Cậu học trò ba năm qua sống một mình trong ngôi nhà nát đậu đại học Công nghệ thông tin
Con đường vào nhà Đinh Văn Cơ, tân sinh viên Trường đại học Công nghệ thông tin TP.HCM, quanh co, gập ghềnh như chính cuộc đời của em.
Mái nhà của Cơ chẳng lành lặn dù đã được thầy cô và bạn bè giúp sửa chữa – Ảnh: NG.TÀI
“Chỉ có con đường học, ra trường có việc làm ổn định mới là đường đi lâu dài.”
ĐINH VĂN CƠ
Ngôi nhà bé xíu ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp dột nát tả tơi. Đó cũng chính là mái ấm duy nhất của Cơ – nơi ấy ba năm qua chỉ một mình bạn tự lo cho bản thân và tìm nguồn vui, hi vọng vào việc học hành.
Những thử thách cho số phận
Cha ruột trong ký ức của Cơ chỉ qua những lời kể chắp vá, chưa một lần đến nhà cha và chỉ dám mơ về tình yêu thương. Mẹ Cơ vì cuộc sống túng thiếu, vừa sinh xong Cơ đã lên TP.HCM bươn chải.
Thuở bé Cơ ở với ngoại và cậu, chật vật đủ bề. Đến năm 7 tuổi, mẹ Cơ đi thêm bước nữa và dẫn bạn theo cùng. Mái ấm ấy tuy nghèo khó nhưng trong ký ức của bạn đó thực sự là một gia đình.
“Mẹ sinh cho cha dượng đứa con trai nhưng cha vẫn thương mình như con ruột của ông. Thời gian đó mình mới hiểu được thế nào là gia đình, được yêu thương là như thế nào” – Cơ chia sẻ.
Số phận như muốn thử thách ba mẹ con Cơ một lần nữa khi cha dượng của Cơ đột ngột qua đời trong cơn đột quỵ, chưa kịp trăng trối. Ngôi nhà nhỏ thiếu vắng trụ cột gia đình, Cơ mất đi người cha mà mình kính yêu.
Tám năm sau đó, mẹ Cơ cố gắng từng ngày để lo kinh tế gia đình, lo cho hai anh em học hành. Ký ức vui của hai anh em là những buổi chiều ngồi ngóng mẹ về, chỉ cần mẹ xuất hiện ở con đường đất nhỏ, hai anh em liền ùa ra reo vang.
Rồi có một ngày Cơ ngóng mãi về con đường đất mà chẳng thấy bóng dáng người mẹ thân yêu. Ở tuổi 16, bạn thấm thía thực sự nỗi bơ vơ, hiu quạnh giữa dòng đời, tự lo cho mình, vượt qua cú sốc mang tên “ bị bỏ rơi”.
Nguồn vui của Cơ
Ba tháng hè lớp 10, Cơ xin về nhà cậu mợ tá túc nhưng họ cũng nghèo, lại đông con. Cơ không thể là gánh nặng của cậu mợ, bạn quyết định quay về nhà tự lo cho bản thân.
Ngày còn mẹ ở nhà, Cơ hay phụ mẹ làm những tấm lót nhấc nồi. Dù tiền công khá ít ỏi, chỉ 2.000 đồng một cặp nhưng đó là cách mưu sinh duy nhất với Cơ trong thời gian đầu tự lập. Dẫu sao Cơ cũng có được ít tiền mua gạo để ăn qua ngày.
Cơ cũng đã nghỉ học vì sợ không thể xoay xở chuyện học hành, nhưng thầy cô, bạn bè đã đến động viên và giúp đỡ bạn rất nhiều.
“Tấm che mái nhà là do chính tay thầy cô và các bạn đến giúp mình. Hôm đó rất vui. Thầy cô, bạn bè ai cũng cười nói vui vẻ. Lâu rồi nhà mình mới có dịp đông đúc, nhộn nhịp đến vậy” – Cơ cười tươi nhớ lại kỷ niệm đẹp.
Sau đó, thầy chủ nhiệm ưu tiên cho Cơ nhiều phần học bổng từ các nhà hảo tâm. Thầy Nguyễn Trọng Nghĩa, giáo viên chủ nhiệm Cơ năm lớp 11 và 12 Trường THPT Cao Lãnh 2, ấn tượng mạnh về cậu học trò học rất giỏi này.
