cán bộ chấm thi không thực hiện đúng quy định, thiếu tinh thần trách nhiệm, hạ thấp yêu cầu đánh giá bài làm của thí sinh so với hướng dẫn chấm, đáp án của Bộ. Vì vậy, nhiều bài thi bị chấm sai, không đúng đáp án và thang điểm hoặc bị cộng điểm sai. Một số lượng đáng kể các bài thi có kết quả điểm công bố khác biệt so với kết quả chấm thẩm định của Bộ, cao hơn 1 – 2 điểm, cá biệt là 3 điểm và cao hơn so với đáp án, thang điểm.
“Những hạn chế trong công tác coi thi, chấm thi nêu trên cũng cho thấy công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi, chấm thi, công tác kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau kỳ thi ở các cơ sở giáo dục chưa thực sự sâu sát và thiếu chặt chẽ”, ông Khôi nói.
Theo ông Khôi, năm 2013, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có một số điều chỉnh, bổ sung như Bộ tiếp tục phân cấp, giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các địa phương trong việc tổ chức thi. Cho phép học sinh mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình, chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài và người sử dụng không nghe được âm thanh, xem được hình ảnh trực tiếp nhằm tăng cường sự giám sát của xã hội đối với công tác coi thi.
Năm 2013, Bộ bổ sung quy định về việc chấm kiểm tra tối thiểu 5% bài thi các môn thi tự luận. Hội đồng chấm thẩm định do Bộ tổ chức. Đề thi cũng được thay đổi theo hướng ứng dụng các thành tựu của khoa học đánh giá, ma trận đề thi, ra đề theo hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống chính trị – xã hội và yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp.
Theo VNE
Hậu tiêu cực thi cử ở Đồi Ngô: Tăng cường biện pháp chống tiêu cực
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư về việc sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, sẽ cho phép thí sinh mang thiết bị gắn linh kiện điện, điện tử vào phòng thi nhằm tăng cường biện pháp chống tiêu cực thi cử
Được mang thiết bị điện tử
Nội dung sửa đổi đáng chú ý nhất là việc sửa đổi quy định về các vật dụng được phép mang vào phòng thi. Theo đó, thí sinh được mang bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình... Tuy nhiên, nếu quy chế hiện hành nêu rõ: "các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử" thì dự kiến sửa đổi không còn quy định này.
Cảnh chép bài tập thể trong vụ gian lận thi cử ở Đồi Ngô - Ảnh: chụp từ clip
Bộ GD-ĐT lý giải cho việc bãi bỏ "lệnh" cấm thí sinh mang vật dụng gắn linh kiện điện, điện tử là nhằm "tăng cường các biện pháp chống tiêu cực trong tổ chức thi, góp phần làm trong sạch, lành mạnh hóa thi cử".
Tuy nhiên, dự thảo cũng quy định rõ hơn chế tài xử lý các hành vi vi phạm quy chế.
Theo đó, thí sinh sẽ bị đình chỉ và hủy kết quả thi nếu mang thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi (đã hoặc chưa sử dụng). Ngoài ra, vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu cũng được bổ sung vào danh mục cấm này.
Rút ra từ thực tiễn vụ gian lận thi cử ở Đồi Ngô (Bắc Giang), hành vi nhận bài giải sẵn của người khác (đã hoặc chưa sử dụng); chuyển giấy nháp, bài thi cho thí sinh khác hoặc nhận giấy nháp, bài thi của thí sinh khác; cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình hoặc làm bài giống nhau do chép bài của nhau... cũng được bổ sung vào các hành vi vi phạm quy chế thi, bị đình chỉ và hủy kết quả bài thi.
Tiếp nhận phản ánh tiêu cực
Dự thảo này cũng bổ sung nội dung chưa hề có trong quy chế hiện hành, đó là việc xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm quy chế thi được quy định là Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) hoặc thanh tra giáo dục các cấp.
Về phía người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế thi: phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi.
Người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận trong vòng 7 ngày, tính từ khi kết thúc ngày thi.
Tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận thông tin, bảo quản bằng chứng theo quy định; xác minh tính xác thực của thông tin và bằng chứng theo thẩm quyền hoặc chuyển thông tin, bằng chứng đến cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý; triển khai kịp thời các biện pháp ngăn chặn tiêu cực, vi phạm quy chế thi theo thông tin đã được cung cấp; xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý và công bố công khai kết quả xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy chế thi.
Dự thảo cũng nêu rõ bộ phận tiếp nhận phải có trách nhiệm bảo mật thông tin và danh tính người cung cấp thông tin.
Theo thanh niên
Cô giáo chấm Văn 'đặc sản' canh gà Thọ Xương xin lỗi Sau khi bài Văn viết về "đặc sản" canh gà Thọ Xương của teen lớp 7 trường THCS Lômônôxốp (Hà Nội) xuất hiện trên các tờ báo và trang mạng, cô giáo H.T.T, người chấm điểm bài văn này đã chính thức lên tiếng xin lỗi. "Tôi xin lỗi phụ huynh vì đã không sửa bài thấu đáo cho con và cảm ơn...