Cậu học trò vươn lên từ ‘ngọn đèn dầu’
Sau trận lũ lịch sử tháng 11/2009, xóm Trường (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) tan hoang còn “sót” lại duy nhất một nhà. Nơi đây, có 2 mẹ con, đêm đêm thắp sáng ngọn đèn dầu nung ý chí học hành.
Góc học bài của Toàn
Ngắn ngày, dài đêm
Nguyễn Thành Toán, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lê Lợi (huyện Đồng Xuân) là con của chị Nguyễn Thị Hạnh (45 tuổi).
Cơn lũ kinh hoàng tháng 11 đi qua, những bụi tre bị lũ dữ “bứng” nguyên gốc “phơi” bộ nâu già nua đồ sộ nằm chỏng chơ trên bãi cát trắng.
Từ sau lũ đến nay, 2 mẹ con Toàn sống thui thủi trong ngôi nhà duy nhất còn “sót” lại. Ngôi nhà lô cấp 4, nếu tính cả chái bếp nữa, khoảng 30m2. Xung quanh nhà là những ngôi nhà lũ tàn phá trơ móng bên cạnh hàng trăm mảnh gạch vỡ vụn nằm ngổn ngang.
Đêm tối vắng lặng rợn người. Nhiều người ở xa đến thấy hai mẹ con chị Hạnh bám trụ nơi đây không khỏi ngạc nhiên, nói: ” Phụ nữ tay mềm chân yếu mà “cả gan” ở lại xóm Trường”.
Đêm, ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa bãi đất tan hoang bao quanh bốn phía, Toán chong đèn chăm chú học bài. Toán cho hay, học bài dưới ánh điện quen rồi nên lúc ngồi cạnh đèn dầu thấy lờ mờ, căng mí nhìn “rát” mắt mới thấy chữ.
Giải pháp để học được thuận lợi dưới ngọn đèn dầu là thay đổi cách viết cỡ chữ to hơn, tuy nhiên nhận dạng mặt chữ hơi chậm.
Video đang HOT
Để tiếp thu hết kiến một ngày học, Toán phải siêng năng kéo dài thời gian học bài trong đêm. Toán cho biết thêm, trước ngày đi thi có lúc học bài còn nửa trang giấy nửa là xong. Hết dầu lỡ cỡ, ngọn đèn lu xuống bằng hạt thóc, Toán vặn tiêm đèn dần dần lên, học thuộc xong nửa trang giấy đó thì tim đèn cụt ngủn.
Ngày 29 tháng Chạp, trong lúc đang lau cánh cửa nhà dính bùn đất bám chuẩn bị đón tết Nguyên đán Canh Dần, Toán nhận được tin báo thi đậu học sinh giỏi cấp tỉnh đạt giải khuyến khích môn hóa học.
“Má em khổ nhiều rồi em cố học giỏi sau này đền đáp công ơn cho má” – cậu chia sẻ.
Từ nhỏ đến lớn, Toán không biết mặt mũi ba mình là ai và cũng chưa một lần nghe má nhắc đến tên ba. Có lẽ, đây là một bí ẩn riêng tư gì đó trong cuộc đời phụ nữ không may bạc phận…
Tài sản lớn nhất là con nghé
Tài sản duy nhất của mẹ con chị Hạnh là nghé mới mua gầy giống sau lũ. Hằng ngày Toán đi học về, chiều tranh thủ mang giỏ cắt cỏ cho bò. Cánh đồng xóm Trường cát bồi lấp thành sa mạc nên phải lặn lội đi xa 3-4 cây số ngồi “nạo” sát bờ ruộng 2-3 tiếng đồng hồ, có khi tới đêm mới đủ giỏ cỏ mang về.
