Cập nhật: Hàng loạt trường ĐH cho sinh viên nghỉ vô thời hạn
Các trường ĐH, Học viện trên cả nước đã tiếp tục có những thông báo mới nhất về thời gian đi học trở lại cho học sinh, sinh viên.
Với tình hình dịch bệnh phức tạp, số ca nhiễm Covid-19 mới tăng lên mỗi ngày, nhiều trường Đại học, Học viện trên cả nước đã chính thức gửi thông báo khẩn kéo dài thời gian tạm nghỉ học tập trung tại trường. Đồng thời tiếp tục cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đang theo học tiếp tục nghỉ ở nhà và tham gia hình thức học tập – giảng dạy trực tuyến. Đến ngày 14/4, nhiều trường Đại học tiếp tục cho sinh viên nghỉ sang đầu tháng 5, danh sách cập nhật như sau:
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Ban Giám đốc Học viện quyết định tiếp tục dừng việc giảng dạy, học tập của tất cả các hệ lớp trong toàn hệ thống Học viện đến hết ngày Chủ nhật 03/5/2020. Thời gian giảng dạy và học tập trở lại từ Thứ hai ngày 04/5/2020.
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM
Hiệu trưởng đã chính thức quyết định cho Giảng viên, học viên, sinh viên trong toàn Trường được nghỉ cho đến khi có thông báo mới về lịch học cho Học kỳ II năm học 2019-2020. Trong thời gian nghỉ Giảng viên, sinh viên vẫn tiếp tục thực hiện giảng dạy, học tập online – trực tuyến, học tập qua tài liệu, giáo trình, bài giảng do giảng viên gửi đến sinh viên.
Trường ĐH Luật Hà Nội
Theo thông báo mới nhất, sinh viên, học viên các bậc, các hệ đào tạo vẫn tiếp tục triển khai giảng dạy trực tuyến E-learning từ ngày 13/4 đến hết ngày 03/5/2020. Các khoá đào tạo sau đại học tại các đơn vị liên kết ở địa phương tạm thời vẫn nghỉ học đến hết ngày 03/5/2020.
Video đang HOT
Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội
Nhà trường đã có thông báo về việc kéo dài thời gian nghỉ của học viên, sinh viên và điều chỉnh kế hoạch đào tạo học kỳ II. Cụ thể, toàn bộ sinh viên sẽ tiếp tục học trực tuyến đến hết ngày 10/5 (thời điểm kết thúc học Kỳ II năm học 2019-2020) nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe của cả trường.
Trường ĐH Phú Xuân
Thầy Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Phú Xuân đã quyết định cho sinh viên nghỉ học tập trung đến hết tháng 8. Bên cạnh đó, trường sẽ hỗ trợ mỗi sinh viên 2 triệu đồng để mua máy tính, số tiền này sẽ được giảm trừ trực tiếp vào học phí học kì hè.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM
Trước tình hình ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban Giám hiệu nhà trường thông báo sinh viên nghỉ học đến hết ngày 03/05/2020. Nhà trường cũng khuyến cáo sinh viên nên chủ động tìm hiểu các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (mang khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn nhanh, hạn chế đi ra ngoài, tụ tập nơi đông người.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH)
Để đảm bảo an toàn cho sinh viên và cán bộ, giảng viên, nhân viên (CB-GV-NV), HUTECH quyết định tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học của sinh viên đến hết ngày 3/5/2020; kế hoạch đào tạo học kỳ II năm học 2019-2020 (bao gồm cả học và thi) sẽ bắt đầu từ ngày 04/5/2020 và kết thúc vào ngày 27/9/2020 để đảm bảo thời gian, khối lượng kiến thức, nội dung và chất lượng đào tạo.
Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF)
Nhà trường tiếp tục cho học viên, sinh viên nghỉ học đến hết ngày 03/05/2020 nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho học viên, sinh viên và cán bộ, giảng viên, nhân viên toàn trường trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.
Diệu Thu
Giảng viên trong mùa dịch Covid-19: Nhớ sinh viên, 'thèm' đứng lớp lắm rồi!
Tiếp tục nghỉ thêm 2 tuần để tránh dịch Covid-19, nhiều giảng viên cho biết mình cảm thấy nhớ da diết cảnh điểm danh, những màn tranh luận đỏ mặt, cùng sự nhí nhố đáng yêu của sinh viên trên giảng đường.
Thạc sĩ Châu Thế Hữu (giữa, đeo kính) bên sinh viên - NVCC
"Nhớ tụi nhỏ quá"
Thạc sĩ Nguyễn Thiện Thanh, giảng viên ngành cảnh quan và kỹ thuật hoa viên, Khoa Môi trường tài nguyên của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết đây là kỳ nghỉ dài nhất từ trước tới giờ của mình. "Nghỉ lâu thấy nhớ tụi nhỏ quá. Công việc hằng ngày của giảng viên tụi mình là gắn với sinh viên, ngày nào cũng gặp gỡ, chia sẻ, nhất là mình còn làm thêm công tác đoàn hội. Nhớ cảnh lên giảng đường chia sẻ kiến thức cũng như nhiều câu chuyện vui buồn trong cuộc sống, rồi cảnh dẫn sinh viên đi thực tập, kiến tập xa... vui lắm. Mình nhớ cả những tình huống tranh luận theo chủ đề trong các tiết học, các em mặt đỏ rần quyết bảo vệ chính kiến, tạo cho mình sự hứng thú và cảm xúc vô cùng thú vị", thạc sĩ Thanh kể. Điều mong muốn nhất lúc này của thầy Thanh là muốn dịch Covid-19 nhanh chóng bị khống chế để sinh viên và giảng viên được trở lại trường sớm nhất.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoàn, giảng viên khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng không giấu được tâm trạng nhớ giảng đường, nhớ học trò. "Nhớ nhất là những tiết giảng sinh viên thảo luận sôi nổi, tương tác với nhau, làm việc nhóm để đưa ra cách giải quyết tốt nhất cho các tình huống mà giảng viên đưa ra. Nhìn sinh viên hào hứng, nhí nhố và nhiệt tình, mình như được truyền thêm cảm hứng mỗi lần lên giảng đường. Mấy ngày nay nghỉ học nhớ trường, nhớ các em lắm", tiến sĩ Hoàn chia sẻ.
