Cáp quang biển đứt trung bình 10 lần/năm, mỗi lần kéo dài một tháng
Internet Việt Nam có mức giá trung bình thấp, nhưng chất lượng, tốc độ vẫn chưa được đảm bảo và còn nhiều thách thức để có thể đạt mục tiêu về hạ tầng số vào năm 2025.
Tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam 2021, Cục Viễn thông, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp đã công bố các số liệu quan trọng về tốc độ và chất lượng truy cập Internet tại Việt Nam.
Chất lượng Internet Việt Nam cần cải thiện
Đại diện của Viettel Networks cho biết trong 5 năm gần đây, các tuyến cáp quang biển Việt Nam ra khu vực bị đứt trung bình 10 lần mỗi năm, mỗi lần trục trặc kéo dài một tháng. Do vậy, các doanh nghiệp chỉ sử dụng được khoảng 3/4 các tuyến cáp.
Các nước có nhiều tuyến cáp quang quốc tế được gọi là các điểm trung chuyển (hub) chính của khu vực, như Singapore, Mỹ, Pháp.
Trong phần trình bày của mình, ông Hoàng Đức Dũng, đại diện của Viettel Networks cũng nhận định Việt Nam hiện chỉ có 7 tuyến cáp quang biển nối với quốc tế. Số lượng ít so với các nước trong khu vực như Thái Lan (10 tuyến), Malaysia (22 tuyến) hay Singapore (30 tuyến) khiến mức độ đảm bảo về hạ tầng quốc tế phục vụ Internet cho người dùng Việt Nam thấp nhất trong khu vực.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, các vấn đề của cáp quang biển chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng truy cập Internet. Ông Nhã cho rằng vẫn có những cách để đảm bảo chất lượng cho người dùng Internet trong nước.
Phương án dễ thấy nhất là đặt dung lượng dự phòng lớn hơn so với nhu cầu thông thường. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp lâu dài như tăng tiêu dùng dữ liệu trong nước, xây dựng trung tâm dữ liệu trong nước để giúp giảm ảnh hưởng khi cáp quang bị đứt.
Đại diện của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho rằng việc đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm công nghệ trong nước cũng giúp giảm ảnh hưởng khi kết nối quốc tế có vấn đề. Đây cũng là hướng đi bền vững để phát triển những sản phẩm công nghệ Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Viễn thông, dải tốc độ phổ biến nhất của thuê bao Internet băng rộng cố định tại Việt Nam là 30-50 Mb/s, chiếm 47,14%. Dải tốc độ 50-100 Mb/s chiếm 35,21%, và lượng thuê bao trên 100 Mb/s chiếm 16,86%. Lượng nhỏ còn lại là các thuê bao có tốc độ dưới 30 Mb/s.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông.
Theo số liệu của Ookla công bố vào tháng 9, tốc độ trên Internet băng rộng cố định tại Việt Nam đạt 84,12 Mb/s tải xuống, xếp thứ 58/181 quốc gia. Xét trong khu vực, tốc độ mạng tại Việt Nam đứng sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Trong khi đó, tốc độ Internet di động tại Việt Nam theo thống kê của Ookla là 78,34 Mb/s tải xuống, xếp thứ 59/138 quốc gia khảo sát. Theo Ookla, Việt Nam vẫn đứng sau Singapore và Thái Lan trong khu vực về tốc độ mạng di động.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, để đạt được mục tiêu vào top 30 thế giới về hạ tầng số vào năm 2025, tốc độ mạng tại Việt Nam phải cải thiện rất nhiều.
Lưu lượng Internet Việt Nam tăng mạnh thời gian qua
Hiện có 89,42% thuê bao mạng di động tại Việt Nam sử dụng trên hạ tầng mạng 4G. Mạng 3G vẫn chiếm 10,05%, trong khi mạng 5G chỉ chiếm 0,54%.
