Cậu học trò dân tộc Nùng bị ung thư máu xem bệnh tật là một phần cuộc sống
Khi biết mình bị ung thư, với nhiều sau đó có thể là những chuỗi ngày suy sụp, gục ngã, nhưng cậu học trò dân tộc Nùng đã tự hỏi “Buồn chán, đau khổ thì thay đổi được điều gì?” để lạc quan đứng dậy…
Lâm Tiến Thăng, học sinh lớp 9, Trường THCS Phan Thiết, Tuyên Quang là gương mặt thiếu nhi góp mặt trong Liên hoan Thiếu nhi vượt khó học giỏi toàn quốc lần thứ III/2019 được tổ chức tại TPHCM.
Cậu học trò Lâm Tiến Thăng cùng một số gương mặt chia sẻ trong buổi giao lưu Thiếu nhi vượt khó học giỏi toàn quốc lần thứ III/2019
Bị ung thư máu nhưng cậu học trò người Nùng vượt qua nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần để sống lạc quan và khám phá ra sở thích, khả năng của mình chính trong giai đoạn này.
Bản thân bị bệnh lại “tiếp sức” cho bố mẹ
Năm 2017, khi đang học lớp 8, em Lâm Tiến Thăng phải tạm ngưng việc học để điều trị căn bệnh ung thư máu. Thăng nhớ lại, khi đó chính cậu đã tự mày mò, tìm hiểu về căn bệnh của mình và cũng trải qua những ngày bị “sốc”.
Nhưng em đã giữ lại thăng bằng khi nhìn thấy bố mẹ mình khóc rất nhiều. Bố em bị liệt nửa người, mẹ phải điều trị khối u trong thực quản, những tưởng không còn gì làm họ có thể khổ tâm hơn thì việc con trai bị ung thư như làm họ đổ gục.
Đôi mắt đỏ au của bố, nước mắt của mẹ đã thôi thúc Thăng phải đứng dậy trở thành chỗ dựa tinh thần cho người thân. Thăng cũng trải qua những giây phút đau khổ nhưng đối diện trước bố mẹ, em lại cười thật tươi, nói rằng: “Con không sao!”.
Cậu học trò nhỏ, người mang bệnh lại truyền nghị lực ngược cho bố mẹ. Điều này xuất phát từ nỗi lòng của một người con: “Em không muốn bố mẹ phải lo lắng thêm nữa. Nếu em suy sụp thì bố mẹ có cố gắng thế nào cũng không thể gượng dậy nổi”.
Rồi Thăng tự nói với chính mình: “Buồn bã, đau khổ thì được cái gì?”. Thế rồi, em trải qua những ngày tháng điều trị ở bệnh viện K, Viện huyết học Truyền máu Trung ương… với một sự lạc quan, yêu đời nhất.
Trong thời gian điều trị bệnh, thay vì suy sụp, chán nản, Thăng thấy mình có nhiều thời gian để… tự mày mò kiến thức, khám phá bản thân như một cách để vượt qua nỗi đau. Với chiếc máy tính được tặng, em đến với thế giới Tin học, điều mà trước đây em không mấy quan tâm, và tìm thấy rất nhiều thứ thú vị.
Chính em cũng phải ngạc nhiên khi thấy mình lại hứng thú với lĩnh vực Tin học như thế. Những lúc thăng trầm với căn bệnh hiểm nghèo, với hóa chất, những cơn đau, khi lấy máu, tiêm tủy lại là lúc em phát hiện ra khả năng, sở thích của bản thân.
Có lẽ chính điều này đã tiếp thêm rất nhiều sức mạnh cho Thăng, bệnh tật trở nên “nhỏ bé”, yếu đuối trước khát khao, mong muốn khám phá về một thế giới mới của cậu học trò. Nước mắt được gạt trên khuôn mặt của cậu nhường cho nụ cười ham học hỏi.
Dân Tin học nhưng không “chơi” Facebook
Sau một năm điều trị, Thăng được phép quay lại trường học. Hàng tháng em vẫn đi khám định kỳ và 3 tháng một lần lại đi tiêm tủy. Cậu học trò Lâm Tiến Thăng đã xem bệnh tật là một phần trong cuộc sống của mình để sống chung một cách tích cực nhất.
Ban đầu quay lại trường, học với các bạn lớp dưới, Thăng cũng có phần e ngại, tự tin khi quanh mình chưa có lấy một người bạn. Nhưng mọi việc dễ dàng hơn em hình dung, Thăng hòa nhập rất nhanh.
