Cậu sinh viên giàu nghị lực giành Học bổng Toyota
Nguyễn Văn Linh (sinh năm 1998, Hưng Yên) vừa giành Học bổng Toyota 2019 cùng khóa học Monozukuri – Bí quyết thành công trong sản xuất và kinh doanh.
“Học bổng Toyota như một sự đền đáp cho những nỗ lực của em suốt thời gian qua. Em sẽ dành một nửa để biếu bố mẹ, nửa còn lại đăng ký một lớp học tiếng Anh để nâng cao trình độ ngoại ngữ nhằm dễ dàng tiếp cận các kiến thức khoa học tiên tiến”, Nguyễn Văn Linh chia sẻ.
Nguyễn Văn Linh (sinh năm 1998, Hưng Yên) là lớp trưởng K57 ngành Điều khiển và Tự động hoá, Đại học Giao thông Vận tải
Là sinh viên năm cuối ngành Điều khiển và Tự động hoá, Đại học Giao thông Vận tải, Linh tự nhận đã trải qua nhiều khó khăn. Nhờ có sự động viên, ủng hộ của gia đình và sự kiên trì, nỗ lực Linh mới có ngày hôm nay.
Linh sinh ra trong một gia đình thuần nông. Mẹ mắc bệnh tiểu đường mạn tính ngay từ khi sinh Linh, từ đó, mọi chi phí thuốc men và sinh hoạt gia đình đều trông chờ vào mấy sào ruộng mà bố là lao động chính.
Lên cấp một, do bố mẹ đi làm xa chỉ tranh thủ về nhà một lúc buổi tối để ăn cơm, nên suốt thời gian còn lại, Linh và anh trai phải tự chăm lo nhau. Với cậu bé 10 tuổi, đó là khoảng thời gian Linh thấy khó khăn nhất và đã có những lúc ham chơi, chểnh mảng việc học hành. “Mãi cuối năm cấp hai, khi sức khỏe mẹ yếu hơn, nghỉ hẳn ở nhà và có thời gian gần gũi với các con, em mới dần hiểu chuyện và phấn đấu học tập”, nam sinh 9x nhớ lại.
Do gia đình khó khăn, Linh không có ý định đi học đại học, hoặc nếu có thì cũng là một trường gần nhà để phụ giúp cha mẹ. Tuy nhiên, bố mẹ Linh đã đã động viên con trai đăng ký một trường ở Hà Nội để mở mang kiến thức và biết phấn đấu cho tương lai.
Ông Doãn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục & Đào tạo trao Học bổng Toyota 2019 cho các em sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải.
Video đang HOT
Khi trở thành sinh viên Đại học Giao thông Vận tải, để trang trải cuộc sống, Linh đã trải qua nhiều công việc làm thêm khác nhau. Tuy vậy, chưa lúc nào, Linh xao nhãng việc học. Linh vẫn được cả lớp tín nhiệm giao trọng trách lớp trưởng khóa K57. Không những thế, nam sinh còn nhiều năm liên tiếp đạt giải cao trong các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học của trường.
Chia sẻ về tương lai, Linh cho biết: “Hiện tại mong muốn lớn nhất của em là sẽ sớm tốt nghiệp và xin một công việc đúng chuyên môn ở gần nhà để có thể phụng dưỡng cha mẹ – những người vì em mà chịu bao vất vả suốt thời gian qua.
Bà Đỗ Thu Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam chụp ảnh cùng các sinh viên xuất sắc.
Cùng nhận học bổng với Nguyễn Văn Linh đợt này là 67 sinh viên đến từ 10 trường đại học khối ngành kỹ thuật và môi trường của các trường đại học khu vực miền Bắc.
Lần thứ hai liên tiếp nhận học bổng quỹ Toyota, Hoàng Minh Việt, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh cho biết: “Học bổng có ý nghĩa lớn với em về mặt vật chất lẫn tinh thần. Để đạt học bổng này, em đã phấn đấu tích cực trong suốt quá trình học tập”. Nam sinh viên vùng Đất Mỏ gọi vui Học bổng Toyota là “tấm vé thông hành” giúp em mở cánh cửa của những nhà tuyển dụng khó tính.
Tại sự kiện còn có sự góp mặt của cựu sinh viên từng nhận học bổng Toyota lần thứ nhất (năm 1997) – Tiến sĩ Nguyễn Thiết Lập, giảng viên Bộ môn cơ khí ô tô, Trường Đại học Giao thông Vận tải.
Tiến sĩ Lập chia sẻ: “Học bổng này có ý nghĩa khích lệ tinh thần sinh viên rất nhiều. Riêng với tôi, học bổng giúp tôi nuôi dưỡng đam mê với nghề kỹ sư”. Đam mê ấy đã được thầy Lập truyền lại cho các em sinh viên qua từng bài giảng, từng giờ thực hành.
“Chúng tôi hy vọng chương trình học bổng sẽ góp phần khuyến khích tinh thần học tập và sáng tạo của các em sinh viên”, bà Đỗ Thu Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Toyota chia sẻ.
