Cậu bé lớp 3 tự gây quỹ từ thiện giúp bạn
Bán đào tết gây quỹ, tích cóp tiền lì xì… cậu học trò nhỏ Bùi Vương Tuệ Minh dành dụm được 20 triệu đồng gửi các bạn Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.
Tuệ Minh chia sẻ tấm lòng của mình đến các bạn khuyết tật Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu – Ảnh: N.V.
Dịp tổng kết năm học 2017-2018, Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM nhận được món quà chia sẻ từ một bạn nhỏ học lớp 3 là 20 triệu đồng.
Cô Hà Thanh Vân, hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: “Đây là lần đầu tiên trường ghi nhận tấm gương một em học sinh lớp 3 làm từ thiện, sự sẻ chia này dù rằng các em khuyết tật ở đây không thể nhìn thấy nhưng chắc chắn việc làm của em sẽ lan tỏa, làm ấm lòng những bạn có hoàn cảnh khó khăn”.
Người trao tặng số tiền này là em Bùi Vương Tuệ Minh, lớp 3 một trường tiểu học tại TP.HCM. Tết vừa qua, Minh nghĩ ra cách bán cành đào.
Được bố mẹ giúp một tay cho mượn vốn và vận chuyển đào từ Hà Nội vào, em để những cành đào trước sảnh ra vào chung cư đang ở, kèm dòng chữ và số điện thoại: “Con là Tuệ Minh, con bán đào để gây quỹ cho các bạn khó khăn. Mọi người ủng hộ con!”.
Sau đợt bán này Minh có được 7 triệu đồng, cộng số tiền lì xì, tích góp thành số tiền tặng các bạn trường khiếm thị.
Đây không phải lần đầu tiên Tuệ Minh giúp đỡ các bạn nhỏ cùng trang lứa. Trước đó, Minh đã tự tiết kiệm tiền, xây dựng kế hoạch và “chăm sóc” người thân để có quỹ chia sẻ đến các bạn nghèo khi nhìn thấy những hình ảnh bão lũ ở tỉnh Sơn La trên báo đài, các bạn ở trường nghèo của huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc).
Video đang HOT
“Mẹ không bao giờ cho em tiền nhiều, nhưng ban đầu có 5 triệu đồng nhờ mẹ giữ hộ vì tiền lì xì của năm 2016, nhưng ra tận Sơn La thì số tiền hơi ít, thế là em nghĩ em sẽ “nịnh” người thân để có quỹ nhiều hơn gửi ra ủng hộ các bạn” – Tuệ Minh cho biết.
Cách mà em “nịnh” người thân để được tiền thưởng đó là mỗi khi đi học về hay những lúc rảnh rỗi cuối tuần em đấm lưng, nhổ tóc bạc cho mẹ, cô, dì; đọc sách, kể chuyện cho ông bà nghe.
Mẹ của Minh chia sẻ: “Tôi rất vui và ủng hộ vì cháu ý thức được việc làm của mình từ những hành động nhỏ. Quan trọng hơn, qua những điều như thế, tôi dạy cho con biết sử dụng đồng tiền đúng nghĩa”.
Theo tuoitre.vn
Cô dẫn trò khuyết tật vô siêu thị, nhà bếp... dạy kỹ năng sống
Đi siêu thị, các em học sinh khuyết tật được học kỹ năng giao tiếp, biết tính toán, cân nhắc mua gì cho phù hợp với số tiền đang có...
Cô Nguyễn Thị Thu Sương hướng dẫn học sinh Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM cách xếp quần áo - Ảnh: NHƯ HÙNG
Gắn bó với Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM gần 30 năm, cô Nguyễn Thị Thu Sương đã thiết kế hoạt động chức năng để dạy kỹ năng sống cho các em học sinh khuyết tật, đa khuyết tật.
Điều quan trọng nhất mà cô Sương chia sẻ trong kinh nghiệm dạy kỹ năng cho trẻ đa khuyết tật là giáo viên cần quan sát kỹ hơn dạy trẻ bình thường, quan sát để dạy những gì trẻ đa khuyết tật cần chứ không phải dạy hết những kinh nghiệm mà giáo viên có.
Trẻ đa khuyết tật cần kỹ năng riêng
Cô Sương chia sẻ: "Trẻ đơn hay đa khuyết tật có những khó khăn và mức độ khuyết tật kèm theo khác nhau nên mỗi cá nhân có một khả năng khác nhau, đòi hỏi phải có những chương trình chuyên biệt, điều chỉnh cho phù hợp.
Vì thế, trẻ đa khuyết tật cần phải học kỹ năng sống hằng ngày và các kỹ năng khác thông qua các hoạt động, thay cho chương trình quy định.