Cậu học trò Lâm Tiến Thăng (bên tay phải) mang trong mình căn bệnh ung thư máu vẫn lạc quan khám phá năng lực bản thân.
Với Thăng, việc quay trở lại trường học sau khi điều trị bệnh, với tâm thế của một người mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, việc học đã thay đổi nhiều so với trước. Em đến với học bằng niềm vui, đam mê.
Kết quả của điều đó là Thăng đạt giải Nhất cấp thành phố, giải Nhất cấp tỉnh môn Tin học. Ước mơ trở thành một lập trình viên nhen nhóm trong cậu học trò người dân tộc Nùng – điều mà trước em chưa từng nghĩ đến.
Là dân Tin học nhưng Thăng không “chơi” Facebook như bạn bè cùng trang lứa. Thăng không muốn chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội và em nhìn thấy nhiều người quanh mình “chơi” Faceboook một cách vô bổ nhưng lại bị nghiện, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống.
Thăng không thấy mình bị hạn chế tương tác. Cậu học trò bày tỏ suy nghĩ một cách chín chắn rằng, em thích tương tác trực tiếp, thích nghe mọi người nói chuyện, thích được nhìn vào mắt nhau nhiều hơn…
Ngoài khám phá thế giới tin học, em Lâm Tiến Thăng dành nhiều thời gian để đọc sách. Em hay đọc tiểu thuyết hay những cuốn sách như Trình Giảo Kim, Sherlock Holmes, Harry Potter…
Hoài Nam
Theo Dân trí
Tỏa sáng những tấm gương thiếu nhi vượt khó học tốt
Tại Liên hoan thiếu nhi vượt khó học giỏi toàn quốc lần thứ 3 năm 2019, diễn ra từ ngày 14 - 16/6 tại TP Hồ Chí Minh do Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức, nhiều gương thiếu nhi giàu nghị lực, vượt lên nghịch cảnh, khó khăn của bệnh tật để học tốt, sẵn lòng giúp đỡ bạn bè đã khiến nhiều người xúc động.
Em Lâm Tiến Thăng nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Liên hoan thiếu nhi vượt khó học giỏi toàn quốc lần thứ 3 năm 2019.
Một trong những tấm gương vượt khó gây xúc động là cậu bé người dân tộc Nùng, Lâm Tiến Thăng, học sinh lớp 9B, Trường Trung học cơ sở Phan Thiết, tỉnh Tuyên Quang.
Gia đình em rất khó khăn, bố Thăng đang bị liệt nửa người, mẹ đang có khối u ở thực quản, bản thân Thăng lại mang trong mình căn bệnh ung thư máu, đã từng phải nghỉ học 1 năm để chữa bệnh.
Trong quá trình điều trị bệnh, chứng kiến sự ham học của Thăng, có người đã tặng em một chiếc máy tính để "bầu bạn". Từ đó, chiếc máy tính chính là những liều thuốc giảm đau giúp em vượt qua các cơn đau, đợt vào thuốc.
Cũng từ đây, món quà này đã giúp Thăng hình thành niềm đam mê môn tin học, mày mò để học hỏi những kiến thức về viết phần mềm, lập trình... Niềm đam mê và sự ham học hỏi đã giúp Thăng đạt được thành tích giải nhất cấp tỉnh môn tin học.
Tiến Thăng cho biết: Em yêu thích môn tin học vì có thể tạo ra nhiều phần mềm có ích, đồng thời môn tin học giúp em được giao lưu và học hỏi với nhiều bạn có chung niềm đam mê tin học. Em đã lập trình thành công một số phần mềm, trong đó có phần mềm trợ lý ảo có thể trả lời nhiều câu hỏi về kiến thức tổng hợp.
"Em mong muốn trở thành một lập trình viên trong tương lại, có thể viết ra nhiều phần mềm công nghệ hiện đại phục vụ cho công tác giáo dục, đào tạo", Tiến Thăng chia sẻ về dự định tương lại của mình.
Một câu chuyện khác về tấm gương vượt qua bệnh tật, học giỏi được giới thiệu tại Liên hoan cũng khiến nhiều người rơi nước mắt, đó là hoàn cảnh của em Phùng Thị Vân, học sinh lớp 9/1, Trường Trung học cơ sở Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.
Gia đình Vân thuộc diện hộ nghèo của xã, bố bị khuyết tật nặng, mẹ là lao động chính trong gia đình nhưng 2 năm gần đây sức khỏe yếu dần đi do căn bệnh u màng não và hiện đã mất hoàn toàn khả năng nghe. Em trai của Vân hiện học lớp 4 cũng đang đợi kết quả kiểm tra vì có dấu hiệu bị u màng não giống mẹ.
