Câu chuyện giáo dục: 5 việc cần bỏ để chữa ‘bệnh’ thành tích trong giáo dục
Thi đua có hai mặt như một tấm huân chương: mặt trước bóng bẩy, mặt sau xù xì. Đã thi đua và để được khen thưởng thì phải có thành tích. Trong thực tế có thành tích thật, có thành tích ảo.
Minh họa: DAD
Thi đua, khen thưởng đã sinh ra một loại bệnh: “ bệnh thành tích”. Triệu chứng lâm sàng của bệnh này là: phô trương hình thức (“mười voi không được đọi nước xáo”); gian dối (tốt thì phóng đại lên, xấu thì thu nhỏ lại, thậm chí che giấu); thủ đoạn (bằng mọi cách để đạt mục đích)…
Ngành giáo dục đã từng phát động “Nói không với bệnh thành tích”! Bệnh không thuyên giảm mà có xu hướng ngày một trầm trọng hơn. Dư luận đặt câu hỏi: Có nên thi đua nữa không? Nhiều người muốn bỏ thi đua vì đó là nguồn gốc sinh ra “bệnh thành tích”.
Theo tôi, khó lắm! Rất khó bỏ thi đua. Vì sao? Vì thi đua đã được luật hóa thành chính sách của nhà nước, đã có quy trình chuẩn hóa và bộ máy làm việc hoàn chỉnh, đã thành thói quen từ nhận thức đến hành động… Thi đua là “động lực” là “mục tiêu” của mọi người. Bỏ thi đua người ta không còn động lực, không có mục tiêu thì làm việc như thế nào?
Trong ngành giáo dục, thi đua đã tạo nên áp lực rất lớn cho giáo viên, cho nhà trường. Có thể chưa bỏ thi đua một sớm một chiều, nhưng tôi đề xuất có thể bỏ mấy việc sau đây sẽ giảm những áp lực không cần thiết cho giáo viên và nhà trường.
1. Không áp đặt chỉ tiêu thi đua, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện tham gia thi đua của tập thể, cá nhân theo quy định (điều 3, Thông tư 22/2018/ TT-BGDĐT ngày 28.8.2018 của Bộ GD-ĐT)
2. Bỏ khen thưởng ở cấp cơ sở, quận/huyện, tỉnh/thành phố… chỉ giữ lại khen thưởng ở cấp T.Ư.
3. Nên bỏ các cuộc thi “ giáo viên dạy giỏi”; “giáo viên chủ nhiệm giỏi”, “tổng phụ trách giỏi”… (các cuộc thi này đã không còn thực chất, gây áp lực cực kỳ lớn cho giáo viên).
4. Cần bỏ việc “dự giờ theo chuyên đề cấp quận/huyện” vì thực tế hoạt động này không học tập được gì, thường tâng bốc hoặc soi mói lẫn nhau, phản tác dụng.
5. Cần bỏ việc kiểm tra cấp phòng, cấp sở các loại sổ sách của giáo viên, của trường. Trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục về việc này.
Được chừng ấy, giáo viên sẽ có thêm thời gian và công sức tập trung cho việc dạy dỗ và chăm sóc học sinh.
Video đang HOT
Theo thanhnien
Chuyện những cái tát: Có những việc quan trọng hơn "ném đá"!
Sự việc 231 cái tát ở Quảng Bình theo TS Phạm Thị Thúy là cơ hội để tất cả nhìn lại mình. Có những việc quan trọng mà mỗi phụ huynh, mỗi nhà giáo, mỗi quản lý giáo dục phải làm để thay đổi hơn là việc "ném đá".
TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM đã có những chia sẻ với nhiều góc nhìn đa chiều quanh sự việc 231 cái tát tại Quảng Bình gây chấn động những ngày qua.
GIáo viên cũng cần được giúp đỡ
Bà Phạm Thị Thúy cho rằng, đây là một câu chuyện buồn và đáng thương cho cả học sinh, giáo viên và cả hệ thống giáo dục. Nhưng xét về khía cạnh tích cực thì đây là cơ hội để tất cả phải nhìn lại và thay đổi.
