Cầu Giấy sẽ thêm mục ăn bán trú, không uống sữa học đường cho phụ huynh lựa chọn
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy khẳng định, không ép phụ huynh tham gia sữa học đường. Phòng cũng không bị áp lực chỉ tiêu.
Như phản ánh của một số phụ huynh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tại quận Cầu Giấy (Thành phố Hà Nội) có tình trạng một số trường trên địa bàn thu gộp tiền ăn bán trú, tiền sữa học đường làm một.
Điều này có nghĩa phụ huynh đăng ký cho con ăn bán trú đã bao gồm cả giá tiền mua sữa học đường mà không có lựa chọn “ăn bán trú, nhưng không uống sữa học đường”.
Việc tính gộp trên xuất phát từ văn bản số 968/UBND-GDĐT-TCKH ngày 12/8/2019 của Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy triển khai đến các trường khối tiểu học và mầm non trên địa bàn.
Có phụ huynh chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, gia đình không đăng ký uống sữa học đường cho con tại trường bị cô giáo chủ nhiệm gọi hỏi rõ lý do vì sao không cho con uống.Không ít phụ huynh khá bất ngờ và băn khoăn vì nội dung trong thông báo không tách bạch tiền ăn bán trú và tiền sữa học đường riêng như những năm học trước.
Phụ huynh đành tặc lưỡi đồng ý vì số tiền uống sữa học đường một tháng cũng không đáng bao nhiêu, họ đóng không bị phiền phức và giáo viên chủ nhiệm gây khó.
Phải khẳng định rằng, Chương trình Sữa học đường mà Thủ tướng phê duyệt nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học rất đúng đắn, nhăn văn, ý nghĩa thiết thực.
Tuy nhiên, nếu làm như trên vô tình khiến cha mẹ học sinh cảm thấy không thoải mái, đồng thời sẽ gây áp lực lên các trường, giáo viên chủ nhiệm.
Ngày 11/9, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về các vấn đề nói trên, bà Nguyễn Thanh Tịnh, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy khẳng định:
“Chương trình sữa học đường là một chương trình rất nhân văn, ý nghĩa.
Bởi vậy, không có chuyện nhà trường ép phụ huynh phải đăng ký uống sữa học đường. Phụ huynh hoàn toàn tự nguyện đăng ký uống sữa học đường hay không”.
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cho rằng, không phải thu gộp 2 khoản, ảnh minh họa: Vũ Phương.
Phóng viên đặt câu hỏi, nếu đăng ký uống sữa học đường là tự nguyện, tại sao văn bản của Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy, cũng như một số trường học của quận lại triển khai thu gộp tiền ăn, tiền sữa học đường làm một?
Về việc này, bà Nguyễn Thanh Tịnh lý giải:
“Văn bản số 968 của Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy về việc hướng dẫn tăng cường quản lý thu chi trong các trường học trên địa bàn quận năm học 2019-2020 mới chỉ đưa ra mức thu thỏa thuận tối đa 31.000 đồng/học sinh/ngày (trong đó: tiền ăn bán trú 28.046 đồng; tiền sữa học đường 2.954 đồng).
Video đang HOT
Điều này có nguyên nhân xuất phát từ năm học trước. Việc thu tiền sữa học đường của các trường gặp khó vì tiền sữa học đường rất lẻ. Điều này khiến công tác thu chi gặp khó khăn.
Bởi vậy, năm học này Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy ra văn bản các khoản thu thỏa thuận tối đa. Như tiền ăn tăng thêm 46 đồng từ 28.000 đồng lên 28.046 đồng. Tăng tiền ăn thêm này để cộng với tiền sữa học đường sẽ tròn 31.000 đồng”.
Thông báo của Trường Tiểu học Trung Yên (bên trái) và văn bản của Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy đều thu gộp tiền ăn bán trú, tiền uống sữa học đường. Ảnh chụp văn bản.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Cầu Giấy khẳng định:
“Đó không phải là thu gộp tiền ăn, tiền sữa học đường làm một.
Văn bản trên mới là đồng ý cho thu tối đa như vậy. Quyết định vẫn phải thông qua buổi họp phụ huynh. Phụ huynh đồng thuận mới tăng tiền ăn bán trú lên 46 đồng. Còn không vẫn như năm trước.
Trường hợp phụ huynh ăn bán trú, không đăng ký uống sữa học đường thì chỉ tính tiền ăn bán trú như bình thường”.
Tuy nhiên, thực tế một số trường trên địa bàn quận Cầu Giấy ra thông báo về việc ăn bán trú và uống sữa học đường năm học 2019-2020 đã cộng sẵn tiền sữa học đường vào tiền ăn bán trú.
Thông báo gửi đến phụ huynh cũng đã tự động tăng 46 đồng tiền ăn bán trú để làm tròn khi cộng với tiền sữa học đường, phụ huynh có thể lựa chọn phương án “ăn bán trú đã kèm uống sữa học đường”; hoặc “không ăn bán trú, nhưng có uống sữa học đường”.
Tờ phiếu đăng ký phát cho phụ huynh không có lựa chọn “ăn bán trú, không uống sữa học đường”, chỉ có mục “ý kiến khác”.
Như Tiểu học Trung Yên gửi thông báo về việc ăn bán trú và uống sữa học đường ghi rõ “năm học 2019-2020 tiền ăn của học sinh bán trú là 31.000 đồng/ngày (trong đó: tiền ăn bán trú 28.046 đồng; tiền sữa học đường 2.954 đồng).
Điều này có nghĩa theo nhiều phụ huynh hiểu, đăng ký ăn bán trú đồng nghĩa sẽ phải mua sữa học đường.
