CEO Volkswagen thừa nhận Tesla vượt xa hơn “bất kỳ ai” về phần mềm và khả năng tự lái
Đây chính là một phần lý do khiến Tesla hiện đang có giá trị vốn hóa gấp đôi Volkswagen dù chỉ xuất xưởng được lượng xe rất nhỏ so với đối thủ.
Theo một bản ghi chú nội bộ của công ty, chính CEO của Volkswagen, hãng ô tô lớn thứ hai thế giới hiện nay, Hebert Diess đã phải thừa nhận rằng Tesla đang vượt xa VW về phần mềm và tính năng của nó trong chương trình xe tự lái.
Trong đó, Tesla đang đi tiên phong trong việc cập nhật phần mềm qua mạng (Over the Air) đối với ngành công nghiệp ô tô. Trong khi tính năng này đã trở nên quá quen thuộc đối với smartphone, nó có thể đem lại khác biệt hoàn toàn cho ô tô khi giúp cải thiện trải nghiệm người dùng theo thời gian.
CEO Elon Musk từng tự tin cho rằng, ngay cả khả năng tự lái của những chiếc xe này cũng có thể được triển khai thông qua việc phát hành một bản cập nhật qua mạng. Bản thân Volkswagen cũng nhận ra điều đó, chính vì vậy CEO của họ đang phải lo lắng về điều này.
Tạp chí Đức Automobilwoche đã thu được một ghi chú nội bộ tại Volkswagen cho thấy, ông Diess nhận ra phần mềm của xe Tesla và các khả năng của nó, không chỉ vượt xa hãng xe của ông mà còn “ bất kỳ nhà sản xuất ô tô nào khác.” Chính điều này đang làm ông phải “đau đầu” tìm cách đối phó.
Việc tích hợp sâu phần mềm vào xe Tesla không chỉ hấp dẫn người dùng khi cho phép họ sử dụng điện thoại để điều khiển xe và mà còn xây dựng nên các trải nghiệm riêng xung quanh màn hình trung tâm trong chiếc xe. Tuy nhiên đây chưa phải là điều mà CEO Volkswagen lo lắng nhất.
Điều lo ngại lớn hơn với Volkswagen là việc Tesla sử dụng phần mềm đó trong chương trình xe tự lái Autopilot của họ. Ghi chú của ông Diess cho biết:
“ Điều làm tôi lo lắng nhất là năng lực của các hệ thống hỗ trợ. 500.000 chiếc xe Tesla hoạt động như một mạng lưới thần kinh nhân tạo liên tục thu thập dữ liệu và cung cấp cho khách hàng trải nghiệm lái xe mới sau mỗi 14 ngày bằng các tính năng được cải thiện. Không nhà sản xuất ô tô nào khác có thể làm được điều đó hiện nay.“
Video đang HOT
Trong khi xe tự lái của nhiều công ty khác còn đang chạy thử nghiệm, các xe Tesla đã chạy thực tế trên đường và thu thập dữ liệu cho công ty.
Đây cũng là khác biệt lớn nhất giữa Tesla với hầu hết các nhà sản xuất ô tô và các công ty công nghệ khác đang tham gia cuộc đua xe tự lái hiện nay. Tesla không phải dựa vào đội xe thử nghiệm hay các mô hình giả lập để thu thập dữ liệu cho chương trình của mình, họ có hàng trăm nghìn chiếc xe thực tế đang chạy trên đường mỗi ngày để làm điều đó.
Nhiều nhà phân tích cũng tin rằng, một phần lý do khiến Tesla được định giá cao như hiện nay là vì công ty này được xem như một hãng phần mềm, thay vì chỉ là một hãng ô tô đơn thuần. Cho dù chỉ có sản lượng nhỏ bé so với VW, hiện Tesla đang có giá trị vốn hóa cao gấp đôi hãng xe Đức.
Để đối phó với ưu thế dẫn đầu về phần mềm của Tesla, người đứng đầu Volkswagen cho biết ông đang hợp tác với một tổ chức phần mềm mới để “ triển khai kế hoạch bắt kịp Tesla.“
Hiện VW đã xây dựng một phần mềm cho chiếc xe điện ID3 mới của họ, với nhiều tính năng tương tự như trên xe Tesla. Nhưng các nguồn tin cho biết, phần mềm này gặp các vấn đề phần mềm nghiêm trọng trên chiếc xe này.