TS Phạm Thị Thúy
Trách nhiệm của cô giáo trong sự việc là điều rõ ràng. Kỹ năng sư phạm, ứng xử đạo đức nhà giáo có vấn đề.
"Giáo dục nhân bản là một khoảng trống hàng chục năm nay, chúng ta không giáo dục giá trị nhân bản, lòng yêu thương con người, giáo dục tôn vinh phẩm giá con người..." - TS Phạm Thị Thúy
Nhưng đó còn những khía cạnh cần nhìn nhận là vai trò của phụ huynh trong giáo dục con cái, trong các ứng xử với giáo viên và với mọi người xung quanh. Vai trò đến từ hệ thống giáo dục, cách chúng ta đang tạo nên những áp lực cho giáo viên về thành tích, thi đua; vấn đề về đào tạo GV hướng dẫn GV về kỹ năng sư phạm, giúp đỡ GV khi họ gặp khó khăn trong lớp học, với học trò.
Với giáo viên dù họ đã sai, bị đình chỉ, có thể bị khởi tố nhưng "ném đá" của dư luận là sức ép lớn nhất, kể cả là người có thần kinh thép cũng rất khó để đứng vững.
Trong trường hợp này, chính giáo viên cũng cần được giúp đỡ hơn là ném đá. Ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, không ai chịu trách nhiệm thay được. Cô xúc phạm thân thể học sinh, gây bạo lực, gây tổn thương tâm lý cho học sinh cả lớp.
"Nhưng đừng chỉ nhìn vào hành vi mà đã phán xét ngay một con người, chúng ta hay nhìn nhận liệu có nên tấn công một cá nhân như vậy hay không?
Không thể không nói đến áp lực từ bệnh thành tích, thi đua; không thể không nói đến cách mà người ta đã đào tạo nên cô giáo với tư cách là một giáo viên. Liệu chúng ta đã đào tạo giáo viên một cách cẩn thận về tâm lý, kỹ năng phương pháp sư phạm chưa?" - Bà Phạm Thị Thúy đặt câu hỏi.
Đó còn là bức tranh về về áp lực về thành tích, thi đua. Có những cuộc thi đua giáo viên không hào hứng, không ham hố gì thành tích đó nhưng vẫn phải làm, một guồng máy mà họ không đứng bên ngoài được.
Cô giáo trong các vụ bạo hành trẻ cũng cần được hỗ trợ
Bà Thúy nói: "Bản thân tôi là giảng viên ĐH nhàn hơn rất nhiều nhưng có những việc mình chẳng ham hố thành tích gì vẫn phải làm. Mà giảng viên khổ 1 thì giáo viên phổ thông phải khổ 10...".
Mục đích của thành tích không xấu và ở ngành nghề nào cũng phải có mục tiêu. Nhưng mỗi người trong nghề đang mắc kẹt trong áp lực này. Tầng tầng lớp lớp, rất nhiều tròng khoác vào cổ giáo viên và giáo viên không biết trút đi đâu nên trút xuống học sinh...
Ở góc độ tâm lý, bà Thúy phân thích có thể tuổi thơ của cô giáo bị bạo lực bởi ai đó, cô bị tổn thương về tâm lý, có thể cô có đang có ẩn ức nào đó. Đôi khi, hành vi nóng giận, bạo lực của cô đang xả giận nhưng cũng là lời kêu cứu, thể hiện sự bất lực, bế tắc.
Giáo dục thiếu giá trị nhân bản
Qua câu chuyện 321 cái tát và sự ném đá của dư luận, theo bà Phạm Thị Thúy, chúng ta dễ dàng nhìn thấy cách hành xử thiếu nhân văn. Từ một sự việc mang tính giáo dục, hợp lý khi lên tiếng phê phán cô giáo phạt học sinh nhưng chuyển sang trạng thái "ném đá" thì chính mỗi người lại đang lấy bạo lực để nói về một sự việc phê phán - mang tính nhân văn.
Ở đây, bà Thúy nhấn mạnh, không phải nhìn ở góc độ thương cảm cho những tổn thương của cô hay đòi hỏi sự tha thứ. Tôi - anh hay bất kỳ ai, làm sai phải chịu trách nhiệm - có thể trước tòa án, trước dư luận hay chính với lương tâm... không thể mình làm sai rồi mong người khác thương cảm mình được.
