Cha mẹ “điên đầu” khi con nghỉ hè
Trong cái nóng cao độ của những ngày đầu hè, bữa cơm chiều của mỗi gia đình có con nhỏ càng nóng hơn với đề tài “mùa hè của con” còn nan giải, chưa biết cho con học gì và đi chơi ở đâu.
Đau lòng nhất là do không có nơi vui chơi, trẻ em thành phố phải chơi ở vỉa hè hoặc lòng đường. Nhiều gia đình đành cho con ở nhà xem tivi, chơi điện tử giết thời gian. Trên thực tế đã xảy ra không ít chuyện đau lòng cho trẻ vào dịp nghỉ hè.
Không biết học gì
Tại nhà Thiếu nhi TPHCM chiều 27/5, chị Võ Thị Minh nhà ở quận Phú Nhuận tần ngần trước bảng thông báo chiêu sinh các khoá hè gồm: đàn, ca, múa, võ, vẽ, bơi lội, cầu lông, chữ đẹp… Chị đang đắn đo nên lựa chọn đăng ký cho hai đứa con, một đứa vừa hết mẫu giáo đứa kia hết lớp sáu, học gì trong cái danh sách dài dằng dặc các môn năng khiếu. Chị Minh nói: “Mỗi môn học gói gọn trong một tiếng, tuần hai buổi. Nếu chỉ học một thì chẳng bõ công đưa đón. Còn nếu đăng ký cả hai môn học cùng buổi, học phí một môn thấp cũng 120.000 – 200.000 đồng, hai đứa nhân thành bốn vị chi cũng từ 480.000 – 800.000 đồng/khóa hai tháng”.
Vào hè, tất cả trung tâm sinh hoạt thiếu nhi đều quá tải, không ít học sinh được cha mẹ đưa trở lại trường học để giết thời gian.
Tại nhà thiếu nhi quận Gò Vấp, sau khi dạo qua một vòng các phòng dạy năng khiếu, phụ huynh Nguyễn Thị Liễu nhà ở đường Lê Đức Thọ lắc đầu, nói: “Năm nào tựu trung lại cũng viết chữ đẹp, vẽ, organ, võ… Năm nay thằng nhỏ sắp vô lớp sáu, muốn tìm cho cháu một chỗ sinh hoạt hè thật sự, có vui chơi, du lịch, dã ngoại nhưng không biết ở đâu?”
Trung bình mỗi mùa hè, hệ thống các nhà thiếu nhi tại 24 quận, huyện ở TPHCM đón tiếp hàng trăm ngàn lượt thiếu nhi đến đăng ký học các môn năng khiếu. Mặc dù các khoá chưa khai giảng, nhưng hiện nay có nơi ở nội thành đã thông báo khoá sổ một số lớp. Nhà thiếu nhi quận 1 nổi tiếng có nhiều hoạt động thu hút các em, nhưng nhìn quanh quẩn cũng chỉ các lớp năng khiếu, sân khấu kịch và sinh hoạt định kỳ mỗi chủ nhật hàng tuần.
Học kỳ ở quê
Trên trang blog cá nhân, mẹ của một bé có tên là Hải Đông kể, chị không muốn nhồi nhét cho con từ bé, nhưng chị cũng không biết “phải để nó ở đâu để nó chơi thoải mái ba tháng hè”. Ngày cuối cùng của năm học, vừa lãnh thưởng xong bé liền gọi điện cho bà ngoại nói với bà là chuẩn bị “chịu đựng” cháu, vì cháu sắp được nghỉ hè rồi! Có điều bà và ông bây giờ đều yếu, gửi Đông ở đó thì chị áy náy thương ông bà, để ở nhà một mình thì không yên tâm. Đông đã từng tự động thay bóng điện, đốt giấy, cắm phích điện lung tung. Cho đi học thêm cũng “chết”, bởi toàn học từ 2 – 4 giờ, vẫn trong giờ làm việc của mình, ngày ngày trốn việc đưa đón con cũng không ổn. Tóm lại là chị vẫn chưa biết phải quyết định thế nào với ba tháng hè vui vẻ của con.
