Cậu bé 10 tuổi bỗng hóa ‘thần y’ – kỳ 2
Có người khỏi bệnh còn tình nguyện ở lại làm từ thiện, phục vụ cơm nước cho gia đình “ thần y”.
Trời đã tối nhưng rất đông bệnh nhân đến xin khám bệnh
Hóa “thánh” từ giấc mộng “liêu trai”
Cha mẹ của “thần y” là vợ chồng ông Phùng Văn Độ, lấy nhau ngót 2 chục năm nhưng hiếm muộn nên nhận Quân làm con nuôi. Kinh tế gia đình ông Độ thuộc diện trung bình, chủ yếu có nghề làm rẫy. Trước khi “thần y” nhí bộc phát khả năng chữa bệnh, ông Độ ngày ngày đi bán mía dạo khắp các chợ trên địa bàn huyện. Còn vợ ông vừa làm nội trợ, vừa chăm sóc vườn chôm chôm và tranh thủ làm thuê kiếm thêm thu nhập.
“Thần y” Phạm Văn Quân vốn chỉ là một cậu nam sinh lớp 4, ở cái tuổi vắt mũi chưa sạch ấy bỗng chốc trở thành “thần y” nổi tiếng cũng bắt nguồn từ một giấc mơ mang đậm chất liêu trai. Họ kể lại, cách đây chừng hơn 1 năm, trong 1 đêm nằm ngủ Quân mơ thấy vị thánh vốn có tích sở hữu công năng siêu nhiên chữa bệnh cho mọi người chỉ cần 1 lần chạm vào người truyền nghề cho và nói hãy đi giúp đỡ những người đau ốm khác. Quân mang chuyện này kể với người thân và bắt đầu thử nghiệm xoa bóp trên cơ thể một số người thân trong gia đình. Từ đó, người này đồn thổi người kia nghe, những câu chuyện cứ thế được thêu dệt truyền tai nhau rằng Quân đã trở thành “thần y”.
Thời gian đầu, chỉ những người quanh vùng, sau đó, có những người ở tận miền Trung, miền Tây cũng đến nhờ “thần y” chữa trị. Có người khỏi bệnh còn tình nguyện ở lại làm từ thiện, phục vụ cơm nước cho gia đình “thần y”. Cứ thế, chuyện cậu bé được hưởng phép thánh chữa được bách bệnh đã lưu truyền gần một năm nay, nhưng số người đến nhờ chữa bỗng tăng đột biến khoảng 2 tháng trở lại đây.
“Bụt chùa nhà không thiêng?”
Từ khi Quân có khả năng chữa bệnh, mẹ của Quân gặp ai cũng “đánh bóng” câu chuyện Quân được thánh ban phép, chỉ cần ai đến chữa mà có… lòng tin thì sẽ khỏi. Để kiểm chứng về khả năng chữa bệnh của “thần y”, chúng tôi đã đi hỏi thăm một vài người đã được “thần y” chữa bệnh nhưng sự thật không giống lời đồn. Theo đó, bà Tư đồng hồ là một người hàng xóm, chỉ cách nhà “thần y” khoảng vài trăm mét, bị bệnh đau lưng. Khi nghe mọi người kể về khả năng chữa bệnh của Quân, bà cũng hồ hởi sang để nhờ cậu bé giúp chữa trị. Khi sang nhà, Quân xoa đầu bà mấy cái rồi bảo bà nằm xuống rồi quân đứng lên lưng dậm dậm. Nhưng khi về nhà, chẳng những bà không hết bệnh mà cái lưng còn đau thêm. Sau đó, người con trai của bà làm việc ở TP.Hồ Chí Minh phải đưa bà đi khám thì phát hiện bị chệch đốt sống, chữa lại mất hơn triệu đồng tiền thuốc mới đỡ được một chút. Rất nhiều trường hợp khác trong ấp nghe tiếng “thần y” đã tò mò tới xin phép chữa bệnh nhưng bệnh thì vẫn hoàn bệnh nên chẳng ai còn tin vào cách chữa bệnh của cậu bé “thần y” này nữa.
