Cắt nghĩa trạng thái “xanh, đỏ” của VN-Index
Thanh khoản thị trường đang ghi nhận mức thấp nhất trong 17 tuần trở lại đây, với bình quân trên 2.344 tỷ đồng/phiên khiến đà hồi phục của chỉ số thiếu bền vững.
Dòng tiền vẫn thận trọng
Bluechips đã đóng vai trò lực đỡ chính giúp thị trường chứng khoán có những nhịp hồi phục tích cực trong vài phiên giao dịch vừa qua, đặc biệt trong phiên bật cao hơn 10 điểm ngày 7/6, đưa chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 960 điểm trong phiên 10/6.
Nhóm cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn diễn biến trái chiều, nhưng xu hướng tăng vẫn chiếm chủ đạo, như tại các cổ phiếu VCB, SAB, VIC, GAS, VJC, MSN, VRE, VNM… Tuy nhiên, một số cổ phiếu như VHM, TCB, EIB, DHG, HPG, HDB, SBT… giảm nhẹ đã khiến đà tăng của chỉ số yếu dần trong phiên giao dịch đầu tuần này. Một số cổ phiếu duy trì được mức tăng nổi bật như MFS (tăng 9,3%); NTC (tăng 5,1%); FRT (tăng 4,8%); VCI (tăng 4,7%); BCC (tăng 5%)…
Câu chuyện biến động của chỉ số VN-Index phụ thuộc rất lớn vào nhóm VN30 không mới, nhưng mỗi thời điểm, từng nhóm cổ phiếu sẽ thay phiên nhau dẫn dắt. Hiện tại, FPT, MWG, SAB… có phần chủ động hơn hẳn với vai trò nâng đỡ chỉ số trong nhiều phiên gần đây.
Các thông tin quốc tế liên tục tốt hơn khi chỉ số Dow Jone tăng mạnh trở lại, Mỹ đạt được thỏa thuận với Mexico nên đã hoãn việc nâng thuế quan, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cũng dịu bớt khi Trung Quốc có động thái nhượng bộ… được cho là sẽ hỗ trợ thị trường tiến vào vùng mục tiêu gần nhất là 970 – 980 điểm.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán MB (MBS), thanh khoản thị trường tuần qua ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 17 tuần trở lại đây khi giá trị khớp lệnh chỉ đạt trên 2.344 tỷ đồng/phiên. Dòng tiền có sự dịch chuyển sang nhóm smallcap khi thanh khoản của nhóm này đã tăng 3 trong 4 tuần vừa qua.
Về cơ cấu dòng tiền, nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng có mức tăng mạnh nhất trong tuần qua từ 11% lên 15%, các nhóm khác giảm ít hoặc không thay đổi như ngân hàng 17%, dầu khí 14%, thực phẩm 6%, dịch vụ 7%.
Dù vậy, diễn biến thị trường trong ngắn hạn đang được cho là khá phức tạp và khó lường, bởi thị trường đang chịu tác động của quá nhiều yếu tố, từ diễn biến của thị trường thế giới ảnh hưởng đến dòng tiền và tâm lý thị trường. Chỉ số VN-Index và giá cổ phiếu có thể “co giật” theo diễn biến hàng ngày của các chỉ số chứng khoán lớn từ các thị trường Mỹ và châu Á.
Video đang HOT
Phiên giao dịch 10/6, VN-Index đã có cơ hội lớn để bứt phá khi thị trường thế giới và giá dầu hồi phục mạnh từ cuối tuần trước và trong phiên sáng. Tuy nhiên, lực bán tại vùng cản vẫn rất mạnh đã làm giảm sự hưng phấn của thị trường.
Nhà đầu tư khó có thể kiểm soát được sự thất thường của thị trường, nhưng lại phải kiểm soát được hành động và tâm lý của chính mình .
Thực tế thì bản thân nhà đầu tư khó có thể kiểm soát được sự “thất thường” của thị trường, nhưng lại phải kiểm soát được hành động cũng như tâm lý của chính mình. Anh Trần Huy, nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng, trong giai đoạn mà chỉ báo nhà đầu tư đang xuống thấp, thanh khoản đi xuống thì giao dịch mua/bán ngắn hạn sẽ rất khó nhưng cơ hội đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn có, đặc biệt đối với các nhóm cổ phiếu biến động mạnh như dầu khí, xây dựng, công nghệ (HVN, POW, PVD, PVS, CMG…).