Giống trường hợp mẹ của bé Hải Đông, nhưng anh Lý Công Chánh ở quận 8 thì may mắn hơn vì… ông bà còn ở quê. Anh cho biết giữa tháng sáu sẽ gửi hai con trai theo đứa cháu về quê nội ở Tiền Giang một tháng. “Quê nội ở Cai Lậy cũng không xa thành phố là bao có ông bà cô bác, có hương đồng gió nội, lại có đứa cháu đang là sinh viên trông coi. Các cháu vừa được nghỉ hè thoả thích vừa tiết kiệm mà ông bà cũng vui”, anh Chánh nói.
“Học kỳ nhà quê” có lẽ là phương án tối ưu cho những gia đình trẻ, nhưng không phải ai cũng có điều kiện may mắn như vậy, đặc biệt là với những bà mẹ con còn ít tuổi.
Đành phải học hè
Mặc dù phụ huynh không muốn, trẻ không hào hứng, nhưng cuối cùng có lẽ học hè vẫn là giải pháp mà đa số phụ huynh buộc phải lựa chọn. Chị Khánh Lam, nhà ở Giảng Võ, Hà Nội tâm sự, con gái chị năm nay lên lớp một. “Hè này cháu hết tuổi đi mẫu giáo nhưng lớp một chưa vào. Gia đình không có ai trông, cho con đi học các trường năng khiếu, vui chơi thì phải có thời gian đưa đón. Ở nhà một mình không được, nên đành xin cô giáo cho cháu đi học lại mẫu giáo với các cháu ba tuổi. Như vậy vừa có người trông bé, đến lớp bé có thể giúp cô giáo chơi với các em nhỏ hơn. Mình cho con đi học lẻ, tiện giờ nào đi giờ đó. Hà Nội ít nơi vui chơi quá, quanh đi quanh lại có vài trò”, chị Lam nói.
Ông Nguyễn Văn Tùng, ở quận Gò Vấp, TPHCM lý giải về việc lựa chọn đăng ký cho con học hè vì “không tìm đâu ra sân chơi nào phù hợp cho cháu”. Hai vợ chồng ông buôn bán suốt ngày ngoài chợ Tam Bình, dù con đã 12 tuổi nhưng để nó ở nhà tự do thì sợ sinh tật, không theo bạn ra quán net cũng đi đá banh ngoài đường còn nguy hiểm hơn.
Tại điểm đăng ký lớp học năng khiếu bơi lội ở câu lạc bộ Kỳ Đồng, quận 3, TPHCM, phụ huynh Ngô Thị Tuyết có con đang học lớp sáu trường trung học cơ sở Kiến Thiết cho biết, chị đến để đăng ký cho con học bơi vì nó thích bơi lội. “Nhưng đầu tháng bảy này cháu vẫn phải vô trường học thêm hè vì sức học của cháu chỉ trung bình. Hơn nữa nhà chỉ có mình nó không vô trường thì ai trông nom”, bà Tuyết nói.
Mặc dù hàng năm thành phố đều có kế hoạch hoạt động và ban chỉ đạo hè từ cấp thành phố đến quận, huyện, khu phố, tuy nhiên các nơi cũng chỉ tổ chức sinh hoạt định kỳ nhiều lắm là tháng hai lần và phần nhiều mang tính phong trào. Một số trung tâm sinh hoạt có mở các lớp phối hợp vui chơi giải trí với huấn luyện kỹ năng, rèn luyện thể lực song thu học phí cao nên nhiều phụ huynh với không tới. Do vậy, nói như bà Tuyết: “Hô hào thì dễ, nhưng thực hiện cho bọn trẻ vui hè theo đúng nghĩa chẳng dễ chút nào trong điều kiện ở thành phố hiện nay”.
Video đang HOT
Theo Như Thuần – Lệ Hà
SGTT
Hè này, teen Hà Thành thỏa thích bơi lội ở đâu?
Mùa hè đến rồi, teen lại nô nức kéo nhau đi tránh nóng bằng cách "vùng vẫy" ở bể bơi. Giữa cái nắng nóng oi ả, nhiệt độ xấp xỉ 40oC, còn gì thú hơn là nô đùa trong làn nước mát nhỉ? Số lượng bể bơi cũng vì thế mà tăng lên, nhiều bể đã nâng cấp cơ sở vật chất để đón chào lượng khách khổng lồ. Teen cũng vì thế mà khó lựa chọn bể nào thích hợp nhất.
