Cậu bé vô địch gameshow sau 5 năm trị rối loạn ngôn ngữ
Nhìn Hải trả lời đúng 10/10 câu hỏi trong 2 phút của cuộc thi đố vui trên truyền hình, ít ai biết cậu từng không nói được trước 3 tuổi.
Vô địch gameshow đố vui nhanh trí dành cho thí sinh 4-8 tuổi, phát sóng ngày 20/5 trên kênh HTV7, Đài Truyền hình TP HCM, cậu bé Phạm Duy Hải, 8 tuổi, quận 2, không ngừng phấn khích nói: “Phải chiến thắng để bố mẹ tự hào”. Quả thực với mẹ bé, chị Trịnh Thủy Trà (làm việc tại một đài truyền hình), thành công hôm nay của con là dấu ấn đáng nhớ, vì Hải từng mắc chứng rối loạn ngôn ngữ, 3 tuổi còn chưa thể giao tiếp với mọi người.
Bé Duy Hải cùng bố mẹ năm 2017 khi cậu bé về thăm quê ngoại. Ảnh: T.T.
“18 tháng bé không có sự tương tác với bố mẹ. Gọi gì, nói gì bé cũng không để ý. Khi tôi nói chuyện thì bé không hiểu nhưng khi thể hiện hành động thì Hải lại hiểu. Lúc đó tôi nghĩ có thể con chậm nói thôi”, chị Trà nhớ lại.
Hải đi học tại một trường mẫu giáo gần nhà. Đến giờ ăn, cô yêu cầu các bé xếp hàng di chuyển đến phòng ăn, Hải không có phản ứng, dù cô nói chuyện trực tiếp với con. Nhưng khi cô giáo làm động tác cầm chén đũa ăn cơm và chỉ vào vị trí, Hải lập tức làm theo. Ngủ dậy, cô yêu cầu các bé đi vệ sinh, nhưng cậu bé không hiểu. Cô chỉ vào khăn rửa mặt thì Hải mới nhận ra.
Nhận phản ánh của cô giáo, chị Trà cùng chồng đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và một phòng khám tư. Tại cả hai nơi, bé đều nhận kết luận bị rối loạn ngôn ngữ và chỉ số hưng phấn thần kinh cao hơn trẻ bình thường.
Cả gia đình rất lo lắng. Ba là bộ đội hay xa nhà, mẹ bận việc triền miên nên việc chăm sóc cho một đứa trẻ rối loạn ngôn ngữ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, gia đình thống nhất dành nhiều thời gian nhất có thể để trò chuyện với con, mong con tăng khả năng nói.
Ngoài việc nhờ cô giáo ngôn ngữ đến trò chuyện, vợ chồng chị Trà cũng thu xếp lại công việc và lập kế hoạch học nói cùng con vào mọi lúc. Biết con thích số, nên ba cùng Hải học đếm số, phân tích các trò chơi liên quan đến số. Mẹ hát các bài hát thiếu nhi, đọc nhiều truyện, rồi cùng Hải phân tích nhân vật, mặc dù ban đầu cậu bé không hề tương tác với mẹ.
Vợ chồng chị Trà cũng cho Hải ra ngoài thường xuyên hơn. Ở mỗi nơi Hải đều được ba mẹ giảng giải tất cả những hình ảnh trên đường, như cái cây có tác dụng gì, hoa mọc từ đâu ra… Cuối tuần nào cậu bé cũng được đi chơi, gần thì đi công viên, xa thì đi Vũng Tàu, và sau mỗi chuyến đi Hải tiến bộ hơn rất nhiều.
Cần mẫn như vậy, đến năm 3 tuổi, Hải mới nói được những tiếng đơn lẻ đầu tiên. 4 tuổi cậu bắt đầu nói thành câu.
“Khi nói được con rất lý sự, cái gì cũng hỏi mà ghi nhớ rất nhanh. Con tò mò về tất cả mọi thứ xung quanh, luôn vặn hỏi bố mẹ vì sao lại như thế”, chị Trà kể.
Chị và chồng thống thất là dù con đúng hay sai, ba mẹ đều lắng nghe. “Phải cho con tự do nói lên ý nghĩ của mình. Phải hiểu rõ suy nghĩ của con, nếu đúng thì theo bé, sai thì điều chỉnh. Chúng tôi coi bé như người bạn trao đổi với nhau thẳng thắn, chứ không coi bé là con mình để áp đặt”, chị Trà chia sẻ.
