Cậu trò nghèo học giỏi Vương Đình Huệ trong ký ức thầy cô
Không chỉ học giỏi nổi tiếng ở xứ Nghệ, cậu học trò Vương Đình Huệ còn được thầy cô, bạn bè quý mến bởi là người sống rất tình cảm.
Thầy Nguyễn Huy Hiền kể lại câu chuyện về cậu học trò Vương Đình Huệ khi còn là lớp phó học tập
Những ngày này, sau khi đón nhận thông tin ông Vương Đình Huệ được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội, người dân làng chài Xuân Lộc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An ai ai cũng vui mừng. Trong ký ức của nhiều người, cậu học trò Vương Đình Huệ có dáng vẻ thư sinh, nổi tiếng thông minh và học giỏi ngay từ nhỏ.
Nhớ lại kỷ niệm xưa, thầy Nguyễn Huy Hiền, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc I (nay là Nguyễn Duy Trinh – PV), cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp 8G mà cậu học trò Vương Đình Huệ theo học, kể: “Ngày đó, cả huyện Nghi Lộc chỉ có hai trường cấp ba, trong đó, trường Nghi Lộc I là nơi đa số con em các xã vùng phía đông huyện theo học. Vì thế, có nhiều học sinh muốn tới trường phải vượt một quãng đường rất xa. Huệ cũng không ngoại lệ, hàng ngày phải đi bộ 10 km trên những con đường đất trơn trượt từ xã Nghi Xuân lên cầu Nhọn, xã Nghi Trung. Đường xa cách trở là vậy, nhưng Huệ chưa bỏ một tiết học nào”.
“Năm 1971, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 8G. Ngày đó, chiến tranh rất ác liệt, vì thế tất cả học trò mới nhập trường phải góp 10 cái tranh (liếp tranh -PV), 5 cây tre để dựng lớp học. Đối với các bạn to, cao, có thể lực đã vất vả, đằng này, Huệ lại là một trong những học sinh nhỏ bé nhất lớp, nhà lại xa, nhưng vẫn mang nộp đủ tranh, tre cho nhà trường. Tôi không nghĩ một cậu học trò trắng trẻo, thư sinh ấy lại có thể vượt qua những thử thách lớn như vậy”, thầy Hiền cười tươi khi nhớ lại kỷ niệm với cậu học trò mà ông rất yêu quý.
Theo thầy Hiền, trò Huệ viết chữ rất đẹp, lại là người cẩn thận, tỉ mỉ chu đáo trong công việc nên được các bạn tín nhiệm bầu làm lớp phó học tập, kiêm văn thư (giữ sổ điểm, các loại giấy tờ cho lớp- PV). Mặc dù chỉ làm giáo viên chủ nhiệm lớp 8G một năm rồi chuyển sang làm công tác đoàn, nhưng thầy Hiền lại có 3 năm gắn bó với người học trò cưng này thông qua việc giảng dạy môn Hóa học.
“Huệ rất thông minh, tính toán nhanh và thường đưa ra những cách giải độc đáo, đến các thầy cô giáo dạy giỏi cũng phải ngỡ ngàng. Huệ không chỉ giỏi các môn khối tự nhiên mà học giỏi toàn diện, từng gặt hái được nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Đặc biệt, từ khi còn ở trường, tôi đã thấy Huệ có tố chất làm lãnh đạo. Huệ rất dễ mến, có nụ cười hiền, luôn chiếm được cảm tình của bạn bè, thầy cô”, thầy Hiền tự hào nói.
Theo thầy Hiền, thuở ấy, cuộc sống rất khó khăn, thiếu cơm rách áo nhưng tình thầy trò luôn ấm áp. Các học trò dù nghèo nhưng ai cũng chăm ngoan, học giỏi, kính trọng các thầy cô. “Huệ là người có tài, có tâm. Tôi tin rằng ở cương vị nào Huệ cũng sống và làm việc hết lòng vì nước, vì dân”, thầy Hiền chia sẻ.