Video đang HOT
Đặc biệt, “thần y” nhí cũng vẫn chỉ là đứa trẻ. Có khi đang chữa bệnh bỗng dưng “thần y” chán quá bỏ ra vườn chôm chôm chơi, có khi lại bỏ đi tìm kẹo, uống sữa… Thậm chí, có lần “thần y” vừa đi học về lại phải chữa cho hàng trăm bệnh nhân đến mức mệt quá mà ngất xỉu. Hoặc có khi trèo lên ngọn cây chôm chôm để trốn. Một sự việc mới xảy ra mới đây, có hôm bệnh nhân đông quá, Quân mệt mỏi không muốn chữa cho ai nữa, ông Độ xách 2 tay cậu bé bắt cậu xoa cho các bệnh nhân một cách cưỡng ép.
“Thần y” mà… học dốt
Ông Hoàng Văn Sơn, Hội trưởng Hội phụ huynh trường Tiểu học Trần Bình Trọng (nơi Quân đang theo học) đồng thời là Trưởng ấp Ngô Quyền đã có thời gian dài theo dõi khẳng định cách chữa bệnh của “thần y” nhí là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Việc xoa đầu, đau đâu sờ đó mà khỏi bệnh là rất ảo tưởng. Nhìn cách chữa bệnh “một chạm” của Quân người bình thường ai cũng hiểu là vô lý, thiếu căn cứ khoa học. Không hề có công năng siêu nhiên nào cả, nếu có trường hợp đỡ bệnh cũng chỉ một phần do sự háo hức về mặt tâm lý nên người bệnh cảm thấy nhẽ nhõm nhất thời. Theo nhận định của ông Sơn, sở dĩ tình trạng chữa bệnh tại nhà của cháu Quân vẫn diễn ra là vì nhiều người có tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, họ nghe đâu có người chữa bệnh là tìm tới để cầu may. “Nhưng hiện tại tin đồn về vụ việc đã lan xa đến mức độ chính tôi đi sang địa phương khác còn nghe thấy người ta đồn rằng cậu bé “thần y” Phạm Văn Quân có nội lực phi phàm, chỉ cần tung chân đã hất bay một chiến sỹ công an. Tôi lại phải đứng ra giải thích với bà con nơi đó rằng hoàn toàn không có chuyện như vậy”, ông Sơn kể.
Khi Quân bắt đầu nổi danh làm “thần y”, xao nhãng chuyện học tập, ông Sơn cũng được Ban giám hiệu nhà trường mời lên để cùng phối hợp công tác. Theo đó, thông tin nhà trường cung cấp, cậu bé thường xuyên đến trường trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ thường xuyên, mất tập trung trong học tập. Trước kia, học lực của Quân thuộc diện trung bình, từ ngày “nổi danh” thì xuống dốc không phanh, kiểm tra chỉ lẹt đẹt 2 đến 3 điểm và gần như không còn tư duy học tập nữa vì hỏi gì cũng không biết. Trường học nội trú, nhưng nhiều lần vừa hết giờ nghỉ trưa đã có người thân đón Quân về mà không thông báo khiến cả ban giám hiệu phải hớt hải đi tìm. Sau đó, thông báo về địa phương thì được biết Quân đã ở nhà và đang chữa bệnh.
Trước tình trạng vô tổ chức và kỷ luật của Quân đáng báo động, Ban giám hiệu đã hai lần đánh giấy mời phụ huynh của Quân để tới giải trình, trao đổi công việc nhưng họ đều vắng mặt. Tình hình căng thẳng đến mức Hiệu trưởng còn đang có dự định kiến nghị “cầu cứu” Phòng giáo dục của huyện. Còn trong cuộc trò chuyện với phóng viên, ông Sơn liên tục nhắc đi nhắc lại thông điệp, cứ với tình trạng này: “Thằng bé sớm muộn gì cũng điên”. Ngoài thời gian đi học, cháu Quân phải chữa bệnh từ chiều tới tối muộn, ngày nghỉ thì gần như từ sáng tới chiều, có khi tới khuya nên có lần cháu Quân còn lên cơn co giật vì quá mệt mỏi.
Cũng theo ông Sơn, Phòng Y tế huyện Thống Nhất đã phối hợp cùng Công an huyện và các phòng ban chức năng lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra đột xuất việc khám, chữa bệnh của “thần y” nhưng chưa lần nào gặp được vì gia đình “thần y” thấy “động” nên đã đóng cửa, hoặc không chữa bệnh. Cơ quan chức năng chỉ còn nhiệm vụ giám sát, giải tán đám đông và làm công tác vận động. Sau đó, biện pháp duy nhất là mời cha của cháu Quân tới xã Bàu Hàm 2 ký cam kết không tổ chức chữa bệnh. Tuy nhiên, sau đó việc tổ chức chữa bệnh lại tiếp tục tái diễn và rộ lên. Do tính chất tự nguyện, không bắt buộc nên Công an xã Bàu Hàm 2 chỉ có thể giải tán đám đông và cắm biển cấm tụ tập đông người ở cổng nhà ông Độ. Nhưng biện pháp này dường như vô tác dụng.
