Cấu trúc đề thi Đánh giá năng lực có nhiều ưu điểm!
Năm 2020, ngoài các phương thức xét tuyển vào đại học (ĐH) hệ chính quy truyền thống, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) sẽ dành một số chỉ tiêu để xét tuyển vào một số trường thành viên và đơn vị đào tạo trực thuộc bằng kết quả thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐHĐN phối hợp với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG TPHCM) tổ chức.
Để giúp học sinh và phụ huynh hiểu rõ hơn về kỳ thi ĐGNL này, phóng viên (P.V) Báo Công an Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Thành Bắc – Phó Giám đốc ĐHĐN- xung quanh kỳ thi này.
PGS.TS Lê Thành Bắc – Phó Giám đốc ĐHĐN.
P.V: Thưa ông! Căn nguyên nào để ĐHĐN hợp tác với ĐHQG TPHCM tổ chức kỳ thi ĐGNL tại ĐHĐN? Trong khi, với kinh nghiệm và thực lực của mình, ĐHĐN hoàn toàn có thể tổ chức một kỳ thi ĐGNL riêng?
PGS.TS Lê Thành Bắc: ĐHĐN có chủ trương sẽ tổ chức riêng một kỳ thi ĐGNL, cũng đã thành lập Ban Xây dựng Đề án tuyển sinh ĐHĐN từ cuối năm 2018 và mời GS.TSKH Bùi Văn Ga- nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT làm thành viên. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các nơi đã tổ chức kỳ thi ĐGNL này, cụ thể là ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM, cũng như nghiên cứu về các quy định và cấu trúc của các đề thi, Ban Xây dựng Đề án tuyển sinh ĐHĐN nhận thấy, để có được chất lượng kỳ thi tốt, yêu cầu cần có một bộ đề đủ lớn và phải được thi thử nhiều lần thì mới tổ chức triển khai kỳ thi này được.
Trên cơ sở đó, Ban Xây dựng Đề án tuyển sinh ĐHĐN mới đề xuất nên kết hợp với ĐHQG TPHCM, vì các nguyên nhân sau: Rút ngắn được thời gian chuẩn bị, bởi ĐHQG TPHCM phải mất mấy năm mới hoàn thiện để triển khai tổ chức kỳ thi ĐGNL này. Điều này sẽ giúp ĐHĐN giảm được kinh phí đầu tư cho việc tổ chức ra đề, tổ chức thi. Mặt khác, theo lộ trình của Bộ GD-ĐT đã công bố về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (sau đây gọi tắt là CTGDPTM) thì năm 2023 Bộ sẽ thành lập 3 Trung tâm Khảo thí ở 3 miền.
Điều này có nghĩa, khi CTGDPTM với nhiều bộ SGK được triển khai thì bộ đề đó (nếu có chuẩn bị từ bây giờ- P.V) cũng sẽ không còn dùng được nữa. Vì thế, phương án tốt nhất là phối hợp cùng ĐHQG TPHCM. Với sự hợp tác này, thí sinh khu vực miền Trung không phải di chuyển một quãng đường xa vào TPHCM để dự thi.
Video đang HOT
Ngoài ra, với những thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào ĐHĐN thì có thêm cơ hội cũng như thêm một phương thức để thi, cũng là vừa để kiểm tra năng lực, trình độ kiến thức của bản thân. Nếu các em không vừa ý trong kỳ thi đợt 1 vẫn có thể đăng ký dự thi đợt 2; đồng thời vẫn còn có những lựa chọn khác khi tham gia đăng ký xét tuyển ĐH dưới các hình thức như lấy kết quả điểm kỳ thi THPT Quốc gia, kết quả học bạ, tuyển thẳng.
Năm nay, ĐHQG TPHCM sẽ tổ chức kỳ thi ĐGNL tại 5 điểm thi: TP HCM, Bến Tre, An Giang, Đà Nẵng và Nha Trang. Ngoài các trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia TP HCM và các trường thành viên thuộc ĐHĐN, còn có 28 trường ĐH khác sẽ dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực này để xét tuyển ĐH. Thí sinh sẽ được nhận kết quả từ ĐHQG TPHCM và dùng nó để xét tuyển vào trường muốn đăng ký.
P.V: Xin ông có thể nói cụ thể hơn về cấu trúc đề thi kiểm tra ĐGNL này có gì khác so với cấu trúc đề thi THPT Quốc gia?
PGS.TS Lê Thành Bắc: Đề thi ĐGNL này tiệm cận với giáo dục hiện đại, giống như những kỳ thi ở các nước tiên tiến trên thế giới, ví như kỳ thi SAT của Mỹ. Cấu trúc đề thi gồm có 3 phần lớn, chia làm 120 câu với thời gian làm bài là 150 phút. Dạng thi trắc nghiệm, chỉ có 1 đáp án đúng (chọn đáp án đúng trong 4 đáp án được đưa ra). Cấu trúc bài thi cụ thể như sau: Phần 1: Ngôn ngữ gồm Tiếng Việt 20 câu, Tiếng Anh 20 câu. Phần II: Toán học tư duy logic và phân tích số liệu, trong đó Toán học 10 câu, tư duy logic 10 câu, phân tích số liệu 10 câu. Phần III: Giải quyết vấn đề gồm có 5 phần: Hóa học 10 câu, Vật Lý: 10 câu, Sinh học: 10 câu, Địa lý: 10 câu, Lịch Sử: 10 câu. Tổng điểm là 1200 điểm.