Từ tháng 2/2020-10/2021, tổng lưu lượng Internet băng rộng tại Việt Nam đã tăng tới 40%. Con số này còn tăng cao hơn trong một số thời điểm giãn cách xã hội tăng cao như vào tháng 8 vừa qua.
Theo số liệu của ITU được Cục Viễn thông dẫn lại, giá cước Internet băng rộng cố định tại Việt Nam vẫn ở mức thấp so với thế giới. Cụ thể, đơn giá Internet cố định trên bình quân thu nhập đầu người của Việt Nam bằng 41% so với trung bình thế giới, 71% so với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long chia sẻ tại Ngày Internet Việt Nam 2021.
Đối với giá cước Internet di động, số liệu của ITU cho thấy đơn giá Internet di động trên bình quân thu nhập đầu người của Việt Nam bằng 1/3 trung bình thế giới.
Cục Viễn thông cho biết hiện lượng thuê bao cáp quang đã chiếm 95,34%. Lượng nhỏ còn lại trong mảng Internet băng rộng cố định được cung cấp qua hình thức xDSL và cáp truyền hình.
Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long cũng nhắc lại chủ trương của ngành trong việc phát triển hạ tầng mạng. Cụ thể, theo mục tiêu của Bộ, Việt Nam sẽ lọt top 30 thế giới về hạ tầng số vào năm 2025. Để làm được điều đó, phải đạt được tiêu chí mỗi người dân một smartphone, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang.
“Đó là cơ sở để thực hiện chuyển đổi số. Nếu chúng ta phát triển, xây dựng các ứng dụng số, nền tảng số mà không có kết nối số cho người dân thì việc xây dựng và phát triển kinh tế số trở nên vô nghĩa, người dân không được hưởng lợi. Đó là chính sách để thu hẹp khoảng cách số”, ông Long cho biết.
Sẽ đo kiểm chất lượng Internet Việt Nam qua trải nghiệm người sử dụng
Kể từ tháng 8/2021, Cục Viễn thông sẽ chính thức công bố định kỳ kết quả đo kiểm hàng tuần chất lượng Internet Việt Nam qua trải nghiệm người dùng.
Bộ TT&TT sẽ công bố định kỳ hàng tuần chất lượng Internet
Theo thông tin từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông - TT&TT) , kết quả đo kiểm hàng tuần chất lượng Internet Việt Nam qua trải nghiệm người dùng sẽ được công bố trên website của đơn vị này. Nguồn số liệu nói trên được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thống kê, phân tích từ hệ thống VNNIC Internet Speed (gồm hệ thống đo qua website speedtest.vn ,i-speed.vn và ứng dụng i-Speed cài đặt trên thiết bị di động).
Ra mắt vào tháng 4/2021, i-Speed là công cụ đo tốc độ truy cập Internet trung lập, phản ánh kết quả chính xác, khách quan, tôn trọng người dùng, không có quảng cáo gây phiền hà cho người sử dụng.
Ứng dụng Make in Vietnam này là app đo kiểm chính thức của Bộ TT&TT. Đây là ứng dụng đo tốc độ truy cập Internet duy nhất tại Việt Nam được các doanh nghiệp miễn cước data khi sử dụng.
Để đo kiểm chất lượng Internet, người dùng có thể tải về ứng dụng i-Speed của Bộ TT&TT trên cả 2 nền tảng iOS và Android.
Bên cạnh các tính năng cơ bản của một hệ thống đo tốc độ truy cập Internet (các thông số phản ánh tốc độ truy cập Internet: Download, Upload, Ping, Jitter; thông tin về loại kết nối (WiFi/3G/4G/5G); vị trí thực hiện đo; nhà cung cấp dịch vụ...), i-Speed còn đo lường được khả năng truy cập Internet thế hệ mới IPv6, thông số mà hệ thống nước ngoài hiện chưa hỗ trợ.
