Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư
Tế bào ung thư phổi đã di căn não, quỹ thời gian đang cạn dần nhưng ông Kiên không còn sợ hãi. Ông bình tĩnh điều trị theo bác sĩ, và thu xếp tương lai.
Gặp ông Võ Văn Kiên, 58 tuổi tại Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị ung bướu, Bệnh viện Quân y 175, TP HCM, người ta sẽ thấy một người đàn ông miền biển rắn rỏi, cao lớn, hào sảng. Nếu không có mái đầu trọc và làn da tái sạm đi vì thuốc, chẳng ai nghĩ ông bị ung thư phổi giai đoạn muộn đã di căn não.
Làm chủ một cơ sở nuôi tôm và kinh doanh thức ăn nuôi tôm ở Hoài Nhơn, Bình Định là công việc cả đời ông. Cứ tưởng rằng, qua dăm ba năm nữa, ông sẽ “về hưu”, các con kế nghiệp, còn mình và vợ nghỉ ngơi tận hưởng tuổi già. Nhưng một năm trước, căn bệnh hiểm nghèo ập xuống bất ngờ đã thay đổi số phận.
“Đất trời sụp đổ khi khối u trong phổi được xác định là ác tính. Tôi không tin nổi”, ông Kiên nhớ lại.
Người đàn ông sốc, thức trắng trọn một ngày một đêm. Nhờ bác sĩ trấn an, động viên và đưa ra ngay phương án, triển vọng điều trị, ông bình tĩnh lại, bắt đầu chiến đấu. Tuy nhiên, sau 10 lần xạ trị, khối u vẫn gan lì tiến triển. Bệnh chuyển từ 2A sang 3B. Tệ hơn, tế bào ung thư bắt đầu theo mạch máu xâm lấn lên não. “Chưa bao giờ tôi cảm thấy tuyệt vọng đến thế!”.
Bà Huỳnh Thị Nhung, vợ ông Kiên cùng chồng từ Bình Định vào TP HCM hóa trị đợt thứ ba điều trị ung thư phổi. Ảnh: Thư Anh.
Ông bảo mình bươn trải đã quen, không sợ chết cũng chẳng sợ bệnh tật giày vò. Chỉ có điều, làm cha, ông thương cô con gái út bé bỏng đi làm xa nhà chưa lập gia đình, thương ba đứa cháu nội non nớt, lo lắng cho mấy người con trai chưa đủ trưởng thành. Và hơn cả, ông xót người vợ tào khang hết mực yêu thương, hy sinh vì chồng con sẽ sống như thế nào nếu như ông mất đi.
Thiếu một người chỉ đường, ông tìm các bác sĩ tâm sự. Lúc đó, bác sĩ chân thành nói với ông, bệnh viện luôn dốc sức cứu chữa, nhưng sinh-lão-bệnh-tử là quy luật không thể tránh khỏi. Với tình trạng hiện tại, cách tốt nhất là tuân thủ phác đồ điều trị tây y, chăm sóc giảm nhẹ để hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc, cải thiện chất lượng cuộc sống. Bác sĩ còn tinh tế giúp ông trả lời câu hỏi “còn bao nhiêu thời gian” và hỗ trợ tư vấn tâm lý cho người nhà.
Vì thế, ông thoát khỏi vòng suy nghĩ luẩn quẩn, tự thấy mình còn may mắn khi biết trước tiên lượng sống, có thể chủ động hoàn thiện những việc dang dở. Ông quyết định giao hết công việc cho vợ chồng con trai, phân chia tài sản, định hướng tương lai cho các con. Đồng thời dành toàn bộ thời gian ít ỏi còn lại để chữa bệnh và tận hưởng cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình. Hàng ngày ông dậy sớm tập thể dục, thực hiện y lệnh, giữ tinh thần lạc quan. Thời gian rảnh rỗi đôi vợ chồng già nắm tay nhau đi dạo trong khuôn viên bệnh viện hoặc trò chuyện với con cháu, người thân.
“Nếu có ra đi vào ngày mai, tôi cũng mãn nguyện”, ông Kiên nói.
Video đang HOT
Đại tá bác sĩ Đào Tiến Mạnh, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị ung bướu, Bệnh viện Quân y 175 trò chuyện với một bệnh nhân ung thư. Ảnh: Lâm Hiếu.
Với ông Phạm Mạnh Tùng, ở TP HCM, thì sự ra đi của vợ – bà Trần Thị Hạnh – vẫn luôn là “nỗi buồn vô tận”. Vài ngày trước, khi vào thăm bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 175, ông lại nhớ bà, bật khóc nức nở. Những giọt nước mắt đua nhau chảy trên má người đàn ông gần 70 tuổi.