Đề thi là tổng hợp kiến thức chương trình phổ thông. Điểm đặc biệt của đề thi này là thí sinh chưa có bằng tốt nghiệp THPT cũng có thể làm bài đạt điểm cao. Theo đánh giá của ĐHQG TPHCM, khi theo dõi các hình thức xét tuyển vào các trường thành viên thuộc ĐHQG TPHCM, những SV được xét tuyển vào theo kết quả ĐGNL có kết quả học tập của những năm vừa qua tốt, vượt trội hơn hẳn so với các SV được xét tuyển dưới các hình thức xét tuyển khác. Điều đó cho thấy, việc tổ chức kỳ thi ĐGNL này đã giúp cho các ĐH lựa chọn được những thí sinh có năng lực, có kết quả tốt hơn và chính xác hơn so những hình thức xét tuyển khác…
P.V: Thưa ông! Với 120 câu lại quá nhiều lĩnh vực kiến thức, thời gian làm bài lại chỉ có 150 phút, liệu có quá nhiều và…quá sức với thí sinh không?
PGS.TS Lê Thành Bắc: Theo tôi thì không. Đề thi ĐGNL này đã được hoàn thiện qua nhiều lần thi để phù hợp với trình độ HS phổ thông hiện nay. Đề thi tổng hợp kiến thức phổ thông, hạn chế học lệch, học tủ và đánh giá được toàn diện kiến thức mà HS đã được học suốt thời phổ thông. Thực tế những năm qua, thí sinh tham gia kỳ thi ĐGNL này làm rất tốt…
Trước khi bắt đầu triển khai tổ chức kỳ thi ĐGNL này, ĐHQGTP HCM đã thử nghiệm rất nhiều lần, cho thi thử rồi mới chính thức triển khai, đến bây giờ, kỳ thi đã hoàn thiện. Hiện ĐHQG TPHCM có 4.000 đề thi với hơn 60 chuyên gia ra đề thi. Tôi được biết, năm 2019, có hơn 40.000 thí sinh dự thi đợt 1 và gần 20.000 thí sinh đăng ký dự thi đợt 2. Số trường tham gia lấy kết quả này để xét tuyển trong năm 2020 cũng rất đông với gần 50 trường trong và ngoài ĐHQGTPHCM…
P.V: Xin cảm ơn ông vì đã cung cấp những thông tin bổ ích cho thí sinh và phụ huynh được biết.
P.THỦY (thực hiện)
Theo congandanang
Thí sinh bắt đầu đăng ký thi đánh giá năng lực năm 2020
Thời gian đăng ký thi đánh giá năng lực năm 2020 đợt 1 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sẽ bắt đầu từ hôm nay (6-1) đến ngày 28-2. Vào 14 giờ chiều nay, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ chính thức mở cổng đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2020.
Thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2019. Ảnh: PHẠM ANH
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết đây là năm thứ ba tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và được chia làm hai đợt.
Đợt 1, thí sinh đăng ký thi từ ngày 6-1 đến 28-2, kỳ thi sẽ được tổ chức vào ngày 29-3 tại TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Đà Nẵng và Nha Trang.
Đợt 2, thí sinh đăng ký thi từ ngày 15-4 đến 30-5, kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 5-7 tại TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Nha Trang.
Theo TS Chính, thí sinh có thể tham dự cả hai đợt và sử dụng kết quả của lần thi cao nhất để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả này để tuyển sinh.
TS Chính cho biết điểm đổi mới của kỳ thi năm nay được ĐH Quốc gia TP.HCM chú trọng mở rộng sang các tỉnh thuộc Trung bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Việc mở rộng này nhằm giúp thí sinh và phụ huynh tiếp cận kỳ thi thuận lợi, giảm bớt chi phí và áp lực thi cử.
"Năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức này tại các đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM tăng hơn đáng kể so với năm 2019. Tùy theo ngành/nhóm ngành, chỉ tiêu nằm trong khoảng 30%-50% tổng chỉ tiêu. Đặc biệt hiện đã có gần 50 đơn vị, trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả này để xét tuyển. Điều đó cho thấy uy tín của kỳ thi đánh giá năng lực ngày càng được khẳng định và lan rộng" - TS Nguyễn Quốc Chính nói.
Về đề thi, TS Chính cho biết toàn bộ kỳ thi đánh giá năng lực chỉ diễn ra trong một buổi sáng với một bài thi tổng hợp. Thí sinh làm một bài thi với 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 150 phút.
Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức cả về mặt tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản. Từ đó bài thi sẽ đánh giá được các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề.
Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa phần sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm, phần toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm, phần giải quyết vấn đề là 500 điểm.
Được biết kỳ thi đánh giá năng lực năm 2019 ĐH này tổ chức thu hút gần 50.000 thí sinh của 48 tỉnh, thành đăng ký dự thi, gấp gần 10 lần so với năm 2018. Trong đó hơn 6.500 thí sinh tham gia cả hai đợt thi. Đặc biệt kết quả kỳ thi đánh giá này được 32 đơn vị, trường ĐH, CĐ phía Nam sử dụng để xét tuyển.
Theo PLO
Trường ĐH Kinh tế- luật công bố phương thức tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế- luật (UEL) vừa công bố phương thức tuyển sinh năm 2020 của trường. Trường ĐH Kinh tế- luật (UEL) năm nay tuyển sinh theo 5 phương thức Theo đó, UEL tuyển sinh theo 5 phương thức gồm: Phương thức 1: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh theo quy chế tuyển sinh đại học chính quy năm...