“Đến tận nhà em, thấy cảnh em phải sống một mình, không cha, không mẹ, không người thân, tôi không cầm lòng được, thấy thương em quá” – thầy Nghĩa chia sẻ.
Video đang HOT
Hàng xóm láng giềng cũng dành cho bạn nhiều sự bất ngờ. Những hôm bạn đi học về muộn, vừa mệt vừa đói, hàng xóm mang qua cho bạn tô cơm nóng, cá kho làm bạn rưng rưng. Hay các bạn thân cứ thường đến nhà bạn để học bài cùng. Những lúc ốm đau cũng có các bạn bên cạnh, thuốc thang, chăm sóc.
Bà Lê Thị Tuyền, hàng xóm của Cơ, dành nhiều thiện cảm với Cơ lẫn những người bạn của Cơ. “Hồi mẹ nó đi, nó lầm lì, ít nói. May nhờ có đám bạn thân hay lui tới, thấy nó cũng đỡ buồn hơn. Thương lắm. Có hôm tui thấy nó nhờ bạn nấu nồi canh chua cá lóc, nó thèm mà không biết nấu” – bà Tuyền kể.
Có lẽ cuộc đời đã không lấy đi của ai tất cả. Cơ dần vui trở lại, tự đặt ra cho mình nhiều mục tiêu của cuộc đời. Trong đó việc học được bạn ưu tiên hàng đầu. Bạn bảo lúc cha dượng còn sống cũng hay khuyên bảo ráng học, bản thân Cơ cũng nhận thấy chỉ có con đường học, ra trường có việc làm ổn định mới là lâu dài.
12 năm liền Cơ đều là học sinh giỏi. Kỳ thi THPT quốc gia 2019 bạn đạt được 23,6 điểm, đậu ngành khoa học dữ liệu Đại học Công nghệ thông tin TP.HCM. Từ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và số tiền dành dụm của bản thân, Cơ đã đủ đóng tiền học phí học kỳ đầu tiên. Bạn dự định đi làm thêm để lo tiếp mấy năm đại học sắp tới.
Ba năm qua Cơ tá túc trong ngồi nhà của cha dượng và cố gắng vừa mưu sinh vừa đi học – Ảnh: NGỌC TÀI
Mái nhà đã dột nát, được thầy cô bạn bè đến giúp che tạm bằng tấm mũ, Cơ sửa lại một lần trước khi nhập học ở TP.HCM – Ảnh: NGỌC TÀI
Mái nhà đã dột nát, được thầy cô bạn bè đến giúp che tạm bằng tấm mũ, Cơ sửa lại một lần trước khi nhập học ở TP.HCM – Ảnh: NGỌC TÀI
Nhà dột, cột siêu lại không có người thân bên cạnh, Cơ vẫn nỗ lực mỗi ngày để thi đậu đại học – Ảnh: NGỌC TÀI
Bạn đọc có thể đồng hành với báo Tuổi Trẻ ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện học tập… cho tân sinh viên, giúp các bạn vững tin trong học tập. Đây sẽ là sự hỗ trợ ban đầu và động lực tinh thần để các tân sinh viên tự tin viết tiếp ước mơ cuộc đời. Ngoài học bổng, chương trình rất mong được sự hỗ trợ thêm chỗ ở, việc làm hay phương tiện đi lại, dụng cụ học tập…
Kinh phí ủng hộ học bổng có thể đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực.
Chuyển khoản:
Tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM.
- Ví điện tử MoMo, mục “Chung tay cùng Tuổi Trẻ”.
Nội dung chuyển tiền: “Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên”, hoặc ghi rõ tên sinh viên bạn muốn ủng hộ.
“Tiếp sức đến trường” cho 167 tân sinh viên 11 tỉnh, thành ĐBSCL
Hôm nay (14-9), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Thành đoàn Cần Thơ, Đài Phát thanh – truyền hình Cần Thơ và Công ty CP Phân bón Bình Điền tổ chức lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho 167 tân sinh viên vượt khó học giỏi của 11 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp lúc 9h15 trên Đài PT-TH TP Cần Thơ.