Việc phát lộ “thần y” của cháu Quân còn gây ra tình trạng an ninh trật tự căng thẳng ở địa phương. Chính quyền địa phương, nhất là lực lượng công an luôn ở trạng thái trực chiến, sắp tới ông Sơn còn có kế hoạch lắp mạng lưới loa truyền thanh ngay ở vườn chôm chôm nhà “thần y”, lập ra ban phát thanh tuyên truyền để người dân được tiếp cận vấn đề.
Theo xahoi
"Thần y" chữa bệnh bằng thần chú và... nước lã
Chỉ với những chai nước lã được người bệnh đem đi từ nhà, bà Tư hỏi thăm qua loa tình trạng sức khỏe bệnh nhân rồi cầm chai nước lên niệm thần chú, đưa cho bệnh nhân đem về nhà uống coi như công việc chữa bệnh đã xong.
"Thần y" Tư Lắc đang "cứu nhân độ thế" cho các bệnh nhân tìm đến nhà mình. Ảnh T.G
Nước lã mà vã được bệnh!?
Tới đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tổ 29, thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng, Lâm Đồng) hỏi nhà bà Tư Lắc ai cũng biết. Theo một số người dân ở đây, bà Tư trước làm nghề buôn thúng bán bưng ở chợ Đức Trọng, sau khi trải qua một trận ốm bỗng có khả năng "đặc biệt", có thể chữa bệnh cho mọi người. Khoảng 3 năm nay, bà Tư bỏ nghề buôn thúng bán bưng ở chợ để trở thành "thần y" chữa được bách bệnh. Điều kỳ lạ, thuốc của "thần y" này chính là những câu "thần chú" và nước lã. Vì niềm tin mù quáng, hằng ngày có từ vài chục đến cả trăm người đang sinh sống từ Bắc đến Nam lục đục kéo về nhà bà Tư để được bà ra tay chữa bệnh. Bà Tư được nhiều người tung hô là "mẹ Tư", "thần y", bởi cách chữa bệnh của bà nhuộm đầy màu sắc ly kỳ, hoang đường và ảo tưởng.
Chúng tôi tìm đến gia đình bà Tư, cửa nhà đã khóa, một số người sống gần đó cho biết, sau khi biết thông tin Phòng Y tế huyện Đức Trọng chuẩn bị tới kiểm tra giấy phép hành nghề, đã 3 ngày nay, bà Tư bỏ đi đâu không ai rõ. Trong khi đó, không ít người ở các tỉnh khác vẫn lũ lượt tìm về nhà bà Tư để được "thần y" ra tay chữa bệnh. Không gặp được bà Tư, gọi điện thoại cũng không liên lạc được, trên gương mặt họ hiện rõ nỗi thất vọng, chán chường. Từng tốp bệnh nhân cùng người nhà mỏi mệt lục đục kéo nhau ra về, bỏ lại sau lưng một sự tiếc nuối rõ rệt. Không ít bệnh nhân còn quyết gặp bà Tư bằng được để chữa bệnh, họ chạy ra hướng trung tâm thị trấn Liên Nghĩa thuê phòng để ở lại. Chị Tâm, một bệnh nhân đến từ Ninh Bình tiếc nuối: "Nghe danh cô Tư đã lâu, giờ mới có cơ hội tìm đến chữa bệnh mà cô đi vắng. Không gặp được hôm nay, thì mai hay kia, vợ chồng tôi chắc phải thuê phòng để nghỉ lại chờ cô Tư về".
