Cậu bé làm ’sinh viên’ ở tuổi 11
Sau khi đoạt giải nhất cuộc thi tin học trẻ toàn quốc (phần mềm), cậu học sinh lớp 5 trường tiểu học Chi Lăng (quận Tân Bình), Hảo đã cắp sách đến giảng đường 100% người lớn từ 18 tuổi trở lên.
Nguyễn Dương Kim Hảo.
Đều sinh sau năm 2000. Đã có rất nhiều gương mặt 10X sớm bộc lộ khả năng đặc biệt của mình trên rất nhiều lĩnh vực: âm nhạc, thể thao, văn học, sáng chế… Tìm một hướng đi cho trẻ sớm phát lộ năng khiếu là điều mà nhiều bậc phụ huynh đang hướng đến…
12 tuổi, gương mặt bầu bĩnh, nói chuyện lễ phép, nhưng đến khi vào lớp tại trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế FPT- APTECH, cậu bé này lại hết sức đĩnh đạc. Em có thể thảo luận ngang ngửa với các anh chị sinh viên, thậm chí có người đã ra trường, đi làm. Đó là Nguyễn Dương Kim Hảo (lớp 6 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, TP.HCM).
“Sinh viên” lớp… 6
Năm 2012, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi tin học trẻ toàn quốc (phần mềm), Nguyễn Dương Kim Hảo được Thành đoàn TP.HCM trao một phần học bổng là hai khóa học làm quen với ngôn ngữ lập trình tại Trung tâm FPT-APTECH. Thế là dù chỉ mới học lớp 5 trường tiểu học Chi Lăng (quận Tân Bình), Hảo đã cắp sách đến một lớp học 100% người lớn từ 18 tuổi trở lên.
Ngày đầu tiên đến lớp, nhân viên bảo vệ đã chặn cả hai mẹ con Hảo lại vì “ở đây không có dạy cho con nít đâu”, nhưng rồi chỉ hai tháng sau đó, cậu bé bụ bẫm, đứng chưa đến vai các bạn học đã có mã số sinh viên. Học hết học bổng, quyết tâm phải học tới cùng để trở thành một lập trình viên quốc tế chuyên nghiệp, Hảo xin ba mẹ cho phép học tiếp.
Học đến đâu Hảo tiếp thu trọn vẹn đến đó. Việc họp nhóm, làm đồ án với các sinh viên khác, lên thuyết trình… trở thành một phần rất bình thường trong cuộc sống của em, bên cạnh việc học lớp 6 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều. Nhiều môn Hảo đã được nêu tên trên bảng vàng, vị trí dành cho sinh viên xuất sắc nhất trong môn học tại mỗi trung tâm.
Cô Trần Thị Hường (giảng viên dạy bộ môn lập trình viên của Hảo) cho biết: “Trình độ của Hảo tốt đến mức lúc đầu tôi cứ tưởng em là người lớn nhưng có thể trạng nhỏ, sau này hỏi ra mới biết cậu bé thật sự chỉ mới 12 tuổi, bất ngờ lắm! Theo tôi, Hảo tuy còn nhỏ nhưng nắm khá vững kiến thức căn bản về lập trình, tiếp thu bài nhanh và làm xong bài sớm, em còn hỗ trợ, giúp đỡ hướng dẫn những bạn bè khác. Nếu được đầu tư lâu dài và tự bản thân nỗ lực, tôi nghĩ Hảo có thể đi rất xa”.
Không chỉ là một “hiện tượng lạ” khi học lập trình ở lớp, về nhà Hảo cũng đã khiến nhiều người ngạc nhiên với góc học… điện của em. Rất nhiều linh kiện điện tử được sắp xếp ngăn nắp trong từng ngăn tủ ở bàn và khi hỏi Hảo có thể trả lời rất rành rọt tên và công dụng của mọi loại linh kiện.
Được biết tất cả linh kiện này đều do chính Hảo tự mày mò, lang thang tìm mua trong chợ Nhật Tảo (quận 10). Mua về, Hảo một mình mày mò chế ra mạch điều khiển và mô hình cho bảng điều khiển thông minh, một phần mềm mà người dùng có thể dùng máy vi tính hoặc điện thoại di động để bật tắt, điều khiển tất cả thiết bị điện trong nhà (tủ lạnh, tivi, máy giặt…) dễ dàng. Chế tạo xong, đoạt giải rồi, cậu bé này vẫn chưa thấy thỏa mãn, thế là mỗi ngày cứ học bài xong, Hảo lại lôi máy tính, dây điện ra tìm cách thêm cái này bớt cái kia, đến nay thì phần mềm này đã có thêm chức năng báo động khi có trộm vào nhà.