Vợ chồng thầy Nguyễn Huy Hiền và cô Vũ Thị Nhài
Tiếp lời chồng, cô Vũ Thị Nhài (cựu giáo viên trường Nghi Lộc I) kể: “Huệ là người sống trọng tình nghĩa. Mặc dù đã đảm nhiệm những cương vị rất cao, bận trăm công nghìn việc nhưng mỗi lần về quê, Huệ vẫn dành thời gian thăm trường, thầy cô cũ và những bạn bè gặp khó khăn. Có lần nghe tin thầy giáo cũ mất Huệ đã sắp xếp thời gian, vượt hàng trăm km về thắp hương. Đó là tấm chân tình đáng trân quý của một người học trò dành cho thầy cô của mình”.
Video đang HOT
Ông Vương Đình Huệ dành thời gian thăm hỏi các cháu nhỏ khi về dự lễ thông xe cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, nối hai tỉnh Nghệ An- Hà Tĩnh.
Theo một người bạn học kể lại, tuy sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, nhưng Vương Đình Huệ học rất giỏi, không những nổi tiếng ở Nghi Lộc mà cả tỉnh Nghệ An. Năm lớp 10 (năm 1974), Huệ được tỉnh Nghệ An tặng một chiếc xe đạp do thành tích học tập xuất sắc của mình.
Ông Nguyễn Văn Trường, Bí thư xã Nghi Xuân cũng cho biết: “Gia đình bác Huệ là gia đình giàu truyền thống cách mạng. Trong đó có một người anh trai đã hy sinh cho Tổ quốc trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đó là năm 1973. Lần đầu tiên quê hương Nghi Xuân có một người con ưu tú được Đảng và Nhà nước tín nhiệm giao cho trọng trách lớn, ai ai cũng hi vọng bác Huệ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, ông Trường nói.
Ông Vương Đình Huệ (SN 1957, quê ở Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An; Giáo sư, tiến sĩ kinh tế). Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; ĐBQH khóa XIII, XIV.
Ông Huệ từng công tác 22 năm ở Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính) với nhiều cương vị khác nhau.
Tháng 7/2001, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng Kiểm toán Nhà nước; 5 năm sau, ông làm Tổng kiểm toán Nhà nước.
Ông Huệ giữ chức Bộ trưởng Tài chính từ tháng 8/2011, đến tháng 12/2012 được phân công làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương (kiêm nhiệm Bộ trưởng Tài chính đến tháng 5/2013). Ông giữ cương vị Phó thủ tướng từ tháng 4/2016.
Đến tháng 2/2020, ông Huệ được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Ông được Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng tại kỳ họp tháng 6/2020.
Sáng 31/3, với 100% ĐBQH tham gia bỏ phiếu tán thành, ông Vương Đình Huệ được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Nguyễn Gia Thiều
Sáng 14-11, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập (1950-2020) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu ý kiến.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều.
Cùng dự với các thế hệ thầy giáo, cô giáo và học sinh nhà trường, có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; lãnh đạo Văn phòng T.Ư Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo,...
Từ buổi đầu thành lập, trường chỉ có một lớp trung học rồi trở thành trường phổ thông cấp 2 3, sau đó là trường cấp 3 đầu tiên của ngoại thành Hà Nội và là một trong những trường đi đầu theo phương hướng vừa học vừa làm để đào tạo học sinh vừa có kiến thức văn hoá vừa biết lao động sản xuất. Các thế hệ giáo viên và học viên nhà tường luôn tự hào về truyền thống vẻ vang của mình, có nhiều đóng góp cho đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xúc động ôn lại những kỷ niệm không bao giờ quên là học sinh có sáu năm liên tục (từ năm 1957 đến năm 1963) được học tập, được giáo dục, dạy dỗ đầy tâm huyết của nhà trường.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, Trường PTTH Nguyễn Gia Thiều là một trong những trường có bề dầy lịch sử, có phong trào và nền nếp dạy tốt, học tốt, một điểm sáng của ngành giáo dục Thủ đô, có đầy triển vọng tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Riêng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đây là ngôi trường thân yêu, mang đầy dấu ấn và để lại nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Từ đáy lòng mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chân thành cảm ơn và không bao giờ quên công lao dạy dỗ, giáo dục, rèn giũa của nhà trường, của các thầy giáo, cô giáo và sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cán bộ, nhân viên nhà trường, sự đùm bọc, giúp đỡ, cộng tác của các bạn học sinh cùng thời.