Vân không may cũng đang bị bệnh u màng não, căn bệnh khiến em không nghe được bên tai trái và một bên mắt không còn nhìn thấy bình thường. Tuy mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng Vân lại rất lạc quan và luôn phấn đấu trong học tập, nhiều năm liền đạt học sinh giỏi cấp huyện, đạt giải nhì môn Lịch sử cấp tỉnh năm học 2017 - 2018.
Em Lâm Tiến Thăng, Phùng Thị Vân tham gia giao lưu tại Liên hoan thiếu nhi vượt khó học giỏi toàn quốc lần thứ 3 năm 2019.
Chia sẻ về sở thích, bí quyết học tập cũng như ước mơ của mình, Vân cho biết: Em thích môn Lịch sử vì môn học giúp em được tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc cũng như lịch sử nhiều quốc gia, khu vực trên toàn thế giới.
Bí quyết giúp em học tập tốt là luôn kiên trì, nỗ lực, học bài theo cách liên kết các sự kiện, theo sơ đồ tư duy. Em mong muốn trở thành nhà văn để tìm hiểu và viết về nghị lực vượt khó của những người khuyết tật, làm thành nguồn động lực cho các bạn khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Xúc động trước các tấm gương thiếu nhi vượt khó học tốt, ông Lý Minh Long, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Long I đã tặng 2 suất học bổng cùng với 2 cuốn sách viết về những tấm gương giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống cho Lâm Tiến Thăng, Phùng Thị Vân.
Ông Lý Minh Long cho biết: Các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo vượt khó vươn lên trong cuộc sống là những tấm gương sáng để mọi người noi theo. Chịu khó học hỏi, trao dồi kiến thức, cùng với ước mơ đẹp, hoài bão lớn thì các em sẽ gặt hái được thành công trong tương lai.
Bên cạnh đó, nhiều tấm gương vượt khó, sẵn lòng giúp đỡ bạn bè cũng khiến mọi người thán phục và ngưỡng mộ. Em Nguyễn Thành Điệp, học sinh lớp 8A Trường trung học cơ sở, Trung học phổ thông Phan Chu Trinh, tỉnh nghệ An là tấm gương về tinh thần vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Học sinh Nguyễn Thành Điệp nhận Bằng khen của trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Liên hoan thiếu nhi vượt khó học giỏi toàn quốc lần thứ 3 năm 2019.
Thành Điệp từ nhỏ đã không còn mẹ, bố là cán bộ đang công tác tại Vùng 4 Hải quân, thường xuyên phải làm việc ở đảo xa, Điệp cùng anh trai sống cùng ông bà nội. Ông bà đã già yếu nên hai anh em luôn giúp đỡ nhau trong học tập, làm công việc nhà phụ giúp ông bà, hình thành nên thói quen tự lập, chủ động trong học tập và sinh hoạt. Chính sự tự lập, chủ động đã giúp hai anh em Điệp luôn đạt được thành tích khá, giỏi, biết tự chăm sóc bản thân để bố yên tâm công tác.
Với suy nghĩ khá "già" so với tuổi của mình, Thành Điệp chia sẻ: Nhiều khi nhớ mẹ, nhớ bố, hai anh em đôi lúc cảm thấy buồn và thiếu tình cảm nhưng biết bố phải làm nhiệm vụ nên hai anh em động viên nhau cố gắng học tập đợi bố về. Hai anh em sẽ học tập thật tốt để thực hiện ước mơ trở thành chiến sỹ hải quân, theo bố làm nhiệm vụ, bảo vệ Tổ quốc.
Có thể nói, 278 thiếu nhi trong cả nước được giới thiệu, tham gia Liên hoan thiếu nhi vượt khó học giỏi toàn quốc lần thứ 3 năm 2019 là 278 câu chuyện vượt khó học tốt. Những câu chuyện, tấm gương của các em chính là những tấm gương sáng để thiếu nhi cả nước học tập, noi theo.
Bài và ảnh: Nguyễn Xuân Dự
Theo TTXVN
Những thiếu nhi có nghị lực phi thường Mỗi em đến từ một miền quê khác nhau, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có chung ý chí, nghị lực phi thường với những ước mơ cao đẹp, khát vọng vươn lên... Các gương thiếu nhi vượt khó học giỏi toàn quốc năm 2019 chụp hình với Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn...