CEO 8x và khát vọng 80% người Việt trẻ phát âm chuẩn tiếng Anh bằng ứng dụng ELSA Speak
Thành công ở Mỹ với ứng dụng học phát âm tiếng Anh ELSA Speak, CEO Văn Đinh Hồng Vũ đã mang ứng dụng này về với quê hương Việt Nam với mong muốn sẽ cải thiện và nâng cao chỉ số thành thạo tiếng Anh của người Việt.
CEO Văn Đinh Hồng Vũ mong muốn xây dựng nền tảng tiếng anh ở Việt Nam
Thành công bằng ứng dụng ELSA Speak
CEO Văn Đinh Hồng Vũ thuộc thế hệ 8x, từng giành học bổng MBA tại Stanford, một trong những trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Theo học cao học chuyên ngành quản trị kinh doanh, nhưng những trăn trở về nền giáo dục nước nhà đã thôi thúc Vũ học thêm tấm bằng Thạc sĩ Giáo dục.
Đến khi đi làm, mặc dù Vũ được đảm trách những công việc tốt với mức thu nhập cao như làm trợ lý Tổng giám đốc của Maersk – Tập đoàn vận tải và năng lượng có chi nhánh trải khắp 136 quốc gia với 89.000 nhân viên, sau đó là trưởng dự án cấp cao cho Booz & Company (một trong 4 tập đoàn tư vấn đứng đầu nước Mỹ), nhưng cô vẫn quyết định từ bỏ để bắt đầu khởi động cho một cuộc hành trình mới. Vũ nhận ra, giáo dục là niềm đam mê và chỉ có giáo dục mới là chất xúc tác để thay đổi cuộc sống của một người nên cô đã chọn khởi nghiệp ở lĩnh vực này.
Thời gian đầu, những ý tưởng bắt đầu nhen nhóm, xuất phát từ thực tế bản thân về cách phát âm tiếng Anh của mình cũng như lỗ hổng về phát âm mà những du học sinh đang gặp phải khi qua Mỹ học tập. Năm 2015, Hồng Vũ cùng đồng sự đã cho ra đời ELSA – phần mềm giúp luyện phát âm chuẩn giọng bản ngữ hoạt động theo cơ chế của trí thông minh nhân tạo.
Chỉ 24 giờ sau khi ra mắt, phần mềm đã cán mốc 30.000 lượt download. Hiện tại, ELSA đã được vài triệu người sử dụng ở hơn 100 quốc gia, với khoảng một nửa số người sử dụng ở Đông Nam Á, và phần còn lại trải rộng ra khắp nơi trên thế giới, bao gồm ở châu Mỹ Latinh và Đông Âu. Người dùng đang luyện tập hàng triệu bài tập mỗi tuần. Ngoài ra, ELSA còn được chọn là ứng dụng thông minh hỗ trợ cho học sinh quốc tế khi theo học một số chương trình dạy MBA ở Mỹ.
Không những thế, tháng 03/2018 vừa qua, CEO Văn Đinh Hồng Vũ cùng ứng dụng học phát âm tiếng Anh ELSA Speak đã gọi vốn thành công vòng Pre-A (trước series A) 1 với con số 3,2 triệu đô từ Silicon Valley. Được Forbes nhắc đến trong danh sách 4 công ty sử dụng A.I (Trí Tuệ Nhân Tạo) thay đổi thế giới, và lọt vào top 5 các ứng dụng A.I hàng đầu hiện nay trên toàn cầu, sánh vai cùng Cortana của Microsoft và Google Allo.
Chia sẻ về ứng dụng của mình, CEO Hồng Vũ cho biết, ELSA là ứng dụng hoạt động bằng cách nghe tiếng nói của người học, sau đó kết hợp những gì họ nói với cách phát âm tiếng Anh đúng. Để sử dụng ELSA, người học ngôn ngữ tải ứng dụng trên iOS hoặc Android, sau đó thực hiện bài kiểm tra phát âm của ELSA kéo dài khoảng 5 phút. Kết quả bài kiểm tra sẽ được dùng để xây dựng một chương trình giảng dạy cá nhân, phù hợp với khả năng hiện tại của người dùng.