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cựu học sinh nhà trường vui mừng gặp lại nhà giáo Lê Đức Giảng, nguyên Bí thư Chi bộ, giáo viên chủ nhiệm lớp 10B của trường.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước rất vui mừng, phấn khởi và tự hào về những thành tựu mà nhà trường đã đạt được trong 70 năm qua. So với thời kỳ đồng chí học tập thì đến nay trường khang trang hơn, sạch đẹp hơn nhiều, quy mô to lớn và các điều kiện, phương tiện học tập thuận tiện và văn minh, hiện đại, đầy đủ hơn; trình độ và chất lượng giáo dục, đào tạo ngày càng cao hơn, tốt hơn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhớ lại, thời đồng chí học thì trường lớp chật chội, nhà tranh, mái lá, sân đất; các phương tiện, phòng thí nghiệm, thư viện,... rất đơn sơ, thiếu thốn. Anh chị em học sinh phần lớn là ở xa, phương tiện đi lại rất khó khăn, hầu hết đi bộ hàng chục cây số. Nhiều người, trong đó có đồng chí phải đi ở nhờ, ở trọ, thậm chí vừa học vừa đi làm thêm để kiếm sống,...
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, không phải ngẫu nhiên nhà trường liên tục nhiều năm được công nhận là trường tiên tiến xuất sắc, đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua và được đón nhận nhiều phần thưởng, nhiều huân, huy chương và các danh hiệu vinh dự cao quý khác,...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiệt liệt chúc mừng những thành tích, kết quả mà các thế hệ của nhà trường đã đạt được, làm nên truyền thống vẻ vang và rất đáng tự hào. Đồng chí chia sẻ, không chỉ bây giờ mà ngay từ khi còn học tại trường cách đây gần 60 năm, đồng chí đã rất vui sướng, tự hào về mái trường mình được học.
Nhớ lại năm 1962, nhà trường tổ chức cuộc thi bích báo giữa các lớp của khối 10, khi đó đồng chí học lớp 10B, đã viết bài thơ nhan đề "Năm cuối cùng của đời học phổ thông" với cảm xúc rất ngây thơ nhưng rất chân thành.
Trong đó có các câu: Tôi vui tôi sướng biết bao nhiêu/Tôi học 10B - Nguyễn Gia Thiều/Nay đã trở nên "người anh cả"/Cuộc đời vui bay bổng cánh diều!... Làm gì đây cho đời thêm ý nghĩa/Năm cuối cùng của thời học phổ thông/Hay cứ để cuộc đời trôi lặng lẽ/Theo thời gian tẻ ngắt, lạnh lùng?!
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại lễ kỷ niệm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin rằng, với truyền thống 70 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành, với nhiều thành tích và kinh nghiệm đã tích luy được, trong thời gian tới, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều sẽ tiếp tục phát triển vươn lên, không ngừng tiến bộ, ngày càng thu được nhiều kết quả tốt đẹp hơn, đáp ứng tốt những yêu cầu mới ngày càng cao hơn, khó hơn, xứng đáng với danh xưng Nguyễn Gia Thiều, xứng đáng với sự tin yêu, tin cậy và đòi hỏi của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Thủ đô, đất nước.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội trao Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước tặng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều.
Tại lễ kỷ niệm, đồng chí Vương Đình Huệ trao Huân chương Độc lập hạng Ba, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng nhà trường.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng nhà trường 70 suất học bổng dành cho các học sinh tiêu biểu, xuất sắc; Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng nhà trường một phòng máy vi tính.
Hà Nội có 4 sinh viên là 'thủ khoa kép' được vinh danh Tại lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn TP.Hà Nội năm 2020, có 4 sinh viên là "thủ khoa kép", vừa là thủ khoa tuyển sinh đại học vừa là thủ khoa tốt nghiệp. Ông Vương Đình Huệ và anh Nguyễn Anh Tuấn trao danh hiệu cho các thủ khoa xuất sắc...