CEO Kompa Group Vòng Thanh Cường: Làn sóng “cá hồi” đang diễn ra cho thấy Việt Nam vẫn là thiên đường cho startup
“Thực tế cho thấy, trong năm qua đã có một làn sóng “cá hồi” diễn ra tại Việt Nam, đó là việc một số bạn trẻ đang làm cho các công ty Internet khổng lồ tại Mỹ bỏ việc về Việt Nam khởi nghiệp và bước đầu đã có những thành công nhất định”, Vòng Thanh Cường, CEO Kompa Group chia sẻ.
“Start-up theo tôi không phải là một con đường phát triển nghề nghiệp có đích đến rõ ràng, mà nó là một hành trình và đam mê. Đầu tiên các bạn cần xác định rõ mục tiêu, có những cam kết để tiến đến mục tiêu đó, song song cần lường trước những rủi ro sẽ gặp phải khi khởi nghiệp”, Vòng Thanh Cường, đồng sáng lập kiêm CEO Boomerang Social Listening Consultant và Chủ tịch kiêm CEO Kompa Group nói với Trí Thức Trẻ. Công ty Boomerang của Cường là doanh nghiệp cung cấp giải pháp lắng nghe thông tin mạng xã hội (Social Listening) đầu tiên tại Việt Nam, ra đời năm 2012.
Từ mạng xã hội thuần Việt Yobanbe đến công ty hàng đầu về Social Listening
Nhìn lại năm 2010 khi Vòng Thanh Cường thành lập mạng xã hội thuần Việt mang tên Yobanbe. Năm 2010 chứng kiến sự bùng nổ của Facebook cũng như sự đóng cửa của “ông lớn” một thời Yahoo 360 độ tại Việt Nam. Mạng xã hội được dự đoán sẽ trở thành một hoạt động kết nối không chỉ trong phạm vi công nghệ mà còn về những gì mà người dùng có thể tận dụng được từ nó. Người dùng được tiếp cận thông tin và tạo ra nội dung dưới dạng text, hình ảnh và video khi tương tác với nhau. Đó cũng chính là mục đích mà Cường đề ra khi xây dựng Yobanbe nhằm tạo ra một nền tảng liên kết người dùng với nhau để sáng tạo và sản xuất các nội dung cho một thế giới được kết nối.
Hai năm sau, ý tưởng thành lập Boomerang của Cường cũng dựa trên sự kết nối với người dùng trên mạng xã hội. Nhưng điểm mới mẻ là sự kết nối này không còn giới hạn giữa người dùng với nhau nữa mà chú trọng vào cách thức mà doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của mạng xã hội. Lấy ví dụ như việc nghiên cứu và khảo sát thị trường truyền thống thường được thực hiện thông qua các bảng câu hỏi hoặc phỏng vấn trực tiếp nhóm, còn với mạng xã hội doanh nghiệp có thể tận dụng sự kết nối của khách hàng trên đó thông qua các thảo luận của họ để xác định các chủ đề mà họ quan tâm về dịch vụ, chăm sóc khách hàng hay sản phẩm.
Ngoài ra, theo Cường, mạng xã hội thực sự là một “mỏ vàng” về dữ liệu và thông tin bên cạnh những nguồn thông tin chính thống từ báo chí, radio và truyền hình. Nếu như việc xuất bản một bản tin trên báo chí, hay một đoạn video tin tức thời sự trên truyền hình phải thông qua nhiều khâu thì chỉ với một tài khoản mạng xã hội, người dùng có thể tự xuất bản những dòng cập nhật và chuyển tải thông tin nhanh chóng ra toàn Internet.
“Tuy nhiên, việc khai thác “mỏ vàng” này là một vấn đề khá mới mẻ trong năm 2012 cùng với những giới hạn công nghệ tại Việt Nam khiến cho việc khai thác gặp nhiều thử thách”, Cường chia sẻ với người viết bài thông qua ứng dụng trò chuyện Messenger trên Facebook.