Doanh nghiệp 'đặt cược' vào camera AI để chống Covid-19
Nhiều cửa hàng và công sở tại Mỹ trang bị camera cài phần mềm trí tuệ nhân tạo để theo dõi việc giãn cách và đeo khẩu trang.
Theo một số công ty, những phần mềm như vậy rất quan trọng bởi nó giúp doanh nghiệp hoạt động được khi dịch bệnh đang bùng nổ. Nhờ phần mềm trí tuệ nhân tạo, không chỉ khách hàng và các công nhân mà còn cả cơ quan quản lý lẫn công ty bảo hiểm sẽ cảm thấy an tâm khi thấy doanh nghiệp có theo dõi và tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn trong suốt quá trình vận hành.
"Chúng tôi không mong muốn các thống đốc yêu cầu đóng cửa mọi dự án khi thấy không một ai tuân thủ", Jen Suerth, Phó chủ tịch công ty xây dựng Pepper Construction có trụ sở tại Chicago, nói. Mới đây, doanh nghiệp này đã áp dụng phần mềm theo dõi của SmartVid.io nhằm phát hiện việc các công nhân có tụ tập khi đang làm việc tại dự án của tập đoàn Oracle tại Deerfield, Illinois (Mỹ) hay không.
Công ty sản xuất kim cương Samarth Diamond dự kiến triển khai giải pháp AI của Glimpse Analytics ngay khi mở lại nhà máy ở Gujarat (Ấn Độ). Trong khi đó, Quỹ Tín thác Đầu tư Bất động sản RPT Realty sẽ áp dụng công nghệ theo dõi việc giãn cách của RE Insight tại hai trung tâm mua sắm ở bang Michigan trong hai tuần tới.
Nhiều cửa hàng và công sở Mỹ trang bị camera cài phần mềm trí tuệ nhân tạo.
Những người mua công nghệ theo dõi bằng AI kỳ vọng chúng sẽ hoạt động tốt bởi các biện pháp đảm bảo an toàn trước đó không mấy thành công. Tuy vậy, một số chuyên gia công nghệ cho rằng các nhà bán lẻ cũng như người cho thuê văn phòng không nên áp dụng công nghệ mới trong thời điểm hỗn loạn như hiện tại trong khi chỉ dùng chúng trong vài tháng ngắn ngủi để cho qua mùa dịch.
"Một câu hỏi đặt ra là liệu những công nghệ theo dõi này có được giữ nguyên sau khi vấn nạn y tế công cộng qua đi hay không, đó mới là nỗi sợ về bảo mật thật sự", Al Gidari, chuyên gia về quyền riêng tư tại trường Luật Stanford (Mỹ), nói.
Công nghệ thị giác máy tính
Reuters đã phỏng vấn 16 công ty phân tích video. Nhiều hãng trong số này khởi nghiệp với doanh thu vài triệu USD đã đưa thêm dịch vụ theo dõi khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hệ thống của họ cho phép tạo ra các bản báo cáo hàng ngày nhằm giúp người quản lý tại hiện trường có thể giải quyết, xử lý các vấn đề cũng như đảm bảo sự tuân thủ quy định của những người đến nơi được lắp đặt camera.
Hầu hết phần mềm được áp dụng dựa trên một nhánh công nghệ AI là thị giác máy tính (computer vision). Ở đó, các thuật toán sử dụng thư viện hình ảnh có được nhằm phát hiện các vật thể với độ tin cậy từ 80% trở lên.
Một số khách hàng cho biết công nghệ thị giác máy tính có thể khiến các doanh nghiệp phải chi tối thiểu 1.000 USD để phân tích các dữ liệu thu được từ camera. Tuy vậy, số tiền này vẫn rẻ hơn việc thuê nhân viên bảo vệ thường trực. Phương án sử dụng AI cũng được đánh giá là an toàn hơn bởi có trường hợp bảo vệ và khách hàng xô xát khi đôi bên bất hoà về việc tuân theo các biện pháp an toàn mùa dịch.
Bà Suerth cho biết hệ thống theo dõi của SmartVid mà Pepper Construction đang áp dụng chưa ghi nhận trường hợp tụ tập nào đáng báo động bởi nhân sự hiện vẫn bị hạn chế. Nhưng khi có nhiều nhân viên trở lại làm việc, hãng sẽ xem xét tình hình để xem xét việc có tung ra công cụ nhắc giữ khoảng cách hay không. Theo bà, chúng giống như những con mắt theo dõi ở công trường và phần mềm có ít khả năng mắc lỗi hơn người thường mà độ chính xác lại cao.
