Cáp treo Fansipan – chương mới của du lịch Sa Pa
Sau 5 năm vận hành, tuyến cáp treo Fansipan đã không chỉ mang đến trải nghiệm mới cho hàng triệu du khách khi chinh phục nóc nhà Đông Dương mà còn góp phần không nhỏ vào sự lột xác của du lịch Sa Pa.
Du lịch Sa Pa thức giấc
Năm 2010, tức là sau gần nửa thế kỷ nhà văn Nguyễn Thành Long sáng tác Lặng lẽ Sa Pa (1970), thị trấn trong sương vẫn chưa thôi lặng lẽ. Ông Phạm Cao Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa hồi tưởng, khi đó, dù thị trấn đã có khách sạn, homestay, nhà hàng… nhưng lượng du khách vẫn chưa tới 500.000 lượt /năm – con số quá khiêm tốn với tiềm năng của Sa Pa.
Với mong muốn huy động các nguồn lực để phát triển tỉnh nhà, lãnh đạo tỉnh Lào Cai khi ấy đã trân trọng mời các doanh nghiệp lớn, trong đó có tập đoàn Sun Group về đầu tư tại Sa Pa. Tháng 2/2016, sau 7 tháng khảo sát và 800 ngày thi công, công trình cáp treo Fansipan do Sun Group đầu tư xây dựng đã chính thức khánh thành. Đến cuối năm 2016, du lịch Sa Pa lần đầu tiên cán mốc 1,2 triệu lượt khách. Giai đoạn 2016-2019, lượng khách tới tỉnh Lào Cai tăng 144%. Du lịch Sa Pa tựa như được đánh thức sau một giấc ngủ dài.
Theo ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, sự hình thành của tuyến cáp treo Fansipan nói riêng và tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng của Sun Group nói chung đã đóng góp lớn cho du lịch Sa Pa: “Từ sau năm 2016, du lịch Sa Pa tăng trưởng bình quân 20-30% mỗi năm. Cứ 10 người, khoảng 7 người đi cáp treo Fansipan”, ông Quốc nói.
Cáp treo Fansipan được coi là một bước đột phá của du lịch Sa Pa
Sinh kế cho người dân bản địa
Video đang HOT
Sinh ra và lớn lên trong bản nghèo thuộc phường Sa Pả, thị trấn Sa Pa, Má A Tông cũng như bao người dân bản sống nhờ nghề bám nương làm rẫy, nhưng thu nhập chưa bao giờ đủ để anh chăm lo cho vợ và 2 con nhỏ độ tuổi ăn học.
Năm 2014, khi nghe tin công ty cáp treo cần tìm người làm an ninh với mức thu nhập cao, A Tông nộp đơn và trúng tuyển. Trong 2 năm bám trụ trên đỉnh Fansipan, A Tông được chứng kiến sự vươn mình mạnh mẽ của vùng đất, khi điện lưới được kéo lên, cáp treo được hình thành. Cũng giống như sự thay đổi của cuộc đời anh, từ người chỉ biết lo từng bữa ăn, nay có việc làm ổn định để chăm lo cho gia đình, lại còn được công ty hỗ trợ xe máy để đi làm, xây cho nhà mới.
A Tông chỉ là 2 trong số gần 200 cán bộ, nhân viên người Tây Bắc đang làm việc tại Sun World Fansipan Legend. Trước đây, phần lớn họ sống dựa vào nông nghiệp, nghề rừng, nghề thủ công hoặc không có công việc ổn định. Từ ngày “đầu quân” cho công ty cáp treo, điều họ nhận được không chỉ là sự thay đổi về kinh tế, mà còn cả tác phong làm việc chuyên nghiệp, nhận thức về tầm quan trọng của học tập, đào tạo để đầu tư cho thế hệ con em.
Sự ra đời và phát triển của các công ty dịch vụ du lịch như Sun World Fansipan Legend không chỉ tạo việc làm trực tiếp, mà còn góp phần phát triển mạnh các dịch vụ phụ trợ như vận chuyển, hàng hóa, lưu trú và vành đai thực phẩm vùng nông thôn. Đặc biệt, lực lượng lao động được đào tạo chuyên nghiệp, làm việc trong môi trường cao cấp đã góp phần nâng cao trình độ, nhận thức của chính người dân tham gia hoạt động du lịch, qua đó góp phần tích cực việc thay đổi bộ mặt của ngành du lịch địa phương.