Video đang HOT
Bằng cách nào mà một cậu bé 12 tuổi, mới bắt đầu học môn vật lý cách đây bốn tháng nhưng lại có thể nói rành rọt về các nguyên tắc hoạt động của điện, các phần mềm máy tính và ứng dụng thành thạo đến thế? “Con tự học trên mạng từ hồi lớp 3, con vô mấy diễn đàn đọc hoài là biết, cái gì khó lắm con mới hỏi vì hầu như các anh đã cung cấp rất đầy đủ rồi ạ”.
Cậu học trò huyện vùng sâu Bình Phục Nhứt
Cách đây không lâu, Hảo vẫn còn là một cậu học trò ở huyện vùng sâu Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, nơi mà ngay cả việc mua linh kiện điện tử đơn giản cũng rất khó khăn, phải lên đến Mỹ Tho (cách đó 20km). Chính vì thế, sau khicậu bé này đoạt giải ba tin học trẻ toàn quốc (phần kiến thức chung), chị Dương Trần Thanh Thảo, mẹ Hảo cho biết: “các anh trong Thành đoàn TP.HCM đã động viên gia đình tôi cho cháu lên thành phố học để có điều kiện phát triển khả năng hơn”.
Suy nghĩ tới lui, quyết định cũng rất khó khăn vì gia đình neo đơn, cuối cùng chị Thảo đã cùng Hảo lên TP.HCM, sống trong một căn hộ tập thể bé xíu ở đường Nghĩa Phát (quận Tân Bình) của gia đình dì ruột Hảo, trong khi ba em, anh Nguyễn Kim Hải, vẫn ở lại tiếp tục công việc dạy học tại trường THCS Bình Phục Nhứt.
Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là ba mẹ đặt áp lực lên cho Hảo, “nhà không có ai giỏi về tin học, điện tử nên cũng không chỉ dạy được nhiều cho cháu, chỉ thấy con thích nên gia đình cũng cố gắng tạo điều kiện cho bé được tự do khám phá. Ví dụ, khi lên đây bé mua linh kiện gì cũng thoải mái hơn vì không sợ bị hư, không có cái để làm tiếp như ở dưới quê, lại có thầy cô, bạn bè trong lớp FPT để thảo luận, hướng dẫn cho các đam mê của bé. Dù có hơi vất vả vì nhà đơn chiếc nhưng tôi nghĩ là mình đã quyết định đúng” – mẹ Hảo cho biết.
Ngoài học chính quy ở lớp, Hảo đang theo học ngôn ngữ lập trình tại APTECH.
Lịch học, sinh hoạt của Hảo cũng khá nhẹ nhàng và đúng kiểu phát triển tự nhiên. Không đi học thêm môn nào ở trường, mỗi buổi chiều lại được tự do chơi với máy tính, lắp ráp các thiết bị điện tử, tối cứ đúng 10 giờ là đi ngủ. Không chỉ học cho riêng mình, Hảo cũng có những cách riêng để chia sẻ tình yêu công nghệ với mọi người, nhất là trong gia đình. Mới đây Hảo vừa chế tạo một hộp nhạc để ba tặng sinh nhật mẹ, trong dịp hiếm hoi ba Hảo có thể lên thăm em vào Tết Dương lịch.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Hảo cho biết: “Con muốn sau này trở thành một lập trình viên giỏi và sẽ có ba ở chung để ráp điện chung với con. Làm một mình buồn lắm, với những lúc khó quá con phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới ra được, không ai chỉ con hết”.
Cùng với sự hỗ trợ của gia đình, Thành đoàn TP.HCM đã đồng hành cùng với em bằng học bổng Bảo trợ tài năng trẻ trị giá 20 triệu đồng nhằm tài trợ cho việc thử nghiệm, chế tạo các thiết bị điện tử mới của Hảo. Nhờ đó, hiện nay Hảo đang tiếp tục nghiên cứu và lên kế hoạch để cho ra đời phần mềm Học tốt và thiết bị điều khiển máy tính từ xa cho các thầy cô khi giảng dạy.
“Thiết bị bình thường chỉ có điều khiển slide qua lại trên power point thôi, cái này con thêm vào nhiều tính năng khác như lật ô chữ, hiệu ứng âm thanh… để lúc học tụi con sẽ thấy hứng thú hơn”, nhà phát minh nhí cho biết.
Theo Tuổi Trẻ
Hành trình kết nối yêu thương của sinh viên FPT-Aptech
Gần 1.000 cuốn sách, 94 suất quà và 10 suất học bổng đã được đại diện cán bộ, sinh viên FPT-Aptech trao tặng cho các em học sinh nghèo tại trường Tiểu học và THCS Vĩnh Khương, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang vào sáng ngày 23/4.
Đây là tủ sách thứ 3 trong chuỗi hoạt động FPT Vì cộng đồng do tập đoàn FPT phát động và trực tiếp đi trao tặng. Ngoài ra, cán bộ, giáo viên và sinh viênFPT-Aptech cũng đã tổ chức chuỗi hoạt động quyên góp trong gần một tháng để tăng thêm số lượng những cuốn sách, góp thêm những phần quà cho các em nhỏ gặp hoàn cảnh khó khăn.
