Cấu trúc sách giáo khoa sau 2015
Thời gian tới, cấu trúc sách giáo khoa sẽ được xây dựng thành 4 phần chính. Trong đó, nội dung sách sẽ chú trọng phần mở đầu và có thêm phần liệt kê từ vựng, Index.
Sáng 30/10, trong hội thảo quốc tế Đổi mới và hiện đại hóa chương trình và sách giáo khoa theo định hướng phát triển bền vững, GS.TS Đinh Quang Báo, Bộ phận thường trực ban chỉ đạo đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015, đã đưa ra cấu trúc của sách giáo khoa sau 2015.
Ảnh minh họa
Phần mở đầu
Đây là phần rất quan trọng có nội dung nhập môn. Phần này bao gồm giới thiệu giá trị khoa học của môn học, đặc biệt là giá trị của nó đối với hành trang tri thức của mỗi người; hướng dẫn học sinh phương pháp nghiên cứu môn học, các kỹ năng chuyên biệt và năng lực chung mà môn học góp phần phát triển ở học sinh.
Ngoài ra, phần mở đầu còn có vai trò liên hệ nội dung môn học với các môn học khác; nêu các đề tài nghiên cứu có ý nghĩa, khả thi, những tư tưởng có giá trị phương pháp luận; đặc biệt hướng dẫn chi tiết các cách học (lập bảng hệ thống, so sánh, đối chiếu, lập bản đồ khái niệm, bản đồ tư duy, các mẫu trắc nghiệm, tổ chức làm việc nhóm, cách ghi chú vở học sinh…).
Phần nội dung
Môn học không nên trình bày đơn vị bài học theo tiết mà nên theo chủ đề, nội dung ứng với các tình huống tích hợp. Như vậy, sách giáo khoa cần được trình bày sao cho các chủ đề sắp xếp logic, khoa học.
Việc thiết kế cần chú ý để mỗi chủ đề có tính trọn vẹn nhất định và đặt tiêu đề ứng với các cấu trúc: phần – chương – chủ đề – các hoạt động.
Ứng với mỗi cấp độ chủ đề cần có một hệ thống các hoạt động và ứng với mỗi hoạt động là các “gói dữ liệu” chứa đựng các thông tin khoa học, các sự kiện, hiện tượng, các khái niệm làm cơ sở cho hoạt động tìm tòi giải quyết vấn đề.
Để giúp học sinh huy động tri thức có liên quan đến chủ đề mới cần có phần gợi ý tái hiện lại kiến thức đã học bằng các câu hỏi.
Như vậy, để tổ chức học một chủ đề trong sách giáo khoa cần đảm bảo các nội dung cần biết gì, nghiên cứu đề tài khoa học nào, câu hỏi thảo luận và các hoạt động nhóm là gì, câu hỏi trắc nghiệm và đề cương báo cáo kết quả nghiên cứu.
Video đang HOT
Với cấu trúc trên, sách giáo khoa sẽ thực sự là một cẩm nang tổ chức dạy học.
Phần liệt kê các từ vựng
Đây là những từ cốt lõi có giá trị như một khái niệm, thuật ngữ khoa học. Thường các từ này được in đậm trong bài khóa và cuối một chủ đề, một chương, tất cả các từ đó được hệ thống lại thành một danh sách có giá trị như một từ điển.
Index
Đây là phần chỉ dẫn ở cuối sách, trong đó liệt kê tất cả các thuật ngữ, khái niệm đặc biệt cần thiết khi biên soạn sách giáo khoa tích hợp. Index giúp học sinh tra cứu thuận tiện lúc cần huy động kiến thức từ các môn khoa học khác nhau trong sách giáo khoa (tự nhiên, xã hội) để giải quyết các vấn đề tích hợp.
Để biên soạn được bộ sách giáo khoa đáp ứng cấu trúc trên, theo GS.TS Đinh Quang Báo tác giả phải “hai trong một”, vừa là chuyên gia nghiên cứu về giáo dục vừa là nhà sư phạm.
Giáo sư cũng cho biết lần biên soạn chương trình và sách giáo khoa tới đây sẽ là cơ hội để hình thành đội ngũ tác giả có thể hoạt động lâu dài, chuyên nghiệp.
