Cha đẻ tiêm kích tàng hình Trung Quốc thừa nhận học hỏi từ Mỹ
Dương Vĩ, người thiết kế tiêm kích J-20, cho biết ông lấy cảm hứng phát triển phi cơ tàng hình Trung Quốc từ học thuyết của Mỹ.
Tiêm kích tàng hình J-20 được phát triển dựa trên cảm hứng từ ý tưởng chế tạo máy bay và học thuyết tác chiến đường không của Mỹ, Dương Vĩ, tổng công trình sư Viện Thiết kế Máy bay Thành Đô (CADI), cho biết trong bài viết đăng trên tạp chí hàng không Trung Quốc Acta Aeronautica et Astronautica Sinica hồi tuần trước.
Dương Vĩ là người thiết kế J-20, tiêm kích tàng hình đầu tiên của Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng việc công khai thừa nhận học hỏi ý tưởng của Mỹ là cách giúp Dương Vĩ quảng bá chiến đấu cơ J-20, trong bối cảnh các nhà thiết kế nước này đang chạy đua phát triển tiêm kích trên hạm cho tàu sân bay thế hệ mới của Trung Quốc.
Tiêm kích J-20 bay biểu diễn năm 2018. Ảnh: AFP.
Hai ứng cử viên hàng đầu hiện nay là biến thể sửa đổi của dòng J-20 do CADI phát triển và tiêm kích tàng hình FC-31 của Viện Thiết kế Máy bay Thẩm Dương, vốn được coi là “ tiêm kích F-35 phiên bản Trung Quốc”. Cả hai dòng máy bay đã được phát triển từ lâu, trong đó J-20 được không quân Trung Quốc lựa chọn đưa vào biên chế.
Dương Vĩ cho rằng J-20 là giải pháp vượt trội so với chiếc FC-31, vốn được nghiên cứu dựa trên thiết kế từ thời Liên Xô. Ông cho rằng quân đội Mỹ chỉ mất 6 năm để thiết kế và sản xuất hàng loạt một dòng tiêm kích hạm đời mới.
Video đang HOT
“Nếu lãnh đạo Trung Quốc chọn FC-31 làm nền tảng tiêm kích hạm mới, họ sẽ mất ít nhất 10 năm để nó đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu đầy đủ. Khi đó Mỹ đã tiến xa hơn”, một quan chức quốc phòng Trung Quốc giấu tên cho biết.
Chuyên gia quân sự Zhou Chenming tại Bắc Kinh cho rằng tổng công trình sư CADI muốn chứng minh J-20 không chỉ là tiêm kích thế hệ 5, mà còn là nền tảng ứng dụng nhiều công nghệ mới nhằm khắc phục các nhược điểm xuất hiện trên chiến đấu cơ tàng hình F-22 Mỹ.
“Các nhà thiết kế Trung Quốc trước kia chịu ảnh hưởng lớn từ tư duy của Liên Xô và Nga, khiến họ tập trung vào năng lực chiến đấu của máy bay mà bỏ qua nhiều yếu tố khác như hệ thống điện tử và vũ khí”, Zhou nói.
Tuy nhiên, J-20 có một số điểm yếu so với FC-31 trong vai trò tiêm kích hạm. Nó có khối lượng cất cánh tối đa tới 37 tấn, cao hơn nhiều so với mức 28 tấn của FC-31. Chiếc J-20 cũng dài hơn đối thủ khoảng 3 m, ít phù hợp với hoạt động trên tàu sân bay hơn. Bù lại, J-20 đã được đưa vào biên chế không quân Trung Quốc, trong khi FC-31 mới chỉ dừng ở nguyên mẫu bay thử nghiệm.
Trung Quốc có thể hồi sinh tiêm kích tàng hình bị 'ruồng rẫy'
Trung Quốc có thể đang điều chỉnh và nâng cấp dòng FC-31, vốn không tìm được khách hàng, để phục vụ lực lượng không quân hải quân.
Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hàng không Trung Quốc cuối tháng 6 cho biết đang phát triển dự án tiêm kích mới, đặt mục tiêu thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào năm sau. Dự án còn có sự tham gia của các đơn vị gồm Viện Nghiên cứu và Thiết kế Máy bay Thẩm Dương, Viện Nghiên cứu 29 có trụ sở tại Thành Đô, trực thuộc Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC).
Thông báo không nêu chi tiết về tiêm kích mới, nhưng Viện nghiên cứu Thẩm Dương là nơi phát triển J-15, tiêm kích hạm đầu tiên của Trung Quốc, cùng nguyên mẫu tiêm kích tàng hình FC-31. Giới chuyên gia nhận định mẫu tiêm kích mới có thể được gọi là J-35, mẫu hoàn chỉnh của FC-31 và được coi là "tiêm kích F-35 phiên bản Trung Quốc".
Nguyễn mẫu FC-31 bay biểu diễn năm 2014. Ảnh: Wikipedia.
