Cấp giấy chứng nhận cho học sinh trượt tốt nghiệp: Thừa và chồng chéo?
Theo Dự thảo Luật Giáo dục, học sinh học hết chương trình trung học phổ thông nếu đủ điều kiện dự thi nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận.
Theo Dự thảo Luật Giáo dục, học sinh trượt tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam )
Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông nếu đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Đây là điểm rất mới được quy định tại Điều 32, Dự thảo Luật Giáo dục. Tuy nhiên, vấn đề này đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.
Chồng chéo với học bạ?
Theo ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), thực chất, từ nhiều năm nay, học sinh sau khi học xong chương trình lớp 12 đã có chứng nhận hoàn thành, đó là trong học bạ. Học sinh phải học xong chương trình lớp 12 mới được dự thi tốt nghiệp. Trước khi thi tốt nghiệp, các em cũng đã phải làm các bài kiểm tra hết môn và điểm số được ghi học bạ. Việc thi chỉ để xét cấp bằng tốt nghiệp.
“Giấy chứng nhận tốt nghiệp cũng sẽ chỉ có giá trị trong nước. Vì vậy, nếu bên cạnh học bạ lại cấp thêm giấy chứng nhận sẽ là thừa,” ông Khang nói.
Đây cũng là quan điểm của ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội). “Theo quy định hiện hành, nếu học sinh học hết chương trình lớp 12 thì sẽ được ghi vào học bạ là hoàn thành chương trình. Nếu có thêm giấy chứng nhận nữa thì sẽ chồng chéo,” ông Hòa phân tích.
Lãnh đạo các trường cũng cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình chỉ nên có nếu không còn duy trì kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đồng tình với Dự thảo Luật Giáo dục. Theo tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình là việc “nên làm từ rất lâu” vì việc “học xong được cấp chứng nhận là điều tất yếu” và “với những công việc không yêu cầu phải tốt nghiệp trung học phổ thông thì giấy chứng nhận đó hoàn toàn có giá trị, không cần bắt học sinh phải tốt nghiệp.”
Ông Lâm cũng cho rằng việc có thêm giấy chứng nhận hoàn thành chương trình sẽ giúp giảm bớt áp lực đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông với tỷ lệ cao, không phản ánh đúng chất lượng giáo dục và thực sự không khích lệ học sinh học tập như hiện nay.
Một số ý kiến cho rằng việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông sẽ chồng chéo với học bạ. (Ảnh: PV/Vietnam )
Video đang HOT
Cần làm rõ giá trị
Không chỉ lo ngại về việc cần hay không cần giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông như Dự thảo Luật Giáo dục đưa ra, các chuyên gia cũng đặt câu hỏi về giá trị của giấy chứng nhận đến đâu, khác gì so với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông?
Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, Dự thảo Luật cần nêu rõ giấy chứng nhận khác gì với bằng tốt nghiệp về giá trị sử dụng, với học sinh được cấp bằng tốt nghiệp thì bằng đó giá trị khác như thế nào, hơn thế nào?
Đây cũng là băn khoăn của ông Nguyễn Văn Hòa. “Tôi cho rằng cần phải làm rõ ranh giới giữa giấy chứng nhận và bằng tốt nghiệp,” ông Hòa kiến nghị.
Tiến sỹ Nguyễn Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thậm chí kiến nghị phải làm rõ ba mức độ: học sinh học chương trình lớp 12, hoàn thành chương trình và tốt nghiệp trung học phổ thông. “Có những em chỉ học cho có nhưng không đảm bảo chất lượng để hoàn thành chương trình, càng không đủ năng lực để đỗ tốt nghiệp. Không phải cứ học sinh học đến lớp 12 là được chứng nhận hoàn thành chương trình,” ông Khuyến nói.
Ông Khuyến cũng cho rằng việc giao quyền cấp giấy chứng nhận cho hiệu trưởng các trường trung học phổ thông là phù hợp.
Cùng quan điểm này, tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, hiệu trưởng là người sẽ nắm rõ chất lượng đào tạo của trường, chất lượng học tập của học sinh, nên có thể cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình. “Khi đó, giấy chứng nhận sẽ gắn liền với thương hiệu của trường và hiệu trưởng sẽ phải có trách nhiệm với việc cấp giấy này,” ông Lâm phân tích.
Theo dự kiến, Dự thảo Luật Giáo dục sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2019./.
