Cậu bé 14 tuổi vừa chăm mẹ ốm, vừa học giỏi
Nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ lại đau ốm liên miên nên nhiều năm nay Hiếu vừa đi học, vừa làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Một chiều tháng 9, trong căn nhà nhỏ hẹp của mẹ con chị Phạm Thị Xoan ở xã Xuân Thành (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), em Phạm Văn Hiếu đang ngồi đun nồi nước chè cho mẹ ngâm chân. Vài người hàng xóm đến hỏi thăm, ai cũng cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của cậu bé mới 14 tuổi vừa đi học, vừa tự kiếm tiền thuốc thang chăm sóc cho người mẹ bạo bệnh.
Hiếu sinh ra không biết mặt cha, người mẹ bị bệnh động kinh bẩm sinh, đôi chân bị bỏng nặng biến chứng hàng chục năm nay. Từ khi đi học, Hiếu đã phải đảm đương việc chợ búa, bếp núc rồi làm thuê kiếm tiền mua gạo và thuốc thang cho mẹ. Những khi trái gió trở trời, mẹ lên cơn động kinh, Hiếu lại ôm lấy mẹ, xoa bóp vỗ về.
Hiếu chăm sóc mẹ. Ảnh: Nguyễn Nhung.
Video đang HOT
Nhà không có ruộng, ai thuê gì Hiếu cũng làm, từ nhổ lạc, chăn bò đến giúp việc nhà. Tiền công được tính bằng bát gạo, sách vở hay áo quần. Những năm trước, mẹ có thể đi lại nhẹ nhàng thì hai mẹ con trồng một mảnh vườn rau nhỏ hái đi chợ bán, cũng được thêm chút tiền để trang trải cuộc sống mỗi ngày.
Nhưng hơn một năm nay, mẹ không đi lại được nữa, Hiếu phải dậy sớm chuẩn bị cơm nước, giúp mẹ vệ sinh cá nhân rồi đi học. Buổi còn lại, em gánh rau ra chợ bán và đi giúp việc nhà cho ông bà hàng xóm. Cuộc sống thiếu thốn, nhưng Hiếu vẫn cố gắng chăm học, tám năm liền đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.
Cách đây hơn một tháng, mẹ em bị phát hiện ung thư biểu mô da, phải nằm điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Bác sĩ Phan Duy Đán cho biết, mẹ em rất cần được đưa ra Hà Nội kịp thời để kéo dài sự sống, nhưng hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn. “Hiếu ngoan hiền, chỉ có mẹ là người thân yêu duy nhất nhưng đang bệnh nặng, tôi mong có nhiều mạnh thường quân giúp đỡ để em được sống với mẹ lâu hơn”, bác sĩ Đán chia sẻ.
Ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, tiền viện phí và thuốc men điều trị đều được miễn vì gia đình Hiếu thuộc hộ nghèo, nhưng chi phí ăn uống cũng rất tốn kém. Để mẹ an tâm, em không cho mẹ biết về tình trạng bệnh tật và cố gắng chăm sóc mẹ thật chu đáo. Nhiều hôm hết tiền, em đành nhịn dành tiền mua cơm cho mẹ.
Đi làm thuê, nhưng hễ rảnh lúc nào Hiếu đều giở sách ra học. Ảnh: Nguyễn Nhung.
Nhận xét về học trò, cô Phan Thị Ánh Minh, giáo viên chủ nhiệm cũ kể lại, năm lớp 8 Hiếu được gọi đi học lớp bồi dưỡng học sinh giỏi môn Hóa, nhưng mẹ bị đau đột ngột nên em đành từ bỏ. Biết hoàn cảnh của em, tiền học phí và đóng góp xây dựng, nhà trường đều miễn giảm. “Ở lớp Hiếu học đều tất cả môn, riêng 3 môn Toán, Vật lý và Hóa học trội hơn hẳn. Em rất hiếu thảo và là tấm gương vượt khó cho bạn bè noi theo”, cô Minh chia sẻ.
Ông Phạm Xuân Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Thành Tiến cho biết thêm, gia đình Hiếu thuộc diện nghèo, ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con cũng là do Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã quyên góp xây dựng. “Tôi chỉ mong cháu luôn vững vàng trước mọi sóng gió của cuộc đời, được tiếp tục đến trường cùng các bạn và nhận được nhiều tình thương từ những tấm lòng hảo tâm”, ông Hồng tâm sự.
Chia sẻ về ước mơ, Hiếu nói không có mong ước nào xa xôi là chữa khỏi bệnh cho mẹ và tiếp tục được đi học. “Nhưng bác sĩ nói mẹ bị ung thư biểu mô da, chắc là em phải nghỉ học đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ”, Hiếu buồn rầu nói.
Theo VNE
Làm thế nào để học tiếng Anh mà không tốn tiền
Nếu không bỏ chi phí mua sách, giáo trình, đĩa hay máy nghe nhạc để luyện nghe, liệu tôi có thể học được tiếng Anh? (Ngô Nguyễn, TP HCM)
Sau một thời gian đọc những bài viết về học tiếng Anh, quyết tâm của tôi đang lên rất cao và tôi muốn nhanh chóng bắt tay ngay vào việc học. Tuy nhiên, nếu không tham gia lớp nào, cũng không mua phương tiện phục vụ cho việc học như máy nghe nhạc để nghe, giáo trình làm bài tập ngữ pháp, liệu tôi có thể tự mình rèn luyện được không? Xin các bạn cho lời khuyên để tôi có thể học trong hoàn cảnh này.
Theo VNE
Nhiều người muốn gửi con vào lớp 6-18 tháng tuổi ở TP HCM Sau một năm thí điểm, tất cả các lớp giữ trẻ 6-18 tháng ở TP HCM đều đã nhận đủ chỉ tiêu trong khi nhu cầu của người gửi ngày càng nhiều. Giở cuốn sổ ghi danh sách phụ huynh đang chờ được gửi con vào trường, cô Lê Thị Thanh Hà - hiệu trưởng Mầm non Hoa phượng đỏ (quận Gò Vấp)...