Câu chuyện giáo dục: Sợi dây phân cách!
Cậu bé nhìn mẹ đầy uất ức, lắp bắp được mấy tiếng: “Mẹ vào đó để làm gì?”. Thế rồi, không muốn tiếp tục buổi tham quan, cậu bỏ về…
Chuyện xảy ra ở lễ hội hoa lan TPHCM mới đây. Đó không phải tình huống gây “giật mình” sốt”, “phẫn nộ”… mà có thể đến từ sự vô tình, vô ý.
Bắt đầu từ việc một người phụ nữ, sau khi đứng tạo dáng chụp ảnh phía ngoài các gian hàng hoa lan thì chị bất ngờ bước qua sợi dây phân cách do ban tổ chức lắp để bảo vệ hoa.
Có thể lắm, giây phút chị bước qua “vùng cấm” một cách vô thức, còn hồn nhiên vẫy chồng chụp ảnh cho mình. Người đàn ông đang cầm điện thoại kịp nhá thêm mấy kiểu cho đến khi “Tuýt! Tuýt!”, tiếng còi từ một anh bảo vệ tiến đến nhẹ nhàng vẫy tay yêu cầu chị ra ngoài. Cuống quýt, người phụ nữ cúi rạp người chui qua sợi dây để ra ngoài.
Trẻ em ở TPHCM tham gia một hoạt động cộng đồng làm sạch môi trường (Ảnh minh họa: Hoài Nam)
Tất cả chỉ diễn ra trong khoảng thời gian chưa đến hai phút. Anh bảo vệ cũng đã quay đi, khách tham quan không ai kịp để ý để phê phán, chê trách…
Khi người phụ nữ bước ra ngoài, một cậu bé tầm 12 tuổi đứng gần đó bước lại gần, giọng uất nghẹn: “Mẹ vào đó để làm gì?”. Người mẹ cười gượng gạo…
Gương mặt cậu bé thẫn thờ, ngại ngần và xấu hổ. Không muốn tiếp tục buổi tham quan, cậu nói “Con về đây” rồi quay thẳng ra cổng… Anh chị lật đật chạy theo con.
Buổi đi chơi dịp lễ của gia đình họ kết thúc như vậy!
Trong hành xử hàng ngày, người lớn chúng ta thường sợ pháp luật, sợ đền bù, sợ tù tội, sợ dư luận, sợ cấp trên… Nhưng ít người quan tâm những hành vi của mình có thể gây tổn thương đến con trẻ như thế nào.
Ở một trường tiểu học, tôi đã từng chứng kiến một nữ sinh vùng vằng bật khóc từ chối lên xe ngồi để phản ứng việc người mẹ phi xe vào tận sân trường đón con. Trường đã có quy định phụ huynh chỉ dựng xe bên ngoài. Hay một đứa trẻ khác òa khóc nức nở khi ngồi sau xe ông bố vượt đèn đỏ.
Video đang HOT
Hoặc trường hợp cô học trò đã đòi bỏ học khi em biết lâu nay bố mình – là một giáo viên – tiết lộ đề, nâng điểm cho những học sinh đi học thêm.
Không hề ít những đứa trẻ đã bỏ học, dang dở con đường tương lai khi bố mẹ vướng vào tù tội như tham ô, giết người, hiếp dâm… Không chỉ vì áp lực dư luận mà hơn cả, còn là sự thất vọng, tổn thương, mất niềm tin, phẫn uất về người thân của mình trong chính các em.
Ai đó đã nói rằng, cách dạy trẻ hiệu quả nhất là… không dạy gì hết. Mà điều người lớn cần làm là tự biết răn mình, “dạy” chính mình, cân nhắc trước mỗi hành vi, lời nói của bản thân.
Vết thương chúng ta gây ra cho người khác có thể rồi sẽ lành theo thời gian, có thể bù đắp bằng tiền bạc hoặc trả giá bằng tù tội. Nhưng tổn thương chúng ta gieo vào chính con mình sẽ rất khó để xóa nhòa. Sau những tổn thương gieo cho con, chính chúng ta còn tạo ra một môi trường sống tiêu cực cho con.
Trẻ em hiện nay được dạy dỗ, tiếp cận với lối sống văn minh từ bé nhưng lại dễ dàng thay đổi bởi tác động của môi trường – mà môi trường ở đây chính là cư xử của người lớn.
Bước qua sợi dây phân cách, người mẹ mất không chỉ mất một buổi vui chơi của gia đình. Khi đặt chân bước qua một ranh giới nào đó, hơn bất kỳ ai mỗi người chúng ta cần tự hỏi: Mình sẽ đẩy những đứa trẻ đi đến đâu?
