Câu chuyện khiến ông Nguyễn Thiện Nhân ‘lặng người xấu hổ’
Sau khi kể lại câu chuyện về việc dạy thêm, học thêm khiến mình ‘lặng người và xấu hổ’, Nguyên Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân đã bày tỏ mong muốn các thầy cô hãy biết dấn thân.
Nhà giáo phải biết dấn thân
Sáng nay (17/11), tại Lễ tuyên dương 160 giáo viên tiêu biểu, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có bài phát biểu nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định vai trò quan trọng của nghề giáo: “Trong bức thư cuối cùng gửi cho ngành giáo dục, Bác Hồ đã khẳng định nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng. Vì theo Bác, trách nhiệm của ngành giáo dục là nhằm đào tạo những người thế tục, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta.
Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức đang phát triển mạnh mẽ hiện nay, một đất nước không thể phát triển nếu không có những công dân sáng tạo. Đây phải là sản phẩm của một nền giáo dục tiên tiến, có chất lượng, được đảm bảo bởi đội ngũ nhà giáo mẫu mực về đạo đức, tâm huyết với ngành, có tri thức và kỹ năng, không ngừng được đổi mới”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại lễ tuyên dương 160 nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008-2013 sáng 17/11.
Ông nhìn nhận: “Nhà giáo cũng như mọi nghề nghiệp khác phải sống được để theo nghề, yêu nghề. Thế nhưng nhà giáo có sự tôn vinh đặc biệt của xã hội bởi sản phẩm của nhà giáo là con người, có hiếu với mẹ cha, có ích với Tổ quốc, biết dấn thân, xả thân khi Tổ quốc yêu cầu.
Video đang HOT
Để làm được điều đó, mỗi nhà giáo, mỗi ngày, mỗi tháng mỗi năm cũng phải dấn thân ít nhiều. 160 thầy giáo, cô giáo được tuyên dương hôm nay chính là những tấm gương tiêu biểu, ưu tú của một đội ngũ nhà giáo đã yêu nghề, dấn thân với nghề”.
Vị tân Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kể lại câu chuyện giáo dục:
“Cách đây hơn 2 tháng tôi có gặp một người mẹ có hai con đang học tiểu học và THCS ở Hà Nội. Chị nói: “Thầy ạ, con em đang học lớp 7, hầu như cả lớp phải học thêm ba môn Văn, Toán, Tiếng Anh, mỗi tháng đóng 900.000 đồng. Em còn một cháu học tiểu học nữa, khó quá thầy ạ”.
Tháng vừa rồi chị gặp tôi lại nói: “Từ tháng 10 là đóng 950.000 đồng thầy ạ”. Tôi lặng người, không nói nên lời, cảm thấy xấu hổ.
Ông thể hiện mong muốn: “Các thầy, cô hiệu trưởng các trường phổ thông mãi mãi là tấm gương dấn thân trong sự nghiệp giáo dục”.
Giáo dục là sáng tạo, không bế tắc
Trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận: “Chúng ta có nguồn lực to lớn, không tốn tiền để ngành giáo dục phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn mà vừa qua chưa được phát huy đầy đủ. Đó chính là các tấm gương các nhà trường, các thầy cô giáo có cách làm hay, có giải pháp tốt ở mỗi địa phương và trong toàn ngành. Những thầy cô giáo đó, tập thể đó đã được tuyên dương là anh hùng lao động, là đơn vị anh hùng, giáo viên xuất sắc, nhà trường xuất sắc”.
Nhưng ông cũng chỉ ra một thực tế: “Ngày nay, bao nhiêu người chúng ta biết được tên các trường đại học, các trường phổ thông đã được tuyên dương anh hùng lao động trong 10 năm qua. Nhớ lại giai đoạn chống Mỹ, chỉ nghe những tên như Nguyễn Viết Xuân, Lê Mã Lương, Phạm Ngọc Lan là mỗi người thanh niên đều hiểu được họ là ai, họ đã làm gì và họ là tấm gương cho mình để sẵn sàng lên đường chiến đấu, bảo vệ tổ quốc”.
GS Nguyễn Thiện Nhân trao bằng khen cho nhà giáo tiêu biểu.
