Cậu bé biết đọc, biết tính từ 18 tháng bây giờ ra sao?
Những ngày đầu tháng 10, Phan Đăng Nhật Minh từ Quảng Trị vừa trở lại Hà Nội cùng ba mẹ.
Theo kế hoạch, Minh sẽ có buổi đấu toán với các học sinh của trường THPT Lương Thế Vinh. Nhưng do trọng tài là thầy Văn Như Cương bị ốm nên kế hoạch gác lại.
Biết Minh có khả năng giải toán siêu nhanh, ông Trần Phương, thầy giáo chuyên săn các học trò có năng khiếu toán học đã tìm gặp với ý định mời Minh tham gia một số chương trình rèn luyện học sinh tài năng của mình.
Trong quá trình tham gia trò chơi truyền hình Chinh phục dành cho học sinh bậc THCS, Minh đã gây ấn tượng với khán giả bằng cách suy luận nhanh và tốc độ bấm nút siêu tốc, trả lời các câu hỏi thuộc nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau. Danh hiệu quán quân năm đầu tiên của chương trình này là một dấu mốc bổ sung vào bộ sưu tập nhiều lần thắng cuộc của Minh trong các kỳ thi về kiến thức từ trước tới nay.
Phan Đăng Nhật Minh, 14 tuổi.
Chia sẻ niềm vui về cậu con trai, chị Nguyễn Thị Gái, giáo viên trường tiểu học Hải Thọ (huyện Hải Lăng) cho biết: Hồi còn bé, Minh đã thể hiện khả năng đặc biệt.
Đó là lúc 18 tháng, khi nhìn lên ti vi , Minh cứ đọc vanh vách các dòng chữ. Khả năng “tự dưng biết đọc” này tiếp tục được khẳng định khi bố mẹ bế con đi quanh làng, cứ trông thấy các dòng chữ ở bờ tường, biển hiệu là cất tiếng. Tìm vài cuốn sách đưa cho con, cậu bé tiếp tục làm gia đình kinh ngạc.
Lớn thêm một chút, ở độ tuổi mầm non, Minh phát lộ trí nhớ hơn người so với bạn bè. Đó là khả năng ghi nhớ và làm toán, Chị Gái kể lại, Minh có khả năng ghi nhớ số điện thoại của người mới, nếu nói với cậu một vài lần và sau này gặp lại, cậu sẽ đọc được số của người đó. Còn cứ đố phép tính “cộng, trừ, nhân, chia” là Minh giải được ngay.
Dân làng gọi Minh là “thần đồng”, tin tức truyền miệng khiến nhiều người tò mò đến xem. Chương trình Chuyện lạ Việt Nam của Đài Truyền hình Việt Nam cũng ngỏ ý tới quay.
“Nhưng gia đình lo ngại cháu phát triển không bình thường, hoặc thay đổi tâm tính nên xác định hạn chế tiết lộ thông tin về con. Khi Nhật Minh đi học tiểu học, bố mẹ cũng nhờ thầy cô quan sát và uốn nắn để Minh không thấy mình khác biệt” – chị Gái cho biết.
Nhật Minh và mẹ trong buổi giao lưu với học sinh trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) sáng 11/10.
Nhật Minh chia sẻ sự đam mê làm toán của cậu bắt đầu từ việc đọc các bài tính trong cuốn sổ của ông nội. Ông nội là thầy giáo làng, trước năm 1975 đi dạy thuê cho các trường tư; sau đó thì tiếp tục dạy học ở các trường nhà nước. Bố Minh không tiếp tục nghiệp giáo của ông, mà làm ở trong ngành điện lực ở huyện, nhưng tinh thần hiếu học của gia đình thì vẫn được vun đắp.
Video đang HOT
Mong thầy cô thay đổi cách dạy, cách tư duy
Điều khiến vợ chồng anh Cẩm, chị Gái an tâm nhất là Minh có ý thức tự giác cao. Cậu luôn sắp xếp thời gian biểu khoa học và nghiêm túc thực hiện. Dù ở lớp hay ở nhà, mỗi lần ngồi vào bàn học, Minh rất tập trung. Năm nào, cậu cũng nhận danh hiệu học sinh giỏi với điểm tổng kết dẫn đầu lớp. Giải thưởng cao trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp môn Toán, Tin, Anh văn… ít khi lọt khỏi tay Minh.
Thông thường, mỗi ngày, Minh dành khoảng 2 tiếng đồng hồ để học bài tại nhà. Cậu giải thích: “Em luôn tập trung học, nắm vững kiến thức ngay ở lớp. Khi về nhà, em chỉ ôn luyện và học bài mới”.
