Cha đẻ World Wide Web muốn đưa Internet trở về thập niên 90
Trong bối cảnh quyền riêng tư bị kiểm soát bởi các hãng công nghệ lớn, cha đẻ của World Wide Web đang theo đuổi ý tưởng đưa Internet bình đẳng như những năm 1990.
30 năm trước, Tim Berners-Lee cho ra đời tiêu chuẩn đơn giản nhưng hiệu quả trong việc tổ chức, liên kết và trình bày nội dung trên Internet là World Wide Web (WWW). Ông phụ trách quản lý các tiêu chuẩn số, giúp Internet trở thành công cụ kết nối, chia sẻ thông tin bình đẳng.
Ở tuổi 65, Berners-Lee cho rằng Internet đã đi chệch hướng. Cha đẻ WWW nhấn mạnh các hãng công nghệ như Facebook, Google đang nắm quá nhiều quyền lực và dữ liệu cá nhân. “Silo” là thuật ngữ được Berners-Lee sử dụng cho các công ty giám sát, kiểm soát sự đổi mới.
Những cơ quan quản lý cũng có quan điểm tương tự. Tại châu Âu, Facebook hay Google đang đối mặt khả năng bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Nhiều quốc gia cũng điều tra các công ty này với cáo buộc lạm dụng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh.
Dù vậy, cách tiếp cận của Berners-Lee có sự khác biệt khi cho người dùng nhiều quyền kiểm soát dữ liệu hơn. Nói cách khác, đó là “web mà tôi muốn ngay từ đầu”, Berners-Lee chia sẻ.
Tim Berners-Lee đang hiện thực hóa ý tưởng về kho lưu trữ cho phép người dùng kiểm soát dữ liệu cá nhân.
Công cụ giúp người dùng chủ động kiểm soát quyền riêng tư
Ýtưởng của Berners-Lee xoay qoanh PODS (personal online data stores – kho dữ liệu trực tuyến cá nhân). Đây là nơi để mọi người kiểm soát dữ liệu của mình gồm các website đã truy cập, giao dịch thẻ tín dụng, thói quen tập thể dục, nhạc đã phát… trong một khu vực an toàn, độc lập trên máy chủ.
Các công ty công nghệ sẽ truy cập vào dữ liệu trong PODS thông qua đường dẫn bảo mật, hoặc khi người dùng cho phép để kiểm tra điểm tín dụng hay hướng đối tượng quảng cáo. Họ có thể liên kết và sử dụng các thông tin đã truy cập, nhưng không được lưu trữ chúng.
Ý tưởng về khả năng kiểm soát dữ liệu cá nhân của Berners-Lee trái ngược hẳn với mô hình thu thập, lưu trữ dữ liệu của các công ty công nghệ lớn. Có thể xem giải pháp này là tiêu chuẩn công nghệ mà các lập trình viên, doanh nghiệp có thể áp dụng.
Để hiện thực hóa ý tưởng, Berners-Lee đã tạo ra phần mềm mã nguồn mở Solid, sau đó thành lập doanh nghiệp có tên Inrupt với John Bruce. “Đây là việc tạo ra thị trường mới”, Berners-Lee chia sẻ. Ông đang là Giám đốc công nghệ của Inrupt.
Tim Berners-Lee muốn Internet có lại sự bình đẳng như cách đây 30 năm.
Thị trường kinh doanh mới?
Video đang HOT
Inrupt được giới thiệu vào tháng 11/2020, cung cấp phần mềm máy chủ cho các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ. Một số khách hàng của startup này như Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh và chính phủ Flanders, vùng nói tiếng Hà Lan của Bỉ.
Mô hình kinh doanh của Inrupt là cung cấp phần mềm trả phí kết nối với PODS. Sử dụng mã nguồn mở Solid, phần mềm của Inrupt được tích hợp thêm các công cụ phát triển, quản lý và bảo mật nâng cao. Startup có trụ sở tại Boston đã huy động được 20 triệu USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm.
Theo Berners-Lee, các startup đóng vai trò lớn trong thúc đẩy công nghệ mới. Cách đây 30 năm, WWW của ông đã phát triển sau khi Netscape giới thiệu trình duyệt web và Red Hat thâu tóm hệ điều hành mã nguồn mở Linux.