TS Phạm Thị Thúy trong một chuyên đề về bảo vệ bản thân dành cho học sinh
Cô ấy làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc và khởi tố. Còn vấn đề của chúng ta là mỗi phụ huynh, mỗi nhà giáo, mỗi học sinh và cả ngành giáo dục có thể làm gì để thay đổi, cải thiện thực trạng. Chúng ta có thể làm gì để học trò đi học với niềm vui thật sự hay không? Làm gì để thầy cô giáo ứng xử nhân văn? Làm sao để trong cộng đồng, khi có ai đó sai thì chúng ta đối xử khách quan và có lý trí chứ không phải cảm tính?
Nhiều người nói, nếu tôi là bố mẹ em học sinh đó sẽ đến tát lại, đánh, thế này thế nọ cô giáo... thì chính chúng ta đã lấy bạo lực đáp trả bạo lực. Tất cả đều ứng xử với nhau bằng bạo lực.
Không phủ nhận áp lực của bệnh thành tích nhưng theo bà Thúy đó cũng chỉ là nguyên nhân bề nổi. Nguyên nhân sâu xa là chúng ta đang thiếu nền tảng giáo dục nhân bản. Giáo dục nhân bản đã là một khoảng trống hàng chục năm nay, chúng ta không giáo dục giá trị nhân bản, lòng yêu thương con người, giáo dục tôn vinh phẩm giá con người...
Thế nên dường như bất kỳ ai cũng cho rằng mình có quyền đánh trẻ trẻ. Cha mẹ cho rằng mình có quyền đánh con nếu con sai, thầy cô có quyền đánh con vì muốn giáo dục trẻ... Rồi bây giờ cộng đồng lại cho rằng mình có quyền ném đá để thay đổi cô giáo, để thay đổi hệ thống giáo dục.
Tất cả đều thiếu đi tính nhân bản trong cách hành xử.
Thay đổi đến từ mỗi người
Bà Phạm Thị Thúy phân tích, những lúc bức xúc chúng ta lại dễ quên đi vai trò giáo dục con cái từ gia đình. Trong trường hợp câu bé nói tục, chửi thề ở đây có thể là 231 cái tát nhưng cũng quên nhìn thẳng rằng, sau này ra đời gặp đầu gấu, em có thể bị mất mạng vì thói hư tật xấu của mình.
Trong khi, hành vi lời nói của trẻ chịu trách động bởi ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó môi trường gia đình cực kỳ quan trọng. Bố mẹ có quan tâm đến con hay không, dạy con học ăn ,học nói, học gói, học mở; có yêu thương con đầy đủ hay không... người thầy suốt đời của con chính là cha mẹ. Nghề gì cũng có những lớp tập huấn nhưng riêng nghề làm cha mẹ lại đang rất thiếu, còn bị xem nhẹ.
Sự việc cũng phản ánh đời sống xã hội mà chúng ta đang phải đối mặt. Cha mẹ bận mưu sinh, không có thời gian cho con cái. Cha mẹ không theo kịp con cái trong nhiều vấn đề như chương trình học khó, không kèm cặp được, tâm sinh lý trẻ hiện nay rất phức tạp...
Câu chuyện quan trọng hơn việc ném đá là mỗi ông bố bà mẹ có thể làm gì để dạy con nên người, mỗi nhà giáo có thể làm gì để mình thay đổi được cách tiếp cận học sinh, khả năng kiểm soát cảm xúc của mình; mỗi nhà quản lý có thể làm gì để cho môi trường giáo dục nhẹ nhàng, thân thiện hơn...
Thay vì chờ đợi một sự thay đổi đến từ ai đó, đến từ hệ thống... thì chính mỗi người cần thay đổi.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Nhiều nhà giáo đang quên mất mình là "kỹ sư tâm hồn" Nhà giáo Nhân dân (NGND), PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng: Phải đào tạo giáo viên là người tốt, sau đó mới thành nhà giáo tốt, tức là nhà giáo phải cao hơn so với người thường một bậc. Nhưng do yếu tố này chưa được chú trọng nên nhiều nhà giáo quên mất mình là "kỹ sư tâm hồn"; ngộ nhận...