Ứng dụng i-Speed giúp người sử dụng tự đo kiểm, đánh giá chất lượng dịch vụ truy nhập Internet. Việc đánh giá chất lượng Internet từ trải nghiệm của người dùng (crowd-sourcing) là một phương pháp tiên tiến được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Các phép đo kiểm này có khả năng phân tích năng lực của nhà mạng, đồng thời đánh giá từ dữ liệu của người dùng để có thể cung cấp chi tiết về trải nghiệm thực tế của khách hàng. Phương pháp này đã được Liên minh viễn thông quốc tế chuẩn hoá bằng khuyến nghị ITU-T E.812.
Tốc độ Internet trung bình của Việt Nam là 59 Mbps
Thống kê của Cục Viễn thông cho thấy, tốc độ tải lên (download) trung bình với mạng băng rộng cố định của Việt Nam trong tuần đầu tiên của tháng 8 là 59,34 Mbps. Tốc độ tải xuống (upload) trung bình tại Việt Nam là 56,3 Mbps. Độ trễ (Ping, Jitter) ở nước ta hiện khoảng 18ms.
Số liệu đo kiểm chất lượng Internet Việt Nam qua trải nghiệm người sử dụng tuần 1 tháng 8/2021.
Một số tỉnh, thành phố có tốc độ Internet cao hơn mức trung bình của cả nước có thể kể tới là Đắc Lắk (Download 74,5 Mbps, Upload 71,43 Mbps), Phú Thọ (Download 66,94 Mbps, Upload 66,64 Mbps), Bắc Ninh (Download 66,8 Mbps, Upload 65,96 Mbps), Quảng Ninh (Download 64,17 Mbps, Upload 60,86 Mbps), Đà Nẵng (Download 63,36 Mbps, Upload 59,07 Mbps), TP.HCM (Download 62,69 Mbps, Upload 57,91 Mbps).
Ở chiều ngược lại, những tỉnh, thành phố có tốc độ Internet thấp hơn mức trung bình của cả nước gồm Điện Biên (Download 39,44 Mbps, Upload 39,53 Mbps), Hà Tĩnh (Download 42,06 Mbps, Upload 44,34 Mbps), Hà Nam (Download 42,95 Mbps, Upload 41,63 Mbps), Yên Bái (Download 45,2 Mbps, Upload 51,3 Mbps).
Bản đồ cho thấy sự khác biệt về tốc độ Internet băng rộng giữa các tỉnh, thành phố tại Việt Nam (màu xanh càng đậm thì càng nhanh). Số liệu này chỉ được đánh giá, thống kê với các địa phương có tối thiểu 300 mẫu/tuần hoặc 1000 mẫu/tháng.
Theo Cục Viễn thông, việc công khai kết quả đo kiểm là thước đo đảm bảo quyền lợi của người sử dụng. Người dùng có thể tự kiểm tra, đánh giá chất lượng trên cơ sở cam kết của các nhà mạng. Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ của mình, phục vụ tốt nhất cho người sử dụng.
Với những ưu việt của ứng dụng i-Speed, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích người dân cài đặt sử dụng ứng dụng i-Speed thường xuyên.
Việc lan toả mạnh mẽ ứng dụng i-Speed và công khai kết quả đo kiểm sẽ hỗ trợ đắc lực cho người dùng Internet Việt Nam lựa chọn gói cước và nhà cung cấp dịch vụ phù hợp. Đây đồng thời sẽ là một kênh ghi nhận, phản ánh đến doanh nghiệp viễn thông để các nhà mạng duy trì, đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ.
Sửa xong cáp quang biển AAG, Internet đi quốc tế trở lại bình thường Tuyến cáp quang biển quốc tế AAG hiện đã hoàn thành công tác sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra sáng 19/7. Từ chiều qua, ngày 31/7, thông tin đi quốc tế qua nhánh S1H của tuyến cáp biển này đã khôi phục hoàn toàn. Lần gặp sự cố vào 4h ngày 19/7 trên phân đoạn S1H, nhánh Việt Nam từ trạm...