Học bổng Toyota là học bổng dành cho sinh viên khối ngành kỹ thuật tại Việt Nam, được triển khai từ năm 1997. Tiêu chí để dành học bổng là sinh viên đạt giải cao nghiên cứu khoa học, kết quả học tập nhiều năm đạt loại giỏi, hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Tại buổi lễ trao Học bổng Toyota 2019, các em sinh viên còn được đăng ký tham dự khóa học Monozukuri. Đây là khóa học giúp các doanh nghiệp Việt Nam và sinh viên kỹ thuật tiếp cận và hiểu sâu hơn về hệ thống sản xuất Toyota (Toyota Production System – TPS) cũng như những bí quyết thành công của Toyota.
Các em sinh viên nhận Học bổng Toyota 2019 đi tham quan nhà máy Toyota.
Bên cạnh lễ trao học bổng, Nguyễn Văn Linh và các bạn còn được đi tham quan dây chuyền nhà máy sản xuất của Toyota Việt Nam, tìm hiểu lịch sử và văn hóa công ty.
Bảo Hoa
Theo VNE
Cậu bé 7 tuổi liệt tứ chi và nghị lực phi thường khi viết chữ bằng miệng
Dù phải nằm học, viết chữ bằng miệng vì chân tay không cử động được nhưng bé Phong rất hăng say học, tiếp thu bài nhanh, luôn được cô giáo khen ngợi.
Từ khi sinh ra, em Nguyễn Thế Phong (SN 2012), trú xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình mang một cơ thể khuyết tật.
Phong phải dùng cả tay và miệng để viết bài. Ảnh: Thanh Niên.
Cụ thể, Phong bị đa khớp bẩm sinh và bại não vận động khiến tay chân em co quắp, tật nguyền không vận động được.
Chia sẻ trên báo Người Đưa Tin, chị Nguyễn Thị Trúc Phương (SN 1989), mẹ của Phong cho biết, ngày mang thai đứa con đầu lòng được 4 tháng, chị đi khám thì phát hiện cháu bị dị tật, dù được các bác sỹ khuyên không nên giữ nhưng vợ chồng chị vẫn quyết tâm giữ con. Lúc sinh ra, chân tay Phong đều cứng đơ, xếp vòng lại.
Căn bệnh đa khớp bẩm sinh và bại não vận động khiến Phong phải đi bệnh viện bó bột từ khi 2 tháng đến 2 tuổi và từ 2 - 4 tuổi Phong phải trải qua 5 lần mổ khớp đầu gối và khớp bàn chân nên hiện nay mới duỗi ra nhưng vẫn không vận động được.
Sau những chuỗi ngày nằm trong bệnh viện, trở về nhà, cuộc sống của Phong gắn liền với chiếc giường nhỏ bên ô cửa được cắt ra từ một tấm ván làm vách nhà.
Bố mẹ Phong có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Sau Phong còn có 2 em, để có thời gian chăm các con, chị Phương ở nhà, mọi gánh nặng kinh tế đều dồn lên vai anh Nguyễn Văn Nhật (SN 1982, bố Phong). Hàng ngày, ngoài đi phụ hồ, anh Nhật còn đi làm keo, ai thuê gì cũng làm chỉ mong có thể nuôi sống gia đình.
Vì thiết tha được học, Phong được bố mẹ và nhà trường tạo điều kiện cho đi học. Em nằm học trên chiếc giường gỗ đặt ở cuối lớp do bố mẹ đóng, đầu chiếc giường có thành cao bằng ván để làm giá kê sách vở.
Dù phải nằm học và chân tay không cử động được nhưng em rất hăng say học, tiếp thu bài nhanh, luôn được cô giáo khen ngợi.
Chiếc giường gỗ đặc biệt của Phong được đặt ở cuối lớp. Ảnh: Người Đưa Tin.
Lần đầu tiên trường tiểu học số 1 Xuân Trạch (Quảng Bình) tiếp nhận, nuôi dạy một học trò khuyết tật tay chân như Phong, nhà trường luôn quan tâm hỗ trợ em. Chia sẻ trên báo Thanh Niên, cô Lê Thị Hiền Bích - giáo viên chủ nhiệm của em Phong tâm sự: "Mặc dù em đi học muộn hơn các bạn 1 tháng nhưng qua sự hỗ trợ, quan tâm của lãnh đạo nhà trường cùng với sự nỗ lực của bản thân nên em đã tiếp thu bài kịp các bạn. Em học bài rất tốt".
Mỗi ngày Phong được mẹ - chị Nguyễn Thị Trúc Phương bế đi về 4 lượt. Đều đặn hằng ngày, cuối buổi học là chị Phương có mặt tại trường. Khi chưa hết giờ học, chị đứng ngoài cửa sổ lén nhìn con trai mình ở trong lớp mà nghẹn ngào. Chính tình mẫu tử giúp mẹ con chị Phương vượt lên giông bão cuộc đời.
Thanh Tùng
Theo ĐSPL
Nghị lực phi thường của thủ khoa Học viện Báo chí Ước mơ của Huệ là trở thành một nhà báo giỏi. Biết rằng, con đường đó chẳng dễ dàng chút nào, nhưng trong em vẫn ấp ủ một niềm tin mãnh liệt. Mỗi người có một điểm xuất phát khác nhau, nhưng sự nỗ lực và phấn đấu vươn lên mới là thước đo giá trị. Tôi đã gặp và rất khâm phục...