Trước đó, trong vai người tìm đến chữa bệnh hiểm nghèo, chúng tôi đã được mục sở thị cách chữa bệnh kỳ lạ của bà Tư. Trong khuôn viên gia đình chỉ vài chục mét vuông, từ rất sớm đã có hàng chục người xếp thành hàng dài, đứng ngồi la liệt từ cửa "phòng thuốc" của bà Tư cho tới ngoài đầu ngõ, họ mỏi mòn chờ đợi mong sao cho nhanh tới lượt mình được chữa bệnh. Theo một người dân sống gần nhà bà Tư, hằng ngày đều đặn từ 4h sáng đã có người bệnh lục đục kéo nhau đến nhà bà Tư, đứng ngồi trước ngõ chờ "thần y" thức giấc mở cửa. Thông thường đến 7h thì gia đình "thần y" lâm vào cảnh quá tải bởi bệnh nhân kéo đến rất đông, có ngày lên tới cả trăm người. Những ngày bệnh nhân đông như vậy, bà Tư phải cho người nhà ra đóng cửa, treo biển không tiếp thêm bệnh nhân. Vất vả lắm chúng tôi mới có thể lấy được số, xếp hàng để được diện kiến nhờ bà Tư bắt bệnh.
Điều lạ là mỗi bệnh nhân tìm đến với bà Tư phải tự đem theo một chai nước lã, đó chính là "thuốc" sau khi đã được "thần y" Tư ra tay niệm thần chú. Dù là nam hay nữ, già hay trẻ, khi đến chữa bệnh, bà Tư đều bảo vén áo lên để bà cù lét, lấy dao lam rạch vào vai, đạp 3 cái vào lưng để "truyền năng lượng". Để hoàn tất công việc chữa bệnh, bà Tư cầm chai nước lã giơ lên cao, miệng lẩm bẩm những câu thần chú mà chỉ bà biết. Bà Tư căn dặn bệnh nhân, đem chai nước này về nhà uống chứ không được uống ở đây hoặc dọc đường sẽ mất công hiệu và sự linh thiêng của thần thánh ban cho. Mỗi bệnh nhân được bà Tư khám và chữa bệnh trong vòng 5 phút.
Bà Tư nói chữa bệnh cứu người, không lấy tiền nhưng theo quan sát của chúng tôi, ai chữa xong cũng bỏ vào hòm "công đức" 20.000 - 50.000 đồng, thậm chí 100 ngàn đồng. Nhiều người còn nhét vào túi áo của bà Tư thêm vài chục nghìn nữa gọi là "trả ơn mẹ độ lượng".
Lật tẩy "thần y"
Trao đổi với báo chí về cách chữa bệnh trên của bà Tư, ông Trần Danh Tài, Chủ tịch Hội Đông y Lâm Đồng cho biết, cách chữa bệnh này hoàn toàn không có cơ sở khoa học bởi trên thực tế, mỗi căn bệnh đều phải có một cách khám, chữa và điều trị riêng. Việc lấy nước lã niệm "thần chú" để chữa bệnh của bà Tư rõ ràng là hoang đường, ảo tưởng. Nếu có trường hợp khỏi bệnh cũng chỉ khỏi bằng tâm lý chứ trên thực tế không thể lấy nước lã để chữa bách bệnh. Chữa bệnh đơn giản chỉ có vậy mà khỏi được bệnh thì ai cũng có thể trở thành "thần y", trên đời này sẽ không ai mắc phải bệnh gì nữa. Theo ông Tài, việc chữa bệnh theo cách hoang đường cùng với những lời đồn thổi gần xa đã khiến cho người có bệnh tò mò. Tâm lý người bệnh là "có bệnh thì vái tứ phương", cho dù ở đâu, xa thế nào cứ nghe có người chữa được là họ tới. Tâm lý đám đông đã khiến bệnh nhân mù quáng trước việc lựa chọn phương pháp chữa bệnh.
Bà Đinh Thị Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng cho biết, bà Tư đã ngoài 80 tuổi, không đăng ký tạm trú tại địa phương. Nơi bà đang hành nghề là nhà của con gái nên rất khó quản lý, xử lý. Dù cấm thì cấm nhưng bệnh nhân vẫn cứ kéo đến tìm "mẹ Tư". Cách đây một năm, cơ quan chức năng cũng phát hiện bà Tư khám chữa bệnh trái phép bằng phương pháp xoa bóp, cho người bệnh uống nước suối... và có dấu hiệu lừa bịp nên đã ra quyết định đình chỉ hoạt động. Sau đó, bà Tư rời khỏi địa phương khoảng 1 tháng, nhưng rồi gần 2 năm nay, "thần y" này lại tiếp tục hoạt động.
