Cậu bé lêu lổng thành Tổng trấn quyền uy nhất Sài Gòn xưa
Từ cậu bé ít học, ham chơi, ông Lê Văn Duyệt trở thành đại tướng, mang ấn công hầu, làm “vương” một cõi và được triều đình nể trọng.
Theo Sách Đại Nam liệt truyện, Lê Văn Duyệt sinh năm 1764 trong gia đình nông dân tại Cù Lao Hổ (nay thuộc làng Hòa Khánh, tỉnh Tiền Giang). Tổ tiên ông có gốc tích ở Quảng Ngãi, sau vào Nam sinh sống. Ông sinh ra đã mang tật kín bẩm sinh (ái nam ái nữ). Thuở nhỏ, không chịu học hành mà chỉ thích bắt chim, đánh cá, nhất là nuôi gà, đá gà và tụ tập các trẻ trong làng chia phe tập trận đánh giặc.
Tương truyền ông khỏe mạnh, thông minh, giỏi võ thuật. Tuy ít học nhưng ông biết nhiều tuồng tích Tàu, luôn ước ao trở thành hào kiệt như trong truyện xưa. Mới 15 tuổi, Lê Văn Duyệt đã nói “sinh ở thời loạn không dựng cờ đánh trống đại tướng, chép công danh vào sử sách không phải là trượng phu”.
Năm 17 tuổi, Lê Văn Duyệt may mắn gặp chúa Nguyễn Phúc Ánh, sau đó được tuyển làm Thái giám Nội đình. Nhờ hiểu biết việc binh, ông được chúa Nguyễn tin dùng và được đứng vào hàng tướng lĩnh từ năm 1789. Theo Quốc triều sử toát yếu, năm 1793, Lê Văn Duyệt được Nguyễn Ánh phong làm Thuộc nội Vệ úy bởi “tuy sinh ra là người (thái) giám, (nhưng là) người mạnh dữ mà đánh giỏi, có công tùng chinh”. Kể từ đó, chúa Nguyễn thường bàn việc binh với Lê Văn Duyệt.
Năm 1801, tướng quân Lê Văn Duyệt thể hiện tài năng khi chỉ huy đánh tan hải quân Tây Sơn ở cửa Thị Nại (Quy Nhơn). Đây là trận thủy chiến dữ dội nhất, được gọi là “Võ công đệ nhất” trong thời trung hưng của nhà Nguyễn.
Tượng Tả quân Lê Văn Duyệt bằng đồng cao 2,65 mét, nặng 3 tấn được đặt trang trọng trong điện thờ Lăng Ông Bà Chiểu vào tháng 2/2008. Ảnh: Trung Sơn
Khi vua Gia Long lên ngôi, xem Lê Văn Duyệt là Đệ nhất khai quốc công thần và phong chức Khâm Sai Chưởng Tả Quân Dinh Bình Tây Tướng Quân. Ông được giao làm tổng trấn Gia Định Thành (cai quản 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và An Giang) lần thứ nhất từ 1813 đến 1816; lần thứ hai từ 1820 đến lúc qua đời.
Theo các sử gia, Lê Văn Duyệt có khả năng về quân sự lẫn chính trị, ngoại giao; là một vị quan nghiêm khắc, thanh liêm. Dù quyền hành lớn, song ông không hiếp đáp kẻ dưới hoặc tìm cách tư túi riêng. Quân lính của ông rất có kỷ luật, không hề phá phách, cướp bóc… Có uy quyền ai ai cũng kính phục, ông được gọi là “Ông Lớn Thượng”. Các nước lân cận đương thời đều sợ oai phong gọi ông là “Cọp Gấm Đồng Nai”.
Tổng trấn Gia Định Thành đã cho đắp đường, đào kênh, củng cố thành lũy. Dưới sự cai trị của ông, thành phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội, văn hóa và quân sự trải dài từ Bình Thuận tới Cà Mau, Hà Tiên. Tài năng và công đức của ông được người dân Nam Bộ hết lòng tôn kính, coi ông như một vị thần.