Ngoài suất học bổng trị giá 10 triệu đồng/suất dành cho 167 tân sinh viên, còn có 12 tân sinh viên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được nhận suất học bổng trị giá 15 triệu đồng/suất. Toàn bộ kinh phí buổi trao học bổng này hơn 1,7 tỉ đồng do Quỹ “Đồng hành nhà nông” tài trợ.
Đây cũng là đợt trao thứ năm của học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ trong năm 2019. Trước đó, học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ đã trao 581 suất cho tân sinh viên của Quảng Nam – Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên và Bình Định.
Học bổng “Tiếp sức đến trường” được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông”, CLB “Nghĩa tình Quảng Trị”, CLB “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, CLB “Tiếp sức đến trường” Quảng Nam – Đà Nẵng, CLB “Tiếp sức đến trường” Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Vinacam), Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt, Ủy ban Tương trợ người Việt Nam tại Đức, giáo sư Phan Lương Cầm – phu nhân cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi, Công ty TNHH TMDV Nụ Cười Vui, cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ. ( T.TRANG)
Theo tuoitre
Chàng trai chỉ có... một ngón cái, trở thành tân sinh viên đại học
Dù có khiếm khuyết về thể hình nhưng chưa bao giờ em Trần Trí Thức lấy đó làm mặc cảm, tự ti với mọi người. Thức đã vượt mọi khó khăn, trở ngại của mình mà phấn đấu, vươn lên để trở thành người có ích cho xã hội.
Hiện Thức là tân sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm của Trường đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM.
Dù khiếm khuyết về ngoại hình, nhưng em Trần Trí Thức lại có một nghị lực mạnh mẽ - Ảnh: Trần Quốc
"Nếu cứ trông chờ vào người khác thì khó thành công"
Trong cơn mưa nặng hạt của những ngày cuối tháng 8, thông qua sự chỉ dẫn của người dân, PV đã tìm đến nhà của em Trần Trí Thức (17 tuổi, ngụ ấp An Ninh 2, TT.Kế Sách, H.Kế Sách, Sóc Trăng) - ngôi nhà cấp 4 rất sạch sẽ, tươm tất và rộn ràng. Anh Trần Ngọc Trí (cha ruột Trí Thức) cho biết, Thức là người giàu nghị lực, bản thân em luôn cố gắng phấn đấu vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Dù bản thân không lành lặn như bao người khác, nhưng tinh thần của Trí Thức lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan và xem mọi thứ xung quanh mình đều toàn màu hồng...
Anh Trí tự hào: "Trí Thức bị khuyết tật bẩm sinh, khi cháu sinh ra đã không có 2 bàn tay lành lặn rồi, mà chỉ có 1 ngón cái thôi, nên rất yếu chứ không linh hoạt như người bình thường. Dù vậy, con tôi không bao giờ chùn bước, phó thác cho số phận. Suốt 12 năm liền, Trí Thức đều là học sinh giỏi, đứng ở tốp đầu của trường. Gia đình tôi rất tự hào về Trí Thức".
Em Trần Trí Thức (bìa trái) cùng bạn học cùng lớp - Ảnh: Trần Quốc
Quá trình bắt đầu tập viết những chữ cái đầu đời với em thật khó khăn và chính mẹ em là người kề cận, hỗ trợ để giúp em cầm được viết và viết chữ. "Em bắt đầu tập viết từ lúc học mẫu giáo, khi chưa biết chữ thì mình thấy khó, nhưng viết hoài thành quen. Để viết được chữ, em dùng ngón tay cái duy nhất để cố định phần đầu cây viết, 2 đầu cẳng tay có trách nhiệm nẹp chặt và duy chuyển cây viết và cứ thế là em viết được chữ. Chỉ khó lúc đầu thôi, còn bây giờ em đã quen rồi nên thấy rất bình thường. Nhờ vượt qua thử thách đó mà em mới có được như ngày hôm nay đó", Thức nói. Vậy mà hiện nay, chữ viết của Thức rất đẹp!
Chị Nguyễn Thị Mỹ (mẹ ruột Trí Thức) tâm tình, Thức rất đam mê công nghệ thông tin, nên ngay từ những năm đầu của cấp 3, cháu đã có nguyện vọng được trở thành kỹ sư chuyên ngành về kỹ thuật phần mềm. "Trí Thức thường chia sẻ với tôi rằng, con không có đôi tay lành lặn, chỉ có 1 ngón cái tay trái thôi, nên cháu nó cảm thấy phù hợp với ngành học đó. Khi Trí Thức vào lớp 10 thì gia đình tôi đã định hướng công việc cho cháu rồi.
Tôi khuyên con rằng, nếu con thấy việc nào phù hợp thì con lựa chọn, quyết định chọn ngành nghề là do con cả, chứ vợ chồng tôi không chọn, cũng không ép buộc con phải theo ý mình. Vì nếu có ép buộc con nghe theo ý cha mẹ thì liệu rằng con nó có học tốt hay không?", chị Mỹ nhìn nhận.
Theo lời chị Mỹ, ngay từ nhỏ Thức đã có tính tự lập, nên em không chịu nhận sự giúp đỡ của ai, hay san sẻ bất cứ điều gì. "Tôi còn nhớ, ngày trước Trí Thức đi lao động ở trường và mang theo giẻ lau, khi đó tôi mới nói, con đừng có lau mà hãy để bạn lau đi. Khi đó, Thức trả lời tôi rằng: "Nói như mẹ, nếu người khác cũng nghĩ như mẹ vậy thì ai là người làm?". Có khi đi học rồi cháu chở cây chổi về nhà, tôi có hỏi thì cháu nói không ai chịu giữ thì con giữ. Tính Thức không muốn phụ thuộc vào ai", chị Mỹ nói.
Vợ chồng anh Trí và chị Mỹ luôn tự hào về thành tích học tập và nghị lực mạnh mẽ của đứa con trai của mình - Ảnh: Trần Quốc
Trí Thức cho biết: "Với em, nếu cái nào mình làm được thì mình làm, chứ nếu cứ trông chờ, ỷ lại vào người khác, thì biết khi nào mình mới làm được. Còn nếu cái nào mình không làm được thì phải tự tạo ra một cơ hội cho mình, để thử và thực hiện cho được. Nếu ai cũng có suy nghĩ như vậy, thì chẳng khác nào em là người thừa, 1 kẻ vô dụng trong mắt người khác và biết khi nào mới thành công".
Trò chuyện với chúng tôi, Trí Thức giọng đầy mạnh mẽ: "Tuy em có đôi bàn tay không lành lặn như bao người khác, nhưng em yêu quý nó và đang dùng nó vào những việc có ích cho tương lai của mình. Từ lúc sinh ra, em đã như vậy nên nay đã quen rồi và thấy rất đỗi bình thường".
Nói về những khó khăn của mình khi thiếu đi đôi bàn tay lành lặn, giọng Thức vẫn đầy lạc quan: "Có lẽ, thử thách lớn nhất đối với em là lúc tập viết, giai đoạn đó thật khó khăn. Nếu có niềm tin là có tất cả thôi, ông trời không cự tuyệt đường ai bao giờ. Ông đã lấy đi của em gần cả đôi tay, nhưng đổi lại ông cũng ban cho em ý trí, nghị lực để em có thể viết chữ được bằng chính 2 "bàn tay" này, cũng như bao sinh hoạt khác như chạy xe máy, chơi cầu lông, bóng chuyền, bơi lội...".
Vượt lên số phận để đạt những thành tích "vàng"
Anh Trí hành nghề chạy xe ôm đến nay khoảng 20 năm, còn chị Mỹ hiện là giáo viên dạy tiểu học trên địa bàn H.Kế Sách. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đôi vợ chồng vẫn cố gắng tằn tiện để lo cho Trí Thức được đến trường.
Anh Trí khoe thành tích học tập của con trai - Ảnh: Trần Quốc
Anh Trí nói: "Ngày xưa tôi chạy xe ôm có thu nhập hơn bây giờ nhiều. Vì ngày xưa, phương tiện giao thông ít, còn bây giờ thì hầu như nhà nào cũng có phương tiện đi lại nên thu nhập bấp bênh lắm, có những ngày không có cuốc xe nào. Hiện tại thì vợ chồng tích góp để nuôi con, tôi vẫn chạy xe ôm thì trang trải cuộc sống gia đình, còn tiền lương của vợ thì dành gửi cho Trí Thức ăn học".