Video đang HOT
Chị Trà đã kiên trì bên con những năm đầu cậu bé bị chẩn đoán rối loạn ngôn ngữ, để tích lũy vốn từ, vốn kiến thức cho con. Ảnh: T.T.
Cô giáo Nguyễn Kim Anh – nguyên hiệu trưởng trường mầm non nơi Hải theo học mẫu giáo – cho biết cậu bé có năng khiếu chơi đàn. “Thời đó, khi tôi dạy các cô giáo nhạc, lúc xướng âm Hải đứng cạnh và con gõ lại không sai chi tiết nào. Tôi có nói với mẹ Hải nên cho cháu đi học đàn piano bởi vì con thích, hơn nữa khi học nhạc, các đầu ngón tay sẽ kích thích sự phát triển trí não của con. Sau này tôi biết Hải đạt được rất nhiều giải thưởng về âm nhạc uy tín”.
Cũng theo cô Kim Anh, Hải còn rất đam mê tiếng Anh và Toán học. “Trong trường hồi đó có học theo giáo trình dạy toán của Singapore. Các giáo viên rất khen Hải về trình độ tính nhẩm cũng như khả năng tư duy của con. So với các bạn cùng lứa tuổi lên 4 hồi đó, Hải vượt trội hơn rất nhiều. Cậu bé cũng giao tiếp tiếng Anh rất tự tin, không e dè như nhiều bạn trong lớp”.
Sau nhiều năm, Duy Hải giờ đây đã trở thành một học sinh phát triển bình thường, tuy nhiều lúc cậu bé vẫn hưng phấn quá mức. Trong chương trình gameshow dành cho thiếu nhi Hải mới tham gia, nhiều lúc cậu bé mất bình tĩnh nên suy đoán chưa chính xác. Tuy nhiên sau khi được nhắc nhở, cậu bé lại tự tin trả lời đúng hết.
Ngay sau khi rời khỏi chỗ người chơi, Duy Hải mời mẹ lên sân khấu. “Mẹ ơi, mẹ có vui không?”, câu nói của cậu bé khiến chị Trà rớm nước mắt.
“Hải là một cậu bé rất ấm áp. Con có thể ôm hôn, thể hiện tình cảm nồng ấm với mẹ trước mặt mọi người mà không bao giờ tỏ ra ngại ngùng. Với một người mẹ, đó là điều tuyệt vời nhất”, chị Trà nói.
Theo chuyên gia Nguyễn Thị Lương (Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục) trẻ bị rối loạn ngôn ngữ có những biểu hiện như chậm nói, nói lắp hoặc nói sai ngữ pháp. Có những trẻ nói một mình, nói những âm vô nghĩa hoặc nói nhại lời. Trẻ không chú ý lắng nghe người khác nói với mình và không quan tâm khi có người đọc sách cho nghe. Ngoài ra, khả năng nghe hiểu của trẻ bị hạn chế, không hiểu được những câu nói phức tạp và không làm theo được mệnh lệch đơn giản bằng lời.
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ có thể chia làm 2 loại: Rối loạn khả năng phát âm và Rối loạn khả năng tiếp thu ngôn ngữ.
Trẻ hiểu được lời người khác nói nhưng phải thông qua hành động như trường hợp của bé Hải thì có thể bị Rối loạn khả năng phát âm. Trẻ khó bày tỏ những câu nói, suy nghĩ thông thường theo độ tuổi. Với trường hợp này, bố mẹ nên tạo điều kiện cho con giao tiếp rộng rãi với môi trường bên ngoài, cho trẻ đi học mầm non để có cơ hội quan sát, bắt chước những đứa trẻ cùng tuổi. Bên cạnh đó có thể cho bé đi học ở các trung tâm rèn luyện ngôn ngữ, được đào tạo bởi các chuyên gia uy tín.
Trẻ bị coi là rối loạn tiếp thu khi đã quá 3 tuổi mà có dấu hiệu chậm hiểu lời nói của mọi người. Đối với những trường hợp này thì cần được thăm khám cụ thể để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất.
Vy Trang
Theo VNE
Đắk Nông: Tâm sự của cô giáo nhận dạy trẻ chuyên biệt, từng mang tiếng... "bị điên"
Cuối tuần, căn nhà cấp 4 bằng gỗ nhỏ nằm ở cuối thôn 8 (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) trở nên náo nhiệt với tiếng cười đùa, gọi nhau í ới của những đứa trẻ chuyên biệt. Chủ nhân ngôi nhà là cô giáo Trương Thị Thanh Tâm, người từng bị gọi là "điên" khi nhận nuôi dạy miễn phí cho hàng chục trẻ khuyết tật.