Video đang HOT
Đánh giá về ông, Crawfurd – dẫn đầu phái đoàn của nước Anh từng đến yết kiến Lê Văn Duyệt năm 1822 – ghi lại: “Tổng trấn rất nhân từ, tha cả bọn giặc, bọn phỉ, bọn trộm cướp ăn năn. Nhưng ông lại rất tàn bạo với bọn cố tình không chịu quy phục triều đình. Chưa ở đâu kỷ cương phép nước được tôn trọng như ở đây. Một vị quan nhỏ ra đường ghẹo gái cũng bị cách chức lưu đày. Một đứa con vô lễ chửi mẹ, Tổng trấn biết được cũng bị phạt rất nặng…”.
“Con người này ít học nhưng có được cái nhìn cởi mở hơn nhiều những đại thần và cả nhà vua học rộng, làu kinh sử của Khổng giáo. Ngài sống thanh liêm, muốn mở mang đất Gia Định trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng biển Đông”, Crawfurd ghi.
Cổng vào Lăng Ông ở đường Vũ Tùng, quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: Trung Sơn
Năm 1832, tướng quân Lê Văn Duyệt mất sau cơn bệnh, thọ 69 tuổi. Ông được chôn trên gò đất cao ở phía tây thành Gia Định (Lăng Ông ở Bà Chiều, quận Bình Thạnh).
Theo sử cũ, khi còn sống, Lê Văn Duyệt nắm giữ binh quyền rất lớn nên vua Minh Mạng vốn thù ghét nhưng không làm gì được. Nguyên nhân là do trước đây ông không ủng hộ lập Minh Mạng làm vua. Lại thêm, Tả tướng quân từng được vua Gia Long cho quyền “Nhập triều bất bái” (vào triều không cần phải lạy) nên sau này ông không chịu quỳ lạy khiến vua Minh Mạng không vừa ý.
Việc ông dùng quyền “tiền trảm hậu tấu” mà vua Gia Long ban cho để xử tử Huỳnh Công Lý – phó tổng trấn Gia Định, cha của bà phi được vua Minh Mạng sủng ái – khiến hiềm khích giữa Lê Văn Duyệt và vua càng nhiều hơn. Vì vậy, ngay sau khi ông mất, để tập trung quyền lực, Minh Mạng bãi bỏ hai chức vụ Tổng trấn Bắc Thành và Tổng trấn Gia Định Thành. Tất cả trở thành tỉnh trực thuộc triều đình Huế. Tại mỗi tỉnh có chức Tổng đốc, Tuần vũ, Bố chánh, Án sát sứ và Lãnh binh cai quản.
Khi đến nhậm chức Bố chánh tỉnh Gia Định, Bạch Xuân Nguyên tuyên bố thừa hành mật chỉ của triều đình truy xét việc riêng của Lê Văn Duyệt. Ông bị cho can tội tham nhũng, lạm quyền, có mưu đồ tạo phản (việc tu sửa thành Bát Quái và đóng tàu). Nhiều thuộc hạ của Lê Văn Duyệt bị bắt giam, trong đó có con nuôi là Lê Văn Khôi. 16 người nhà của Lê Văn Duyệt bị giết.
Mộ phần Tả quân Lê Văn Duyệt và phu nhân sau gần 170 năm. Ảnh: Trung Sơn
Chính việc này đã dẫn đến việc Lê Văn Khôi dấy binh nổi loạn, chiếm thành Gia Định trong suốt 3 năm (1833-1835). Sau sự biến, lấy cớ Lê Văn Duyệt đã dung dưỡng Khôi, vua Minh Mạng cho san bằng mồ mả ông, xiềng xích lại, dựng bia đá sỉ nhục với tám chữ “Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xử” (nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội).
Ông chết vẫn bị kết án bảy tội xử trảm (chém), hai tội xử giảo (thắt cổ), một tội phát quân. Tại Huế, những người trong dòng họ ông, từ 15 tuổi trở lên, bị xử trảm hàng loạt. Thân sinh ông bị tước phẩm hàm, bia mộ bị đục xóa, ruộng điền bị tịch thu, nhà thờ họ tộc ở Quảng Ngãi bị đưa voi về tàn phá.