Nói như một chuyên gia giáo dục, những tiêu cực trong người trẻ hiện nay còn là sự đổ vỡ giá trị, sự mất niềm tin của các em về thế hệ đi trước, về chính ông bà, bố mẹ, thầy cô.
Hoài Nam
Theo Dân trí
GS.TS Howard Nicholas ĐH La Trobe (Australia): Tôi tự hào về các học viên Việt Nam!
Các giảng viên của Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Tây Bắc sau khi trở về từ khóa học 3 tháng "Nâng cao năng lực của giảng viên nhằm hỗ trợ học tập cho sinh viên khó khăn" trong khuôn khổ chương trình Úc cùng Việt Nam hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực (Aus4skills) tổ chức đều bày tỏ cảm xúc yêu mến, ngưỡng mộ GS.TS Howard Nicholas - ĐH La Trobe (Australia).
GS.TS Howard Nicholas và các học viên nữ trong thời gian tập huấn
Biết tin thầy đến Việt Nam tháng 12/2018, các học viên đều thu xếp công việc, thời gian đến gặp thầy để chia sẻ những trải nghiệm, ứng dụng thực tế. Sau buổi gặp, GS Howard chia sẻ: Tôi tự hào về các học viên của mình!
Nguyên tắc: Không phê phán khi SV làm điều sai
GS.TS Howard Nicholas
* Sau một thời gian tập huấn cho học viên, lần quay trở lại Việt Nam này, gặp lại các học viên, GS thấy họ có gì đổi khác?
- Tôi thấy họ tự chủ khi áp dụng các kiến thức học được vào mỗi giờ giảng dạy của mình. Mỗi người dạy theo cách riêng, sáng tạo theo bối cảnh. Có thể thấy mọi người đã gắn kết việc giảng dạy trong giai đoạn cụ thể với mục đích lớn hơn. Tôi rất hài lòng với cách mọi người chỉ ra những điểm cụ thể như thế.
* Các học viên khóa 1 ấn tượng cách GS chia sẻ, giảng dạy, ông không bao giờ bảo họ phải làm thế nào mà để họ tự giải quyết vấn đề. GS có thể chia sẻ tại sao ông chọn cách giảng dạy này?
- Nguyên tắc của tôi là chúng ta không thể làm được một cách tốt nhất khi có người nói phải làm gì, nên làm thế nào... Mỗi người đều có khả năng nói với chính bản thân mình nên làm gì một cách tốt nhất. Chương trình của chúng tôi được thiết kế để học viên chủ động tham gia, phát hiện vấn đề, đưa ra ý tưởng sẽ làm gì... Nhiệm vụ của tôi là tạo ra không gian để các học viên - giảng viên chủ động đưa ra sáng kiến, trình bày ý tưởng. Tôi cũng tạo ra không gian để học viên được thử nghiệm ý tưởng của họ.
* Cách thức ông hướng dẫn học viên Việt Nam giúp đỡ sinh viên khó khăn có khác gì so với cách thức các giảng viên Australia hướng dẫn SV khó khăn không?
- Tôi tin rằng về mặt nguyên tắc, cách tiếp cận là giống nhau. Tuy nhiên, những thực hành cụ thể phụ thuộc vào bối cảnh nên sẽ khác nhau, không thể nào có một công thức chung cho các lớp học ở Úc và Việt Nam. Nguyên tắc là dựa vào điểm mạnh, những điều SV sẵn có, tận dụng tối đa những điểm SV đã biết, không phê phán khi SV làm điều sai. Tôi cho rằng đó là nguyên tắc mà dù ở đâu chúng tôi cũng áp dụng.
Cách làm việc, sự trông đợi SV như thế nào trong mỗi nền văn hóa lại khác nhau. Ví dụ như Việt Nam rất tôn trọng thầy/cô giáo, điều này có thể dẫn đến nỗi e ngại khiến SV không dám đặt câu hỏi. Tôi nhận thấy đây là điểm có thể thay đổi.
Có một điểm mà một giảng viên Việt Nam nói với tôi khi tham gia khóa học, đó là: "Chúng tôi tìm ra cách hiểu nhau tốt hơn". Với tôi, điều này rất thú vị, bởi một mặt các bạn rất gần gũi, nhưng mặt khác các bạn hiểu kỹ hơn về nhau ở một khía cạnh khác, góc nhìn khác. Là người nước ngoài, tôi không thể nói các bạn nên làm điều này, điều kia, vì tôi không thể hiểu bối cảnh Việt Nam bằng chính các bạn. Nhưng tôi có thể tạo ra một không gian để sự thay đổi diễn ra ngoài ý thức của những người đang thực hiện sự thay đổi đó.