Parth Patel, quản lý của công ty Samarth Diamond, cho biết khi phần mềm phát hiện có khoảng 4.000 công nhân đang tụ tập ở các khu vực làm việc cường độ cao, ông có thể điều chỉnh lại quy trình. Cụ thể, những người bị đánh dấu là "không đẹo khẩu trang" sẽ nhanh chóng được nhóm theo dõi camera cấp cho dụng cụ bảo hộ. "Nó chắc chắn hữu dụng trong việc đảm bảo an toàn cho người lao động và tạo sự thoải mái cho họ, đồng thời cũng giúp chính quyền thấy rằng doanh nghiệp đang tuân thủ quy định", ông Patel nói.
Patel cho biết anh rất tự tin vào các thuật toán theo dõi bằng AI bởi năm ngoái, gia đình anh đã thành công khi dùng thị giác máy tính trong các siêu thị để đếm số lượng khách hàng nữ nhằm đưa ra quyết định có nhập thêm một mẫu váy mới hay không.
Brian Harper, Giám đốc điều hành của RPT Realty, cho biết họ đã sử dụng phần mềm AI để đếm khách tới hai trong số 49 trung tâm thương mại ngoài trời mà họ sở hữu ở Mỹ trong vài tháng qua. Nhờ đó, họ có thể dành tâm sức để đánh giá được sự tuân thủ của người thuê bất động sản ở năm trung tâm mua sắm với ít quy định diện tích sử dụng hơn.
RPT Realty còn dự định sử dụng một công nghệ AI khác của WaitTimes có tên Signage nhằm giúp khách hàng quyết định xem thời điểm nào là nên đi mua sắm. Công nghệ này cho phép phân tích số người xếp hàng để vào các cửa hiệu trong mùa dịch nhằm đảm bảo giãn cách an toàn. Ông Harper cho biết mọi thông số được phần mềm đưa ra cho khách hàng đều được ẩn danh. "Bạn không bao giờ được sở hữu quá nhiều dữ liệu", ông nói thêm.
Nhưng những thuật toán phát hiện mọi người có đứng cách xa nhau đủ 1,8 mét hay nhận diện các vật thể như khẩu trang vẫn còn mới mẻ, hiện mới chỉ dừng lại ở thử nghiệm và hứa hẹn sẽ sớm được tung ra. Một số công ty khởi nghiệp thậm chí còn hứa hẹn sẽ đưa ra được công nghệ nhận diện ai đang ho, hắt hơi, khiến nhiều chuyên gia hoài nghi.
"Hầu hết giải pháp đều đang dừng lại ở bước tìm hiểu, chưa chứng minh được qua thành tựu nào và dễ có nguy cơ bị lỗi hoặc đưa ra kết quả sai", Vinay Goel - cựu Trưởng nhóm sản phẩm của Google Maps, hiện là Giám đốc Kỹ thuật số tại đơn vị công nghệ của Tập đoàn Dịch vụ Bất động sản Jones Lang LaSalle, đánh giá.
Một chuyên gia tư vấn bán lẻ cho biết ngoài những vấn đề về kinh phí, các doanh nghiệp còn lo ngại việc AI có thể cảnh báo quá nhiều về các trường hợp không gây hại, ví dụ một gia đình đi sát nhau trong một dãy mua hàng.
Indyme, một hãng công nghệ làm việc với nhiều hãng bán lẻ của Mỹ như BevMo hay Office Depot, cho biết các khách hàng của họ vẫn thích các loại hộp công cụ thô sơ đếm người ở các lối vào rồi tự động phát thông báo yêu cầu giữ khoảng cách hơn phần mềm AI.
Thiết bị & phần mềm nào sẽ giúp chúng ta tiết kiệm 28.000 usd mỗi năm? Công nghệ ngày càng cải tiến và liên kết một cách chặt chẽ với đời sống của chúng ta, nhất là trong tình hình hiện nay. Đây là sự thúc đẩy lớn, khiến cho gần như cả thế giới đều đang "online". Dù là cá nhân hay doanh nghiệp cũng đều có thể thấy, những thiết bị hiện đại đi cùng phần mềm...