Trong khi đó, đa phần phụ huynh tại trường này đều đăng ký cho con ăn bán trú. Có quan điểm băn khoăn, phải chăng đây là cách để quận Cầu Giấy tăng tỉ lệ đăng ký uống sữa học đường?
“Các trường cũng thực hiện theo công văn số 968 của Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy. Trong đó có phần tiền ăn bán trú và tiền sữa học đường.Về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Tịnh lý giải:
Trong phiếu đăng ký tự nguyện ăn bán trú và uống sữa học đường, phụ huynh hoàn toàn có thể không đăng ký uống sữa học đường vào phần “ý kiến khác”.
Tuy nhiên, để rõ ràng Phòng sẽ yêu cầu các trường có thêm lựa chọn không uống sữa học đường để đảm bảo đúng tinh thần tự nguyện”.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cũng khẳng định:
“Phòng luôn quán triệt hiệu trưởng không giao chỉ tiêu đăng ký uống sữa học đường cho giáo viên chủ nhiệm.
Phòng cũng không giao chỉ tiêu uống sữa học đường cho hiệu trưởng các trường. Hơn nữa, phòng cũng không chịu áp lực chỉ tiêu đăng ký uống sữa học đường từ cấp trên.
Tỉ lệ học sinh đăng ký uống sữa học đường nhiều hay ít không ảnh hưởng đến tiêu chí thi đua, khen thưởng”.
Xung quanh việc có phụ huynh phản ánh, khi gia đình không đăng ký uống sữa học đường cho con bị cô giáo gây khó, bà Nguyễn Thanh Tịnh cho biết:
“Chương trình sữa học đường rất nhân văn, có lợi cho học sinh nên có thể có giáo viên chủ nhiệm sẽ hỏi lý do những phụ huynh không đăng ký uống sữa học đường tại trường cho con.
Việc phụ huynh đăng ký cho con uống sữa học đường là hoàn toàn tự nguyện”.
Bà Nguyễn Thanh Tịnh cũng nhấn mạnh:
“Nếu trường hợp phụ huynh bị ép buộc đăng ký uống sữa học đường hoàn toàn có thể gọi về đường dây nóng hoặc thư điện tử của Phòng. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tính đến thời điểm này quận Cầu Giấy tỉ lệ các trường trên địa bàn đăng ký bao nhiêu phần trăm?
Về việc này, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cho biết:
“Vì mới vào đầu năm học nên chưa có con số cụ thể. Dự báo tỉ lệ đăng ký uống sữa học đường như các năm học trước”.
Theo tổng kết của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngày 6/8/2019, cho đến thời điểm hiện tại, đã có 1.039.458 trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia chương trình Sữa học đường, đạt tỷ lệ 87,7%.
Riêng quận Cầu Giấy, khi triển khai Chương trình Sữa học đường, tỷ lệ tham gia chưa cao (67,4%).
Cụ thể, khối mầm non công lập đạt 89,4%; khối mầm non ngoài công lập đạt 29,4%; khối tiểu học công lập đạt 78,7%; tiểu học ngoài công lập đạt 17,3%. [1]
Tài liệu tham khảo:
[1]//kinhtedothi.vn/chuong-trinh-sua-hoc-duong-tai-ha-noi-nhung-trai-ngot-dau-tien-349600.html
Vũ Phương
Theo giaoduc.net
Hà Nội: Triển khai chương trình sữa học đường góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo, tiểu học
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác y tế trường học năm học 2019-2020 trên địa bàn TP.
Học sinh tiểu học. Ảnh: Minh Thúy
Mục tiêu chính của kế hoạch là tiếp tục củng cố nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác y tế trường học; nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe cho học sinh, đồng thời, phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp cho học sinh.
Từ đó, thực hiện việc giám sát phát hiện sớm dịch bệnh trong trường học và các cơ sở giáo dục để xử lý kịp thời, triệt để. Kiểm tra, giám sát công tác an toàn thực phẩm để không xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học và các cơ sở giáo dục.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Hà Nội sẽ triển khai thực hiện 11 nội dung trọng tâm. Trong đó, đáng chú ý là tăng cường hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, sinh viên tập trung tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, các bệnh thường gặp ở lứa tuổi học sinh. Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em.
UBND TP yêu cầu triển khai các nội dung chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên gồm: Khám sức khỏe theo chuyên khoa, sơ cấp cứu ban đầu, nha học đường, phòng chống các bệnh về mắt, gù vẹo cột sống..., thông báo các trường hợp mắc bệnh cho gia đình để phối hợp chuyển tuyến điều trị.
Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học: Bếp ăn bán trú, căng tin, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh, nước uống cho học sinh, các hàng, quán bán thực phẩm khu vực xung quanh các trường học.
Phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, từng bước triển khai áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng tại các trường tiểu học bán trú; chương trình sữa học đường nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo, tiểu học.
Đưa công tác y tế trường học vào chỉ tiêu đánh giá thi đua hằng năm của các cơ sở giáo dục và các cấp quản lý giáo dục.
Kế hoạch triển khai công tác y tế trường học năm học 2019-2020 trên địa bàn Hà Nội.
Theo viettimes
Quận Cầu Giấy chỉ đạo thu gộp tiền ăn, tiền sữa học đường có vì áp lực chỉ tiêu? Quận Cầu Giấy khẳng định không ép buộc, nhưng thu gộp tiền ăn bán trú với tiền sữa mà thiếu lựa chọn "có ăn bán trú không uống sữa" khiến phụ huynh băn khoăn. Chương trình Sữa học đường được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ nhằm nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học. Đây...