Video đang HOT
Hiện tại, ELSA có khoảng 600 bài giảng và hơn 3.000 từ vựng thuộc nhiều chủ đề đa dạng khác nhau như giới thiệu bản thân, gia đình, mối quan hệ, công việc, du lịch… Ứng dụng cũng thường xuyên cập nhật theo mùa và theo thời gian. Ví dụ, các bài giảng dựa theo kỳ nghỉ lễ hay những sự kiện mới như ra mắt phim “Star Wars”. Do đó người học có thể tham gia giao tiếp hàng ngày tốt hơn, Vũ cho biết thêm.
Mong muốn ELSA Speak đến với từng người Việt
Theo thống kê của ManpowerGroup (công ty cung cấp giải pháp nhân sự hàng đầu thế giới), thì tỉ trọng ước lượng của những người thành thạo tiếng Anh ở mức độ công việc tại Việt Nam chỉ có 5%; và thu nhập bình quân hàng tháng của Việt Nam chỉ khoảng 220 USD, so với mức trung bình của khu vực là 2,648 USD. Dù thực tế hiệu suất công việc của người lao động Việt là 4.33% là ngang ngửa so với mức 4.38% của khu vực.
Trước việc sử dụng thành thạo tiếng Anh còn ở mức thấp của người Việt, CEO Hồng Vũ mong mỏi và kỳ vọng sẽ cải thiện và nâng cao chỉ số thành thạo tiếng Anh của người Việt, để người Việt thực sự trở thành những công dân toàn cầu, tự tin chinh phục cơ hội ở mọi nơi.
“Khi làm việc ở trên toàn cầu và ngay cả ở Việt Nam, tôi chứng kiến nhiều người bị đánh giá thấp hơn về năng lực, chỉ vì họ nói tiếng Anh kém. Tôi cảm thấy tiếc vì hiện nay vẫn có nhiều người chưa hoàn toàn ý thức được mức độ quan trọng của việc nói tiếng Anh chuyên nghiệp. Khi họ nói không tốt, họ mất đi tức thời 32% cơ hội nghề nghiệp và kinh doanh. Tiếng Anh đang dần thay thế các ngôn ngữ khác để trở thành ngôn ngữ làm việc chính thức trong các lĩnh vực tài chính, khoa học, chính trị, thương mại… Điều đó thôi thúc tôi mang ELSA Speak đến với quê hương Việt Nam”, CEO Hồng Vũ tâm sự.
Hơn nữa, Việt Nam luôn là thị trường mà CEO Hồng Vũ muốn tập trung phát triển phần mềm luyện âm này vì đây là quê hương của cô. Hiện nay, số lượng người dùng ELSA ở Việt Nam đối với Hồng Vũ vẫn còn khiêm tốn và mục tiêu cụ thể cô là muốn tiếp cận đến ít nhất 80% số lượng người Việt từ 18 đến 27 tuổi vì phát âm chuẩn tiếng Anh sẽ là kỹ năng đắc lực giúp họ hướng đến những cơ hội mới.
Để thực hiện được điều này, ELSA của Vũ luôn đặt Việt Nam là trọng tâm quan trọng nhất trong lộ trình phát triển của mình và hiện tại, người dùng Việt Nam là nhóm duy nhất hiện nay được hỗ trợ ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt.
Không những thế, với mong muốn trở thành một công cụ hỗ trợ thực sự hữu ích cho người dạy và người học tiếng Anh, nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 năm 2018, ELSA sẽ chính thức phát động chương trình “Thầy cô Việt dạy tiếng Anh hay” để có thể thực sự giúp người Việt nâng cao trình độ tiếng Anh của mình ngay từ trong trường học – “cái nôi” quyết định chất lượng và sức cạnh tranh của nguồn nhân lực cho cộng đồng.