Thời gian còn lại, Minh dành đọc sách, đặc biệt là sách của các bậc học cao của môn Toán, môn học ưa thích. Minh có thói quen đọc ngắt quãng, dừng lại ở các đoạn, ý quan trọng để ngẫm nghĩ, suy luận.
Khá kiệm lời và ít cười, nhiều khi rụt rè và không thật sự giỏi giao tiếp với bạn bè, cậu học trò kính cận người cao gầy tự nhận mình là ông cụ non. Minh không tham gia chơi thể thao vì cậu thấy đó không phải là sở thích của mình.
2013 là một năm đặc biệt của Minh khi nhà trường và gia đình quyết định để cậu tham gia một sân chơi bên ngoài nhà trường, ra khỏi mảnh đất Hải Lăng nắng gió. Đó là vào Đà Nẵng, ra Hà Nội tham gia trò chơi Chinh phục – một chương trình được ví là “Olympia của học sinh cấp 2″.
Sau gần 1 năm giành ngôi vị quán quân, về lại Hà Nội, gặp những người lạ, Minh vẫn chưa hết vẻ bên ngoài ít nói; nhưng bên trong cậu học trò lớp 9 này đang hình thành những đổi thay.
“Em có thêm các mối quan hệ xã hội khác, và bổ sung được nhiều kiến thức, đặc biệt về văn học” – cậu bé thích môn toán và hóa chia sẻ.
Trên Facebook, Minh để biệt danh của mình là “Cậu bé siêu lạnh” (Super Cold Boy). “Em còn ít nói và chưa trút bỏ được vỏ bọc của mình, nhưng sẽ cố gắng để thay đổi dần dần” – Minh tự bắt mạch điểm yếu của bản thân.
Khi được hỏi mong mỏi điều gì ở nhà trường, Minh sôi nổi hẳn lên. Cậu nói điều mình mong nhất là các thầy cô hãy thay đổi cách tư duy, cách dạy gò bó. Dạy làm sao để không kìm hãm tư duy học trò, giúp các em phát triển khả năng suy nghĩ độc lập và trang bị kỹ năng tự học cho học sinh.
“Thầy cô biết cách dạy thực sự là người phải biết truyền cảm hứng cho học trò”.
Minh cũng nói rằng, trong giáo dục, cần thay đổi tư duy về học sinh, đừng để học sinh phụ thuộc vào thầy cô, mà hãy để các em tự phát triển mỗi khả năng riêng có của mình.
Kế hoạch của cậu học sinh lớp 9 ở trường làng Quảng Trị này là sẽ thi vào chuyên Toán của trường Quốc học Huế, theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu toán học, nhằm tìm ra những điều mới mẻ của môn học mang rất nhiều vẻ đẹp này.
Minh nói cậu thích nhà khoa học Isaac Newton vì kiến thức sâu rộng và phổ quát của ông, nhưng thần tượng thì không. “Em không muốn trở thành ai cả, mà muốn trở thành chính mình”.
Theo Hạ Anh/Báo Vietnamnet
Xôn xao câu chuyện bé 15 tháng tuổi đọc tiếng Việt vanh vách
Giọng của bé Nguyễn Ngọc Tuệ Nhi vẫn còn ngọng nhưng đọc chữ thông thạo. Bé còn đọc được nhiều từ tiếng Anh, một số từ tiếng Trung, Nhật.
Những ngày qua, Hải Phòng xôn xao câu chuyện bé gái 15 tháng tuổi biết đọc thạo. Để tìm hiểu thực hư và được trực tiếp nghe và thấy bé gái đó đọc, tôi đã tìm đến nhà bé ở theo địa chỉ nêu trên.
Say mê tìm tòi, truyền tình yêu và kiến thức cho con
Vừa tới ngôi nhà nằm trong ngõ 89, tôi nhận thấy hàng xóm từ người già, trẻ em đều rất quý mến và thích chơi với bé Nhi. Bé Nhi là kết quả tình yêu của anh Nguyễn Ngọc Toàn và chị Vũ Phương Thảo. Hai người vốn cùng quê ở xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Họ học cùng nhau từ nhỏ, nhà lại cách nhau có vài chục mét. Khi lớn lên lại có duyên nên vợ nên chồng.
Bé Tuệ Nhi.