Trí Thức là con một trong gia đình. Chị Mỹ kể: "Hồi đó, khi sinh con ra, thấy cháu bị khuyết tật thì tôi rất sợ nên tôi không muốn sinh nữa vì lo, nếu sinh tiếp mà cháu cũng bị như vậy nữa thì tội nghiệp lắm. Từ suy nghĩ đó, tôi đã quyết định, thà chỉ 1 đứa con thôi, để mình còn chăm bẫm, vun đắp cho con được đầy đủ hơn. Chứ nếu sinh nhiều đứa ra rồi cứ lo cho đứa khác, không lo được cho nó thì tội lắm".
Khi được nghe PV hỏi, tại sao em quyết định chọn trường đại học và chuyên ngành hiện nay? Trí Thức tâm sự: "Em là 1 người khuyết tật, nên em nhận thấy, nếu được làm việc bằng máy tính (sử dụng công nghệ thông tin - PV) thì đó là công việc phù hợp và cần thiết đối với bản thân em. Em nghĩ rằng, hiện nay là thời đại bùng nổ của công nghệ nên công nghệ thông tin là một phương tiện cần thiết để giúp cho đất nước phát triển, vươn tầm".
Thầy Nguyễn Quốc Văn, Trường THPT Kế Sách cho biết: "Trí Thức rất là ngoan hiền, lễ phép. Mặt dù là người khuyết tật, nhưng tinh thần của em cực kỳ lạc quan, không bi lụy, mặc cảm với bạn bè, mà em luôn có 1 tinh thần thép, biết vượt lên số phận". Thầy Văn cho hay, ngoài việc học ở trường thì Trí Thức cũng tích cực tham gia các hoạt động phong trào của trường, của lớp.
Dù gặp khó khăn ở đôi tay và chỉ có 1 ngón duy nhất, đã khiến Trí Thức gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Tuy nhiên, bản thân Trí Thức rất tích cực chơi... bóng chuyền và em luôn tiên phong để tham gia và chơi rất tốt.
"Trí Thức là học sinh gương mẫu, em học rất là giỏi, không chỉ ở các môn tự nhiên mà cả các môn còn lại em đều học tốt và đạt điểm số rất cao. Trong suốt quá trình học ở bậc phổ thông, Trí Thức đã mang về cho nhà trường rất là nhiều giải thưởng cá nhân", thầy Văn nói.
Những thành tích học tập của Thức - Ảnh: Trần Quốc
Năm học 2016 - 2017, Trí Thức đã tham gia cuộc thi và đạt huy chương đồng môn vật lý trong kỳ thi Olympic tháng 4, lần thứ III và huy chương vàng môn vật lý lần thứ IV cũng kỳ thi này trong năm học 2017 - 2018 do Sở GD-ĐT TP.HCM đăng cai tổ chức.
"Hình thức thi Olympic tháng 4 này là do Sở GD-ĐT TP.HCM đăng cai tổ chức dành cho tất cả các Trường THPT ở khu vực phía Nam. Ngoài 2 huy chương đó, thì Trí Thức còn đạt được 1 giải Nhì và 1 giải Ba môn Vật lý cấp tỉnh Sóc Trăng. Trong đợt thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa qua, em Thức cũng đạt điểm số cao và đứng trong tốp đầu của tỉnh Sóc Trăng", thầy Văn thông tin thêm.
Trần Quốc
Theo motthegioi
Những câu nói cấm kỵ khi con bị bắt nạt Cha mẹ không bao giờ nói "Lờ đi", "cứng rắn lên", hay "con nên tự giải quyết" khi trẻ bị bắt nạt, theo Huffpost. 1. "Lờ nó đi là được" Câu nói này khiến con cảm thấy bị bỏ rơi và cô lập, không có ai để nương tựa. Nếu chỉ cần quay mặt đi là có thể ngăn chặn được kẻ bắt...