Còn ông Lê Công Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng) cho biết, bà Tư chưa được cấp giấy phép hoạt động. Đây là hành vi có dấu hiệu chữa bệnh mê tín dị đoan, nên đã chỉ đạo ngành chức năng địa phương kiểm tra và đình chỉ hoạt động nhưng bà Tư đã bỏ đi đâu không ai rõ. Theo nhiều người dân địa phương, cách đây ít năm, bà Tư là người buôn bán vặt tại chợ thị trấn Liên Nghĩa. Mọi người hết sức ngỡ ngàng khi bà Tư trút bỏ những lời lẽ chợ búa, nhanh chóng khoác vào mình những lời có cánh và tự xưng là "thần y".
Mỗi ngày, cơ sở chữa bệnh của bà Tư có hàng trăm bệnh nhân tới khám chữa, nhiều người ở xa đã thuê hẳn nhà trọ gần đấy để thuận tiện cho việc chữa trị. Tại một nhà trọ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng tôi đã gặp 16 người từ Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Dương, Quảng Ngãi, Ninh Thuận... hầu hết họ là những người dân nghèo, bệnh tình nặng, chữa nhiều nơi không khỏi. Ông Chu Văn Hải, 54 tuổi, quê Ba Vì (Hà Nội) cho biết. Hai vợ chồng ông đều bị bệnh, chồng bị gai cột sống, vợ bị hở van tim, đầu năm 2013, qua sự giới thiệu từ người quen, hai ông bà vào đây thuê nhà trọ ở để chữa bệnh, qua một thời gian điều trị, sức khỏe đã khá hơn. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi ông đã tới bệnh viện để kiểm tra lại chưa thì ông nói chưa.
Việc bà Tư và người thân trong gia đình tổ chức khám chữa bệnh bằng nước lã... là hành vi có dấu hiệu lừa bịp, bằng cách lợi dụng khó khăn, bế tắc và sự cả tin của một số người bệnh để trục lợi. Hoạt động của bà Tư cũng có dấu hiệu của mê tín dị đoan, trái với quy định của pháp luật. Dư luận rất mong các cơ quan chức năng địa phương sớm kiểm tra và có biện pháp xử lý dứt điểm nhằm giúp cho hàng trăm bệnh nhân nghèo khỏi phải tốn thời gian, tiền bạc một cách vô ích, đồng thời trả lại sự bình yên cho cuộc sống của người dân địa phương.
Cần sớm dẹp bỏ
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Danh Tài, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Cách chữa bệnh này hoàn toàn không có cơ sở khoa học bởi trên thực tế mỗi căn bệnh đều phải có một cách khám, chữa và điều trị riêng. Việc lấy nước lã rồi niệm "thần chú" để chữa bệnh rõ ràng là hoang đường, ảo tưởng. Nếu có trường hợp khỏi bệnh cũng chỉ khỏi bằng tâm lý mà thôi". Còn bà Đinh Thị Phúc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng cho biết thêm, bà Tư đã ngoài 80 tuổi, không đăng ký tạm trú tại địa phương. Nơi bà đang hành nghề là nhà của con gái nên rất khó xử lý. Dù ngành Y tế huyện đã nhiều lần tới nhắc nhở, thậm chí lập biên bản cấm bà Tư hành nghề nhưng bệnh nhân kéo đến tìm bà để chữa bệnh nên bà vẫn lén lút hoạt động. Ông Lê Công Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng), cho biết, bà Tư chưa được cấp giấy phép hoạt động. Đây là hành vi có dấu hiệu chữa bệnh mê tín dị đoan, nên đã chỉ đạo ngành chức năng địa phương kiểm tra và đình chỉ hoạt động nhưng bà Tư vẫn lén lút hoạt động trở lại. "Chúng tôi sẽ cho cơ quan chức năng xuống kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định", ông Tuấn khẳng định.
Theo Đình Đông
Thần y chữa 'giòi ăn mũi' và bài thuốc cho cái "bụng tốt" Vì ham mê nghề y nên từ nhỏ ông "thần y" Nguyễn Hữu Toàn với bài thuốc chữa bệnh "giòi ăn mũi" đã đọc y thư đến mức bị đòn. Ông Toàn bên những cuốn sách thuốc của mình. Bị đánh vì thích đọc y thư Cụ Nguyễn Hữu Thắng - cha đẻ của lương y Toàn, kể rằng, hồi mới lên tám,...