Ngay từ lúc kết hôn, chị Thảo đã hoạch định dùng phương pháp khoa học để giáo dục con. Thời điểm mang bầu, chị cũng đã tìm tòi các phương pháp nuôi dạy con sao cho tốt trên một số phương tiện thông tin. Khi may mắn tiếp cận được cuốn sách có tên "Em phải đến Harvard học kinh tế" của tác giả Lưu Vệ Hoa và Trương Hán Vũ, chị đã rất "say".
Nội dung cuốn sách nói về phương pháp giáo dục con của mẹ Vệ Hoa và ba Hán Vũ với bé Lưu Diệc Đình (một bé gái thông minh, có khả năng nhận thức thế giới xung quanh rất tốt). Kết quả năm 18 tuổi, Diệc Đình được học bổng vào nhiều trường đại học nhưng Đình đã chọn vào trường Harvard. Cũng trong nội dung cuốn sách, bà Vệ Hoa có nhắc tới cuốn "Thiên tài và sự giáo dục từ sớm".
Chắt lọc và tổng hợp từ nhiều kênh thông tin nên chị đã định hướng về cách giáo dục con ngay từ khi mang bầu bé Nhi bằng phương pháp thai giáo. Do chồng công tác xa nhà nên thời gian mang bầu phần lớn là một mình chị tương tác với bé. Hàng ngày, chị cho bé trong bụng nghe nhạc, nghe kể chuyện... Có khi chị vỗ nhẹ tay vào bụng theo bản nhạc, bé trong bụng cũng tương tác lại.
Chị Thảo tâm sự rằng, ngày mang bầu bé Nhi, về chế độ dinh dưỡng chị cũng như bao bà mẹ bầu khác, không có gì đặc biệt lắm. Khi bé lớn dần, căn cứ vào tình hình thực tế và sự tiếp nhận của con, chị sử dụng phương pháp đa giác quan dạy bé nhằm kích thích khả năng nhận thức và giúp bé nhận biết thế giới xung quanh bằng cách "học mà chơi, chơi mà học". Như vậy, bé sẽ tiếp nhận một cách tự nhiên và hứng thú. Đều đặn mỗi ngày chị đi làm về là cùng con đi dạo 2 tiếng chỉ bảo con thực tế.
Mỗi lần về quê, chị cũng cố gắng để con khám phá cảnh quan thôn dã, những thứ mà phố phường không có được. Chị nói: "Ngoài phố không có sở thú nên cứ chủ nhật tôi lại cho bé đi Chợ Hàng (một phiên chợ đặc biệt của Hải Phòng - nơi hội tụ đầy đủ từ thú nuôi, cây cảnh, chim chóc...)".
Ở đây, chị sẽ cho bé tiếp xúc và học hỏi, cảm nhận được thực tế, nhận biết, phân loại được con vật, cây cối và nhiều thứ khác. Chị cho bé đi bơi, cảm nhận vật bằng cách cầm nắm... Qua các trò chơi đơn giản chị tự chế, bé Nhi cũng nhận định được vấn đề.
Bé Tuệ Nhi được bố cho về quê Vĩnh Bảo chơi để cảm nhận vùng thôn quê.
Chị Thảo chia sẻ thêm, người mẹ nào cũng yêu con và dành tình cảm nhiều cho con, đặc biệt là bé đầu lòng. Chị dạy con bằng cả sự say mê, tình yêu thương kết hợp với phương pháp dạy sử dụng đa giác quan.
Thuyết phục ông nội bằng khả năng vượt trội
Bà Nguyễn Thị Lửng (bà nội của bé Nhi) cho biết, ngày bé Nhi khoảng 6-7 tháng, khi chơi với cháu, bà để một bên là số, bên kia là chữ. Khi bà hỏi chữ bên nào và số bên nào bé đã chỉ đúng. Nhưng khi ấy, bé Nhi còn quá nhỏ lại chưa biết nói nên bà cùng nhiều người nghĩ có thể đó là sự trùng lặp ngẫu nhiên.
10 tháng tuổi, bé Nhi tập nói và điều khiến hàng xóm và người thân ngạc nhiên là 13 tháng tuổi bé đọc được chữ. Chị cảm nhận con rất yêu chữ. Khi bé đọc, bé rất say mê và biểu hiện cảm xúc khi đọc chữ. Ví dụ khi đi đường, bé thấy biển hiệu quảng cáo đặt lề đường ghi "thịt chó", "thịt mèo" bé tủm tỉm cười. Chị cảm nhận bé tìm được niềm vui trong từng con chữ.