“Những gì nửa vời hay đam mê nhất thời khó lòng dẫn bạn đến đích cuối cùng. Trước khi làm start-up bạn cần trả lời câu hỏi: tôi thật sự sẵn sàng về ý tưởng, tài chính, mối quan hệ và sự thất bại nếu xảy ra hay chưa?” – Vòng Thanh Cường, CEO Kompa Group
Nhận ra sức mạnh cũng như sự bùng nổ tất yếu của mạng xã hội cộng với việc trong thời gian đó một số nhãn hàng quốc tế cũng đã sử dụng công cụ để lắng nghe thông tin trên mạng xã hội, Cường bắt đầu suy nghĩ về việc cung cấp giải pháp lắng nghe trên mạng xã hội tại thị trường Việt Nam. Năm 2012, sự ra đời của Boomerang, công ty lắng nghe thông tin mạng xã hội đầu tiên tại Việt Nam, gây ngạc nhiên cho nhiều nhà cung cấp các giải pháp trên môi trường Internet.
Về cơ bản, theo lý giải của nhà đồng sáng lập kiêm CEO Boomerang, các công cụ Social Listening đều có chung một đặc điểm là khả năng tìm kiếm và thu thập toàn bộ các thông tin trên nền tảng mạng xã hội. Các dữ liệu được công cụ Social Listening tìm và thu thập về là các dữ liệu thô chưa qua xử lý và phải thông qua lớp xử lý của con người để tạo ra những “insights” hay còn gọi là sự thấu hiểu.
CEO Boomerang nói: “Những “insights” này chính là những giá trị cốt yếu mà doanh nghiệp luôn tìm kiếm để có cái nhìn toàn diện nhất về khách hàng cũng như thị trường. Sự thấu hiểu này là nền tảng để xây dựng nên những giải pháp cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực truyền thông, quan hệ công chúng, marketing…”
So với các công cụ Social Listening khác tại thời điểm năm 2012, tính tối ưu của công cụ do Boomerang cung cấp có hai điểm chính:
Video đang HOT
Tốc độ quét thông tin nhanh. Trong giải quyết khủng hoảng truyền thông, những giờ đầu tiên là “giờ vàng”. Việc tìm kiếm nguồn gốc cũng như ngăn chặn việc lan tỏa khủng hoảng là ưu tiên hàng đầu.
“Với công cụ của Boomerang thì chúng tôi có thể tìm ra và ngăn chặn khủng hoảng trong vòng từ 1 giờ đồng hồ từ khi khủng hoảng xảy ra. Từ đó doanh nghiệp có thể để ra hướng giải quyết nhanh nhất để hạn chế thiệt hại cho mình”, CEO Boomerang khẳng định.
Khả năng phân tích thông tin. Với việc có vô số thông tin phát sinh hàng phút, việc phải phân loại và tối ưu các thông tin quan trọng là tiền đề để giải quyết khủng hoảng truyền thông một cách kịp thời.
95% start-up thất bại. Vốn không phải là thước đo thành công của start-up
Vòng Thanh Cường cho rằng, những gì nửa vời hay đam mê nhất thời khó lòng dẫn start-up đến đích cuối cùng. Theo anh, sự hào nhoáng và ánh sáng lấp lánh của start-up nhiều khi chỉ là phần nổi bị tô hồng quá mức. Có những thống kê được Cường chỉ ra cho thấy, hơn 95% start-up thất bại do thiếu chuẩn bị nền tảng vững chắc ban đầu và chưa có kế hoạch ứng phó với các rủi ro khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp.
“Trước khi làm start-up bạn cần trả lời câu hỏi: tôi thật sự sẵn sàng về ý tưởng, tài chính, mối quan hệ và sự thất bại nếu xảy ra hay chưa?”, CEO Kompa chia sẻ.
Ngoài ra, một số bạn trẻ khi bắt tay khởi nghiệp thường dễ rơi vào tình trạng bị ngộ nhận là khi gọi được vốn đã là thành công dẫn tới việc sau khi nhận được tiền đầu tư thì có xu hướng “đánh bóng” công ty như thuê văn phòng đẹp, tham gia các hội thảo, cuộc thi… hơn là tập trung vào việc phát triển sản phẩm, nhân sự và thị trường.
“Các bạn nên nhớ, thành công không phải là bạn gọi được bao nhiêu vốn mà được đo bằng sự hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn đó trong các năm tiếp theo. Vì nếu start-up của bạn không chứng minh được hiệu quả thật sự thì rất khó để duy trì và chuẩn bị cho những lần gọi vốn tiếp theo”, Vòng Thanh Cường nhấn mạnh.
Dữ liệu sẽ là một nguồn tài nguyên mới của các doanh nghiệp: Khởi nghiệp lại với Kompa Group
Khởi nghiệp là hành trình đầy gian khó và không hề dễ dàng, vậy tại sao đã có được thành công với Boomerang song Vòng Thanh Cường không dừng lại? Năm 2016, khi Boomerang đạt đến vị trí số một về dịch vụ lắng nghe mạng xã hội tại Việt Nam, anh đã nhận ra những điều mình nghĩ trước kia đã và sẽ thành hiện thực: dữ liệu sẽ là một nguồn tài nguyên mới của các doanh nghiệp. Và dữ liệu mà Boomerang đang cung cấp chỉ là một miếng bánh nhỏ trong những tài nguyên mới mà tất cả các doanh nghiệp sẽ cần. Do vậy, anh muốn làm những điều lớn lao hơn so với những thành tựu Boomerang đã đạt được.
Doanh nhân trẻ này chia sẻ với Trí Thức Trẻ qua thư điện tử từ Sillicon Valley: “Tôi quyết định chuyển nhượng Boomerang cho một tập đoàn cùng ngành của Úc, để có nguồn vốn và sự tự tin bước vào cuộc chơi lớn hơn trong cuộc đời.”
Sau khi rút khỏi Boomerang, Cường quay lại Mỹ và “nhúng” mình vào Silicon Valley để xem các doanh nghiệp lớn tại đây đã đi tới đâu trong cuộc cách mạng về Big Data (Dữ liệu lớn) và AI (Trí tuệ nhân tạo), đồng thời họ ứng dụng thế nào, tìm hiểu rào cản và thành tựu mà họ đã đạt được. Từ đây, anh đã vẽ lại một mô hình kinh doanh mới cho phù hợp thị trường Việt Nam và Đông Nam Á: kết hợp đội ngũ kỹ thuật đã từng trải qua những bài toán lớn với những kỹ sư và chuyên gia tại Việt Nam, vốn có nhiều kinh nghiệm về thị trường bản địa.
Anh thành lập Kompa Group tại Mỹ năm 2018 với mong muốn đi xa hơn việc lắng nghe, thu thập dữ liệu và thông qua các công nghệ và chuyên gia để hiểu rõ, tối ưu và tận dụng tất cả các nguồn dữ liệu từ Big Data để phân tích ứng dụng trong các ngành khác nhau, từ Marketing cho đến tài chính, sản xuất…
Từ khóa “Big Data”, optimization (tối ưu hóa) đang là kim chỉ nam định hướng mô hình phát triển của tập đoàn Kompa. Với gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phẩm công nghệ, Bid Data và AI tại Việt Nam, đội ngũ của Kompa đang xây dựng mô hình hoạt động theo hướng tận dụng tối đa nguồn tài nguyên dữ liệu của mình để giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định nhanh chóng, tối ưu và chính xác nhất.
Khác với Boomerang chỉ khai thác dữ liệu mạng xã hội, Kompa nghiên cứu sản phẩm chuyên sâu hơn ở góc độ thông tin người dùng công khai trên mạng xã hội và các kênh khác như Google Search, e-Commerce, dữ liệu sales, nội bộ doanh nghiệp… để hoàn chỉnh bức tranh tổng thể về ứng dụng dữ liệu trong Marketing cho doanh nghiệp. Với tài chính, tập đoàn này cung cấp một số dịch vụ và công cụ giúp phân tích và xử lý dữ liệu lớn để các tổ chức có những nhận định dựa trên dữ liệu a chính xác hơn. Cường gọi là quyết định dựa theo số liệu (decision by data driven).
Ngày 31/1/2020, Vòng Thành Cường chia sẻ một bài viết ngắn trên trang cá nhân Facebook của mình có tiêu đề “2 năm và 12 tiếng”, trong đó giải thích rõ về mục đích hoạt động của Kompa Group:
“Cách đây 2 năm, khi thành lập mới Kompa Group từ Mỹ và rồi đặt văn phòng development tại Việt Nam, team luôn xác định Big Data, AI và Optimization sẽ là từ khóa xuyên suốt của Kompa để phát triển sản phẩm của mình ở thị trường toàn cầu. Chưa có kinh nghiệm gì trong việc xây dựng Data Lake, real time processing & streaming data nhưng nhờ những cơ hội liều nhảy vào xây dựng 1 sản phẩm liên quan mà giờ Data Lake của Kompa thuộc hàng khủng. Cộng thêm việc không tiếc tiền đầu tư tối đa vào R&D để hôm nay đã sẵn sàng các công nghệ liên quan đến Big Data như NLP, realtime data pipeline…. Và khi virus Corona đang hoành hành thì các bạn team Development đề nghị làm 1 trang monitor thông tin chính thức và nhanh nhất để phục vụ cộng đồng, tiến tới hạn chế fake news và dự đoán tình hình, mình OK ngay. Sau 12h làm việc xuyên biên giới, 1 sản phẩm nhỏ kết hợp team Data Science của Kompa US tại Mỹ và đội ngũ phát triển tại Việt Nam được ra đời”.