Phạm Mai
Theo vietnamplus
Những đề xuất "táo bạo" về bỏ biên chế giáo viên và đào tạo sư phạm
Có ý kiến cho rằng, nên bỏ biên chế vĩnh viễn với cán bộ quản lý và giáo viên công lập, đào tạo giáo viên nên điều chỉnh theo hướng xác định quota...
Chính phủ đang thực hiện giảm biên chế theo lộ trình và ngành Giáo dục cũng không đứng ngoài cuộc. Bộ đang trình Chính phủ và Quốc hội xem xét việc nâng cao đời sống của giáo viên cũng như xem lại đào tạo sư phạm.
Những vấn đề này được đưa ra thảo luận tại Hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) doỦy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức sáng 24/8.
Nên bỏ biên chế vĩnh viễn với cán bộ quản lý và giáo viên công lập
Góp ý chính sách đối với nhà giáo, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie khẳng định: Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nếu luật hóa được điều này sẽ có ý nghĩa tôn vinh nhà giáo rất lớn.
Ông Nguyễn Xuân Khang đề xuất nên bỏ biên chế vĩnh viễn với cán bộ quản lý và giáo viên công lập
Tuy nhiên, việc ưu đãi đó trong bối cảnh hiện nay không cải thiện đươc nhiều cuộc sống của nhà giáo. Thực tế, lương hành chính sự nghiệp công lập của nước ta rất thấp, người lao động không sống được bằng lương. Giáo viên công lập cũng trong tình trạng đó. Nguyên nhân căn bản của tình trạng này là năng suất lao động của người Việt Nam quá thấp.
"Chính sách không vẽ ra được tiền. Chỉ có năng suất lao động mới tạo ra của cải vật chất và tiền bạc.
Cũng như các ngành khác, ngành giáo dục phải cơ cấu lại hệ thống các trường công lập, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên; giảm biên chế thừa; cho nghỉ việc những người năng lực yếu kém... Làm được việc này năng suất lao động sẽ tăng, lương nhà giáo sẽ tăng, cuộc sống nhà giáo sẽ ổn định bền vững. Không cần chính sách ưu đãi kiên cường nào khác", ông Khang nhấn mạnh.
Để nâng cao hiệu quả giảng dạy của giáo viên, ông Khang cũng đề xuất bỏ biên chế vĩnh viễn. Nên bỏ "biên chế" như hiện nay đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên công lập. Tất cả đều thực hiện chế độ "Hợp đồng lao động" có thời hạn. Bởi như vậy thì người lao động có động lực để nâng cao năng lực và phẩm chất, có ý thức hoàn thành tốt nhiệm vụ, khắc phục tình trạng ỷ lại, ăn bám, dựa dẫm...
Việc khó nhất hiện nay là giải quyết hậu quả của hàng chục năm trước để lại. Biên chế công chức, viên chức quá lớn; người làm được việc thì ít, người yếu kém thì nhiều. Tâm lý bám vào Nhà nước còn đang nặng nề".
Khó đến mấy cũng phải làm bằng được. Cần có những điều luật để làm căn cứ giải quyết vấn đề này. Trên cơ sở đó Chính phủ xây dựng lộ trình triển khai thực hiện trong 5 hoặc 10 năm tới.
Ông Nguyễn Xuân Khang lấy dẫn chứng sự việc hơn 400 giáo viên bị cắt hợp đồng ở huyện Thanh Oai, Hà Nội mới đây và đánh giá câu chuyện vừa đúng nhưng vừa đau.
"Tôi thấy đau nhưng tôi còn thấy đúng. Nhưng phải chịu đau, vì nó là hậu quả của nhiều năm về trước".
Đề cập chính sách đối với giáo viên, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm: Không nên quy định cứng tỷ lệ giáo viên/lớp mà quy định theo hướng xác định khối lượng công việc mà nhà trường cần thực hiện để đảm bảo mỗi học sinh đáp ứng được chuẩn đầu ra hoặc chương trình giáo dục. Quy định như vậy sẽ mở hơn, tạo thuận lợi cho các trường chủ động hơn. Tất nhiên cũng sẽ khó khăn hơn trong việc thực hiện giám sát của cơ quan quản lý.
