Cậu bạn khiếm thị làm tẩm quất nuôi ước mơ giảng đường ĐH
Sinh ra đã bị khiếm thị, lớn lên trong hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, nhưng cậu bạn sinh năm 1990 Vũ Văn Tuấn vẫn luôn có ước mơ được đến trường, được đi học. Giờ đây trước mặt Tuấn là ước mơ vào giảng đường đại học…
Gian nan học chữ
Vũ Văn Tuấn sinh ra ở thôn Trung Đông, xã Yên Trung, huyện Yên Định, Thanh Hóa trong một gia đình có hai anh em. Bố Tuấn bị mù bẩm sinh, từ khi lọt lòng mẹ Tuấn cũng bị mù, người em gái cũng không thoát khỏi cảnh bị mù một mắt.
Tháng 3/2000, Tuấn được Hội người mù Yên Định và Hội người mù Thanh Hóa giới thiệu xuống TP Thanh Hóa tham gia lớp Tiền hòa nhập do Tỉnh hội người mù Thanh Hóa tổ chức. Sau 6 tháng học tập tại đây, đến tháng 8 Tuấn về nhà cũng là dịp bước vào năm học mới của các bạn bình thường cùng trang lứa.
Ngày Tuấn được gia đình dẫn đến trường, cô giáo giới thiệu em về học lớp 2, nhưng Tuấn cảm thấy năng lực mình có thể theo học từ lớp 3. Thế là cậu bé bảo mẹ chữa lại tờ giấy giới thiệu để em theo học từ lớp 3 tại Trường tiểu học xã Yên Trung.
Thời gian học tiểu học với em là cả một chặng đường khó khăn. Đi học mà em không hề có quyển sách giáo khoa nào, tất cả chỉ nhờ bạn bè đọc lại cho chép. Hơn nữa, cũng vì bản thân Tuấn mù lòa nên khó hòa nhập cùng các bạn trong lớp, thầy cô cũng chưa tin tưởng vào khả năng của em.
Sau những khó khăn đó, Tuấn thầm nhủ phải cố gắng vươn lên để chứng minh cho mọi người thấy mình có thể làm được những việc như người bình thường. Nghị lực đã giúp em hòa nhập với các bạn và thầy cô giáo cũng thấy được khả năng của em. Từ đó Tuấn càng có động lực và quyết tâm hơn nữa trong học tập.
Sau 3 năm theo học tại Trường tiểu học Yên Định, chỉ mình Tuấn đạt học sinh giỏi của lớp. Sau đó Tuấn được xét tốt nghiệp cấp 1 và bước vào cấp 2 tại Trường THCS Yên Trung. Nhà nghèo nên đi học mà Tuấn không có tiền mua sách vở học, chương trình học hơn chục môn mà Tuấn không hề có một bộ sách giáo khoa nào cả.
Cũng vì gia đình nghèo, ngoài thời gian lên lớp, Tuấn đi bán quà vặt ở cổng trường và đi trèo dừa, trèo cau thuê kiếm tiền ăn học. Trong suốt 4 năm theo học tại Trường THCS Yên Trung, năm nào Tuấn cũng đạt học sinh giỏi.
Hàng ngày vừa làm tẩm quất, Tuấn vừa ôn thi đại học.
Giành giải thưởng quốc tế
Không chỉ là một học sinh giỏi, Tuấn còn tham gia tích cực các phong trào Đoàn, Đội.
Video đang HOT
Chưa hết, cậu bạn còn thử sức trong nhiều cuộc thi do nhà trường và các tổ chức xã hội tổ chức và đạt nhiều giải thưởng cao. Với em ý nghĩa nhất là giải thưởng cuộc thi “Chữ Brai trong cuộc đời tôi”. Nhắc đến giải thưởng này, Tuấn xúc động muốn rơi nước mắt, không phải là vì giải thưởng mà ý nghĩa của nó trong cuộc đời em. Trong cuộc thi này, Tuấn đoạt giải nhất trong nước và giải nhì các nước châu Á – Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Tuấn còn đạt giải ba cuộc thi tìm hiểu kiến thức môi trường xanh do Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức giải khuyến khích cuộc thi 75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và 60 năm nước CHXHCNVN và nhiều giải thưởng khác nữa.
Những năm gian khổ rèn luyện tại trường THCS, Tuấn tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Sau đó Tuấn xin xét tuyển vào Trường THPT Yên Định 2. Dù khiếm thị nhưng rất năng nổ nên Tuấn luôn được thầy cô, bạn bè yêu quý và giúp đỡ. Liên tục 3 năm học trung học, Tuấn đều đạt học sinh tiên tiến.