Phát triển du lịch văn hoá bền vững
Show diễn nghệ thuật Vũ điệu trên mây mang đậm màu sắc văn hóa Tây Bắc
Ra mắt lần đầu năm 2019 tại Sun World Fansipan Legend, ” Vũ điệu trên mây” do đạo diễn Phạm Hoàng Nam dàn dựng đã được đón nhận nồng nhiệt. Sức hút của show diễn không chỉ nằm ở sự đầu tư công phu và bài bản từ âm nhạc, vũ đạo đến dàn dựng, trang phục… mà cả ở sự kỳ công, tỉ mỉ của ekip trong việc khai thác những chất liệu văn hoá Tây Bắc độc đáo.
“Vũ điệu trên mây” không chỉ mang lại cho Sa Pa kỷ lục “Show diễn nghệ thuật thể hiện đặc trưng văn hóa Tây Bắc độc đáo Việt Nam”, mà Sun World Fansipan Legend cũng được xướng tên trong giải thưởng du lịch uy tín của thế giới World Travel Awards với giải “Điểm du lịch văn hoá hàng đầu thế giới”. Sự kỳ công và thành công của show diễn cũng là một minh chứng sống động cho thấy tâm huyết và triết lý làm du lịch của Sun Group: phát triển du lịch bền vững dựa trên những giá trị cốt lõi và tinh hoa của văn hóa truyền thống sẽ giúp nâng tầm và thăng hạng du lịch cho những vùng đất giàu tiềm năng.
Xây dựng đi đôi với bảo tồn, không ngừng phát triển nhưng cũng vẫn luôn luôn tìm về nguồn cội, những định hướng đúng đắn của chính quyền cùng sự chung tay vào cuộc của những doanh nghiệp làm du lịch như Sun Group sẽ góp phần định hình lại du lịch Sa Pa, để rồi từ đó đưa vùng đất này ngày càng khởi sắc một ngày không xa.
Khám phá cầu Mây cổ
Trên dòng suối Mường Hoa có hơn chục chiếc cầu bắc qua để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân bản địa, trong số đó, cầu Mây cổ có lịch sử lâu đời, là địa chỉ check-in, khám phá ấn tượng với du khách khi đến Sa Pa.
Trong quá trình quần cư dọc theo suối Mường Hoa, người dân bản địa đã dùng dây rừng bện thành những chiếc cầu treo qua suối để đi lại giữa hai bờ thuận tiện hơn. Ngày nay, chỉ còn số ít cầu được gìn giữ và tu sửa, trở thành điểm đến cho du khách khám phá, trải nghiệm và chụp ảnh. Cầu Mây cổ ở thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa được coi là cây cầu có lịch sử lâu đời nhất còn được giữ gìn khá nguyên vẹn đến nay.
Du khách khám phá, trải nghiệm cầu Mây cổ.
Anh Nguyễn Đăng Thu, hướng dẫn viên du lịch, chủ cơ sở Cầu Mây Eco Home, sống nhiều năm gần cầu Mây cổ cho biết: Khi làm hướng dẫn viên, tôi đã dày công đi đến nhà người già trong bản tìm hiểu thông tin và nghe họ kể những câu chuyện xung quanh cây cầu này. Theo những người già trong thôn, cầu Mây cổ được làm lần đầu các đây hơn 100 năm, lần cuối cùng dùng để đi lại cũng cách đây vài chục năm. Cầu Mây không chỉ được người dân dùng để đi lại, mà còn là nơi hò hẹn của trai gái trong thôn. Nhiều cặp vợ chồng ngày nay đã nên duyên sau những lần hò hẹn bên cầu Mây cổ.