“Hơn ai hết, ELSA Speak hiểu rất rõ tầm ảnh hưởng của tiếng Anh đối với cộng đồng và với từng cá nhân. ELSA luôn nung nấu một sứ mệnh, một tham vọng chưa bao giờ tắt: Mang đến giải pháp “đột phá” giúp cải thiện chỉ số thành thạo tiếng Anh của người Việt, để chúng ta có thể tự tin cạnh tranh trên trường quốc tế trong kỷ nguyên thế giới phẳng.
Hy vọng rằng sẽ ngày càng nhiều hơn nữa các đơn vị cùng chung tay, để lan toả thông điệp của ELSA đến với cộng đồng, và phát triển hơn nữa khả năng tiếng Anh của người Việt Nam”, Văn Đinh Hồng Vũ – CEO của ELSA chia sẻ.
Quốc Trực
Theo thuonggiaonline
Nỗi lòng du học sinh: Về nước thì bị chê kém cỏi, không nắm cơ hội, ở lại thì bị nói không có trách nhiệm với gia đình
Tất cả mọi sự phát xét đều là phiến diện, chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu được vấn đề thực sự là gì. Quyết định ở lại hay quay về tất cả đều có lý do, có những cơ hội và có cả những băn khoăn, đánh đổi.
Đi du học xa nhà khó khăn đủ bề nhưng ai cũng mặc định rằng du học sinh "sướng" lắm, rồi lúc nào cũng bị hỏi đủ những thứ vô duyên, bị mặc định là chảnh, yêu cầu cao, ảo tưởng sức mạnh. Thế nhưng những nỗi khổ của du học sinh chưa dừng ở đó vì họ còn chẳng biết sống sao cho vừa lòng mọi người. Về nước thì bị chê không biết tận dụng cơ hội ở lại nước ngoài học tập mà không về thì bị nói không có trách hiệm với gia đình, bản thân.
Về nước thì bị chê "ngốc", không tranh thủ ở lại vài năm để kiếm thu nhập cao, quan hệ tốt
Hầu như du học sinh nào trở về nước cũng bị hỏi những câu như: "Về sớm vậy làm gì? Sao không ở đó vài năm, kiếm kha khá rồi về, ra nước ngoài học đâu có dễ"? Câu hỏi này nên được xếp vào đầu danh sách những câu hỏi vô duyên dành cho du học sinh. Nhiều người cứ nhìn vào cái mác du học sinh mà tự phán xét chứ chưa từng một lần hiểu những câu chuyện phía sau cuộc sống học tập xa nhà.
Thứ nhất, đi du học là điều không dễ, và để có thể ở lại càng khó hơn. Hầu như mọi quốc gia đều chỉ cho du học sinh ở lại một khoảng thời gian ngắn sau khi hoàn thành việc học, trừ những trường hợp rất xuất sắc, được các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài giữ lại.
Nếu có cơ hội làm việc ở nước ngoài thì thu nhập chắc chắn sẽ tốt hơn khá nhiều so với về nước, nhưng tỉ lệ thuận với mức thu nhập hấp dẫn là chi phí sinh hoạt đắt đỏ nên thực tế chuyện ở lại nước ngoài để "làm giàu" không đơn giản như những gì mọi người vẫn nghĩ.
Và lý do quan trọng nhất chính là tình cảm dành cho quê hương, gia đình. Dù có đi đến đâu nhưng làm sao có thể xa nhà được mãi khi bố mẹ, bạn bè luôn mong ngóng mình trở về mỗi ngày. Du học là hành trình trải nghiệm và trưởng thành, nhưng nơi bản thân sinh ra, lớn lên và được nhận cơ hội "bay" ra thế giới mới là nơi để thuộc về, nơi để gắn bó lâu dài.