Điều chỉnh theo hướng xác định quota trong đào tạo giáo viên
Về chính sách đối với sinh viên sư phạm và đào tạo sư phạm, ông Nguyễn Xuân Khang nêu quan điểm, gần đây có ý kiến thay bằng chính sách "tín dụng sư phạm": Sinh viên sư phạm được vay tiền để nộp học phí và trang trải chi phí ăn ở trong quá trình học tập, sau khi tốt nghiệp nếu làm được việc trong ngành giáo dục được một số năm nào đó thì được xóa nợ.
Đó là một sáng kiến thay thế chính sách miễn tiền học phí cho sinh viên sư phạm lâu nay. Tuy nhiên, tính hiệu quả của chính sách tín dụng sư phạm thật đáng nghi ngờ.
Có ý kiến đề xuất, thay vì đào tạo sư phạm theo nhu cầu và phân công thì nên điều chỉnh theo hướng xác định quota trong đào tạo giáo viên (ảnh minh họa)
Bởi nguyên nhân cơ bản để người ta chọn ngành sư phạm hay không là ở chỗ tốt nghiệp sư phạm có việc làm hay không và lương giáo viên có đủ sống hay không?
Nếu giải quyết được 2 câu hỏi đó một cách thỏa đáng thì ngành sư phạm thực sự sẽ có sức hút rất lớn, người ta sẽ tự xoay xở để có tiền đi học sư phạm.
Vì vậy, theo ông Khang không cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt cho sinh viên sư phạm (như miễn học phí hay tín dụng sư phạm).
Đối với đào tạo sư phạm, GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho rằng, việc đào tạo thường cần 4 năm trong khi việc xác định nhu cầu luôn xác định cho hiện tại, các dự báo về nhu cầu thường có độ chính xác không cao. Vì vậy, thay vì đào tạo sư phạm theo nhu cầu và phân công thì nên điều chỉnh theo hướng xác định quota (hạn ngạch) trong đào tạo giáo viên.
Ví dụ Bộ GD-ĐT tập hợp nhu cầu giáo viên của từng năm, từng thời điểm xác định quota. Sau đó tổ chức thi quốc gia lấy giấy phép hành nghề giáo viên. Như vậy, sẽ tách việc đào tạo ra khỏi việc hành nghề. Khi đó, uy tín và trách nhiệm của các trường sẽ bị ảnh hưởng nếu sinh viên của mình đào tạo ra không đáp ứng được tiêu chuẩn hành nghề.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh, việc tách đào tạo khỏi hành nghề sẽ giải quyết cả về vấn đề tài chính sư phạm. Nếu chỉ thuần túy chuyển đổi từ miễn phí sư phạm sang tín dụng sư phạm thì cũng khó giúp nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm. Giải pháp căn bản ở đây phải là quỹ học bổng sư phạm. Những thí sinh giỏi có thể được cấp học bổng sư phạm chứ không hỗ trợ học phí sư phạm trực tiếp cho các trường. Chính sách về quỹ học bổng và học bổng sư phạm giúp giải quyết việc chỉ những người thực sự quan tâm và giỏi mới đăng ký vào học bổng đó.
Tín dụng sư phạm vẫn tạo động lực về tài chính cho sinh viên cho dù họ có thể được miễn khi làm giáo viên trong tương lai và đặc biệt do những lý do khách quan mà những người học sư phạm không thể hành nghề giáo viên. Chính điều này tạo sự bất bình giữa các ngành nghề đào tạo.
PGS.TS Đặng Bá Lãm, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Khoa học giáo dục đưa ra nhận xét, đào tạo sư phạm hiện nay vẫn nhẹ về đào tạo đạo đức giáo viên, kỹ năng sư phạm.
"Chúng ta cần thay đổi trong đào tạo sư phạm, phải hút được người giỏi vào sư phạm, ví dụ ai giỏi nhạc, họa, thể thao... đều có thể trở thành giáo viên sau khi tham gia lớp chứng chỉ sư phạm. Như vậy sẽ "chiêu hiền đãi sĩ" được cho ngành sư phạm", PGS.TS Đặng Bá Lãm nêu ý kiến./.
Theo vov.vn
Nâng chuẩn trình độ của giáo viên: Coi chừng cuộc chạy đua bằng cấp Việc nâng chuẩn trình độ của giáo viên ở các cấp học có thể diễn ra cuộc "chạy đua" bằng cấp với quy mô lớn, rất khó kiểm soát. Chính phủ vừa gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về Kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Một trong những điều đáng...