“Câu like” tích cực cũng được khuyến khích
TS Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) đã có những chia sẻ về hiện tượng “câu like” trên mạng xã hội của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Suy nghĩ của ông về hiện tượng câu like trên mạng xã hội bằng các hành động khác thường, đôi khi gây hại cho bản thân và cộng đồng?
- Hiện tượng câu like gây ra hậu quả đáng tiếc như leo núi check in, tuyên truyền thông tin sai lệch về dịch tả lợn, chụp ảnh trên đường cao tốc đều xuất phát từ nguyên nhân bản thân người làm không nhận thức được hậu quả từ hành động của mình, hoặc nhận thức được nhưng vì cái lợi trước mắt mà cố tình thực hiện.
Ngô Bá Khá (thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh cùng bạn bè đứng dàn hàng trên đường cao tốc để gây sự chú ý với cộng đồng mạng. Ảnh: I.T
Việc thực hiện những hành động “ngược đời” hoặc vi phạm pháp luật, coi thường tính mạng để “câu like” sẽ ảnh hưởng tới toàn xã hội. Ví dụ như trào lưu tẩy chay vaccine cũng xuất phát từ việc “câu like” trên mạng xã hội, dẫn tới thành trào lưu và cả xã hội đang phải hứng chịu hậu quả của nó.
Làm cách nào để hạn chế những trào lưu câu like ảo gây ảnh hưởng xấu đến xã hội?
Video đang HOT
- Thực tế việc “câu like” không hẳn là xấu, dù ở trên mạng xã hội hay ở ngoài đời thực thì ai cũng có nhu cầu hoặc thích thú với việc được khen ngợi. Vì vậy việc cần làm ở đây là hạn chế tối đa những trào lưu xấu và phát huy trào lưu tốt.
Ví dụ như những việc chia sẻ những thông tin sai sự thật, bất chấp vi phạm pháp luật để “câu like” cần phải quy định cụ thể để xử lý.
Tôi cho rằng, đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý truyền thông, họ phải đặt ra được quy chế sử dụng mạng xã hội. Hoặc nếu không, những mạng xã hội như facebook phải tự hạn chế được điều này bằng chặn những trào lưu “câu like” có gây nguy hại tới cá nhân hoặc xã hội.
Ngoài ra, cần phải vận động những trào lưu “câu like” nhưng vô cùng đáng hoan nghênh. Ví dụ gần đây với trào lưu #trashtag, nhiều người không kể lứa tuổi đã cùng nhau đi dọn rác tại nơi mình sống và đăng tải lên mạng xã hội. Tôi cho rằng điều này cần được nhân rộng bằng cách khuyến khích họ “câu like”, những việc tốt sẽ được lan tỏa nhờ vào mạng xã hội.
Ông có lời khuyên gì đối với các bậc cha mẹ hoặc người trẻ khi tham gia mạng xã hội?
- Bản thân những người thường xuyên tham gia các trào lưu câu like xấu thường là đã phải trả giá bằng cách này hay cách khác. Ví dụ như hậu quả thương tật cho bản thân, chịu trách nhiệm trước pháp luật… Thế nên tôi cho rằng, họ tự học được bài học cho mình và cũng là tấm gương cho người khác.
Trong thời đại internet bùng nổ, việc cấm đoán internet là không cần thiết và cũng không thể nào làm được vì nó đi ngược với sự phát triển. Vì vậy, đối với những người trẻ, học sinh trên ghế nhà trước thì lại cần có sự song hành của cha mẹ, nhà trường. Rất dễ để đặt ra mục tiêu cho các em cần phải “tránh xa các trào lưu câu like xấu”, nhưng cái khó là phải cùng các em để giúp đỡ, chia sẻ như một người bạn cùng các em trên con đường đạt được điều đó. Cha mẹ phải có cái nhìn cởi mở hơn để biết đâu là cái xấu, đâu là cái tốt, từ đó định hướng cho các em.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Việt
Tiêu chuẩn ngoại ngữ: Khó như "leo cột mỡ"
Đối với giáo viên (GV) dạy ngoại ngữ trong trường học phổ thông nhiều nơi còn chưa thực sự "chuẩn" thì yêu cầu mới đối với các thầy cô giáo khác lại càng xa vời.
