Cầu hiền
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo quy định chính sách đầu tư, chế độ đãi ngộ để thu hút các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở trong nước.
Theo đó, các nhà khoa học thuộc đối tượng này sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khi làm việc tại Việt Nam, từ chỗ ở, chỗ làm việc, phương tiện đi lại đến miễn thuế thu nhập cá nhân… và nhiều ưu đãi khác.
Dự thảo này được xem như “tấm thảm đỏ” chuẩn bị được trải ra mời gọi các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài tham gia nghiên cứu khoa học, giảng dạy ở trong nước.
Thực ra từ trước tới nay, chúng ta cũng đã nhiều lần “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà khoa học người Việt về nước công tác nhưng những “tấm thảm đỏ” ấy dù đã trải ra nhưng vẫn không hấp dẫn được các nhà khoa học vì rất nhiều lý do, trong đó có một lý do rất quan trọng là nhiều chính sách đưa ra đã không thực hiện thấu đáo.
Những chính sách ưu đãi cho các nhà khoa học như vậy ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã làm từ rất lâu và rất có hiệu quả vì họ biết trải “tấm thảm đỏ” đúng nghĩa. Đặc biệt, họ hiểu bản chất quan hệ hữu cơ giữa khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế nên những chính sách đưa ra rất quyết liệt.
Video đang HOT
Như Hàn Quốc chẳng hạn, từ những năm 1970, khi ấy họ còn rất nghèo nhưng đã mạnh dạn có chính sách mời gọi Hàn kiều từ nước ngoài trở về nước làm việc. Khi ấy, đích thân Tổng thống Park Chung-hee đứng ra đỡ đầu thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST), với những chính sách ưu đãi đặc biệt như xây dựng luật riêng cho viện này mà không bị ràng buộc bởi các luật khác, kể cả luật ngân sách nhà nước.
Họ sẵn sàng trả lương cho các nhà khoa học rất cao, thậm chí cao hơn lương tổng thống lúc đó. Và chỉ sau vài chục năm, Hàn Quốc đã thành công khi 30% giá trị gia tăng sản phẩm công nghiệp của nước này là từ các công trình nghiên cứu của Viện KIST, góp phần đưa Hàn Quốc trở thanh một quốc gia có nền kinh tế đứng hàng thứ 13 thế giới như hôm nay.
Nước ta có gần 4 triệu người đang sống và làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 400.000 trí thức, chuyên gia đang làm việc trên nhiều lĩnh vực mũi nhọn, công nghệ cao… Đó là nguồn nhân lực chất lượng cao rất có giá trị. Muốn thu hút họ không chỉ có chính sách thực tế mà còn ở tấm lòng, thái độ ứng xử bởi họ là những người nhạy cảm, suy nghĩ độc lập, tư duy đa chiều, thậm chí có người “gai góc”…
Do vậy, bên trong “tấm thảm đỏ” ấy phải là thái độ trân trọng, tinh thần cầu hiền mới hy vọng thu hút được giới trí thức ở nước ngoài, nếu không những “tấm thảm đỏ” ấy dù được trải ra vẫn chỉ là hình thức…
Theo người lao động
Hàng loạt chế độ đãi ngộ để thu hút nhà khoa học
Chính phủ vừa có dự thảo Quy định chính sách đầu tư, chế độ đãi ngộ nhằm thu hút các nhà khoa học và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động tài trợ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam.
Theo dự thảo này, sẽ có nhiều chế độ đãi ngộ để thu hút các nhà khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài. Cụ thể, các nhà khoa học là người nước ngoài và nhà khoa học, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động tài trợ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được đảm bảo sinh hoạt phí, chỗ ở, chỗ làm việc, phương tiện đi lại; Được cấp thị thực xuất nhập cảnh (kể các các thành viên gia đình) có giá trị sử dụng nhiều lần phù hợp với thời gian làm việc; Được miễn thuế thu nhập cá nhân; được hưởng bảo hiểm trong thời gianlàm việc tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Phòng thí nghiệm về môi trường, Trường ĐHKHT- ĐH Quốc gia Hà Nội.
Được phép tạm nhập, tái xuất các phương tiện giao thông cá nhân; được miễn thuế nhập khẩu đối với các thiết bị, tài liệu khoa học, nguyên vật liệu do nhà khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài tài trợ hoặc phục vụ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; Được hưởng ưu tiên trong các dịch vụ của Nhà nước như đi lại, học tập, chữa bệnh (kể cả đối với thành viên gia đình); Được mua, thuê nhà với giá ưu đãi và làm thủ tục thuận lợi nhất; Được ưu đãi trong việc thuê hoặc mua trả góp trong nhiều năm đối với đất đại, nhà xưởng phục vụ đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; Được chủ trì và tham gia các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, các chương trình đào tạo, hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sỹ.
Bên cạnh đó, được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu và các công nghệ được chuyển giao, được ưu đãi về lệ phí đăng ký quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với pháp luật của Việt Nam và quốc tế; Được thỏa thuận với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam về ký hợp đồng lao động theo quy định của luật pháp Việt Nam, trong đó quy định rõ định mức thù lao, mức lương, các chế độ được hưởng, các chi phí liên quan đến công bố và đăng ký kết quả nghiên cứu trong nước và nước ngoài; Được đảm nhiệm giữ các chức vụ quản lý cấp trường, cấp khoa, cấp bộ môn và các vị trí chủ chốt trong các dự án trọng điểm về khoa học và công nghệ nếu thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra sẽ được ưu tiên bổ nhiệm chức danh phó giáo sư, giáo sư; phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân; được khen thưởng, vinh danh nếu có thành tích xuất sắc trong thời gian làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Dự thảo cũng cho biết, ngoài chế độ đãi ngộ thì để thu hút các nhà khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài thìNhà nước đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộcmọi thành phần kinh tế đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm phụcvụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáodục đại học.
Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia liên thông với quốc tế trong các cơ sở giáo dục đại học, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học là người nước ngoài và nhà khoa học, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài trao đổi thông tin trên mạng Internet; Nhà nước tập trung đầu tư phòng thí nghiệm cùng với các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cho các cơ sở giáo dục đại học theo các lĩnh vực chuyên môn ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi tương đương với các cơ sở ở nước ngoài để thu hút các nhà khoa học là người nước ngoài và nhà khoa học, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài.
Tạo môi trường thông thoáng cho nhà khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài khi về Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục đại học để trả lương, phụ cấp cho nhà khoa học là người nước ngoài và nhà khoa học, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài khi tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT thì mục tiêu xây dựng quy định này là nhằm thu hút được nhiều nhà khoa học là người nước ngoài; nhà khoa học, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia tài trợ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Bên cạnh đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
S.H
Theo dân trí
Tình nguyện giúp tân SV tìm phòng trọ Ngày đầu nhập học, những tân sinh viên từ các miền quê lên thành phố Đà Nẵng cảm thấy yên tâm hơn khi được các anh chị sinh viên đi trước tình nguyện giúp tìm chỗ ở. Hơn một tháng nay, các SV Trường CĐ Nghề Nguyễn Văn Trỗi đã kê bàn túc trực trước cổng trường chờ đón các tân sinh viên,...