Ngay lập tức, bài viết nhận được 481 lượt thích, 84 bình luận và 137 lượt chia sẻ.
Việt Nam là một “thiên đường” cho start-up
Khi được đề nghị nhận định về các start-up tại Việt Nam, Vòng Thanh Cường cho biết qua quan sát thực tế các thị trường Việt Nam và Mỹ, anh nhận thấy bên cạnh các khó khăn cũng như sự thất bại của một số start-up như WeFit mới đây, thì Việt Nam đang thật sự là một “thiên đường” cho start-up. Lý giải cho nhận định trên, CEO Kompa cho biết có 3 nguyên nhân cơ bản.
“Thứ nhất, chúng ta đang có một thị trường lớn với 100 triệu dân, đa số là dân số đang độ tuổi tiêu dùng.
Thứ hai, chúng ta có một đội ngũ kỹ sư lành nghề và phải nói về kỹ năng hơn hẳn một số nước trong khu vực.
Thứ ba, Việt Nam mới bắt đầu bước vào quá trình số hóa toàn bộ nền kinh tế, nên có rất nhiều mô hình kinh doanh mới hoặc đã thành công ở nước ngoài có thể áp dụng cho nước ta và cơ hội mở rộng ra Đông Nam Á”.
Theo nhà sáng lập Kompa Group, trong năm qua có một làn sóng “cá hồi” đang diễn ra tại Việt Nam, nghĩa là nhiều bạn trẻ làm việc cho các công ty Internet khổng lồ tại Mỹ bỏ việc về Việt Nam khởi nghiệp và bước đầu đã có những thành công nhất định. Dễ thấy nhất trong làn sóng “cá hồi” này là họ học hỏi một mô hình kinh doanh mới tại Mỹ đã được chứng minh là thành công, sau đó phát triển một phiên bản bản địa phù hợp với Việt Nam. Với thương hiệu đã được xây dựng từ Silicon Valley và một mô hình kinh doanh đã được chứng minh (proven business model) thì các bạn trẻ khởi nghiệp này có thể khá dễ dàng thu hút vốn đầu tư từ trong nước hoặc các quỹ trong khu vực Đông Nam Á.
Và đây thực sự là tín hiệu đáng khích lệ với lĩnh vực start-up tại Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19, đặc biệt khi giới khởi nghiệp chứng kiến sự sụp đổ của start-up nội địa WeFit mới đây.
Startup của đồng sáng lập Skype huy động thành công 50 triệu USD và kế hoạch mở rộng sang Việt Nam
Oriente vừa huy động thành công 50 triệu USD, nâng tổng số tiền được đầu tư lên hơn 160 triệu USD. Tại Việt Nam, Oriente hiện đang thử nghiệm một nền tảng tương tự như Cashalo ở Philippines và Finmas ở Indonesia.
Oriente, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ cho tín dụng số và các dịch vụ tài chính trực tuyến khác, vừa huy động được 50 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B.
Nhà đầu tư chính là Peter Lee, đồng chủ tịch của Henderson Land, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Hong Kong cùng với các nhà đầu tư khác, trong đó có nền tảng phát triển website Wix.com.
Ra mắt vào năm 2017 do Geoff Prentice (một trong những người đồng sáng lập của Skype), Hubert Tai và Lawrence Chu thành lập. Nguồn vốn mới sẽ được sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng tại các thị trường hiện tại của Oriente bao gồm Philippines và Indonesia đồng thời mở rộng sang các quốc gia mới, bao gồm Việt Nam.