Tết này, 2 mẹ con chị Hạnh là người duy nhất đón tết ở xóm Trường. Chị kể, trước đây, nhà ở xóm Gò (thộn Triêm Đức), vách đất lũ lụt “ngâm nước” xiêu vẹo. Ngôi nhà đang ở là của mẹ chị trước đây sống chung với người anh ruột. Sau lũ, xóm Trường trong “diện” di dời, thấy ngôi nhà còn vững, chị dắt díu con trai ra đây ở ké. Tuy không phải hộ “gốc” ở xóm Trường, nhưng những ngày giáp Tết, chị cũng được bà con khắp nơi đến tặng quà từ cân nếp, bánh mứt… đủ dọn lên bàn thờ 3 ngày Tết.
Trong những đêm tối, hai mẹ con thủ thỉ vui chuyện. Biết được ý chí, nguỵện vọng của con chị Hạnh quả quyết: “Tôi ráng nuôi con bò, đó là “của để dành”, khi con trai vào cao đẳng, đại học tôi bán rồi “mang gói” theo con vào thành phố luôn”.
Thầy Nguyễn Phúc, hiệu trưởng Trường THPH Lê Lợi:
Em Nguyễn Thành Toán là học sinh của trường, hiện tại học lớp 12A1 do thầy Phương chủ nhiệm lớp. Qua trao đổi thầy Phương được biết em Toán là con nhà nghèo học giỏi.
Theo Vietnamnet
Cậu học trò và nỗi đau từ chính cha đẻ gây nên
Sau nhát dao oan nghiệt của người cha, năm em lên 3 tuổi, Nguyễn Lê Hoàng Trung, học sinh lớp 12 Lý trường THPT Chuyên Quang Trung (thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) bị đứt tuỷ sống và liệt nửa người.
Trong cái đêm định mệnh ấy, bố em đã chém liên tiếp vào mẹ em và giết chết bà theo cách đau đớn nhất. Bố bị tù chung thân, em trở thành mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Người ta vẫn hay nhắc đến em với sự ngưỡng mộ vì nghị lực vượt khó, can đảm và chăm chỉ học tập. Còn tôi, khi gặp cậu con trai 17 tuổi với hai cánh tay gầy gò, ngồi xo lại trên chiếc xe lăn, tôi chỉ thấy xót xa.
Em chẳng có tội gì, nhưng đã phải hứng chịu những bi kịch từ bạo hành gia đình từ khi còn quá nhỏ.
"Những điều đau đớn nhất em cũng đã trải qua"
Nguyễn Lê Hoàng Trung trắng trẻo, thư sinh, nhưng đôi mắt hay nhìn xuống rất buồn. Em nói chuyện với tôi bằng giọng nhỏ, nhát gừng, trả lời từng câu hỏi với câu chữ ngắn gọn. Rất nhiều lúc em im lặng, và tôi trở nên bối rối, không biết phải tiếp tục như thế nào. Tôi đang nói chuyện với em thì trời đổ mưa. Bình Phước đang mùa mưa, mưa dồn dập. Câu chuyện thành ra đứt quãng...
Trung không nhớ gì về ký ức buồn đau, có lẽ lúc ấy em còn quá nhỏ. Em không nhớ gì về mẹ, không nhớ gì về cái đêm ấy. Em nói, em vẫn còn giận bố, em không muốn gặp bố. Tôi tự thấy mình tàn nhẫn khi gợi lại cho em một chuyện quá buồn.
Ông ngoại gắn hết ngày tháng của cuộc đời mình để chăm sóc Trung, hàng ngày đưa em đi học, tắm rửa, vệ sinh, bồng bế, cho ăn...
Ông ngoại em năm nay đã 70 tuổi, rất gầy gò, khuôn mặt nhọc nhằn và nhiều đau buồn. Trước đây ông là hiệu trưởng trường tiểu học, nên cốt cách rất chừng mực. Từ ngày Trung đỗ vào trường chuyên cách nhà 15km, ông ngoại và em trọ ở gần trường. Phòng trọ nho nhỏ chỉ có giá 300.000 đồng/tháng, cộng thêm 100.000 đồng tiền điện nước.