Vài tháng trở lại đây, các nhóm cổ phiếu dẫn dắt thường chỉ xuất hiện khi thị trường vào xu hướng tăng. Ở thời điểm hiện tại, theo góc nhìn của VNDIRECT, khó có nhóm ngành nào có câu chuyện đủ nổi bật để dẫn dắt thị trường, bởi dòng tiền nhìn chung khá thận trọng và chưa tham gia mua trở lại. Tuy nhiên, một số cổ phiếu vốn hóa lớn dưới cả góc độ cơ bản và kỹ thuật sẽ đóng vai trò dẫn dắt tâm lý trong đợt chớm hồi phục này là FPT, HVN, BVH, MWG.
Khó xác định chân sóng
Cảm nhận chung của giới đầu tư, thị trường đã bị nén lại trong một thời gian và cơ hội hồi phục, thậm chí có thể tạo sóng luôn hiện hữu, nhưng làm thế nào để xác định được “chân sóng” mà hành động thì rất mông lung.
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc MBS cho rằng, với diễn biến của thị trường hiện tại, chiến lược đầu tư trung hạn sẽ hiệu quả hơn là chạy theo ngắn hạn, do vậy, nhà đầu tư nên quan tâm tới thời kỳ hơn là thời điểm.
Dựa vào phân tích sóng Elliott, ông Chung cho rằng, VN-Index hiện đã kết thúc sóng điều chỉnh 4 và đang bước vào sóng tăng 5. Theo đúng lý thuyết sóng 5, VN-Index có thể đạt tối đa 1.600 đến 1.700 điểm. Tuy nhiên, sẽ có dạng mô hình “sóng 5 cụt” và khi đó VN-Index sẽ đạt tối thiểu 1.200 điểm, tương ứng vùng đỉnh cũ. Nhịp tăng trưởng của VN-Index bắt đầu từ năm 2012 và có thể kéo dài đến tháng 8, tháng 9/2020.
“Chúng tôi xác định từ nay đến giữa năm 2020 là giai đoạn diễn ra sóng V lớn trong uptrend 8 năm tính từ cuối năm 2012 (theo thuyết sóng Elliot) nên giai đoạn này, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến nhóm cổ phiếu có triển vọng lớn.
Đó là nhóm cổ phiếu bán lẻ, công nghệ, ngân hàng, năng lượng, dầu khí… nhưng phải ở các cổ phiếu có vốn hóa lớn và vị thế đầu ngành. Trong khi các cổ phiếu vừa và nhỏ khác, thanh khoản thấp dù tỷ lệ sinh lời có thể cao hơn nhưng rất rủi ro”, ông Chung nói.
Bối cảnh vĩ mô năm nay nhiều thách thức do ảnh hưởng của nhiều yếu tố biến động bên ngoài, theo ông Chung, nhà đầu tư chỉ nên kỳ vọng vào những nhóm cổ phiếu tăng trưởng dựa vào ưu thế ngành hoặc có câu chuyện riêng liên quan đến bán vốn hay cơ cấu lại tài chính.
Thị trường Việt Nam tạm thời cân bằng trong ngắn hạn nhưng tâm lý ngại rủi ro vẫn thể hiện khá rõ ở các cổ phiếu lĩnh vực tài chính – ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. Những cổ phiếu này chiếm tỷ lệ lớn trong vốn hóa thị trường nên sẽ quyết định bức tranh chung.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang nỗ lực hồi phục trở lại sau quá trình giảm điểm với sự ủng hộ tâm lý đến từ đà hồi phục chung của thị trường chứng khoán quốc tế. Tuy nhiên, khi thanh khoản chưa có nhiều cải thiện, dòng tiền chưa đủ mạnh, đà phục hồi của thị trường vẫn còn khá bấp bênh.
“Cách tăng điểm nhiều khả năng sẽ tương tự như đợt hồi phục đầu tháng 5/2019 với điểm số tăng chậm và một số cổ phiếu thu hút được dòng tiền theo câu chuyện riêng. Chúng tôi bảo lưu quan điểm chọn lọc để giải ngân trong các phiên chỉ số giảm điểm trở lại với mục tiêu đầu tư trung hạn”, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDIRECT chia sẻ.
