Cậu học trò viết chữ bằng ống nhựa
Tai nạn bom mìn đã cướp mất bàn tay của Phan Trọng Hiếu, còn đôi chân thì không thể đi lại được. Ngày ngày, Hiếu tập viết chữ bằng ống nhựa tự chế rồi xin bố mẹ tiếp tục được đến trường.
Bị mất hai bàn tay sau vụ nổ bom mìn, Hiếu phải tập viết chữ bằng chiếc ống nhựa. Ảnh: Tiến Hùng.
Một buổi chiều tháng 3, vừa đi làm đồng về, ông Phan Nhì tất bật tới lớp học đón con trai ở trường THCS Nguyễn Trãi (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam). Chiếc xe máy cà tàng hàng ngày vẫn đưa đón Hiếu tới trường bỗng dưng bị hư, sợ con trai phải chờ một mình ở lớp học lâu, trường cũng gần nhà nên ông Nhì quyết định chạy bộ tới cõng con về.
Video đang HOT
Lấy vạt áo lau những giọt mồ hôi đang vã ra trên khuôn mặt, ông Nhì cho hay, Hiếu là con út và là con trai duy nhất của gia đình. Trước Hiếu còn có 4 chị gái. “Sinh mãi mới được đứa con trai, từ nhỏ Hiếu thông minh, ngoan ngoãn nên cả gia đình rất tự hào về nó…”, ông Nhì bỏ dở câu nói. Những giọt nước mắt trực trào trên gò má của người đàn ông đã bước sang tuổi ngũ tuần.
Ngồi trầm ngâm bên chồng và con trai, bà Nguyễn Thị Ngọc Đào (50 tuổi) hồi tưởng lại về một ngày tháng 11/2013. Như mọi ngày, sau khi tan học Hiếu dắt bò đi chăn bò ngoài đồng thì phát hiện một vật lạ. Tò mò, em cùng hai người bạn lấy đá đập mà không biết đó là kíp mình còn sót lại từ thời chiến.
Mặc dù có chiếc xe lăn nhưng không còn tay nên Hiếu cũng chỉ tự di chuyển được quãng ngắn trong nhà. Ảnh: Tiến Hùng.
“Sau tiếng nổ chát chúa, cả 3 đứa trẻ bị hất văng hàng chục mét. Hai đứa bạn may mắn hơn chỉ bị thương nhẹ, riêng Hiếu bị cụt hai bàn tay, đôi chân cũng không còn đi lại được”, người mẹ kể trong nước mắt. Sau 6 tháng nằm điều trị ở bệnh viện, của cải trong nhà đều “đội nón” theo những cơn đau của con, vợ chồng ông Nhì đành đưa con về nhà chăm sóc.
“Lúc về nó còn bước được vài bước chập chững nhưng sau đó bị ngã gãy chân, phải chốt 8 chiếc ốc vít bên chân trái. Từ đó nếu Hiếu muốn đi đâu bố mẹ phải cõng. Thấy con suốt ngày buồn bã ngồi trong nhà nên gia đình mua chiếc xe lăn để nó có thể qua hàng xóm chơi”, ông Nhì cho hay.
Khi năm học mới gần bắt đầu, thấy bạn bè sốt sắng chuẩn bị hành trang đến trường, Hiếu cũng xin bố mẹ được tiếp tục học lại sau gần một năm bỏ dỡ. Hai vợ chồng ông Nhì chỉ biết nhìn nhau khóc thầm.
Hàng ngày, Hiếu vẫn tập vẽ bằng chiếc bút kẹp trong ống nhựa với ước mơ trở thành họa sĩ. Ảnh: Tiến Hùng.
Tia hy vọng chợt lóe lên khi người chị gái của Hiếu đang theo học tại Đại học Quảng Nam nghĩ ra cách cắm ống nhựa vào phần tay còn lại, rồi làm một chiếc lỗ găm bút vào để Hiếu tập viết. Ròng rã suốt hơn một tháng, Hiếu bắt đầu viết được tên mình.
Khi đã viết chữ bằng ống nhựa thành thạo cũng là năm học mới bắt đầu, Hiếu được bố cõng lên trường để xin vào học lại lớp 6 sau thời gian dài dang dở. “Nó ham học lắm, những ngày thời tiết thay đổi, vết thương đau nhức, nhưng vẫn bắt bố phải cõng tới trường bằng được. Từ đầu năm học tới giờ, đau ốm liên miên nhưng cứ trở về từ bệnh viện là Hiếu lại đòi đến lớp học ngay”, ông Nhì chia sẻ.
Nói về ước mơ của mình, Hiếu cho biết từ nhỏ đã muốn trở thành họa sĩ. “Em rất thích được vẽ mặc dù biết thứ quan trọng nhất đối với người họa sĩ là đôi bàn tay khéo léo thì em đã không còn”, Hiếu ngậm ngùi nói.
Thầy Nguyễn Ba, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi, nhận xét Hiếu là học trò ngoan, chăm chỉ, học lực loại khá. Biết được hoàn cảnh đặc biệt của em nên nhà trường cũng tạo điều kiện tốt cho em được học tập.
Theo VNE