Năm 1841, vua Thiệu Trị ban lệnh tha tội cho người thân của Lê Văn Duyệt. 8 năm sau, vua Tự Đức cho nhổ cây bia có khắc 8 chữ, cho thân nhân sửa sang, xây đắp mộ phần Lê Văn Duyệt. Đến năm 1868, vua mới phục nguyên hàm cho ông là Tả Quân. Sau này, khi phu nhân của ông là bà Đỗ Thị Phẫn (vua Gia Long ban cho để hầu hạ ông) qua đời cũng được chôn cất bên cạnh phần mộ của Tả Quân.
Qua bao thăng trầm cùng thời gian, Khu lăng mộ Tả Quân Lê Văn Duyệt trở thành địa điểm văn hóa, tâm linh với công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật đặc sắc mang đậm nét truyền thống của vùng đất Nam bộ. Khu lăng mộ được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 1989.
Sau này, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng cũng nhận định: “Lê Văn Duyệt có công, bằng chứng là nhân gian ngưỡng mộ và kính trọng ông… Chúng ta nhận thức rằng sự tôn trọng kia liên quan chủ yếu đến công lao của ông đối với vùng đất mà ông trấn nhậm”.
Hiện, mỗi ngày có rất nhiều người đến Lăng Ông để thắp hương, khấn vái. Đặc biệt trong ba ngày Tết, hàng chục nghìn người đổ về đây hành lễ, trong đó có rất nhiều người Hoa ở Chợ Lớn. Ban đầu người dân vùng Sài Gòn Chợ Lớn đến lăng mộ Tả quân để tưởng niệm công ơn của ông, nhưng những thế hệ sau tin rằng lăng mộ rất linh thiêng nên đến đề cầu an và cầu phước.
Trung Sơn
Theo VNE
Ngày thống nhất - Kỳ 3: Viếng Lăng Ông
Trong những ngày của tháng 5.1975, tuy mới về Sài Gòn nhưng tôi đã có nhiều bạn. Một trong những người bạn ấy đã đưa tôi tới viếng Lăng Ông.
Lăng Ông Bà Chiểu ngày nay - Ảnh: Diệp Đức Minh
Đó là một địa điểm hết sức nổi tiếng ở Sài Gòn mà trước đó, tôi có đọc trên báo nhưng không để ý lắm vì chưa hiểu tầm quan trọng về tâm linh của nó.
Buổi sáng chúng tôi tới viếng Lăng Ông, đã thấy đông nghẹt những người viếng và thắp hương, thành kính đảnh lễ. Sự thành kính ấy hiện rất rõ qua từng gương mặt những người đang quỳ gối khấn vái. Người bạn đưa cho tôi mấy nén hương, và tôi cũng thành tâm vái lạy, tuy lúc bấy giờ còn rất mù mờ về "nhân thân" của người được kính cẩn gọi bằng "Ông". Về sau tôi mới biết, "Ông" chính là Tả quân Lê Văn Duyệt -nguyên Tổng trấn Gia Định thành (tức thành Sài Gòn - Gia Định) thời vua Gia Long.
Vị tổng trấn vì dân
Những nước đi rắc rối của lịch sử khiến nhiều lúc người ta tưởng nó đứng hẳn về phía vua chúa, phía triều đình, vì một lẽ đơn giản trong nhiều lẽ, là những người chép sử luôn được ăn lương công chức, mà đã "ăn cơm chúa" thì phải... múa thế nào chứ ? Nhưng cuối cùng, hóa ra, sau nhiều "nước biến" phức tạp của một ván cờ bất tận, lịch sử lại ngả về phía nhân dân, những người vừa làm ra lịch sử vừa chịu đựng lịch sử. Và nhân dân cũng là những người chép sử một cách vô thức, tự phát, những người đã làm nên "dã sử" để cân đối với "chính sử", những người đã làm cho lịch sử luôn sống động và công bằng hơn qua ký ức cộng đồng.