Một góc tường treo đầy những giấy khen của Tuấn trong thời gian qua.
Khó khăn đường vào ĐH
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, với thành tích học tập và hạnh kiểm tốt,Tuấn được xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Tuy bản thân mù lòa nhưng chưa bao giờ Tuấn có ý định bỏ học và luôn có nguyện vọng học lên cao nữa.
Ngay từ đầu tháng 4 đến hết tháng này, một mình Tuấn khăn gói ra Hà Nội với nguyện vọng nộp hồ sơ xin thi vào một số trường đại học. Nhưng ước mơ gần như tan vỡ khi đến đâu em cũng chỉ nhận được cái lắc đầu của các đơn vị.
Tuấn chia sẻ: “Trong một tháng ở Hà Nội cứ một tuần em đến các trường một lần, khi thì gặp lãnh đạo trường, khi thì gặp các phòng ban xin nộp hồ sơ. Em chỉ đi một mình, ra Hà Nội thuê nhà trọ tranh thủ đi tẩm quất kiếm tiền ăn ở”.
Sau một tháng ở Hà Nội, gõ cửa nhiều nơi không được, Tuấn trở về quê trong nỗi thất vọng lớn. Nhưng niềm hy vọng lại được nhen nhóm trong em khi nghe tin ở Huế có người như mình cũng đang theo học. Rồi Tuấn rủ một người bạn học cùng cấp 2 vào Huế xin nộp hồ sơ thi.
Cầm 700 ngàn đồng trong tay, Tuấn và người bạn lên xe buýt xuống thành phố Thanh Hóa, khi vừa xuống xe thì có người đi xe ôm nói chở đến bến nhưng không ngờ lại bị lừa phải trả mất 300 ngàn. Tiền ít nên ngoài tiền vé xe thì trong suốt chặng đường từ Thanh Hóa vào Huế, hai em không dám ăn gì ngoài vài chiếc bánh mì lót dạ.
Ngày đầu tiên đặt chân đến Huế, may mắn hai em hỏi thăm được vào Hội người mù thành phố Huế và được ăn nghỉ qua đêm tại đây. Không thể đợi lâu hơn nữa, ngay sáng hôm sau, Tuấn cùng bạn tìm đến Trường đại Học Khoa học Huế.
Tuấn chia sẻ: “Em thấy hạnh phúc khi được các thầy cô niềm nở đón tiếp và đồng ý cho em nộp hồ sơ thi. Ngay ngày hôm sau chúng em định về nhưng trong người còn mỗi 100 ngàn, ở lại thì không có tiền ăn, về thì không đủ tiền mua vé. Em bàn với bạn về trước còn em ở lại tẩm quất kiếm tiền về sau. Nhưng bạn em không đồng ý, thế là chúng em ra bến bắt xe về đến thành phố gọi người nhà xuống trả tiền và đón về”.
Được biết, Tuấn nộp hồ sơ thi vào khoa Công tác xã hội của Trường đại học Khoa học Huế. Noi gương anh, cô em gái khiếm thị của Tuấn năm nay cũng nộp hồ sơ thi vào đại học.
“Cuộc đời còn dài và tương lai còn rất tươi sáng, nên các bạn có cùng cảnh ngộ như em cũng nên vượt lên, hãy coi bất hạnh là thử thách để khặng định được bản thân mình” – Tuấn tâm sự.
Sau này, Tuấn ước mơ được làm trong một tổ chức từ thiện để có điều kiện giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như mình.
Chia tay Tuấn, chúng tôi ra về mang theo những trăn trở của em về cuộc sống sau này khi em đậu đại học rồi không biết có theo nổi không khi em sống xa gia đình. Nhưng từ trong ánh mắt em vẫn sáng lên một niềm tin quyết tâm thực hiện những dự định của mình trong tương lai.
Theo dân trí
Cô sinh viên vượt qua bóng tối bằng ánh sáng tri thức
Số phận nghiệt ngã đã lấy đi ánh sáng từ đôi mắt của Ðào Thu Hương, SV năm thứ tư ÐH Sư phạm Hà Nội. 16 năm qua, với nỗ lực vượt bậc, cô gái 25 tuổi đã tự tin đi trong bóng tối để kiếm tìm một thứ ánh sáng khác - ánh sáng của tri trức.
Một ngày giữa tháng 4, Hương được mẹ đưa đến Trường THCS Nguyễn Ðình Chiểu để nhận kết quả thực tập tốt nghiệp. Chính tại ngôi trường này, bằng tình thương và trách nhiệm, thầy cô giáo đã trang bị cho em những kiến thức và kỹ năng sống để hòa nhập với cộng đồng và nuôi lớn những ước mơ ấp ủ trong em. Ðó là trở thành một cô giáo đứng trên bục giảng truyền bá tri thức cho các thế hệ học trò.
