Chấm dứt tiêu cực, xóa sổ “ném phao”
Đây là kỳ thi có tỉ lệ thí sinh dự thi cao kỷ lục với 95%. Ảnh: D.H
Tổ chức gọn gàng, không tiêu cực, không rườm rà, đề thi được cho là khá sinh động và đặc biệt là có đến hơn 95% số thí sinh tham gia, là những điểm sáng của đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa diễn ra. Không ít chuyên gia lạc quan cho rằng, đây là kỳ thi đáng hoan nghênh, đồng thời là bài học kinh nghiệm cho kỳ thi THPT quốc gia tới đây.
Tỉ lệ dự thi cao kỷ lục
Gần 96% số thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia Hà Nội là tỉ lệ dự thi cao kỷ lục trong các kỳ thi vào ĐH từ trước đến nay. Một điểm nổi bật khác của kỳ thi chính là sự hỗ trợ của hệ thống máy tính dùng để phục vụ thí sinh tham gia thi. Có gần 8.000 máy tính sử dụng cho kỳ thi. Về đề thi, theo nhà trường, các khâu chuẩn bị, thẩm định và thử nghiệm bộ đề thi đã được tập huấn rất kỹ lưỡng cho cán bộ. Trong các ngày diễn ra kỳ thi, ngay cả ban tổ chức thi cũng tỏ ra khá bất ngờ trước sự nhập cuộc chủ động, nghiêm túc và thích ứng tốt với hình thức thi này. Thống kê sau toàn bộ kỳ thi, theo đại diện nhà trường, cách thức thi trên máy tính đã giúp hạn chế tối đa các tiêu cực trong thi cử. Thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, thí sinh có ý thức cao trong quá trình làm bài, không có em nào cố ý gây trở ngại. Đặc biệt, không còn xảy ra tình trạng thí sinh mang “phao” vào phòng thi hay vứt “phao” bừa bãi sau khi thi.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết, do có thời gian để thí sinh chuẩn bị tìm hiểu, nghiên cứu về kỳ thi nên các em hoàn toàn chủ động mọi mặt về kỹ thuật, kỹ năng, kết quả thi do đó đạt tối đa kỳ vọng của các em. Kết quả tại các điểm thi cho thấy trên 70% tổng số thí sinh đạt được điểm trung bình trở lên. Đặc biệt, có 2 thí sinh đạt 125/140 điểm. “Kết quả này chứng tỏ tỉ lệ các câu hỏi khó, dễ được phân bổ hợp lý, khả năng phân hóa đề thi rất cao. Đánh giá năng lực toàn diện là phương thức tuyển sinh tiên tiến, được áp dụng ở nhiều nền giáo dục lớn thế giới. Phương thức nhằm đảo bảo lựa chọn được ứng viên có năng lực học tập, tư duy logic và khả năng phân tích các kiến thức tổng hợp” – ông Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Nhiều kinh nghiệm cho kỳ thi THPT quốc gia
Nhìn nhận về kỳ thi trên, GS Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GDĐT – đánh giá cao nỗ lực của ĐHQGHN trong việc tổ chức kỳ thi khá gọn gàng, thành công. Trao đổi với Lao Động, ông phân tích: “Ưu điểm lớn nhất của kỳ thi là toàn bộ các câu hỏi đều soạn theo phương pháp trắc nghiệm, điều này đảm bảo thời gian thi ngắn hơn, việc chấm thi cũng khách quan hơn do chấm bằng máy thay vì phụ thuộc vào trình độ người chấm thi”. Cũng theo ông, đây là kinh nghiệm rất tốt cho Bộ GDĐT trong tổ chức đề thi của kỳ thi THPT quốc gia tới đây. Bởi hiện tại bộ vẫn theo phương án sử dụng phương pháp tự luận cho 4 môn thi, gây tốn thời gian dự thi và kết quả phụ thuộc lớn vào năng lực người chấm, khó đạt chất lượng cao. Rõ ràng so với phương pháp tự luận thì trắc nghiệm có nhiều ưu việt, thuận lợi tối đa cho thí sinh. Ông mong muốn Bộ GDĐT sẽ vận dụng phương án thi này cho kỳ thi năm sau để có sự chuẩn bị tốt hơn.
ĐHQGHN sẽ còn một đợt thi vào cuối tháng 8.2015. Mọi ý kiến đánh giá của dư luận, theo ông Nguyễn Kim Sơn là cơ sở để trường tiếp tục tổ chức đợt thi đạt chất lượng cao hơn. Ông cho biết: “Kỳ thi tới và cả các năm thi tới, chúng tôi tiếp tục bổ sung, điều chỉnh ở các khâu như phần mềm, quy chế thi, cấu trúc đề thi… Đặc biệt về phần đề thi, có thể trong các năm sau, trường sẽ đưa nội dung câu hỏi xã hội không có trong chương trình học vào đề thi để mở rộng kỹ năng của thí sinh. Đề thi sẽ được hoàn thiện dần”. Không thể phủ nhận, đây là thành công bước đầu của ĐHQGHN trong nỗ lực đổi mới thi cử theo hướng ngày càng khách quan, chính xác, minh bạch, thuận tiện, đỡ tốn kém, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và cả xã hội.
Chiều 3.6, Đại học QGHN công bố danh sách điểm thi đợt một của kỳ thi. Vượt qua hơn 43.000 thí sinh dự thi đánh giá năng lực vào ĐHQGHN, thí sinh Bùi Mạnh Thắng (Kiến Xương, Thái Bình) đạt điểm cao nhất với 128/140 điểm. Ngoài thủ khoa Bùi Mạnh Thắng, còn có 3 á khoa đạt 126 điểm và 45 em được 125 điểm. Tổng số thí sinh đạt từ 70 điểm trở lên là 70,02%. Đại học QGHN sẽ công bố điểm thi đánh giá năng lực gồm điểm 3 phần toán, ngữ văn, tự chọn và tổng điểm vào ngày 6.6. Thời gian đăng ký xét tuyển vào các trường thành viên đợt 1 là 8.6 đến 16h30 ngày 25.6, đợt bổ sung từ ngày 10.8 đến 16h30 ngày 25.8. Thí sinh đăng ký xét tuyển có thể gửi qua đường bưu điện theo hình thức thư bảo đảm chuyển phát nhanh, hoặc nộp trực tiếp cho hội đồng tuyển sinh của đơn vị đào tạo có nguyện vọng học. Thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa 3 ngành học của một đơn vị đào tạo theo thứ tự ưu tiên. Thí sinh trúng tuyển đợt 1 không được đăng ký xét tuyển đợt bổ sung.
Theo laodong.com.vn