Trước Inrupt, đã có nhiều công ty mang đến giải pháp kiểm soát quyền riêng tư của người dùng nhưng đều thất bại. Phần mềm quản lý của họ thường hạn chế tính năng và khó sử dụng, chủ yếu chỉ dành cho những người thực sự có thời gian quan tâm đến quyền riêng tư.
Dù chưa phổ biến, các dịch vụ trên ngày càng phát triển và thông minh, khiến các công ty công nghệ phải để ý. Năm 2018, liên minh gồm Google, Facebook, Apple, Microsoft và Twitter đã thành lập Data Transfer Project (Dự án truyền dữ liệu), cam kết cho phép người dùng quản lý, liên kết dữ liệu một cách linh hoạt giữa dịch vụ của các công ty trên.
Cơ chế hoạt động kho dữ liệu của Inrupt.
Peter Swire, chuyên gia về quyền riêng tư tại Trường Cao đẳng Kinh doanh Scheller thuộc Học viện Công nghệ Georgia, cho rằng dự án này sẽ mở ra thị trường mới cho Berners-Lee và các doanh nghiệp muốn cung cấp dịch vụ quản lý dữ liệu người dùng.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh đang hợp tác với Inrupt trong dự án thí điểm về chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ. Mỗi bệnh nhân sẽ có một PODS chứa thông tin cá nhân để bổ sung vào hồ sơ sức khỏe. Chúng có thể liệt kê những hoạt động mà bệnh nhân cần trợ giúp. Dữ liệu đo từ Apple Watch hoặc Fitbit cũng có thể được chuyển vào các PODS.
Scott Watson, Giám đốc kỹ thuật của dự án cho biết mục tiêu là cải thiện sự chăm sóc để bệnh nhân bớt căng thẳng. Trong khi đó, Raf Buyle, kiến trúc sư thông tin của chính phủ Flanders, cho biết dữ liệu cá nhân có thể được liên kết với dữ liệu công khai và riêng tư để tạo ra các ứng dụng mới.
Buyle nêu ý tưởng về ứng dụng đề xuất tuyến đường và phương thức di chuyển, kết hợp dữ liệu vị trí từ smartphone với sở thích đi lại, tình hình thời tiết, lịch trình giao thông công cộng, các địa điểm cho thuê xe đạp và chất lượng không khí.
Berners-Lee dành cả sự nghiệp để ủng hộ chia sẻ thông tin, sự cởi mở và quyền riêng tư của người dùng trực tuyến. Dù giành nhiều giải thưởng, ông ngày càng lo ngại khi quyền lực trên Internet đang “chống lại các cá nhân”. Đó là thứ mà Solid-Inrupt muốn sửa chữa.
Dự án tái định nghĩa Internet liệu có thành công?
Nỗ lực giúp người dùng kiểm soát dữ liệu thường bắt nguồn từ vấn đề quyền riêng tư. Nhưng với ý tưởng này, Berners-Lee hy vọng sẽ khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm thấy cơ hội cho các dịch vụ và sản phẩm mới, tương tự những gì web đã làm được.
Dù vậy, một số người trong lĩnh vực dữ liệu cá nhân cho rằng công nghệ của Solid-Inrupt quá hàn lâm đối với lập trình viên chính thống. Họ cũng đặt câu hỏi liệu công nghệ có tăng trưởng đủ mạnh để trở thành nền tảng cho các ứng dụng trong tương lai hay không.
Một số người trong lĩnh vực dữ liệu cá nhân cho rằng dự án của Berners-Lee quá hàn lâm.
“Không ai tranh cãi với hướng đi này… Nhưng liệu những gì ông ta đang làm có thực sự hiệu quả?”, Liam Broza, nhà sáng lập dự án dữ liệu nguồn mở LifeScope cho biết.
Một số quan điểm khác cho rằng Solid-Inrupt chỉ là một phần trong hàng loạt giải pháp. “Có nhiều dự án khác cũng quan trọng với tầm nhìn này”, Kaliya Young, đồng Chủ tịch Hội thảo Nhận dạng Internet nhận định.
Trong khi đó, Berners-Lee khẳng định dự án của ông không tạo ra hệ thống nhận dạng, cho rằng những gì hoạt động đều có thể kết nối với công nghệ này.