Giảng viên Nguyễn Minh Trí nhớ trường, nhớ sinh viên vì kỳ nghỉ dài không được đứng lớp - NVCC
Trong khi đó, Nguyễn Minh Trí, giảng viên môn tiếng Anh, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cảm thấy trống vắng khi dịch Covid-19 khiến 2 tháng mình không được đứng lớp. Trí bày tỏ: "Nhớ sinh viên lắm chứ. Nhất là mấy lúc điểm danh, các cô cậu toàn lén lén chui vào bằng cửa sau và bẽn lẽn vào chỗ ngồi, hoặc những khi các bạn đi trễ và xin điểm danh lại với vô vàn lý do như đưa bà ngoại đi khám bệnh, bận đám giỗ, thậm chí là vì... thất tình hay đi làm phù dâu... làm mình không nhịn được cười. Nhớ cảnh tụi nhỏ "ăn vụng" bánh tráng trong giảng đường, bị mình nhắc, thế mà hôm sau lại mua một bịch thật to tặng thầy...".
Vẫn làm việc để chuẩn bị cho học kỳ mới
Dù được nghỉ để tránh dịch Covid-19 nhưng do trường triển khai hình thức học online trên hệ thống E-Learning trong 3 tuần sắp tới nên giảng viên Nguyễn Minh Trí đang khẩn trương cập nhật tài liệu môn học, giáo trình, bài giảng, các video hướng dẫn lên hệ thống để sinh viên có thể truy cập và tự học tập, nghiên cứu với sự hướng dẫn từ xa của giảng viên.
Hiện thầy Trí vẫn đang dạy lớp online kèm 1-1, đồng thời tổ chức các cuộc thảo luận online bằng giao diện ZOOM trên hệ thống của trường để trao đổi những vấn đề cần thiết với sinh viên. Theo Trí, tuy gặp phải nhiều khó khăn về tương tác giảng dạy, nhưng đây cũng là dịp các trường khai thác hệ thống giảng dạy trực tuyến, cũng là một xu hướng mới trên thế giới nhằm xóa mờ khoảng cách địa lý trong giáo dục. Mặt tích cực là sinh viên có thể học ở mọi nơi chỉ với kết nối internet và một cái tai nghe, không phải di chuyển quá nhiều tốn thời gian và bị ảnh hưởng bởi khói bụi hay kẹt xe.
Với thạc sĩ Châu Thế Hữu, giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, lúc đầu được nghỉ để phòng chống dịch Covid-19 thì cảm thấy mừng vì có thêm một chút thời gian cho gia đình và những việc cá nhân chưa làm được trong tết, nhưng khi thời gian nghỉ càng lâu, lại thấy lo lắng nhiều hơn. Thạc sĩ Hữu cho hay: "Mình lo sinh viên nghỉ lâu quá dễ quên kiến thức và tâm lý thụ động khi trở lại học tập cũng sẽ tăng cao. Bản thân mình cũng thấy bứt rứt lắm rồi, muốn trở lại giảng đường để tiếp tục công việc. Những ngày nghỉ này mình chuẩn bị cho học kỳ mới như làm danh sách lớp, hướng dẫn sinh viên thực tập... Ngoài ra, nghiên cứu và viết các báo cáo, tham luận khoa học, soạn thảo đề cương môn học và chương trình đào tạo...".
Giảng viên Châu Thế Hữu mong sớm đi dạy lại vì lo sinh viên quên kiến thức - NVCC
Thạc sĩ Châu Thế Hữu còn chủ động tương tác với sinh viên trên Facebook, lập group theo môn học để các bạn có thể ôn tập và tìm hiểu một phần kiến thức. "Xét ở góc độ giảng dạy thì mình thấy đợt nghỉ tránh Covid-19 này cũng là một thách thức cho những trường chưa có hoặc chưa hoàn thiện hệ thống đào tạo online. Dù rằng, có những trải nghiệm trên lớp mà việc giảng dạy online khó có thể thay thế được, ví dụ như việc tương tác bằng lời nói, gương mặt với người học, việc tổ chức trò chơi, hoạt động làm việc nhóm... Không khí sôi nổi với tiếng cười, lời nói ồn ào và cả những gương mặt lo âu, khó có thể tìm được những cảm nhận đó nếu không đến trường, đến lớp", thạc sĩ Hữu nhìn nhận.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoàn cho rằng trong thời gian nghỉ tránh dịch Covid-19 này cô cũng đang kiểm tra lại đề cương chi tiết các môn học, họp chuyên môn chuẩn bị cho học kỳ 2, làm công tác biên soạn giáo trình cho năm học tiếp theo...
Theo Thanh niên
Thêm nhiều ngành mới tuyển sinh trong năm 2020 Nhiều ngành học mới dự kiến được mở ra trong đợt tuyển sinh năm 2020. Cùng với việc mở mới, một số ngành học sẽ được điều chỉnh về cách thức tuyển sinh hoặc dừng tuyển do nhiều năm không đủ sinh viên. Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn TP.HCM...