Theo TNO
Những sai sót 'trầm kha' trong sách Tiếng Việt lớp 1
Khi bộ sách Tiếng Việt lớp 1 được phát hành cách đây 10 năm, sau một loạt ý kiến của công luận, chủ biên Đặng Thị Lanh đã phát biểu ghi nhận chính thức trên VTV, đồng thời đại diện của Bộ GD-ĐT cũng hứa hẹn sẽ xem xét hiệu đính ngay trong lần tái bản thứ nhất.
Thế rồi, thời gian cứ trôi qua, hằng năm sách vẫn được tái bản, các sai sót vẫn không được chỉnh sửa chút nào.
Sau khi bộ sách được tái bản mười lần, chúng tôi lại cố gắng đọc kỹ từng trang để cuối cùng thở dài ngán ngẩm, bởi những sai sót từ những ngày đầu xuất bản vẫn được giữ nguyên.
1. Về việc viết hoa, tôi cho rằng không nên đợi đến bài 28 mới dạy cho các cháu học chữ viết hoa, mà hãy đưa ngay bảng chữ cái ở đầu sách, sau đó vào từng bài kết cấu chữ viết hoa song song với chữ viết thường, như thế sẽ không bị khiên cưỡng khi phải viết tên riêng.
Trong tập một, suốt 27 bài học vỡ lòng, tên người đều viết thường (dì na, bé hà, chị kha, bé nga...), mãi đến bài 28 trở đi mới viết hoa tên người, liệu các cháu có đủ nhận thức để sửa đổi hay lại theo quán tính để sau này sinh ra tính tùy tiện?
Từ bài 28 trở đi, tên các con vật bắt đầu được viết hoa, nhưng không nhất quán, có chỗ viết hoa, chỗ viết thường, thậm chí cùng một loài vật trong cùng một trang cũng bất nhất (ví dụ: ở trang 67, hình 1: "Bói Cá", hình 2: "bói cá") và tương tự ở các trang 81, 87, 89, 97, 99... Tên cảnh vật cũng thế (ví dụ: trang 70: đồi núi; trang 71: Đồi núi; trang 114: con đường; trang 115: Đồng ruộng; trang 126: đống rơm; trang 127: Bữa cơm...).
Ở tập hai, chữ viết thường, viết hoa cũng tùy tiện, chẳng có sự nhất quán, không riêng gì từ bài 1đến bài 27. Trong suốt tập hai này, tên các con vật khi thì viết thường (tép, cua, hoẵng, nai, gà mái, chim chào mào, cò...), khi thì viết hoa (Tép, Sóc Bông, Gà Trống, Rùa, Thỏ, Sư Tử...), thậm chí trong cùng một trang nhưng viết 2 cách (trang 17, H1: tép, cua, H2: Tép), đôi khi còn dùng dấu gạch nối tùy tiện (trang 81: Chuột-Nhắt) và cũng không theo quy tắc số ít số nhiều.
Ban biên tập sách cho rằng trong câu "Buổi trưa, Cừu chạy theo mẹ... Nó thấy bầy hươu nai..." Cừu là số ít nên viết hoa. Đây là cách nghĩ không theo chuẩn chính tả và cũng không biết căn cứ vào quy định nào, trong khi quyết định 07/2003/QĐ-BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo về cách viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa cũng chỉ quy định viết hoa tên con vật, sự vật khi nó được nhân cách hóa (ví dụ: chú Gấu, cô Thỏ, bác Nồi Đồng...).
Theo tôi, những sai sót này góp phần gây nên tính tùy tiện cho các cháu. Và như thế, chúng ta đã bỏ qua phương châm "dạy người" trong sách giáo khoa.
2. Về việc chú thích hình ảnh, ngoài thứ tự tùy tiện như đã nêu, nhiều hình được chú thích không logic, mơ hồ, dễ gây nhầm tưởng cho các cháu.
Chẳng hạn như ở tập một trang 23: hình ảnh được chú thích bờ hồ thì các cháu ở TP Hà Nội có thể chẳng suy tư gì, nhưng các cháu ở nhiều tỉnh thành khác sẽ băn khoăn khi học hình ảnh này vì nó có khác gì bờ sông đâu?
Bờ hồ chẳng khác bờ sông.
Trang 33, hình 1 được chú thích "bố thả cá mè, bé thả cá cờ" thì làm sao để nhận dạng và phân biệt được 2 loại cá đó trong hình.