Cô Trương Thị Thanh Tâm hiện là giáo viên Trường mầm non Hoa Hồng (thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông). Năm 2016, cô Tâm bắt đầu nhận trẻ khuyết tật về nhận thức để chăm sóc, trợ giúp các em. Hiện, lớp học có 27 em, em lớn nhất 17 tuổi và nhỏ nhất 2 tuổi. Có em nhìn khuôn mặt rất thanh tú, nhưng không khó để nhận biết em bị chậm nói, hoặc bị tự kỷ, có em bị rối loạn ngôn ngữ, tăng động...
Nữ giáo viên sinh năm 1986 bên cạnh học trò của mình
Ngồi lặng lẽ nhìn những đứa trẻ đang nghiêm túc học bài, nữ giáo viên bồi hồi kể về quyết định thành lập lớp học: "Trước đây mình học chuyên ngành về Giáo dục chuyên biệt, với mục đích là có kỹ năng, kiến thức giúp người chị gái của mình phục hồi. Về sau, như bệnh nghề nghiệp nên mình hay để ý và nhận ra ngày càng có nhiều trẻ bị khuyết tật đang sống xung quanh. Tuy nhiên, có một thực tế, người nhà thậm chí không nhận ra, không chấp nhận các con bị khiếm khuyết. Nhiều con không được can thiệp kịp thời nên tình trạng ngày càng nặng hơn".
Là một giáo viên mầm non, lại là người có thời gian dài gắn bó với người chị gái bị khuyết tật, nên cô Tâm có tình cảm đặc biệt với những đứa trẻ ấy. Đáng lẽ được đến trường, được hòa đồng cùng bạn bè thì các bé lại bị cô lập do những khác biệt, thế nên, khi cô Tâm càng quyết tâm mở lớp nhận hỗ trợ cho trẻ chuyên biệt miễn phí hoàn toàn tại nhà.
Cô Tâm đến với những đứa trẻ khiếm khuyết xuất phát từ câu chuyện của gia đình
"Từ giữa năm 2016, mình bắt đầu nhận can thiệp sớm cho trẻ bị khuyết tật. Dần dần số phụ huynh biết nhiều hơn nên đưa trẻ đến xin học vì thấy các con học ở đây có tiến bộ. Khi số trẻ nhiều hơn, mình và một số bạn tình nguyện viên đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ chuyên biệt Thiện Tâm để thu hút nhiều người cùng chung tay giúp đỡ những em không may mắn. Lớp học hoàn toàn miễn phí nên nhiều người nghĩ mình không bình thường, thậm chí, cho rằng cô "bị điên"" - nữ giáo viên tâm sự.
"Thực ra nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về khiếm khuyết của các con, nên không thể cải thiện tình trạng của các cháu và hay gọi môm na là các cháu bị "điên". Để giúp các cháu sớm hòa nhập, thật sự mình cũng phải "điên" như các cháu. Rồi từ từ, định hướng, hướng dẫn các cháu thoát ra khỏi cái điên đó. Nếu thoát ra được, coi như là thành công", cô Tâm chia sẻ thêm.
Cô giáo Trương Thị Thanh Tâm nhận nuôi dạy miễn phí cho hàng chục trẻ khuyết tật.
Theo cô Tâm, mỗi em một tình trạng, mỗi tính nên đều có một giáo án riêng. Một số em cần phải tăng cường hoạt động nhóm để rèn các kỹ năng như vận động, chỉnh âm, nhận biết môi trường xung quanh... Một số em phải tăng cường giáo dục cá nhân, chỉ một cô một trò để giúp các em nhanh chóng phục hồi hạn chế của mình.
Chỉ tay về phía cậu học trò Nguyễn Văn Phúc Duy (SN 2015) đang chăm chú tập vẽ, cô Tâm cho biết, ngày mới vào lớp dù mới 4 tuổi nhưng Phúc Duy rất ít nói. Nguyên nhân chủ yếu cũng do bố mẹ bận rộn, em thường xuyên ở nhà với bác cũng bị câm điếc nên điện thoại và máy tính bảng là người bạn thường xuyên của em.
Sau khi đi khám, gia đình mới phát hiện em bị chứng rối loạn ngôn ngữ, chậm nói. Phải mất rất nhiều thời gian bố mẹ em mới chấp nhận và tìm cách chữa trị.