GS.TS Howard Nicholas trao đổi với các học viên là giảng viên Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên)
Giảng viên kết nối trái tim, trí óc với SV
* Có cảm giác những gì ông truyền lại cho các giảng viên Việt Nam không chỉ là kỹ thuật giảng dạy - bởi nội dung này có thể tìm được bởi các kênh thông tin khác nhau. Phải chăng điều ông muốn giảng viên ghi nhớ là sự kết nối từ trái tim tới trái tim với sinh viên?
- Tôi cho rằng kết nối trái tim và kết nối cả tư duy, trí óc nữa! Để mọi người hiểu rằng họ có nhiều điều để chia sẻ với người khác. Chúng ta hãy thử nghĩ bao nhiêu lần những người phụ nữ thiệt thòi, phụ nữ dân tộc thiểu số, những người tật nguyền bị người khác bị tổn thương bởi một lời nói vô tình. Chúng tôi khiến cho những người thiệt thòi trở nên không thiệt thòi nữa. Các học viên của tôi tự tin nhập cuộc và họ thấy rằng mình có thể làm được nhiều điều để giúp sinh viên khó khăn vượt khó, học tốt.
* GS truyền cảm hứng cho nhiều giảng viên, vậy các giảng viên Việt Nam truyền cảm hứng gì cho GS?
- Các giảng viên Việt Nam truyền cảm hứng cho tôi theo rất nhiều cách khác nhau. Có học viên đã đứng lên ngay trong buổi tập huấn đầu tiên và nhấn mạnh: "Đừng quên có rất nhiều nhóm người dân tộc thiểu số, mỗi người trong họ đều có điểm mạnh riêng." Hay trong nhiều trường hợp, các học viên nữ đã thực sự đứng lên, tự tin phản biện lại: Không phải như thế! Tôi cũng biết rằng, tôi có rất nhiều nguồn lực hỗ trợ để thực hiện công việc của mình, còn các học viên của tôi thì không có được những nguồn lực đầy đủ như thế, nhưng mọi người vẫn làm việc chăm chỉ, đạt kết quả tốt đẹp. Tôi rất khâm phục họ!
Buổi tập huấn đầu tiên, tôi đề xuất mọi người thử nghiệm một số kiến thức đã học, nhưng thực tế các học viên đã đi xa hơn sự kỳ vọng của tôi. Họ đã quay phim, chụp ảnh, chia sẻ những phản hồi của sinh viên...lên trang thông tin của lớp trên mạng xã hội. Các giảng viên đã làm được rất nhiều điều so với đề xuất ban đầu của tôi. Thật tuyệt vời khi có các học viên như vậy!
* Sau khi tiếp xúc với học viên, dự giờ, thăm lớp..., theo ông, còn những kỹ năng, kiến thức gì ông muốn chia sẻ với các học viên giảng viên của mình?
- Nghe và chứng kiến những gì các học viên chia sẻ và triển khai, tôi cảm thấy các anh chị vẫn còn có điều chưa vừa lòng với bản thân mình, mong muốn được làm tốt hơn nữa, làm nhiều hơn nữa. Tôi đã lưu ý các học viên: Nên có chừng mực trong mong muốn của mình. Tôi muốn họ hiểu rằng không cần thiết phải cố gắng làm tất cả mọi thứ một mình. Như thế này cũng đủ làm tôi tự hào về các học viên của mình rồi.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Chúng tôi sắp mở khóa tập huấn các giảng viên các môn khoa học thực nghiệm trường ĐH. Trong khóa học này, chúng tôi sẽ tìm hiểu sâu, đặt câu hỏi với từng giảng viên: Công việc giảng dạy có nghĩa như thế nào với các anh/chị? Lần này, chúng tôi muốn đi sâu vào lớp học. Tôi rất hào hứng vì sẽ được dự giờ của giảng viên nhiều hơn - GS.TS Howard Nicholas.
Gia Hân (thực hiện)
Theo giaoducthoidai
Thiếu sự quan tâm của người lớn, học sinh tự hủy hoại mình Từ phỏng vấn thực tế, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Sư phạm TPHCM lọc ra được 280 học sinh từ 1.000 khách thể là học sinh THCS ở TPHCM và Bình Dương có hành vi tự hủy hoại bản thân bằng nhiều cách trong đó gồm tự bứt tóc, tự cắn, đập đầu, rạch tay, thậm chí có ý định tự tử......