Ngoài bể đẹp, không gian thoáng đãng và nhất là phải sạch sẽ, thì teen cũng thích tới những bể có nhiều đồ ăn để còn nhâm nhi với bạn. Bởi sau khi bơi lội tung tăng, bụng đói là chuyện dễ hiểu. Giá vé cũng là một điều quan trọng, nhiều bể hợp với túi tiền eo hẹp của teen nhưng view lại không đẹp, tới bể có background lung linh thì teen lại phải tiết kiệm và hạn chế số lần bơi trong tuần. Để giúp các bạn tham khảo, chúng tớ xin "chấm điểm" 4 bể ở trung tâm thành phố mà teen hay đến. Cùng nghía qua nhé!
1. Bể Bốn Mùa - Số 4 Trần Hưng Đạo, đối diện viện Quân Y 108
Giờ mở cửa: từ 5h-21h hàng ngày, phục vụ cả ngày lễ và Chủ Nhật
Giá vé: 60k/người lớn ; 45k/trẻ em
Điểm cộng: Nước tự động thay bằng máy lọc theo tiêu chuẩn Châu Âu, bể sạch tuyệt đối. Độ sâu từ 1m đến 1m9. Chiều rộng bể 12m, chiều dài 25m. Có bể phụ cho trẻ em. Có nhiều dịch vụ thể thao khác như bơi lội kết hợp tập luyện, phòng tập trên tầng 2 đầy đủ thiết bị hiện đại. Không đông lắm nên không sợ bị chen chúc dưới bể.
Điểm trừ: Theo nhận định của chúng tớ, đây là bể bơi trong nhà nên không khí khá ngột ngạt (do hơi nước bốc lên mà), không có view đẹp. Chỉ được mang lavie vào vì sợ dây bẩn ra bể. Đồ ăn không có.
Chúng tớ đã "chộp" được 1 đôi là khách thường xuyên của bể Bốn Mùa. Bạn Linh Chi (sn1995) cho biết, bạn ấy thường tới đây bơi vào 3 ngày trong tuần, từ 5-6h. Theo bạn, bể này khá sạch, rộng rãi nhưng không thoáng lắm. Và không được đem theo đồ ăn nên cũng hơi bất tiện.
2. Bể nước ngọt Phạm Ngũ Lão - 33C Phạm Ngũ Lão
Giờ mở cửa: 6h-22h hàng ngày
Giá vé: 70k/người lớn, 40k/trẻ em
Điểm cộng: View đẹp, thoáng vì là bể ngoài trời. Có ghế nghỉ đẹp, rất thích hợp để teen pose ảnh. Bể nằm trong khuôn viên của nhà khách Bộ quốc phòng nên không có chuyện khách ra vào lộn nhộn. Phòng chờ vừa mát (có máy lạnh), vừa đẹp và lịch sự. Các cô lễ tân rất dễ chịu. Phòng thay đồ tiện nghi, sạch sẽ.
Bể lọc tuần hoàn, thay nước liên tục. Độ sâu từ 1,1m đến 2,4m. Chiều dài bể 20m. Có bể nông cho trẻ em ván trượt. Có khăn tắm. Đồ ăn uống phong phú với các món từ ăn nhanh như khoai tây, khoai lang chiên, ngô chiên, sandwich, bánh mỳ... (giá từ 15-30k) cho đến sườn nướng, gà quay... (giá từ 50k trở lên).
Điểm trừ: Hơi ít teen, bể bé. Những hôm nóng, vào "giờ cao điểm" 4-6h, teen dễ phải chen chúc dưới bể. Vì thế teen nên bơi vào buổi tối, vừa mát lại đỡ bị đông.
Cũng ở cùng địa chỉ 33C Phạm Ngũ Lão là Bể nước mặn (đi thẳng vào tòa nhà phía trong, lên tầng 2)
Giờ mở cửa: 6h-22h hàng ngày
Giá vé: 50k/người lớn, 35k/trẻ em
Điểm cộng: Bơi nước mặn tốt hơn cho sức khỏe, đây cũng là một trong số ít bể nước mặn tại Hà Nội. Khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng vì bể ngoài trời. Có bể cho trẻ em. Lúc nào cũng vắng vẻ hơn nên không phải chen chúc. Bơi buổi tối càng vắng và yên tĩnh, bơi chán thì lên nằm ngắm cảnh.