Nguồn tài chính này cũng sẽ được sử dụng để tiếp tục xây dựng công nghệ của Oriente. Đây là công nghệ phân tích dữ liệu lớn (big data) để giúp doanh nghiệp tăng tỷ lệ chuyển đổi doanh số và giảm thiểu rủi ro. Hiện tại, Oriente đã huy động được hơn 160 triệu USD, bao gồm 105 triệu USD huy động được trong vòng gọi vốn tháng 11/2018.
Oriente vừa huy động thành công 50 triệu USD. Ảnh: Oriente
Hoạt động của Oriente dựa trên bối cảnh nhiều công ty công nghệ lớn, trong đó có Grab, Google, Facebook, Amazon, Uber, Apple và Samsung, đang cân nhắc hình thức thanh toán kỹ thuật số và các dịch vụ tài chính trực tuyến khác và cần một cơ sở hạ tầng công nghệ để làm điều đó. Đồng thời, những ông lớn công nghệ cũng cần các đối tác có thể giúp họ xử lý các quy định ở các thị trường khác nhau.
Oriente không cạnh tranh với các nhà cung cấp thanh toán. Thay vào đó, công nghệ của Oriente là "đổi mới hoạt động tín dụng thành một dịch vụ", theo ông Prentice, bằng cách tạo ra một công nghệ cho phép các giao dịch kinh doanh truyền thống tại cửa hàng (offline) và trực tuyến (online) ứng dụng các giải pháp tín dụng kỹ thuật số một cách nhanh chóng.
Theo ông Prentice, Oriente là công ty duy nhất tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ tài chính kỹ thuật số đầu cuối với các dịch vụ được tạo ra cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân bao gồm giao dịch trực tuyến và tại cửa hàng.
Đối với người tiêu dùng, startup này hiện cung cấp 2 ứng dụng, Cashalo ở Philippines và Finmas ở Indonesia, với tổng cộng 5 triệu người dùng và hơn 1.000 cơ sở. Dịch vụ bao gồm cho vay tiền mặt, tín dụng trực tuyến và vốn lưu động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Năm 2019, công ty đã chứng kiến mức tăng trưởng 700% trong hoạt động và phục vụ hơn 4 triệu người dùng mới, trong khi các đối tác thương mại đã tăng hơn 20% về doanh số.
Trong vài tháng tới, Oriente có kế hoạch mở rộng tính năng tín dụng kỹ thuật số Pay Later và ra mắt các giải pháp vốn tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp nhỏ cần tài chính. Oriente cũng có một số quan hệ đối tác trong các dự án để mở rộng các giải pháp doanh nghiệp cho các công ty và tập đoàn lớn hơn.
Tại Việt Nam, Oriente hiện đang thử nghiệm một nền tảng tiêu dùng tương tự như Cashalo và Finmas. Nền tảng này phục vụ các hoạt động cho vay và tài chính trực tuyến, cũng như các dịch vụ khác trong quan hệ đối tác với các công ty nội địa.
Oriente cũng đã bắt đầu tập trung vào tìm kiếm cách thức phục vụ các doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 do nhiều công ty đang đối mặt với tình trạng doanh thu sụt giảm, mất khách hàng và các vấn đề về dòng tiền.
"Trong vài tuần qua, chúng tôi đã tái lập chiến lược của công ty để tập trung vào các cơ hội hàng đầu ở mỗi thị trường. Chúng tôi cũng đã thực hiện các bước khác nhau để xây dựng lại tổ chức nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và tài chính phù hợp với điều kiện hiện tại đồng thời dự báo về các điều kiện thị trường và những chiến lược mà chúng tôi cần tập trung hơn", ông Prentice nói.
"Mục đích của chúng tôi không chỉ là giảm thiểu những khó khăn có thể nhìn thấy trước về thanh khoản mà còn chứng minh rằng hoạt động kinh doanh của chúng tôi có khả năng vượt qua khủng hoảng của thị trường do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đến tất cả tổ chức có liên quan đến doanh nghiệp trong nhiều năm tới".
Bài học rút ra từ câu chuyện WeFit xin phá sản Câu chuyện phá sản của WeFit - sản phẩm của Công ty cổ phẩn công nghệ Onaclover (Onaclover JSC.,), đã gây xôn xao không chỉ đối với cộng đồng startup Việt mà còn là mối quan tâm của nhiều người, trong đó có các khách hàng của công ty. WeFit chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2016 và từng được kỳ...