Thầy Phạm Hữu Quỳ, Hiệu trưởng nhà trường nhớ về cô trò nhỏ đặc biệt của mình: "Nói đến học sinh cũ trưởng thành từ nhà trường thì em Hương luôn là học sinh được nhắc tới như một tấm gương không chỉ cho các em khiếm thị mà còn cả những học sinh bình thường khác".
MC Thu Hương trong một buổi làm từ thiện tại Khách sạn Melia Hà Nội.
Khi tận mắt chứng kiến không khí hào hứng trong môn học tiếng Anh của lớp học sinh 6A, chúng tôi không thấy bất kỳ sự ngăn cách nào giữa một cô giáo đặc biệt và đám học trò nhỏ. Quỳnh Mai, học sinh lớp 6A cho biết: "Ban đầu khi cô Hương bước vào lớp, cháu rất ngạc nhiên vì chưa bao giờ được một cô giáo khiếm thị dạy học. Nhưng qua giờ giảng của cô, cả lớp thấy rất hứng thú học bởi cách cô truyền đạt rất sinh động và dễ hiểu. Từ đó, cháu cảm thấy yêu thích môn tiếng Anh hơn".
Bằng những sáng tạo trên những giờ lên lớp, kết quả thực tập của Hương đạt loại xuất sắc, các thầy cô giáo cũ ai cũng chúc mừng cho em. Ðó là thành công đến từ những nỗ lực phi thường với khối óc và lòng quyết tâm của những người không chịu khuất phục trước số phận như em.
Cô Nguyễn Thị Loan trước đây từng là giáo viên dạy tiếng Anh cho Hương, và là một trong những người phát hiện ra năng khiếu tiềm tàng trong Hương, vẫn nhớ như in những ký ức về cô học trò "cưng" của mình: "Dù luôn là học sinh giỏi của Trường tiểu học Quang Trung, nhưng cuối năm lớp bốn, khi đôi mắt không còn nhìn thấy mọi sự vật chung quanh mình, Hương chuyển về Trường Nguyễn Ðình Chiểu với một cú sốc lớn. Ban đầu, bỡ ngỡ và lo lắng khi sống trong tập thể những bạn cùng cảnh ngộ, phải chuyển học chữ bằng mắt sang bằng tay, Hương đã mất ba năm để học lại. Ðôi tay bé nhỏ của em không biết bao nhiêu lần bị bút đâm rớm máu trong khi học chữ nổi Brai. Hương học giỏi tất cả các môn và là một học trò có đức tính khiêm tốn".
Nhìn lại hành trình đi tìm ánh sáng tri thức của cô sinh viên khiếm thị Ðào Thu Hương, chúng tôi càng nể phục. 12 năm học phổ thông Hương luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi với điểm số dẫn đầu lớp. Năm học lớp 5, lớp 8 và lớp 9, Hương đại diện cho trường đi thi học sinh giỏi thành phố, là đại biểu dự Ðại hội tuyên dương học sinh giỏi Thủ đô. Học xong lớp 9, Hương là học sinh khiếm thính duy nhất của trường dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong khi các bạn khác đều đăng ký thi bổ túc văn hóa. Tốt nghiệp cấp hai loại giỏi nhưng không một trường công lập nào dám nhận Hương vào học. Duy chỉ có thầy giáo Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường dân lập Lương Thế Vinh đã mở cho em lối đi, một cơ hội thắp sáng ước mơ của cô bé sống trong bóng tối.
Cầm tấm Bằng tốt nghiệp THPT loại giỏi của Hương, mẹ của Hương đến xin thầy hiệu trưởng trường Sư phạm xin trả mọi chi phí để em có phòng thi, giám thị và hội đồng chấm thi riêng. Nhìn bảng thành tích nổi bật của Hương, thầy hiệu trưởng đã nhận lời gia đình làm đơn gửi Bộ GD-ĐT đặc cách nhận Hương vào trường. Ước mơ của Hương một lần nữa được chắp cánh.
Kết thúc năm đại học đầu tiên, cô sinh viên khiếm thị duy nhất của lớp đạt điểm tổng kết cao nhất lớp 8,5. Cũng từ đó, Hương luôn đứng trong danh sách khen thưởng của trường, khoa cũng như khu nội trú. Cô trở thành tấm gương sáng cho các bạn sinh viên trong toàn trường noi theo.