Lúc mới tiếp cận bé, tôi bỏ hàng loạt chữ được chị Thảo in sẵn cho bé đọc. Bé đã đọc được hết những chữ trong đó như ngân hàng, máy bay chiến, sân vận động, bưu điện.... Thoạt nghĩ những thứ bé đọc chỉ là theo thói quen. Tuy nhiên, khi bà nội bé viết những từ ngữ hoàn toàn mới: "Chú Đạt ở Hà Nội. Bé Nhi ở Hải Phòng", bé Nhi đã đọc được khiến tôi thực sự bất ngờ và tin vào khả năng khác thường.
Chị Thảo cho biết, bé biết vận dụng và có trí nhớ khá tốt. Trong quá trình dạy con, chị không hề dạy bé cách ghép chữ nhưng khi biết các mặt chữ bé lại có khả năng đọc tất cả các chữ ngay cả những từ hoàn toàn mới. Đặc biệt, bé còn có khả năng đọc được những từ khó phát âm như khiết, luyến quyến, khúc khuỷu, khuya khoắt... Chị cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với bạn bè, người thân về cách dạy con. Nhiều mẹ chia sẻ cũng đã áp dụng phương pháp dạy con đúng hướng nhưng cũng không đạt được như bé Nhi. Đó là sự khác biệt về khả năng tiềm ẩn ở mỗi bé.
Chị Thảo chia sẻ thêm với chúng tôi rằng: Thời gian đầu chị không nhận được sự ủng hộ của nhà chồng và người thân họ hàng (kể cả những người làm trong ngành giáo dục), mọi người cho rằng bé đang tuổi ăn tuổi ngủ, từ xưa đến nay trẻ con vẫn được vui chơi thoải mái không nhất thiết phải nhận thức mọi thứ quá sớm, để bé phát triển tự nhiên.
Tuy nhiên, do chuẩn bị sẵn tâm lý từ trước nhất là được chồng đồng hành kết hợp với sự tin tưởng nên chị vẫn rất kiên trì trong việc dạy và truyền đạt. Và cũng nhờ áp dụng tốt những kiến thức chị tìm hiểu, tổng hợp được để dạy con nên khá ngạc nhiên khi 13 tháng tuổi bé đã đọc được chữ.
Thỉnh thoảng, chị cho con về quê thăm ông nội, họ hàng trong quê Vĩnh Bảo. Ông nội thường dẫn cháu đi chơi, khi thấy cháu chỉ và đọc được hàng chữ dài ở biển quảng cáo của hiệu thuốc ông thực sự ngạc nhiên và hoàn toàn bị thuyết phục trước bé Tuệ Nhi thông minh trí tuệ. Bởi vì không chỉ nhận thức thế giới xung quanh và ngôn ngữ vượt trội hơn các bé khác mà Tuệ Nhi còn rất tình cảm, thấy mẹ đi làm về là choàng tay ôm cổ nũng nịu "mẹ ơi, con yêu mẹ".
Qua buổi tiếp xúc, tôi cảm nhận biết đọc sớm chỉ là một trong những quả ngọt đầu tiên gặt hái được của người mẹ phải gọi là "người gieo hạt" này. Chị Thảo nhận định rằng: Những thứ phản khoa học thì không bao giờ có hiệu quả, mà đã có hiệu quả tốt thì chỉ có thể là khoa học và khoa học một cách tuyệt đối.
Thông qua một số hình ảnh, tư liệu chúng tôi cung cấp về khả năng của bé Nguyễn Ngọc Tuệ Nhi, bà Đoàn Minh Tự - Tiến sĩ, trưởng khoa Tâm lý giáo dục đại học Hải Phòng đánh giá cao về khả năng phát triển vượt trội của bé so với trẻ cùng trang lứa. Ở thời điểm hiện tại, có thể khẳng định đây là một hiện tượng hiếm và khác thường. Với những gì làm được đã khẳng định bé có một trí nhớ rất tốt.
Đồng thời, bà Tự cũng rất đồng tình về phương pháp giáo dục của chị Vũ Phương Thảo bởi phương pháp đa giác quan chị sử dụng giáo dục con sớm là rất tốt. Đặc biệt, người mẹ này giúp con học qua trò chơi, nhận biết một cách tự nhiên, không bị gò ép trong khuôn khổ.
Theo Danviet.vn
Bảo mẫu đạp chết bé trai bị kết án 18 năm tù Với hành vi thể hiện tính chất côn đồ, hung hãn đã giết chết cháu bé mới 18 tháng tuổi, bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ phải nhận mức án cao nhất đối với người chưa thành niên. Bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ tại phiên tòa sáng nay 7h50, Hồ Ngọc Nhờ cúi gằm đầu khi bước xuống xe cảnh sát, tỏ vẻ lúng...