Từ đó, ông chia sẻ: “Ngày nay, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn ngành giáo dục vẫn có rất nhiều điển hình tiên tiến nhưng chúng ta chưa hiểu sâu sắc, chưa học tập sâu sắc để biến những bài học về đạo đức về sáng tạo của các anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua toàn quốc, nhà giáo tiêu biểu, nhà trường xuất sắc trở thành công cụ để đổi mới giáo dục tại mỗi cơ sở giáo dục, mỗi địa phương và trong toàn ngành.
Chúng tôi rất mong trong hội nghị này ngành giáo dục sẽ trao đổi sâu hơn để làm sao hình thành một phong trào học tập, thi đua cùng các điển hình tiên tiến của ngành giáo dục. Để làm sao nói về ngành giáo dục là nói đến sáng tạo, là không bế tắc, là phát triển không ngừng chính từ nội lực”.
Tại lễ tuyên dương, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, tất cả những nhà giáo được tuyên dương lần này đều có những hoàn cảnh, thời gian công tác và cuộc sống thường ngày nhưng họ đều có điểm chung là trung thành với Tổ quốc, phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, thương yêu học trò và đào tạo, bồi dưỡng được nhiều học sinh, sinh viên giỏi, tài năng; có nhiều sáng kiến trong nghiên cứu, tích cực đổi mới phương pháp dạy học và quản lý; được học trò, đồng nghiệp và nhân dân tôn vinh.
Nhân dịp này, Bộ GD-ĐT đã biểu dương 160 gương mặt thầy, cô giáo điển hình đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp GD-ĐT. Ví dụ như cô giáo người H’Mông Vàng Thị Ghếnh, trường Mầm non xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, dạy trẻ lớp 5 tuổi xa trung tâm, nơi có 100% hộ nghèo nhưng đã khắc phục mọi khó khăn, tìm mọi cách để vận động 100% trẻ ra lớp, duy trì sĩ số và giảng dạy đảm bảo chất lượng…
Theo TNO
Tôn vinh 160 nhà giáo tiêu biểu
Hôm qua 17.11, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức trọng thể lễ tuyên dương 160 nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008 - 2013.
Các nhà giáo tiêu biểu nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT - Ảnh: Lê Đăng Ngọc
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho hay 160 nhà giáo tiêu biểu về dự lễ tuyên dương, mỗi người có nét riêng về chuyên môn, hoàn cảnh, thời gian công tác và cuộc sống thường ngày. Nhưng ở họ đều gặp điểm chung là tận tụy với nghề, thương yêu học trò... Họ đã tham gia đào tạo, bồi dưỡng được nhiều học sinh - sinh viên giỏi, tài năng; có nhiều sáng kiến trong làm đồ dùng dạy học và quản lý; được học trò tin yêu, đồng nghiệp và nhân dân tôn vinh.
Đó là cô Vàng Thị Ghếnh (Trường mầm non xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, Lào Cai), có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, dạy trẻ lớp 5 tuổi xa trung tâm, nơi có 100% hộ nghèo, nhưng đã khắc phục mọi khó khăn, tìm mọi cách để vận động 100% trẻ ra lớp, duy trì sĩ số và giảng dạy đảm bảo chất lượng. Cô Nguyễn Thị Tươi, người có 23 năm lăn lộn, cắm bản ở huyện Mường Tè (Lai Châu), nơi khó khăn nhất của cả nước, cho biết: "Giáo viên ở đây không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn có thêm những việc không tên khác như: trồng rau xanh cho học sinh dân tộc bán trú; chặt cây dựng lều lán làm chỗ học, chỗ ngủ cho học sinh ở xa...".
Trong phát biểu, thầy Lê Thế Lữ, giáo viên Trường phổ thông bán trú Trường Sơn (H.Quảng Ninh, Quảng Bình), không đòi hỏi gì cho bản thân, chỉ bày tỏ mong muốn sớm có một cây cầu để học sinh bên kia sông nơi thầy dạy học không còn phải đi học xa tới 50 km trên những con đường thường xuyên bị sạt lở trong mùa mưa.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khẳng định Đảng và Chính phủ luôn xác định đội ngũ nhà giáo là yếu tố then chốt, quyết định thành công của sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Theo TNO
Nhà giáo mẫu mực thường cô đơn Chính vì nỗ lực âm thầm nên nhiều nhà giáo mẫu mực như "tự ẩn mình", các thầy cô chỉ gắn bó và say sưa với học trò nên ít được cấp trên, xã hội chú ý và ghi nhận. Đó là sự "mẫu mực cô đơn". Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) đã chia sẻ...