Chu Thị Thu Huyền, sinh viên K56 A nói rằng: "Mỗi khi cảm thấy chán học hay mệt mỏi, em lại nhìn sang chị Hương. Ðã quá nửa đêm nhưng chị vẫn cặm cụi ngồi trên máy vi tính. Chị là người em hay hỏi ý kiến cả trong học tập lẫn trong cuộc sống. Em rất tự hào mỗi khi kể về tấm gương của chị cho bạn bè của mình".
Chúng tôi đến thăm ngôi nhà nhỏ nhưng ấm cúng của Hương trong ngách ngõ Thiên Hùng, phố Khâm Thiên, Hà Nội và được bà Hạnh, mẹ Hương, cũng là người bảo trợ tuyệt vời của em tiếp đón niềm nở. Bao năm qua, khó có thể nói hết được nỗi lo toan và vất vả của một người mẹ có con khuyết tật, nhưng niềm tin ánh lên trên gương mặt của bà về một tương lai tươi sáng của cô con gái đầu lòng.
Bà kể: "Nuôi dạy một đứa trẻ bình thường nên người đã khó, dạy dỗ và định hướng cho một đứa trẻ khuyết tật càng khó hơn. Vậy nên gia đình luôn tâm niệm phải trang bị một kiến thức cơ bản và cuộc sống tự lập ngay từ bé cho Hương, để em có thể vững vàng trong cuộc sống ngay cả khi không còn bố mẹ ở bên cạnh".
Ngoài giờ học, Hương còn nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, tích cực trong các hoạt động đoàn đội, phong trào văn nghệ do nhà trường, Ðoàn thanh niên và Hội Người mù quận Ðống Ða tổ chức. Mùa hè năm 2008, Hương tham gia dạy tiếng Anh tình nguyện cho các em học sinh khiếm thị Trường Nguyễn Ðình Chiểu. Cùng với một du học sinh Việt Nam tại Ba Lan, Hương đã thiết kế một đĩa CD dạy nói tiếng Anh cho các em khiếm thị tại đây.
Trong thời gian thực tập cũng là lúc Hương làm luận văn tốt nghiệp. Việc tìm kiếm tư liệu làm luận văn rất vất vả, chiếm nhiều thời gian khiến Hương luôn phải thức đêm để làm việc, nhưng em vẫn sẵn sàng tham gia làm MC trong các chương trình song ngữ Anh-Việt cho các buổi hòa nhạc từ thiện được nhiều khách quốc tế tham dự. Những nỗ lực phi thường của em đã được ghi nhận. Hương đã được Thành hội người mù Hà Nội, Thành ủy Hà Nội nhiều lần tuyên dương Người tốt, việc tốt và Tập đoàn Microsoft tặng thưởng danh hiệu "Anh hùng thầm lặng".
Tháng ba vừa qua, Hương vinh dự được Thành hội người mù Hà Nội cử tham dự hội thảo về bình đẳng giới và sự phát triển cho người khuyết tật tại Bangkok. Hai tuần ở Thái Lan, cô sinh viên khiếm thị trong tà áo dài thướt tha đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế khi em đại diện cho những phụ nữ khiếm thị Việt Nam lên tiếng đòi quyền bình đẳng giữa những người khuyết tật và những người lành lặn trong tiếp cận tri thức và cống hiến cho xã hội.
Dù vẫn đang trong thời gian làm luận văn tốt nghiệp, nhưng Hương đã được một số tổ chức trong và ngoài nước ngỏ ý nhận vào làm việc. Hương cho biết: "Các thầy cô Trường Nguyễn Ðình Chiểu luôn mở rộng vòng tay đón em về trường làm cô giáo. Cho dù thế nào đi nữa, em vẫn muốn làm một việc gì đó để đền đáp và cống hiến cho ngôi Trường Nguyễn Ðình Chiểu".
Ðôi mắt Hương không còn nhìn thấy ánh sáng của thiên nhiên, nhưng bằng ý chí và nghị lực, Hương đã vẽ nên một thứ ánh sáng kỳ diệu. Ðó là ánh sáng của tri thức - nguồn sáng giúp em tự tin và vững vàng bước vào tương lai.
Theo Báo Nhân dân
Cô bé côi cút tự kiếm tiền ăn học Cha bỏ đi khi em chưa lọt lòng, lên lớp 4 mẹ lại đi tìm hạnh phúc riêng, chỉ còn mình em sống neo nhờ trong "căn nhà" tuềnh toàng chưa đầy 5m2 tại góc vườn của người bác dâu. Ngần ấy năm qua, em kiên cường sống, tự kiếm tiền nuôi mình ăn học. Cô bé giàu nghị lực ấy là Nguyễn...