Câu chuyện xúc động của thầy hiệu trưởng
Về trường từ giữa tháng 7/2016, thầy Phạm Văn Hoan – hiệu trưởng trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội – có cảm xúc đặc biệt của một người chưa hề quen với môi trường chuyên biệt.
Chia sẻ niềm vui nhỏ trong năm học mới, thầy Hoan cho biết nhà trường được thành phố cấp cho gói trang thiết bị với 877 triệu đồng, gồm máy tính, bàn ghế và tủ mới, thảm cỏ, nhà bóng…
Hè vừa rồi, chúng tôi đi làm suốt để tiếp nhận những trang thiết bị đó, mong khi học trò đến trường sẽ thấy trường lớp khang trang hơn. Từ khi bế giảng năm học trước đến giờ, tôi chỉ nghỉ khoảng một tuần, còn lại đi làm, kể cả thứ 7, chủ nhật, nhưng vẫn thấy rất vui.
Những gương mặt hồ hởi của học sinh trường PTSC Xã Đàn, Hà Nội.
Thầy Hoan cũng kể qua nhiều khó khăn, bài Đội ca bằng ngôn ngữ ký hiệu đã được xây dựng; và năm học mới này, học sinh khiếm thính sẽ không chỉ hát Quốc ca mà cả Đội ca bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Lễ khai giảng đơn giản nhưng ý nghĩa đã được ấp ủ với màn thả bóng bay… Cả chuyện hè năm nay, mỗi thầy cô phấn khởi khi mỗi người có ít nhất 2 triệu từ thu nhập tăng thêm để chuẩn bị cho con trước năm học mới…
Video đang HOT
Rất nhiều câu chuyện vui nho nhỏ như vậy, để thầy hiệu trưởng hướng đến những thầy cô mà theo thầy thực sự hết lòng vì học sinh với nhiều việc làm lay động tận tâm can những người chứng kiến.
Đó là cô Hiếu – một cô giáo rất đặc biệt, năm nay được bổ nhiệm làm tổ phó tổ chuyên môn. Những bài giảng tuyệt vời của cô luôn truyền được niềm đam mê học tập cho học sinh khiếm thính.
“Cô Hiếu luôn dày công trong soạn bài, nghiên cứu và lần dự giờ nào chúng tôi đều phải thán phục. Cô luôn có cách riêng giúp trẻ hiểu vấn đề rất nhanh, bằng hình ảnh, tranh vẽ, đồ dùng dạy học tự làm…
Tiết học tổ chức cho học sinh chơi rất nhiều mà vẫn vô cùng hiệu quả. Phải nhìn vào hạnh phúc của các con trong giờ học mới thấu hiểu điều đó.
Thầy Phạm Văn Hoan và học sinh trước năm học mới.
Trong lớp có trẻ điếc, nhiều lần tôi đứng cửa lớp ngắm nhìn, xúc động vì đọc được sự kiên trì, nhẫn nại và tình yêu thương của các thầy cô dành cho học trò.
Học sinh nhỏ, đang học đòi đi vệ sinh, rửa tay, xin viên phấn, giúp chỗ ngồi… các con chỉ ú ớ, người ngoài không hiểu được, nhưng các cô lại hiểu. Phải có một sự cố gắng rất lâu dài mới có được sự hiểu nhau như vậy”, thầy Hoan chia sẻ.
Rồi cô Dung với tình yêu thương tuyệt vời dành cho trẻ khuyết tật. Trong lớp của cô có nhiều học sinh bị các dạng dị tật khác nhau, trong đó một em bị bỏng thực quản.
“Tôi quan sát hàng ngày, cứ ăn trưa là con nôn trớ nên chỉ trong chuyện ăn uống, cô Dung phải đánh vật với con và đến giờ vẫn vậy. Thật lạ là ở nhà con rất khó tính, nhưng khi bên cô Dung lại luôn vui vẻ.
Tan trường, các cô thường nán lại lớp thêm chút nữa để xem bài vở cho học trò rồi mới về đón con. Đó là chuyện rất bình thường ở trường”, thầy hiệu trưởng xúc động kể.
Thầy Hoan ấn tượng mãi câu chuyện cô Dung, cô Liên cặm cụi cả tuần trong hè, tự mua sơn để sơn lại tường, cửa lớp, mong học trò vui hơn khi lớp học nhìn mới tinh.
Việc các thầy cô trong trường chủ động chuẩn bị đồ dùng cho học sinh, bỏ phần lương chăm lo cho các con cũng không lạ. Những khoản thu chi, từ đồng phục, tham quan, dã ngoại, thầy cô cũng căn cơ, tìm mọi cách cách để học trò chỉ phải trả chi phí thấp nhất…
Không chỉ cán bộ, giáo viên, những nhân viên trong trường cũng để lại trong thầy hiệu trưởng nhiều cảm xúc. Một trong số đó là chị lao công, cũng là phụ huynh học sinh của trường.
“Chị quê Ninh Bình, con bị điếc nên xin học tại trường và lên Hà Nội thuê nhà, kiếm việc làm. Khi được nhận làm việc cho trường, ấn tượng về chị là sự tận tụy, làm việc không mệt mỏi.
Chị hầu như ở trường suốt ngày và toàn tâm toàn ý chăm sóc nhà trường vô cùng sạch sẽ. Chị cũng góp phần giúp điểm đặt xe rác trước cổng trường luôn sạch sẽ dù không được trả tiền để làm việc đó”, thầy Hoan chia sẻ.
Tâm sự về mơ ước trong năm học mới, thầy Phạm Văn Hoan ấp ủ việc trường sẽ có một khu mới đủ rộng để xây nội trú vì nhiều học sinh đến từ những nơi xa như Hoài Đức, Ba Vì, Sơn Tây mà vẫn sáng đi, chiều về; rồi sau đó là bể bơi, khu thể thao cho các con vì hiện nay trường đang phải tận dụng từng góc nhỏ cho học sinh chơi…
Thầy hiệu trưởng cũng tính đến làm sao học sinh của mình biết cảm thụ âm nhạc; hiện nay trường điếc ở Lâm Đồng đã làm, không có lý gì mình không làm được…
“Khi tiếp nhận một nơi khó khăn như thế này, điều gì có thể đem lại niềm vui cho học sinh, cho các thầy cô, nhân viên trong trường, tôi sẽ làm bằng được”, thầy Hoan khẳng định với sự quyết tâm đặc biệt trước ngày năm học mới bắt đầu.
Trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội) là trường điếc được thành lập sớm nhất trong toàn quốc. Hiện trường có 3 cấp học: THCS, tiểu học và mầm non. Riêng tiểu học, học sinh học 9 năm chứ không phải 5 năm như bình thường.
Năm học mới, trường có khoảng 530 học sinh, trong đó trẻ tật khoảng 325 học sinh. Toàn trường có tổng số 67 cán bộ nhân viên và giáo viên hợp đồng.
Theo Hiếu Nguyễn / Giáo Dục & Thời Đại