Trong bối cảnh vĩ mô năm nay nhiều thách thức, nhiều doanh nghiệp cũng lường trước khả năng giảm tăng trưởng so với mọi năm thì nhà đầu tư chỉ kỳ vọng vào những nhóm cổ phiếu tăng trưởng dựa vào ưu thế ngành hoặc có câu chuyện riêng liên quan đến bán vốn hay cơ cấu lại tài chính.
Hoàng Anh
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Phiên sáng 10/6: Chinh phục thử thách mới
Mặc dù dòng tiền vẫn thận trọng, nhưng diễn biến tích cực ở nhóm cổ phiếu bluechip với tâm điểm là dòng bank cùng các mã lớn như GAS, VNM, VIC, MSN..., đã giúp VN-Index duy trì đà tăng để hướng đến thử thách các ngưỡng cản mới.
Sau tuần giảm khá mạnh cuối tháng 5, thị trường đã có những nhịp hồi phục tích cực trong tuần giao dịch đầu tháng 6. Đặc biệt, phiên bật cao ngày cuối tuần (7/6) đã giúp VN-Index lấy lại gần hết những gì để mất trong phiên đầu tuần (3/6). Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index để mất 1,6 điểm (-0,2%) xuống 958,28 điểm, còn HNX-Index giảm 0,1 điểm (-0,1%) xuống 104,21 điểm.
Theo ông Nguyễn Trung Du, Giám Đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư, CTCK VNDRIECT, thị trường có một vài dấu hiệu ổn định và chớm tích cực trở lại khi nhận được sự hỗ trợ hồi phục của thị trường chứng khoán quốc tế.
Ngoài ra, áp lực bán ròng của khối ngoại cũng không còn trong tuần đầu tháng 6 trong khi ở tuần cuối tháng 5 áp lực bán từ khối này khá lớn. Thậm chí, một số quỹ đầu tư chỉ số như VNM ETF hay VN30 ETF liên tục nhận được thêm dòng tiền mới trong vài tuần qua.
Ở góc độ phân tích kỹ thuật, sau phiên bị vỡ hỗ trợ 945 điểm của VN-Index ngày thứ 5 tuần vừa qua áp lực cung không quá lớn và thị trường thu hẹp đà giảm ở cuối phiên. Đây thường là tín hiệu tốt cho thấy quá trình rũ bỏ hoặc để kiểm định lượng cung hàng tạm hoàn tất.
Đồng thời ông Du cho rằng, kỳ vọng từ dòng tiền mua vào ở các cổ phiếu triển khai sản phẩm CW sẽ hỗ trợ phần nào cho thị trường. Do đó, tuần giao dịch tới xu hướng của thị trường sẽ nghiêng về hồi phục.
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới 10/6, mặc dù tâm lý thận trọng chưa được cởi bỏ nhưng sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường tiếp tục tiến bước. Chỉ số VN-Index đã vượt thành công mốc 965 điểm chỉ sau khoảng 25 phút giao dịch.
Tuy nhiên, đây vẫn là thử thách khó khăn trước sự suy yếu của dòng tiền. Chỉ số VN-Index nhanh chóng bị đẩy lùi và diễn biến lình xình dưới ngưỡng 965 điểm.
Không nằm ngoài dự báo của một số công ty chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giao dịch khá khởi sắc trong phiên sáng nay sau khi đã phá vùng đáy cũ. Bên cạnh hầu hết các mã CTG, BID, TCB, VPB, MBB... đều vượt qua mốc tham chiếu, cổ phiếu lớn đầu ngành là VCB đang tạo động lực chính cho thị trường khi tăng 2,1% lên mức 67.000 đồng/CP.
T.Thúy
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
VDSC: Chứng khoán Việt Nam khó lọt vào danh sách theo dõi của MSCI Dù MSCI gần đây có xu hướng đưa vào danh sách theo dõi một nước cận biên mới khi nước được theo dõi trước đó thăng hạng, khả năng TTCK Việt Nam được vào danh sách theo dõi hoặc được nâng hạng trong năm sau là rất thấp. Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 5 diễn biến khá đúng với câu...