Ông ngoại em nói rằng cả hai ông cháu phải vun vén tiết kiệm lắm thì đồng lương hưu mới tạm đủ, vì tiền ăn cũng rất tốn kém. Có lẽ thời gian sắp tới ông sẽ đi bán vé số để có tiền trang trải thêm. Ông ngoại em kể với tôi, bố em đã từng bị xử tử hình, nhưng nhà nội nhờ em viết đơn xin, nên được giảm án xuống còn chung thân. Vậy mà ngay cả ở phiên toà phúc thẩm, em cũng không được lên thăm bố, vì người ta sợ toà không giảm án nếu nhìn thấy em...
Ông ngoại em kể rằng, bố em là công nhân cao su, còn mẹ là giáo viên. Chuyện ghen tuông của bố cũng diễn ra từ lâu. Nhưng sau một đêm say rượu, bố em đóng chặt cửa lại và chém nhiều nhát vào vợ khiến mẹ bị chết ngay tại chỗ. Còn em bị chém vào lưng, đứt cả tuỷ sống.
Chỉ trong tích tắc, dường như tất cả mối dây hạnh phúc của em cũng đã bị chặt đứt. Từ đó trở đi, Trung hoàn toàn mất cảm giác ở nửa người dưới. Em không biết được khi nào mình tiểu tiện, đại tiện. Ông ngoại phải quấn tã cho em, còn việc đại tiện thì cứ hai ngày một lần, ông ngoại dùng nước xịt rửa để kích thích. Rất nhiều bác sĩ đã khám cho Trung, nhưng tất cả đều bó tay. Nhưng ông ngoại em quả quyết: "Nếu Trung vào ĐH, tôi sẽ theo cháu xuống Thành phố Hồ Chí Minh để nuôi ăn học. Tôi quyết sẽ nuôi Trung vào ĐH, theo đúng nguyện vọng của cháu là ngành công nghệ thông tin".
"Em phải bước tiếp"
Đời sống của Trung gắn chặt trên chiếc xe lăn, thế giới mới của em là chiếc máy tính nối mạng ông ngoại em đã rất nhọc nhằn để mua được. Trung ước mơ sẽ đỗ ĐH và trở thành một kỹ sư tin học. Em đam mê chiếc máy vi tính và công nghệ thông tin từ khi còn học lớp 7. Trung học rất giỏi, em từng được chọn vào Đội tuyển Quốc gia Vật lý của trường, nhưng sức khoẻ yếu không tham gia được, em lại phải xin ra. Có thời gian em bỏ học đến một tháng rưỡi vì không chịu nổi những cơn đau ở xương sống.
Có thể liên lạc với Trung qua địa chỉ: Nguyễn Lê Hoàng Trung, lớp 11 Lý, trường THPT Chuyên Quang Trung - thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Số điện thoại nhà: 0651 3819350
Em nói, em rất giận bố. Những ngày còn nhỏ, những lời trêu chọc ác ý của bạn bè làm em đau đớn vô cùng, càng bị tổn thương nhiều em càng giận bố hơn. Đến bây giờ em vẫn giận bố. Có lẽ không bao giờ em có thể tha thứ cho bố... Những ngày gần đây, em ít khóc hơn trước, cũng ít khi nghĩ đến những chuyện buồn. Em đã vui nhiều hơn, và quên đi nhiều mặc cảm.
Trung nói: "Em không còn hy vọng gì nữa từ rất lâu rồi, kể từ ngày em đọc trên mạng thấy họ nói trường hợp của em là không thể cứu chữa".
Nhưng em tâm sự, môi trường giáo dục của trường chuyên Quang Trung quá tốt, em không còn gì mơ ước hơn. Các bạn và thầy cô đều rất thông cảm, thương yêu và giúp đỡ em. Không bao giờ em gặp phải những lời trêu chọc ác ý. Trung nói với tôi: "Bây giờ em đã tự tin được 70%". Tôi hỏi: "Vậy 30% còn lại?". Trung im lặng. Tôi chỉ biết chờ đợi em lên tiếng trước. Và tôi nhận ra, mình đã lại chạm vào nỗi đau ghê gớm nhất của em...