Những người già ở thôn Hòa Sử Pán 1 kể: Xưa kia, suối Mường Hoa nước chảy cuồn cuộn, rất khó qua lại, nhất là vào mùa mưa, nên người dân nơi đây đã sáng tạo ra cầu treo làm bằng dây mây và dây rừng, 2 đầu dây mây được cố định vào thân cây cổ thụ bên bờ suối. Trong đó, 4 dây mây được lấy từ rừng già, to bằng nửa cổ tay người lớn được dùng làm dây chính, cùng các loại dây rừng bện chặt lại với nhau, sàn cầu được xếp bằng cây vầu già hoặc gỗ. Người dân phải tu sửa thường xuyên để cầu chắc chắn, an toàn.
Do được làm bằng nguyên liệu chính là dây mây rừng nên khi làm xong, người ta thường gọi là cầu Mây. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, tên gọi cầu Mây còn xuất phát từ việc thung lũng Mường Hoa thường xuyên có mây mù bao phủ, người đi trên cầu có thể hòa mình vào trong mây, đưa tay ra chạm tới mây. Cũng có người cho rằng, đi trên cầu có cảm giác bồng bềnh như trên mây, nên người ta gọi là cầu Mây. Dù cái tên cầu Mây được xuất phát từ lý do nào thì nay vẫn được nhiều khách sạn, nhà hàng tại Sa Pa đặt làm tên gọi. Ở thị xã Sa Pa cũng có một phường và một tuyến phố mang tên cầu Mây. Cái tên cầu Mây cũng trở thành "thương hiệu" của du lịch Sa Pa, được nhiều du khách biết tới. Cầu Mây cổ là địa điểm có thể thu hút du khách trong và ngoài nước.
Dấu ấn thời gian trên cây cầu cổ.
Để khám phá cầu Mây cổ, du khách có thể di chuyển từ trung tâm thị xã Sa Pa, xuôi theo Tỉnh lộ 152 khoảng 20 km, qua bãi đá cổ thuộc xã Mường Hoa 300 m, rẽ phải 800 m theo đường bê tông nhỏ xuống là tới. Du khách không cần quá lo lắng vì ở các lối rẽ đều có biển chỉ dẫn. Hiện cầu Mây cổ nằm trong khuôn viên Cầu Mây Eco Home. Cầu Mây cổ vẫn được cố định vào thân cây cổ thụ hai bên bờ suối để du khách tham quan, trải nghiệm miễn phí. Dây mây rừng nay được thay bằng cáp thép chịu lực. Ngoài cầu Mây cổ, du khách còn có thể chiêm ngưỡng một thác nước tuyệt đẹp, thơ mộng và hùng vỹ được người dân địa phương gọi là thác Giàng Tà Chải.
Anh Nguyễn Tiến Việt (Hà Nội) chia sẻ: Tôi rất thích thú khi được đi trên cầu Mây cổ, nhất là khi bước ra giữa cầu có cảm giác bồng bềnh như "trên mây". Tôi và nhóm bạn đã chụp được nhiều tấm ảnh ưng ý với cầu, với suối và những cây cổ thụ. Ngoài chụp ảnh, tôi còn được nghe kể nhiều chuyện hay xung quanh cây cầu.
Nói về cầu Mây cổ, anh Nguyễn Đăng Thu cho biết thêm: Tôi mong chính quyền địa phương quảng bá để có nhiều người biết đến địa điểm này hơn nữa, để du khách tìm về trải nghiệm, giúp người dân trong thôn phát triển du lịch, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cầu Mây cổ thể hiện sự sáng tạo của con người trong hành trình chinh phục thiên nhiên, là hiện vật gắn liền với cuộc sống của người dân bản địa hai bên suối Mường Hoa. Nếu được đầu tư, quảng bá, chắc chắn cầu Mây cổ sẽ trở thành điểm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước.
Du lịch Sa Pa: Cuộc chuyển biến thần kỳ từ hệ thống cáp treo kỷ lục Nếu muốn được tận mắt nhìn thấy phát triển du lịch có thể thay da đổi thịt một vùng đất ngoạn mục ra sao chỉ sau 10 năm, hãy đến Sa Pa. Sa Pa ngày ấy - bây giờ Đặt chân đến Sa Pa hiện tại, thấy những con phố tấp nập sáng rực ánh đèn, những khách sạn hạng sang lấp lánh...