“Inrupt đối mặt nhiều thách thức kỹ thuật, nhưng không có gì khó như lên Mặt Trăng”, Bruce Schneier, chuyên gia về quyền riêng tư và bảo mật máy tính nổi tiếng, trưởng bộ phận kiến trúc bảo mật của Inrupt, cho biết.
“Công nghệ này có thể tạo ra nhiều đổi mới. Tôi nghĩ đây là cơ hội để thay đổi cách hoạt động của Internet. Thật kỳ lạ, Tim đã làm được điều đó trong quá khứ”, Schneier bày tỏ suy nghĩ lạc quan về dự án “tái định nghĩa” Internet của cha đẻ WWW.
11 điều thú vị 'lần đầu tiên' xảy ra trên Internet
Ai là người đầu tiên gửi email và nội dung của nó là gì? Người tải bức hình đầu tiên lên Internet là ai?
Email đầu tiên được gửi đi bởi Ray Tomlinson đến chính mình vào năm 1971. "Đoạn email thử nghiệm này rất đáng quên... Nhiều khả năng nội dung tin nhắn đầu tiên chỉ là QWERTYIOP hoặc một thứ tương tự thế," ông nói.
Chúng ta có thể đổ lỗi cho ARPANET cho email đầu tiên được gửi đi dưới dạng spam. Nó được gửi tới 393 người vào ngày 3/5/1978.
Tên miền đầu tiên được đăng kí là Symbolics.com vào ngày 15/3/1985. Ở thời điểm hiện tại, tên miền này phục vụ mục đích như một website mang tính lịch sử.
Website đầu tiên trên thế giới được dùng để đăng tải thông tin về World Wide Web và nó bắt đầu hoạt động từ ngày 6/8/1991. Đây là đường dẫn bạn có thể ghé thăm nó: http://info.cern.ch/hypertext/WWW/TheProject.html.
Người đầu tiên tải ảnh lên Internet là Tim Burners Lee (người phát minh ra World Wide Web). Ông làm điều này thay mặt cho một nhóm hài có tên Les Horrible Cernettes.
Tin nhắn nhanh đầu tiên được gửi qua AOL là do Ted Leonsis thực hiện cho người vợ của mình vào ngày 6/1/1993. Nó có nội dung, "Đừng sợ... là anh đây. Yêu và nhớ em." Vợ ông đã trả lời rằng, "Wow... tuyệt thật!". Leonsis sau đó trở thành Phó Chủ tịch của AOL.
Joe McCambley là người chạy quảng cáo dạng banner đầu tiên trên Internet. Nó được đưa lên mạng vào tháng 10/1994 ở địa chỉ HotWired.com với nội dung quảng cáo 7 bảo tàng nghệ thuật và được tài trợ bởi AT&T.
Thứ đầu tiên được bán trên eBay (lúc đó có tên là AuctionWeb) là một chiếc bút chiếu laser bị hỏng với giá 14,83 USD vào năm 1995. Người mua nó nới với người sáng lập Pierre Omidyar rằng ông ta chuyên sưu tập những chiếc bút chiếu laser hỏng.
Cuốn sách đầu tiên được mua trên Amazon là Fluid Concepts and Creative Analogies: Computer Models of the Fundamental Mechanisms of Thought của Douglas Hofstadter vào năm 1995.
Câu nói đầu tiên được chuyển qua Skype là bằng tiếng Estonia vào tháng 4/2003 và nó đến từ một thành viên của nhóm phát triển sản phẩm. Câu này cụ thể là "Tere, kas sa kuuled mind?" (tạm dịch: Xin chào, anh có nghe thấy tôi không?).
Mark Zuckerberg là người dùng Facebook đầu tiên và số ID của anh là 4. Ba người dùng đầu tiên với số ID 1, 2 và 3 chỉ là các tài khoản thử nghiệm. Người đầu tiên không nằm trong đội ngũ sáng lập Facebook có tài khoản mạng xã hội này là Arie Hasit.
Internet vệ tinh của Musk bắt đầu bán tại Anh Starlink đã được cấp phép truy cập vào mạng viễn thông Anh, gói cước mỗi tháng cho người dùng phổ thông là 89 bảng Anh (2,8 triệu đồng). Theo Telegraph dịch vụ Internet vệ tinh của Elon Musk đã được giấy phép hoạt động từ Ofcom - Cơ quan quản lý viễn thông của Anh. Phát ngôn viên từ Văn phòng Truyền thông...