Chính cái "nhân dân sử" này đã ghi nhận và đánh giá đúng công lao Lê Văn Duyệt với tư cách là người đứng đầu không chỉ thành Gia Định mà cả "đặc khu" Nam bộ, gồm luôn tới Bình Thuận. Dù Sài Gòn (Gia Định thành) đã được chính thức thành lập từ năm 1698, và Lê Văn Duyệt là vị tổng trấn thứ bao nhiêu, sau ngày sinh Sài Gòn những 114 năm, nhưng có thể nói, thời cai trị của Lê Văn Duyệt là thời bình của Sài Gòn và Nam bộ, sau hàng thế kỷ chiến tranh, loạn lạc. Đứng đầu vùng đất mới, thành phố mới trong những năm hòa bình đầu tiên là một thách thức nhưng cũng là lợi thế để Lê Văn Duyệt hiện thực chính sách đối nội và đối ngoại của mình.
Lê Văn Duyệt là người không có tư tưởng cát cứ, luôn có những suy nghĩ độc lập, có những cân nhắc và quyết sách ở tầm chiến lược. Trong đối nội, tư tưởng chủ đạo của Lê Văn Duyệt là tư tưởng vì dân. Còn về đối ngoại, chính sách của Lê Văn Duyệt có thể nói theo ngôn ngữ bây giờ là "Làm bạn với thế giới". Sự phát triển ngoại thương ở thời Lê Văn Duyệt gắn liền với chính sách đối ngoại mà ông thực thi, một chính sách được coi là cởi mở nhất. Thời đó, Sài Gòn thực sự là "Cửa ngõ mở ra thế giới".
Tổng trấn Lê Văn Duyệt còn hơn "một vị quan cai trị tốt". Ông là người đã tìm ra động lực cho sự phát triển cả vùng đất mới. Động lực ấy trước tiên nằm ở ý chí quyết liệt, ở tính cách cương cường và năng động của người dân Sài Gòn trong cuộc mưu sinh đầy hiểm nguy và gian khổ. Hoàn cảnh càng khó khăn thì khát vọng lập nghiệp càng mạnh mẽ, càng kích thích ở họ những sáng kiến nhằm khai thác và chung sống với thiên nhiên, càng hun đúc nghị lực cũng như làm cho tâm tính họ khoáng đạt, vị nghĩa. Khơi dậy được cái tiềm năng lòng người ấy là một thành công lớn trong chính sách "Vì dân" của Lê Văn Duyệt. Đó là chủ trương mở cửa đầu tiên của ông: mở cửa lòng người, lòng dân.
Vì dân - đó cũng là tư tưởng chủ đạo của Tả quân Lê Văn Duyệt. Sau này tôi mới biết, Lê Văn Duyệt quê ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tôi không ngờ, với những thăng trầm, bi kịch mà Lê Văn Duyệt phải chịu đựng lúc sinh thời và cả sau khi mất, tả quân lại được người dân Sài Gòn kính thương, trọng vọng và tín ngưỡng đến như vậy!
Bởi Lê Văn Duyệt là một trong những nhân vật chính đã giúp vua Gia Long thống nhất đất nước. Và cũng là nhân vật chính thiết kế xây dựng Sài Gòn mang dáng dấp của một thành phố mở, dù thời ấy Sài Gòn còn khá sơ sài. Những khu phố bến sông bãi chợ Sài Gòn có từ thời Lê Văn Duyệt vẫn còn và phát triển cho tới hôm nay. Lịch sử luôn được nhìn nhận lại bởi các thời kỳ, qua các thế hệ. Buổi sáng tháng 5.1975 đi viếng Lăng Ông đã cho tôi một cái nhìn sâu hơn về Sài Gòn, thành phố mà trước đó tôi còn hiểu một cách khá hời hợt.
Thanh Thảo
Theo Thanhnien
Lần đầu trưng bày kim sách triều Nguyễn 22 cuốn sách vàng và 10 kim ấn triều Nguyễn liên quan đến các sự kiện hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, phong hoàng hậu đang được trưng bày ở Hà Nội. Sáng 31/3, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày Bảo vật hoàng cung - Kim sách triều Nguyễn (1802 - 1945), lần đầu tiên giới thiệu tới...