TS Nguyễn Tùng Lâm-Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội)
Trong bộ tiêu chuẩn quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông có tiêu chuẩn thứ 5 về ngoại ngữ và công nghệ thông tin hiện đang gặp nhiều ý kiến phản đối từ phía các GV và chuyên gia giáo dục. Cụ thể để đạt mức xếp loại tốt, các GV phải có thể viết và trình bày đoạn văn đơn giản về các chủ đề quen thuộc trong hoạt động dạy học, giáo dục bằng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh).
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm-Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) thì đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp với thời đại. "GV phổ thông sử dụng được tiếng Anh thì quá tốt để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và cũng sẽ khơi gợi được phong trào học ngoại ngữ cho học sinh. Tuy nhiên, giữa cái mong muốn và việc để đưa được tiêu chuẩn này vào thực tế là điều rất khó khăn và cần có một lộ trình lâu dài".
"Thực tế hiện nay, việc chưa thể chuẩn hóa được việc dạy và học tiếng Anh trong trường đại học, cao đẳng thì làm sao có thể yêu cầu chuẩn hóa tiếng Anh trong môi trường giáo dục phổ thông. Cái gốc của chúng ta chưa có, thì không thể ngay lập tức yêu cầu cái ngọn phải xanh tươi được.
Tôi kiến nghị cần phải có một lộ trình, thời gian và điều kiện cụ thể để GV hoàn thiện. Trước mắt là cần phải chuẩn hóa các GV dạy tiếng Anh cái đã, rồi dần dần sẽ tới các GV bộ môn khác" - ông Lâm cho hay.
Đột xuất áp dụng cho giáo viên tiêu chuẩn thì khó như "leo cột mỡ". Ảnh: I.T
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nhận định rằng cần phải xem lại tiêu chuẩn này áp dụng cho đối tượng nào, nếu đột xuất áp dụng cho GV giáo dục phổ thông thì khó như "leo cột mỡ" vậy. Ví dụ như áp dụng cho đối tượng là giáo viên đang công tác lâu năm rồi thì rất khó để thực hiện. "Muốn đưa vào thực tế thì phải có những đột phá, ví dụ như sinh viên sư phạm trước khi ra trường cần phải vượt qua được một ngưỡng ngoại ngữ nào đó và đặc biệt phải đảm bảo là ngưỡng này đúng chuẩn, học thật, thi thật. Ngoài ra có thể yêu cầu thêm ngoại ngữ đầu vào sư phạm, có vậy thì tiêu chuẩn về ngoại ngữ trong giáo viên phổ thông mới đi được vào thực tiễn. Đây là một quá trình vô cùng gian khổ chứ không hề đơn giản" - ông Nhĩ chia sẻ.
Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, có nhiều cách nâng cao chất lượng GV chứ không phải chỉ áp dụng các tiêu chuẩn cứng nhắc trên. Theo ông, điều quan trọng là làm từ gốc, tức là cần siết chặt đầu vào các trường sư phạm; tổ chức dạy, học, kiểm tra đánh giá nghiêm túc để đào tạo, cho ra trường những GV thật sự có chất lượng. Thay đổi cách thi tuyển công chức GV sao cho thực chất, công bằng, hiệu quả.
Ông Lâm cũng nhấn mạnh để khuyến khích GV tự hoàn thiện mình thì đi kèm chuẩn mới cần có chế độ lương, thưởng tương xứng với các mức độ khác nhau theo bảng đánh giá GV. "Nếu Bộ GDĐT ban hành các loại chuẩn cho GV, trong khi lương thì không đạt chuẩn để lo đủ cho đời sống của họ thì thật vô lý".
"Dĩ nhiên việc chuẩn hóa GV là yêu cầu thiết thực, tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận lại thực tế rằng lương GV hiện nay đa phần còn chưa đủ sống. Nhất là những người có gia đình và trên 30 tuổi, việc tự hoàn thiện năng lực trong khi còn phải lo cơm áo, gạo tiền là điều không dễ. Vì vậy cần phải có những chính sách để "chuẩn" về mặt đời sống của GV trước đã" - PGS-TS Trần Xuân Nhĩ cùng chung quan điểm.
Theo Dân Việt
Làm rõ lao động của giáo viên để có đãi ngộ xứng đáng Trước hết phải giải quyết chế độ tiền lương thỏa đáng để người giáo viên sống thật bằng nghề và nhà giáo yên tâm làm việc một cách chuyên nghiệp về nghề dạy học. NGƯT.TS. Nguyễn Tùng Lâm - Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội - nhấn mạnh như vậy trong một...