Trang 37: hình ảnh chùa Một Cột được chú thích "thủ đô", các cháu sẽ nghĩ gì về hình tượng một thủ đô của đất nước ta?
Đây là chùa Một Cột.
Trang 113: hình 2 chú thích "Ao, hồ, giếng" nhưng trong hình chỉ có 2 loại vật thể. Như vậy, tác giả muốn các cháu hiểu ao đồng nghĩa với hồ hay sao? Mà nếu thế thì không thể dùng dấu phẩy đồng đẳng như trong trang hiện hành.
3. Về việc dùng từ, có nhiều trường hợp thiếu chuẩn xác:
Trang 75, tập một, hình 2 được chú thích "Chạy, bay, đi bộ, đi xe đạp". Theo tôi, trong cùng một hình, những động từ chỉ hành động cũng phải đồng nhất về đối tượng, nếu phải hơi khiên cưỡng thì ứng với hành động "bay" là con chim còn chấp nhận được sao lại dùng hình chiếc máy bay? Nếu vẫn dùng hình chiếc máy bay thì phải ghi chú là "đi máy bay" mới logic.
Chú thích không logic.
Trang 41, tập hai, hình 2 được chú thích "Đèn dầu, đèn điện, đèn huỳnh quang". Dùng từ "đèn điện" để phân biệt với từ "đèn huỳnh quang" là không chuẩn xác vì đèn huỳnh quang cũng là đèn điện mà. Hơn thế nữa trong bài tập điền vần ở trang 93/tập hai thì hình ảnh cây "đèn điện" này lại được ghi là "đ... bàn"? Rõ ràng sách đã làm rối khái niệm của từ ngữ.
4. Tùy tiện gọi tên động vật: Trang 89/tập hai: hình 2 được chú thích "Cá mực nướng rất thơm". Các cháu học cá mực ở lớp 1, nhưng lên các lớp trên chẳng bao giờ có "cá mực" vì đây không phải là một loài cá, các tài liệu động vật học trong cả nước đều gọi tên là "mực"? Không hiểu ban biên tập sử dụng Từ điển tiếng Việt nào?
Nếu cho rằng do các cháu chưa học vần "ốc" nên chú thích hình ở trang 97 tập một là "Sên", tôi cho rằng cách trả lời này không thuyết phục, vì sên và ốc sên là hai loài khác nhau. Tôi nghĩ là nên ghi nhận ý kiến này và trong lần tái bản tới đây có thể thay con ốc sên trong hình vẽ bằng con nhện chẳng hạn.
5. Lỗi chính tả do ngọng âm: Trang 95/tập 2: sách ghi "xoong canh", trong khi từ chuẩn cả nước dùng là "soong"?
6. Dùng câu thiếu bổ ngữ, sai động từ: Câu "bé bị ho, mẹ cho bé ra y tế xã" ở trang 55/tập một nên sửa lại "bé bị ho, mẹ bế bé ra trạm y tế xã". Cách trả lời của nhà xuất bản không thuyết phục, vì ngay trên hình vẽ đã có chữ TRẠM Y TẾ rồi. Về vấn đề này chúng ta cũng phải có chính kiến sư phạm, không thể vì đối phó tình huống mà vấy vào bộ não trong trắng các cháu một mẫu câu sai. Nếu ban biên tập vẫn bảo lưu ý kiến thì theo tôi nên thay hình vẽ để có câu chú thích khác không bị gò bó bởi âm chưa học.
Đầu óc các cháu lớp 1 như trang giấy trắng, những gì được ấn vào rồi sau này khó gột tẩy, sửa đổi.
Thiết nghĩ Bộ Giáo dục và đào tạo nên sớm xem xét nghiêm túc để có hướng chỉnh sửa, đừng để những sai sót đó trở thành bệnh trầm kha trong bộ sách đầu lòng của các cháu như thời gian vừa qua.
Theo Tuoitre
Thổi xôi là gì? Tôi xin nêu ra một ví dụ: "Bà nội thổi xôi". Ngày xưa, thời bao cấp không có gas và bếp điện nên mọi người nấu cơm canh... bằng cách nhóm lửa rồi thổi cho lửa bùng vào than hay củi nên nấu gì cũng hay gọi là "thổi" (thổi cơm, thổi canh, thổi xôi). Đúng thứ tự Ngày nay đa số dùng...