Chấm dứt đào tạo từ xa có giúp giảm “lạm phát” giáo viên?
GiadinhNet – Mặc dù liên tiếp có sự cảnh báo của Bộ GD&ĐT, của các chuyên gia giáo dục về dư thừa nhân lực ngành sư phạm, nhưng cả nước vẫn còn đang dư thừa tới 3,5 vạn giáo viên ở các cấp học. Điều này cho thấy, có sự lãng phí nguồn nhân lực, tốn kém thời gian, tiền của xã hội. Liệu việc ngừng đào tạo sư phạm từ xa, giảm chỉ tiêu hệ chính quy có là tín hiệu tích cực cho ngành giáo dục?
Đào tạo tràn lan là nguyên nhân chính dẫn đến dư thừa hàng vạn giáo viên ở nước ta. Ảnh minh họa: Q.Anh
Dư thừa 3,5 vạn giáo viên
Video đang HOT
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện đang thừa khoảng 35.000 giáo viên bậc THCS và THPT. Thừa giáo viên ở hầu hết các cấp học chính là nguyên nhân khiến các sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm trong nhiều năm qua không xin được việc làm. Lượng giáo viên phổ thông hiện nay hơn 800.000 người, giáo viên mầm non gần 200.000 người, đã đáp ứng với quy mô học sinh hằng năm, thậm chí là đã dư thừa. Nhu cầu tuyển mới để đáp ứng số lượng học sinh tăng hàng năm, bù đắp số lượng giáo viên về hưu gần như không đáng kể.
Không ngạc nhiên với chuyện thừa giáo viên với số lượng “khủng” như hiện nay, PGS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) cho rằng, nhiệm vụ đào tạo giáo viên của các trường ĐH, CĐ Sư phạm đến thời điển này gần như đã bão hòa so với nhu cầu. “Với mạng lưới lên tới cả trăm trường ĐH, CĐ, Trung cấp sư phạm trên cả nước, nếu đào tạo theo cách đảm bảo quy mô của nhà trường thì sẽ dẫn đến việc ngày càng gia tăng số lượng sinh viên sư phạm thất nghiệp”, PGS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.
Hẳn là PGS Nhĩ rất có lý khi cho rằng, thừa giáo viên, sinh viên sư phạm ra trường “ào ào” rồi sẽ chung cảnh thất nghiệp. Bởi cả nước hiện có 14 trường ĐH sư phạm, 23 trường ĐH đa ngành có khoa sư phạm, 45 trường CĐ sư phạm và 7 trường trung cấp sư phạm. Quy mô tuyển sinh hệ chính quy ĐH sư phạm hằng năm từ 22.500 – 23.000 sinh viên và CĐ từ 24.500 – 26.000 sinh viên. Thực tế cho thấy, ở không ít trường phổ thông đang có tình trạng số giáo viên dạy không đủ tiết, bị điều động làm những việc không đúng chuyên môn, dừng hoặc bị cắt hợp đồng.
Trong thời gian qua, ngành sư phạm trở thành “điểm nóng” gây xôn xao dư luận, như: vụ 214 giáo viên ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị chấm dứt hợp đồng lao động ngay thềm năm học mới; 84 giáo viên mầm non ở Sóc Sơn (Hà Nội) cũng lâm vào tình cảnh tương tự, rồi việc 29 giáo viên THCS ở Bá Thước (Thanh Hóa) bị điều chuyển xuống dạy mầm non… Hàng loạt kỳ thi tuyển công chức, viên chức ngành giáo dục ở các địa phương rùm beng chuyện đỗ – trượt cũng bởi cả chục, cả trăm người thi tuyển vào một vị trí dạy học.
Đổ xô đi học vì được miễn học phí?
Theo lý giải của các chuyên gia giáo dục, do ngành sư phạm nhận được nhiều ưu đãi hơn so với các ngành học khác, trong đó có việc miễn học phí nên số lượng sinh viên, đặc biệt con em vùng nông thôn, theo học rất nhiều. Chính vì thế, lượng sinh viên ngành sư phạm ngày càng đông với con số thống kê của Bộ GD&ĐT rất đáng báo động. Trước thực tế dư thừa nguồn cung do quy mô đào tạo không sát với nhu cầu thực tế, từ năm 2013, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm hệ chính quy. Mới đây, Bộ lại tiếp tục có yêu cầu các trường sư phạm trên cả nước chấm dứt tuyển sinh đào tạo từ xa đối với ngành sư phạm, thực hiện lộ trình giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm chính quy năm 2016 tối thiểu 10% so với năm 2015. Đây được xem là một động thái nhằm giảm bớt tình trạng cử nhân sư phạm thất nghiệp gia tăng trong những năm qua do đào tạo không sát với nhu cầu thực tế.
Chấm dứt đào tạo giáo viên hệ từ xa, giảm chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy theo lộ trình được coi là tín hiệu tích cực trong việc giảm số lượng giáo viên dư thừa và thất nghiệp. Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội khoa học – Tâm lý giáo dục Hà Nội, khâu đào tạo sư phạm ở nước ta không có kế hoạch. Các trường sư phạm đua nhau mở ngày càng nhiều, đào tạo ồ ạt nên mới dẫn đến thừa giáo viên hàng loạt. Đào tạo giáo viên nhiều nhưng lại thiếu những giáo viên có chất lượng. Cái cần tăng thì không tăng, mà cái cần giảm thì không giảm.
“Cách xét giáo viên đạt chuẩn hiện nay đã bộc lộ rõ hạn chế, nếu chỉ dựa vào tấm bằng ĐH hay CĐ là không đúng vì chất lượng giáo viên có đạt chuẩn hay không mới thực sự quan trọng chứ không phải tấm bằng. Bên cạnh đó, muốn giảm thiểu con số dư thừa trước tiên các trường sư phạm cần giảm số lượng đào tạo, quan tâm nhiều hơn tới chất lượng thậm chí có thể tiến hành đào tạo lại những giáo viên chưa đạt chuẩn” – TS Lâm chia sẻ thêm”.
Dù khá muộn, song Bộ GD&ĐT quyết “mạnh tay” trong cắt giảm chỉ tiêu, xóa bỏ hình thức đào tạo từ xa ngành sư phạm, cùng với đó là đề nghị các trường sư phạm, các địa phương tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với nhu cầu nhân lực của địa phương. Đây cũng là tín hiệu tích cực trong phát triển giáo dục ở nước ta.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành văn bản hướng dẫn các Sở GD&ĐT về xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục đào tạo năm 2016. Theo đó, chuyển đào tạo từ số lượng sang chất lượng hiệu quả, gắn với nhu cầu nhân lực địa phương và xã hội. Riêng ngành sư phạm, việc xác định chỉ tiêu chính quy năm 2016 theo lộ trình tiếp tục giảm để khắc phục tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm. Không xác định chỉ tiêu đào tạo với các ngành đào tạo giáo viên trong chỉ tiêu đào tạo từ xa.
Theo GiadinhNet