Mà cơ hội cùng đâu chỉ có một, chỉ cần có năng lực thì dù ở bất cứ đâu cũng sẽ được công nhận, không kể ở nước ngoài hay Việt Nam. Nhiều người cứ giữ khư khư một định kiến về môi trường làm việc ở Việt Nam thiếu năng động, thiếu sáng tạo, lương thấp và khuyên du học sinh không nên trở về trong khi không nghĩ đến yêu tố quan trọng nhất ở bất cứ công ty, tổ chức nào chính là con người. Chúng ta cần có những du học sinh trở về để mang đến sự thay đổi tích cực hơn mỗi ngày.
Ở lại thì bị trách không có trách nhiệm với bản thân, gia đình
Có những chuyện không dễ để hiểu, và điển hình chính là những ý kiến trái chiều trong câu chuyện du học sinh nên ở lại hay quay về. Và không ít người phía nào cũng chế được. Vừa chê một bạn không biết tận dụng cơ hội, về nước không phải thượng sách cũng có thể ngay lập tức chê một sinh viên khác không có trách nhiệm, không gắn bó với gia đình chỉ vì họ ở lại thêm một vài năm hay có ý định theo đuổi một sự nghiệp lâu dài ở nước ngoài.
Với những du học sinh không lựa chọn trở về, bản thân họ là những người đầu tiên phải đối mặt với nhiều áp lực nhất. Lựa chọn xa nhà trong một khoảng thời gian dài, đôi khi còn không biết khi nào mới trở về là điều quá khó khăn, họ phải chấp nhận đánh đổi nhiều điều, đối diện với nỗi nhớ gia đình mỗi ngày cùng những sức ép để có thể tìm kiếm một chỗ đứng vững chắc, một cuộc sống ổn định ở xứ người.
Như đã nói bên trên, để có thể ở lại sau khi hoàn thành viêc học còn khó hơn nhiều so với việc tìm kiếm cơ hội ra nước ngoài học tập. Thế nên, một cơ hội tốt để ở lại là điều không phải lúc nào cũng có và rất đáng để cân nhắc.
Mà tại sao lại có thể dễ dàng phán xét du học sinh không trở về là không có trách nhiệm với gia đình, bản thân? Với nhiều người, ở lại là cách để cuộc sống gia đình ở quê nhà đầy đủ hơn. Đặc biệt hơn, việc nắm bắt cơ hội và ở lại là cách nhanh nhất để bản thân trưởng thành, thấu hiểu hơn về sự khác biệt giữa những nền văn hoá, những môi trường công việc khác nhau.
Quan trọng nhất, sự cống hiến thì không có biên giới. Một người giỏi thì ở bất cứ đâu cũng có thể đóng góp cho quê hương, ở đâu họ cũng sẽ hướng về Việt Nam, hướng về gia đình.
Tất cả mọi sự phát xét đều là phiến diện, chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu được vấn đề thực sự là gì. Quyết định ở lại hay quay về tất cả đều có lý do, có những cơ hội và có cả những băn khoăn, đánh đổi. Chúng ta không phải họ nên không có lý do gì để phán xét đúng, sai. Suy cho cùng, không ai có thể sống để làm vừa lòng người khác, vậy nên đã đến lúc dừng phán xét mà thay vào đó là sự tôn trọng và ủng hộ với quyết định của những du học sinh mà chúng ta quen biết.
Theo Tổ quốc
Có nhất thiết "giành vé" vào lớp 10 chuyên? Chẳng bao lâu nữa, kỳ thi vào lớp 10 THPT sẽ diễn ra. Việc giành được một "tấm vé" vào các trường THPT chuyên luôn là niềm mơ ước của rất nhiều học sinh và của cả các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, trường tốt phải đi kèm với tỉ lệ chọi cao. Chính điều này đã gây ra không ít áp lực...