Điểm trừ: Bơi ban ngày dễ bị đen da vì nước muối. Không có đồ ăn, chỉ có nước uống. Bể bé. View không được đẹp lắm nên ít teen đến.
3. Bể Sao Mai (số 10 Đặng Thai Mai - hiện chuyển sang cửa 27 Xuân Diệu)
Giờ mở cửa: 13h-20h ngày thường ; 6h-20h thứ 7, Chủ Nhật
Giá vé: 40k/người lớn, 30k/trẻ em
Điểm cộng: Nước được lọc theo hệ thống tuần hoàn tiêu chuẩn Tây Ban Nha. Bể người lớn độ sâu từ 1m-2m2, bể trẻ em từ 0,4m-1m. Các dịch vụ khá tốt, có dịch vụ trông đồ cho khách. Bể ngoài trời có view đẹp, thoáng đãng và rất rộng rãi. Vào những ngày trời nóng, rất nhiều "girl xinh tươi" chọn bể này làm nơi khoe "body" chuẩn, nên Sao Mai luôn là một trong những bể bơi thuộc dạng hot đông teen ở Hà Nội.
Đồ ăn có xúc xích: 15k, phồng tôm: 10k, khoai chiên: 20k, thịt xiên: 10k và nhiều món ăn nhanh khác, giá khá mềm. Nhiều loại đồ uống như Coca, pepsi, trà xanh...
Điểm trừ: Nước nhiều clo nên có mùi hắc, dễ gây khó chịu, nước không sạch lắm. Tuy bể rộng nhưng rất đông khách, vào giờ cao điểm những ngày oi bức teen dễ phải chen chúc dưới bể. Ở đây đóng cửa khá sớm nên cũng bất tiện cho teen nào thích bơi muộn.
4. Bể Thắng Lợi (trong khuôn viên khách sạn Thắng Lợi, phố Yên Phụ, Tây Hồ)
Giờ mở cửa: 6h-21h
Giá vé: 50k/người lớn, 30k/trẻ em
Điểm cộng: Nhiều bạn nghĩ rằng bể bơi nằm trong khách sạn 3 sao thì giá sẽ khá chát. Nhưng thực ra giá cả ở đây khá mềm, view lại rất đẹp, teen có thể vừa bơi vừa ngắm cảnh Hồ Tây ngay bên cạnh. Bể ngoài trời thoáng đãng, sạch, không có mùi clo. Độ sâu từ 1m2 đến 2m2.
Khách đến đây cũng lịch sự vì phần đông là người nước ngoài, không có cảnh nhộn nhạo như ở các bể khác. Ghế nghỉ đẹp, là địa điểm tốt để teen pose ảnh.
Có các món ăn nhanh như khoai chiên: 23k, xúc xích: 15k, lợn xiên: 46k, bánh mỳ: 5k và bánh gato, caramen, kem các loại.
Điểm trừ: không có bể phụ dành cho trẻ em nên bất tiện cho teen nào dắt em bé đi cùng. Bể bé, khá sâu. Vào ban ngày thì toàn khách nước ngoài, từ 6h tối mới có khách Việt đến bơi.
Ngoài ra, teen cũng có thể chú ý đến một vài bể trung bình như Tây Hồ, Thành Công, Asian ở Chùa Bộc, Bốn Mùa ở Ngọc Khánh... Đây là các bể có giá cả vừa phải, có đồ ăn nhưng vào ngày hè nóng bức rất dễ rơi vào tình trạng đông đúc, thế nên lắm khi đi bơi cho mát mà vẫn bị nóng như thường. Chúc teen sớm tìm được bể phù hợp với mình nhất, và tha hồ vùng vẫy trong làn nước mát nhé!
Theo PLXH
Teen và những kế hoạch hè bị xếp vào xó Mùa hè đã đến, đây là thời điểm thích hợp cho những kế hoạch học tập, giải trí, phượt... Kế hoạch khi vạch ra thì thấy náo nức và hấp dẫn, nhưng khi thực hiện nó thì chẳng đơn giản gì đâu bạn ạ, vì thế có nhiều teen, bởi không khéo sắp xếp hay vì nhiều lí do, khi hết hè lại...