Nguyên mẫu FC-31 có hình dạng tương đồng siêu tiêm kích F-35 Mỹ, được Viện nghiên cứu Thẩm Dương ra mắt từ năm 2012 với tham vọng cạnh tranh với J-20 để trở thành mẫu tiêm kích tàng hình đầu tiên của không quân Trung Quốc.
Tuy nhiên, không quân Trung Quốc sau đó đã lựa chọn biên chế J-20, khiến FC-31 trở thành mẫu tiêm kích tàng hình bị "ruồng rẫy" và không được sản xuất đại trà.
Một trong những lý do FC-31 không được ưa chuộng có thể do màn ra mắt đáng thất vọng tại China Airshow 2014, khi chiếc máy bay trình diễn với động cơ xả khói đen mù mịt. FC-31 ban đầu trang bị động cơ RD-33 của Nga, tương tự động cơ trên tiêm kích MiG-29. Dù đạt tiến bộ lớn trong sản xuất máy bay, Trung Quốc vẫn chật vật trong thiết kế động cơ phản lực hiệu suất cao, đặc biệt vì những hạn chế trong lĩnh vực luyện kim.
Với mục đích phục vụ xuất khẩu, FC-31 đã tham gia nhiều triển lãm hàng không từ sau chuyến bay đầu tiên năm 2012 nhưng vẫn không thể thu hút được khách hàng. Không quân Trung Quốc cũng quyết định không đặt mua mẫu tiêm kích này và tập trung vào dòng J-20.
Nguyên mẫu FC-31 sau đó trải qua một số lần thay đổi thiết kế lớn nhằm thử nghiệm công nghệ chế tạo tiêm kích hạm.
Chuyên gia quân sự Shi Lao tại Thượng Hải nhận định mẫu tiêm kích mới có thể là bản nâng cấp của FC-31, được tối ưu cho hải quân với thiết kế hỗ trợ máy phóng trên tàu sân bay.
Trung Quốc đang vận hành hai tàu sân bay với thiết kế cầu nhảy. Tuy nhiên, những tàu sân bay tiếp theo có thể sử dụng hệ thống máy phóng điện từ, khiến dòng FC-31 cạnh tranh với chiến đấu cơ J-20 để trở thành tiêm kích hạm trên tàu sân bay.
FC-31 có khối lượng cất cánh tối đa khoảng 28 tấn, thấp hơn nhiều so với mức 37 tấn của J-20. Nó cũng ngắn hơn 3 m so với đối thủ cạnh trạnh. Các yếu tố này giúp FC-31 dễ tương thích với hoạt động trên tàu sân bay. Tuy nhiên, nó mới chỉ dừng ở giai đoạn nguyên mẫu bay thử, chưa được biên chế và khó chứng tỏ năng lực so với dòng J-20.
Nguyên mẫu FC-31 cải tiến được tăng cường bay thử gần đây cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh dự án phát triển tiêm kích mới. Tuy nhiên, ngay cả khi nó được thử nghiệm trong năm tới, Bắc Kinh vẫn cần thêm nhiều thời gian để tích hợp mẫu máy bay mới lên tàu sân bay cũng như cải thiện động cơ, vấn đề nan giải với các chiến đấu cơ Trung Quốc.
"Giống các tiêm kích trước đây, động cơ sẽ là vấn đề then chốt với mẫu chiến đấu cơ mới", chuyên gia Shi Lao đánh giá.
Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất động cơ phản lực hiện đại. Tiêm kích J-20 vẫn phải dùng động cơ Nga do phiên bản WS-15 chưa đủ tin cậy. Nguyên mẫu FC-31 trang bị động cơ WS-13, biến thể của động cơ Klimov RD-93 đang sử dụng trên tiêm kích JF-17. Động cơ này sử dụng công nghệ thập niên 1970 và 1980, giới hạn đáng kể hiệu suất và khả năng tàng hình của FC-31
"Nhiều khả năng J-35 sẽ bổ sung và thay thế dần tiêm kích hạm J-15, vốn bị hạn chế đáng kể về tầm bay và tải trọng vũ khí khi vận hành trên tàu sân bay. Nó sẽ được tối ưu hóa cho những tàu sân bay mới như lớp Type-003, vốn được thiết kế với máy phóng thay vì thiết kế kiểu cầu nhảy", Shi Lao nói.
Mỹ dừng thử nghiệm F-35 vì Covid-19 Đợt thử nghiệm then chốt của dự án F-35 tại căn cứ Edwards ở bang California, Mỹ phải ngừng vô thời hạn sau khi 4 binh sĩ nhiễm nCoV. "Dự án F-35 đang chịu tác động do lệnh hạn chế từ cấp địa phương, bang và liên bang nhằm đối phó Covid-19. Chúng tôi đã chấm dứt mọi hoạt động bay thử nghiệm...