Hay như em Nguyễn Đình Đức (SN 2013) khi mới đến học chỉ ngồi một góc và nói chuyện một mình. Điều lạ là em kể rất rành mạch các chương trình trên truyền hình. Bố mẹ em cho biết vì công việc bận rộn nên thường hay cho con xem ti vi nhiều và do ít giao tiếp nên dần dần em trở nên thu mình hơn.
Sau một thời gian tham gia lớp học, cả hai em Duy và Đức đều đã nhanh nhẹn, hoạt bát và thích tham gia các hoạt động tập thể hơn.
Cô Thanh Tâm cho biết, các em đến với lớp học có tình trạng khác nhau, có em bị nhẹ nhưng cũng có em bị rất nặng. Trong đó, có một trường hợp đặc biệt khi trẻ vừa tự kỷ vừa tăng động, giảm tập trung nên có khi đánh cả cô giáo và các bạn. Vừa mong muốn can thiệp cho em nhưng không có nhiều thời gian nên cô Tâm quyết định dạy riêng cho em vào các buổi tối. Sau một thời gian, em thuần tính, không còn đánh người xung quanh và thích giao tiếp hơn.
Sau một thời gian theo học, các bé đều được cải thiện tình trạng
Chị Trần Thị Giang Hương, một phụ huynh cho biết: "Con trai đến 3 tuổi vẫn chưa nói. Khi biết cô Tâm mở lớp, tôi đã tìm hiểu và xin cho cháu tham gia. Qua gần 2 năm, tôi thật sự rất mừng khi con trai nhanh nhẹn, nói chuyện nhiều, nói to và rõ ràng. Cháu còn sống rất tình cảm và biết chia sẻ. Cuối tuần có mệt hay đau ốm gì cháu cũng đòi đến cô Tâm".
Với sự cố gắng của cô Tâm, từ khi mở lớp đến nay đã có 3 em khỏi và nhiều em hiện nay đã cải thiện được tình trạng tật. Thấy được ý nghĩa của việc lớp học nên số học sinh đến lớp ngày càng đông hơn.
Nhiều trẻ đã đọc, viết và tính toán được
Nữ giáo viên sinh năm 1986 tâm sự: "Hiện nay nhiều phụ huynh bận rộn làm ăn, nên ít có thời gian quan tâm đến con, khiến các cháu chịu nhiều thiệt thòi. Qua việc mở lớp, một phần mình muốn giúp các cháu một phần cũng mong góp tiếng nói để nhiều phụ huynh quan tâm, dành nhiều thời gian hơn để yêu thương và chia sẻ với con. Bên cạnh việc giúp được các em, mình cũng hiểu rõ hơn khi sống yêu thương và chia sẻ sẽ hạnh phúc hơn nhiều".
Thấy được ý nghĩa của việc lớp học nên ngày càng có nhiều nhà hảo tâm, tình nguyện viên chung tay để duy trì hoạt động của lớp. Bạn Tống Thị Thu Phương (ngụ xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil) hàng tuần đều vượt hơn 20km đến hỗ trợ lớp học. Phương cũng là một trong những tình nguyện viên đầu tiên tới lớp kể từ ngày thành lập.
Phương chia sẻ: "Câu lạc bộ có trên 20 bạn thay nhau phụ cùng chị Tâm hỗ trợ các em. Thấy các em chuyển biến, dù là nhỏ nhất, chúng tôi thấy rất vui, lại muốn giúp nhiều hơn nữa. Dù vất vả nhưng mỗi người chung một tay thì sẽ đơn giản hơn. Tất cả chúng tôi đều hy vọng, xã hội sẽ có cái nhìn khác về tình trạng quả các em, qua đó cùng nhau hỗ trợ các bé trong việc điều trị".
Suốt cả buổi học, phần lớn là tiếng học trò gọi cô giáo. Bất kể khó khăn hay mong muốn gì, những đứa trẻ ở đây cũng đều gọi cô Tâm, bởi hai tiếng "cô Tâm" như đã trở thành "điểm tựa" của các em nhỏ này.
Dương Phong
Theo Dân trí
Em bé sinh non nhỏ nhất thế giới tròn 4 tuổi Cách đây 4 năm, một cô bé bất ngờ chào đời sớm tận 4 tháng tại một bệnh viện ở Texas, Mỹ. Dù nặng chưa đến nửa kí (425g) và không có hi vọng sẽ sống, nhưng mẹ em, chị Courtney Stensrud vẫn muốn các bác sĩ hãy thử làm điều kì diệu. Bé Lyla lúc mới sinh khi được 21 tuần 4...