Các em cũng cần được thông qua việc hướng dẫn trực tiếp và những phương pháp can thiệp để việc tiếp cận dễ dàng, để khi trở về với gia đình, với cộng đồng xã hội thì hòa nhập tốt hơn".
Từ đó, cô Sương đã bắt đầu xây dựng thiết kế những hoạt động gần gũi thiết thực như: đi siêu thị, làm bánh, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, gấp quần áo, gọt trái cây, bán hàng đồng giá...
Cô Sương phân tích: "Ví dụ việc đi siêu thị, nhìn thì đơn giản với một đứa trẻ bình thường nhưng lại hàm chứa rất nhiều kỹ năng cho các em đa khuyết tật.
Thứ nhất, đi siêu thị dạy cho các em kỹ năng hòa nhập xã hội: giao tiếp, hỏi đường, trao đổi với người bán hàng. Thứ hai là kỹ năng tính toán, cân nhắc mua gì cho phù hợp với số tiền cầm trên tay...
Thứ ba là dạy cho các em khiếm thị định hướng di chuyển từ trường đến siêu thị, để sau hoạt động này các em cũng có thể đi đến cửa hàng đồ chơi, đến cửa hàng tạp hóa.
Và cuối cùng là dạy cho các em kể được buổi trải nghiệm, em đã học được gì khi chính mình bước vào mua hàng ở siêu thị, điều em kể được chính là em đã nhận ra được kỹ năng cho chính mình qua hoạt động đó".
Để tạo niềm thích thú, trước mỗi tiết dạy cô lại đưa ra quyền lựa chọn hoạt động mà ngày mai các em sẽ học, cô không đi theo một khuôn mẫu lập sẵn.
"Có em khiếm thị nhưng tay chân hoạt động rất nhạy bén, mình quan sát để khi em thực hiện hoạt động đó, giáo viên giao nhiệm vụ khác để cân bằng và tập trung đôi tay để các em phát huy.
Ngược lại, có em vừa khiếm thị vừa chân yếu tay mềm vừa ít hoạt ngôn, giáo viên sẽ trực tiếp hướng dẫn dần một vài chi tiết nhỏ trong hoạt động lớn, để các em dễ tiếp thu kỹ năng hơn" - cô Sương cho biết thêm.
Trẻ tiến bộ rõ rệt
Đang loay hoay dùng đôi bàn tay chạm canh đôi ống quần cho bằng nhau để gấp lại thật vuông vắn trong bài học "Kỹ năng quản lý nhà cửa", em Phương Trinh (lớp 6 kỹ năng) cho biết: "Bình thường ở nhà, mẹ và ba là người giúp em gấp quần áo.
Nhưng cô Sương đã dạy cho em cách gấp sao cho thẳng, cho vuông, phải canh hai ống quần, hai tay áo như thế nào là bằng nhau, tuy em không thể nhìn thấy nhưng em cảm nhận được. Sau này em cũng sẽ tự gấp quần áo cho em và người thân theo cách này".
Lan tỏa sáng kiến của cô Sương, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng cũng đã áp dụng thực hiện giảng dạy và thành công.
Bà Đỗ Thị Đỗ Quyên, giám đốc trung tâm, cho biết: "Được chia sẻ sáng kiến kinh nghiệm của cô Sương, chúng tôi như có một nút mở cho chương trình giáo dục tại trung tâm mà bấy lâu nay chưa có sáng kiến nào thay thế cho phù hợp. Qua hơn một năm dạy theo chương trình kỹ năng này, các em đa khuyết tật tiến bộ rõ rệt".
"Cô Sương là một giáo viên nhiệt tình, không ngại việc, không sợ khó, sợ khổ. Ngoài những giờ ở lớp, vì nhà ở gần trường nên cô Sương luôn hỗ trợ sinh hoạt cho học sinh nội trú và dành nhiều thời gian cho các em. Cô còn là giáo viên giỏi cấp thành phố về dạy trẻ khuyết tật, đạt thành tích xuất sắc từng được Bộ GD-ĐT công nhận".
Cô Hà Thanh Vân - Hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu
Theo tuoitre.vn
Câu chuyện về nữ giảng viên bí mật dùng tiền lương giúp học trò Câu chuyện 5 năm trước được người học trò này chia sẻ về nữ giảng viên Trần Hồng Nhung, khoa Marketing, trường ĐH Kinh tế quốc dân: "...Thế giới này còn có người tốt, giỏi, xinh đẹp, chung thuỷ lại khéo léo như vậy". Mới đây, cộng đồng mạng chuyền tay nhau câu chuyện của một cựu sinh viên nam trường ĐH Kinh...