Tham gia Hành trình thiện nguyện lần này có sự góp mặt của anh Kiều Quang Thắng, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên FPT-Aptech, anh Trần Văn Điện, cán bộ Tuyển sinh cùng đại diện nhân viên FPT-Aptech và Đội tình nguyện của trung tâm.
Dù đêm hôm trước, cả đoàn đã được dặn dò cần đi ngủ sớm để đảm bảo sức khỏe cho hành trình của ngày hôm sau, nhưng nhiều thành viên vẫn thao thức không ngủ được vì quá hồi hộp.
Trải qua hành trình gần 150km, đoàn có mặt tại sân trường Tiểu học và THCS Vĩnh Khương lúc 10h sáng. Anh Kiều Quang Thắng, đại diện FPT-Aptech có phần chia sẻ ngắn gọn về món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa mà FPT và FPT-Aptech gửi đến các em học sinh trường Vĩnh Khương. Anh mong rằng những cuốn sách này sẽ giúp các em học sinh bổ sung kiến thức, chắp cánh cho ước mơ của các em.
Đội sinh viên tình nguyện FPT-Aptech phân loại sách và sắp xếp tủ sách.
Đại diện nhà trường, cô Nguyễn Thị Bắc bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến tập đoàn FPT và FPT-Aptech. Cô cũng gửi lời chúc đến các cán bộ, nhân viên và sinh viên FPT-Aptech luôn bình an, công tác và học tập tốt.
Anh Kiều Quang Thắng tặng quà và trao học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn vươn lên trong học tập.
Không giấu nổi niềm xúc động, cô chia sẻ thêm về những khó khăn của các em học sinh trường Vĩnh Khương: "Cả trường có 246 học sinh thì có tới 193 em thuộc diện khó khăn. Nhiều phụ huynh cũng không quan tâm xem con em mình học hành thế nào, thậm chí cũng không biết mặt giáo viên chủ nhiệm". Ngay cả đội ngũ giáo viên của trường cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu tài liệu giảng dạy. Cô Bắc hy vọng rằng những cuốn sách thiết kế bài giảng, sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện tranh... mà FPT mang đến sẽ hỗ trợ các em học sinh và các thầy cô có thêm điều kiện để học tập và giảng dạy tốt.
Háo hức xem mình được nhận quà gì.
Em Vi Văn Phong, lớp trưởng lớp 1A, kể: "Buổi sáng em đi học từ 6h, phải đến gần 7h mới tới lớp. Nhiều bạn nhà xa hơn nhưng vẫn học giỏi". Cả lớp 1A có 12 em, do cô Nông Thị Thư chủ nhiệm. Hầu hết các em đều thuộc diện khó khăn, cá biệt có 1 học sinh mắc bệnh down nhưng vẫn chăm chỉ đến lớp hàng ngày. Hy vọng những cuốn sách mà FPT mang đến sẽ là một món quà nhỏ dành tặng các em.
Các câu hỏi vui được các em trả lời nhiệt tình và rinh về những phần quà thú vị, hấp dẫn.
Trông coi thư viện đã được 5 năm, chị Ngụy Thị Bắc rất bất ngờ và vui mừng khi biết tin nhà trường có thêm 1 tủ sách. Chị hào hứng nói: "3 năm nay nhà trường không được cấp thêm sách mới. Sách giáo khoa cho các em cũng rất quý. Bình thường một bộ sách trị giá 200.000 đồng. Khi các em học sinh mượn sẽ phải nộp phí hao mòn là 20.000 đồng. Số tiền này sẽ được sử dụng để mua sách cho những năm học sau. Món quà mà FPT mang đến rất ý nghĩa và thiết thực với nhà trường".
Háo hức ngó nghiêng và cắm cúi đọc sách trong thư viện.
Ngoài 1 tủ sách trị giá 10 triệu đồng, FPT-Aptech còn mang đến 94 suất quà cho các em học sinh nghèo của nhà trường, trong đó có 10 suất học bổng dành cho những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng vẫn vươn lên trong học tập.
Cuối chương trình, các thành viên trong đoàn đã có buổi giao lưu vui vẻ, ấm cúng với các thầy cô giáo của trường.
Chuyến đi trao tặng tủ sách tại Vĩnh Khương là một hoạt động trong chuỗi 25 hành trình thiện nguyện trao tặng tủ sách cho các trẻ em nghèo của CBNV FPT để chào mừng đại lễ 25 năm.
Tư liệu: FPT-Aptech
Theo Infonet
Tiến vào nền công nghệ thế giới cùng Aptech Việt Nam Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, CNTT chính là một trong những điểm sáng đặc biệt mở ra cho sinh viên nhiều cơ hội nghề nghiệp. Lập trình mobile - bước nhảy tiến vào nền công nghệ thế giới Ngành công nghệ thông tin (CNTT) đang trong cơn lốc của sự phát triển. Theo số liệu nghiên cứu mới nhất từ hãng...