Ông chia sẻ, năm 2015, người vợ phát hiện bị ung thư buồng trứng giai đoạn 3C. Lúc mổ sinh thiết, khối u đã vỡ, buộc phải cắt bỏ những cơ quan đã hoại tử mới giữ được tính mạng. Công tác trong ngành y, bà Hạnh hiểu rõ nguy cơ mình phải đối mặt nên dù rất đau đớn, bà luôn cười thật tươi và an ủi chồng. Nhìn vợ như vậy, ông càng không đành. Ông bày tỏ ý định đưa vợ sang Nhật Bản, Singapore tìm cơ hội mong manh, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 nhiệt tình hỗ trợ, cung cấp bệnh án để người bệnh thuận tiện tiếp cận y tế quốc tế. Mặc dù vậy, tiên lượng không thay đổi.
Khi bà về lại trung tâm, các bác sĩ hứa, bà sẽ sống được 5 năm nữa nếu điều trị tích cực đúng phác đồ. Lời hứa vừa tròn thì bà mất. Trước đó một tuần, bác sĩ mời ông vào phòng riêng trò chuyện, giải thích tình hình, khuyên đưa bà về nhà. Nhân viên y tế sẽ đến tận nhà thăm khám, tiêm thuốc giảm đau, xoa bóp và trò chuyện với bà mỗi ngày.
“Tôi rất buồn, nhưng yên lòng vì bà nhà tôi ra đi rất thanh thản, không đau đớn”, ông Tùng tâm sự.
Bản thân là người giàu tình cảm và hay nghĩ ngợi, giai đoạn chăm sóc vợ cận tử, ông Tùng từng cảm thấy bất lực và tuyệt vọng cùng cực bởi không thể san sẻ cơn đau với bà. May mắn, các bác sĩ, điều dưỡng đã nói chuyện với ông, giúp ông đả thông tư tưởng, nhìn nhận mọi việc nhẹ nhàng hơn. Dần dà, ông vượt qua nỗi đau mất đi người thân, cởi mở hơn trước. Bây giờ, ông vẫn giữ liên lạc với các điều dưỡng, bác sĩ chăm sóc cho vợ ngày trước.
Theo bác sĩ Lâm Trung Hiếu, Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị ung bướu, chăm sóc giảm nhẹ là hoạt động vận dụng những điều tốt nhất hiện có nhằm ngăn ngừa và giảm nhẹ những đau khổ về thể chất, tâm lý, xã hội và tâm linh cho người mắc bệnh nặng, nghiêm trọng. Không chỉ xoay quanh đối tượng chính là người bệnh, chăm sóc giảm nhẹ còn đồng hành với gia đình, người chăm nuôi bệnh nhân và nhân viên y tế trong toàn bộ quá trình diễn tiến bệnh, kể từ lúc phát hiện đến giai đoạn cuối đời, sau khi người bệnh mất.
Hiện, trung tâm đang tiếp nhận nội trú khoảng 400 bệnh nhân ung thư. Tất cả các bệnh nhân đều được chăm sóc giảm nhẹ chủ động từ khi chẩn đoán bệnh. Tuỳ vào tính cách, nhu cầu, phản ứng của từng bệnh nhân mà nhân viên y tế sẽ có cách tiếp cận phù hợp. Những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, các bác sĩ sẽ hỗ trợ họ lập kế hoạch, phân bổ kinh phí hợp lý để không kiệt quệ về tài chính, hoặc kết nối nhờ xã hội giúp đỡ.
Đặc biệt, bệnh viện tôn trọng niềm tin tôn giáo của mỗi người bệnh. Hàng năm, bệnh viện đều mời cha xứ hoặc nhà sư vào bệnh viện để giảng đạo, đối thoại, khuyến khích người bệnh tìm điểm tựa tâm lý.
NSND Trần Hiếu hát động viên bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Quân y 175 ngày 8/10. Ảnh: Thư Anh.
Nhiều bệnh nhân trầm cảm nhưng tưởng bị đau xương khớp
Bị đau nhức xương khớp, nhiều người mất thời gian dài điều trị nhưng không khỏi. Chỉ đến khi bệnh nhân được chữa triệu chứng lo âu, trầm cảm, các cơn đau mới chấm dứt.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh gây hại đến sức khỏe của con người đứng thứ 2, chỉ sau bệnh tim mạch.
Một thống kê cho thấy có 6% dân số tại TP.HCM bị trầm cảm. Nếu trước đây, người bệnh đa phần nằm trong độ tuổi từ 60 tới 65 tuổi, hiện nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa.
Nữ bệnh nhân trẻ được bác sĩ Tạ Vương Khoa tư vấn khi mắc bệnh trầm cảm
Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực về công việc, gia đình, học hành... khiến nhiều người trầm cảm. Tuy nhiên, nhiều người bệnh lại có biểu hiện đau nhức các cơ quan. Bởi vậy, cả bác sĩ lẫn bệnh nhân chỉ tập trung điều trị triệu chứng chứ không phải là nguyên nhân xuất phát từ vấn đề tâm lý.
Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị trầm cảm nhưng trước đó mất thời gian dài điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp, dạ dày, Parkinson.
Anh L.A.T. (47 tuổi, ngụ quận Tân Bình) sau thời gian dài điều trị bệnh Parkinson với các triệu chứng chậm chạp, lờ đờ, hay quên... không khỏi, anh T. mới đến Bệnh viện Quân y 175 thăm khám.
Tại đây, anh T. cho biết, do công việc làm ăn thất bại, anh thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi...
Các bác sĩ đã bỏ thuốc điều trị Parkinson anh T. sử dụng trước đó mà chuyển sang nhóm thuốc chống trầm cảm. Sau 2 tháng điều trị, bệnh nhân đã giảm hẳn các triệu chứng, có thể vận động nhanh nhẹn hơn trước. Hiện anh T. tiếp tục duy trì thuốc và các liệu pháp tâm lý để giảm hẳn tình trạng bệnh.
Tương tự, chị N.T.N. (28 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng mất 3 năm điều trị triệu chứng đau lưng. Chị mua thuốc tại phòng khám tư, khám bệnh viện chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình, tập vật lý trị liệu nhưng không thuyên giảm. Thậm chí, chị còn chích thuốc trực tiếp vào vùng đau để chữa trị nhưng cơn đau vẫn không chấm dứt.
Chỉ đến khi tới Bệnh viện Quân Y 175 để chữa trị rối loạn giấc ngủ, chị mới được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Bác sĩ nhận định chị N. thường xuyên gặp áp lực công việc nên lâu ngày dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm.
Sau đó, chị được bác sĩ cho dùng thuốc kết hợp các liệu pháp tâm lý. Qua 2 tuần điều trị, các triệu chứng đau lưng của chị giảm hẳn, bớt căng thẳng, mệt mỏi hơn trước. Hiện sau 6 tháng điều trị, chị N. đã phục hồi tốt.
"Sức khỏe là quan trọng nên tôi cũng dự định sắp tới tìm một công việc khác nhẹ nhàng hơn để tránh bệnh tái phát", chị N. chia sẻ.
Bệnh trầm cảm ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể
Bác sĩ Tạ Vương Khoa, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết, trầm cảm liên quan đến sinh lý học chức năng của não. Bộ não điều khiển, chi phối tất cả các cơ quan nên sự xáo trộn về não bộ khiến chức năng dẫn truyền thần kinh bị rối loạn sẽ biểu hiện ra bên ngoài bằng các triệu chứng đau đầu, mắt, tai mũi họng, tim, phổi, cơ xương khớp...
Theo bác sĩ Khoa, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những trường hợp sau thời gian dài điều trị các triệu chứng về cơ xương khớp nhưng không thuyên giảm. Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân được điều trị bằng các phương pháp chống trầm cảm thì sức khỏe tốt hơn.
Trầm cảm có thể gặp ở nhiều lứa tuổi nhưng nhiều nhất là độ tuổi trung niên, trong đó phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới.
Bác sĩ Tạ Vương Khoa đang thăm khám cho một bệnh nhân mắc trầm cảm phải nhập viện điều trị
Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng nhiều áp lực khiến bệnh có xu hướng trẻ hóa đặc biệt là tại các thành phố lớn. Tại bệnh viện, độ tuổi từ 20-30 đến khám về bệnh lý trầm cảm tương đối phổ biến.
Bác sĩ Khoa cho rằng, những đồng nghiệp dù không thuộc chuyên khoa về thần kinh cũng cần có kiến thức cơ bản để nhận diện và tư vấn cho người bệnh. Nếu sau thời gian dài điều trị các triệu chứng, bác sĩ cần cân nhắc kết hợp với chuyên khoa thần kinh để cùng chẩn đoán và điều trị tránh bỏ sót nhóm bệnh lý rối loạn lo âu, trầm cảm.
Bác sĩ Khoa cũng khuyến cáo, nếu có các triệu chứng bất thường về cơ xương khớp, dạ dày, bụng, ngực... đã khám và điều trị nhiều đợt tại các chuyên khoa liên quan không thấy đỡ, bệnh nhân hãy tìm đến các bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trực thăng bay ra Trường Sa đưa ngư dân nguy kịch về đất liền Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đang tích cực hội chẩn, lên phương án điều trị cho ngư dân bị bệnh nặng ở huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Bệnh nhân vừa được đưa về đất liền là ngư dân Trần Quốc Oanh (41 tuổi, quê ở Hoài Nhơn, Bình Định), thuyền viên trên tàu vây cá ngừ. Trong lúc đánh...