Cầu thị và kiên định
Trong tuần qua, liên tiếp hai cuộc họp tầm Chính phủ có bàn đến Kỳ thi THPT quốc gia. Với tinh thần chung là đánh giá khách quan cả những điểm tích cực và hạn chế, quan điểm được thống nhất là tiếp tục hoàn thiện và duy trì kỳ thi theo lộ trình đã đặt ra.
Tiếp tục nghiên cứu mọi phương án để tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia chặt chẽ hơn
Ngày 31/7, TS Lê Thống Nhất đã chia sẻ bài ghi chép về một cuộc trao đổi, góp ý diễn ra tại trụ sở Chính phủ mà ông được tham gia với tư cách chuyên gia.
Cuộc trao đổi với nội dung thời sự, đang được xã hội quan tâm diễn ra trọn 2 buổi ngày 30/7 được TS Lê Thống Nhất nhận định là “rất cởi mở, thẳng thắn” giữa nhiều chuyên gia với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, cũng là “cuộc gặp trực tiếp mà rất nhiều chuyên gia giáo dục cũng như cộng đồng chờ đợi”, “cho thấy sự cầu thị của người đứng đầu ngành Giáo dục”.
Theo đó, “không chỉ trao đổi cởi mở với các đại biểu trong cuộc họp chính thức mà ngay trong thời gian nghỉ trưa, Bộ trưởng cũng tranh thủ trao đổi với cá nhân và một số nhóm”.
Cầu thị và nghiêm túc lắng nghe, luôn hướng tới lợi ích của người học là cách làm được Bộ GD&ĐT thể hiện nhất quán trong quá trình thực hiện đổi mới thi. Với tinh thần ấy, qua các năm, Kỳ thi THPT quốc gia ngày càng hoàn thiện. Mới đây nhất, Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã được tổ chức đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.
Một số hạn chế của kỳ thi cũng được thẳng thắn nhìn nhận. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, trong cả buổi làm việc ngày 30/7 với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/8 đều nêu rõ những hạn chế này.
Theo Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và xã hội để xây dựng phương án thi tốt nhất, chặt chẽ nhất trong những năm tới. Nhấn mạnh sai phạm phải xử lý nghiêm, người đứng đầu ngành Giáo dục đồng thời kiên định với lộ trình đặt ra và cho rằng, không thể vì sai phạm mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi, càng không phải vì thế mà đặt vấn đề xóa bỏ kỳ thi.
Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết năm học 2017 – 2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019 toàn ngành: Đổi mới giáo dục là cả quá trình, không phải như xây nhà, làm đường và trong quá trình ấy không bao giờ có giải pháp nào là hoàn hảo.
Tính không hoàn hảo của giải pháp thể hiện ở giáo dục không chỉ liên quan đến gia đình, xã hội, nhà trường, mà cũng đặt chung trong bối cảnh của đất nước về tình hình kinh tế, xã hội và cả thói quen, truyền thống… Do đó, phương án đưa ra phải rất khoa học, cầu thị, nhưng cũng cần kiên trì, kiên định với những gì đã đúng. Ngay cả từ việc nhỏ như thi cũng vậy.
Đúng tinh thần ấy, cũng trong Hội nghị tổng kết năm học, Bộ GD&ĐT một lần nữa khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện Kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cho tuyển sinh giáo dục đại học, tuyển sinh nghề nghiệp, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong giáo dục, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội.
Những công việc cần làm là rà soát, đánh giá nghiêm túc, xử lý kịp thời những tiêu cực và hạn chế bất cập xảy ra trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 để rút kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo tổ chức thi; tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi, đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia; hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi; cải tiến phương thức tổ chức chấm thi theo hướng chấm tập trung theo các cụm và tăng cường chức năng quản lý Nhà nước, vai trò giám sát, thanh, kiểm tra của Bộ GD&ĐT và trách nhiệm đối với các hội đồng thi.
Sự cầu thị và quyết tâm của Bộ GD&ĐT, những góp ý đầy trách nhiệm và xây dựng của các chuyên gia tâm huyết và cộng đồng quan tâm tới giáo dục là cơ sở để chúng ta tin tưởng kỳ thi qua các năm tiếp tục tốt hơn lên.
Tâm An
Theo giaoducthoidai.vn
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đề thi THPT quốc gia chưa đạt yêu cầu
Đề thi THPT quốc gia năm 2018 chưa đạt yêu cầu, phần mềm chấm thi chưa chuẩn.
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại cuộc họp ngày 30/7 khi trao đổi về kỳ thi THPT quốc gia 2018 và những giải pháp cho những năm tới.
Chương trình Thời sự 19h ngày 31/7 của Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin: Sau 9 giờ thảo luận, có các ý kiến cho rằng phương thức thi THPT quốc gia như hiện nay vẫn phù hợp với tình hình hiện tại và nên được giữ ổn định cho đến hết năm 2020. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT lắng nghe ý kiến các chuyên gia một cách cầu thị, nghiêm túc, phải nhìn nhận đúng trách nhiệm của mình và sớm đưa ra những giải pháp tối ưu để khắc phục các hạn chế về quy trình tổ chức thi.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhận trách nhiệm trong 2 khâu ra đề thi và quy trình chấm thi vẫn còn những lỗ hổng về bảo mật.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói:
"Mặc dù qua từng kỳ thi có rút kinh nghiệm và cải tiến, nhưng công tác ra đề thi, chất lượng đề thi thời gian vừa rồi, chúng tôi xác định đề thi chưa đạt yêu cầu. Cần phải bám sát được chuẩn năng lực học sinh, những yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa và mức độ tin cậy của các đề thi phải tốt hơn nữa. Về vấn đề phần mềm, trong quá trình bảo mật, chúng tôi cũng cố gắng nhưng rõ ràng khi rà soát lại thì thấy chưa được chuẩn, chưa được chặt chẽ. Chúng tôi tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, sẽ phải làm sao để phần mềm chắc chắn tốt hơn. Điểm thứ 3 là liên quan đến tổ chức chấm thi. Tới đây, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để chỉ đạo tổ chức chấm theo cụm tập trung và giám sát trực tiếp, đặc biệt là khâu công nghệ, để hạn chế nhỏ nhất những sự tác động của con người".
Ngày 30/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì một cuộc gặp gỡ giữa Bộ GD-ĐT và một số nhà giáo, người quan tâm tới giáo dục, lãnh đạo trường đại học để các bên trao đổi về kỳ thi THPT quốc gia.
Buổi toạ đàm có sự tham gia của GS. Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ GD-ĐT, lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH FPT... Bên cạnh đó, còn có GS. Nguyễn Minh Thuyết, GS. Phạm Tất Dong, GS. Nguyễn Lân Dũng, TS. Lê Thống Nhất, TS. Nguyễn Tùng Lâm...
Một báo cáo về cách thi tốt nghiệp ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh,... cũng như tổng kết lại các phương thức thi và xét tuyển sinh từ những năm 1970 trở lại đây đã được giới thiệu. Qua tổng kết này, có thể thấy mỗi phương án đều có những ưu và nhược điểm khác nhau.
Nhiều đại biểu chia sẻ, đây không phải là một cuộc họp mang tính chất hội nghị, không có những kết luận chỉ đạo được đưa ra.
Thanh Hùng
Theo vietnamnet.vn
Thi THPT quốc gia sẽ thay đổi ra sao? Hôm qua 30.7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cùng đại diện các cục, vụ chức năng của bộ này đã có một ngày lắng nghe góp ý của các chuyên gia và đại diện các tầng lớp khác nhau trong xã hội về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Thí sinh tại TP.HCM tham gia kỳ...