Cấp cứu người cao tuổi: Làm sao cho đúng?
“Mẹ già như chuối chín cây”… Tết đến xuân về “mẹ tôi lại thêm một tuổi”. Thêm tuổi và cũng thêm vào lòng mỗi người con, người cháu nỗi lo sức khỏe tuổi già của ông bà, cha mẹ, nhất là với những người già đang sẵn mang những căn bệnh mạn tính.
Làm thế nào để xử trí với những tai biến nguy hiểm? Làm thế nào để người cao tuổi được cấp cứu kịp thời tại gia đình trong ngày Tết trước khi được chuyển đến bệnh viện?
Già không phải là bệnh nhưng già tạo điều kiện cho bệnh dễ phát sinh và phát triển vì khả năng đề kháng và miễn dịch dần dần suy giảm. Các triệu chứng bệnh thường ít điển hình nên chẩn đoán thường khó khăn, dễ có cơn bột phát. Hơn nữa, người già có thể đồng thời mắc nhiều bệnh nên bệnh cảnh đa dạng, khó xác định được bệnh chính. Bệnh dễ có diễn biến bất thường, dễ có các biến chứng (có thể để lại di chứng hoặc tàn tật), quá trình phục hồi thường kéo dài… Nói chung, các trường hợp cấp cứu ở người già thường nặng hơn, do đó, việc chữa trị phải kịp thời và cần được theo dõi chặt chẽ.
Những bệnh cấp cứu hay gặp ở người cao tuổi
Bệnh về tim mạch: tai biến mạch máu não, tai biến mạch vành tim, biến chứng của bệnh tăng huyết áp, suy tim cấp.
Bệnh hô hấp: viêm phổi cấp, cơn hen phế quản cấp tính, ho ra máu (do giãn phế quản, lao phổi, ung thư phế quản, do bệnh tim, bệnh máu): tắc thở do trào tắc (nôn mửa nhiều trào tắc khí quản).
Bệnh về tiêu hóa: chảy máu trong hoặc nôn ra máu (do loét dạ dày, ung thư), ngộ độc ăn uống (nhiễm độc cấp, rượu…), đau bụng cấp (do bệnh dạ dày, gan mật, tắc ruột, viêm tụy cấp), tiêu chảy cấp (do nhiễm khuẩn, nhiễm độc), dị vật thực quản (do nuốt vật rắn, hóc xương, răng giả).
Bệnh tâm thần kinh: cơn kích động, cơn động kinh, hôn mê, liệt (do trung ương hay ngoại vi), rối loạn tiền đình nặng.
Ngoài ra còn gặp những chấn thương do: chảy máu, gãy xương, sai khớp, tổn thương não tủy, choáng và các tai nạn khác như: hôn mê do đái tháo đường, ngộ độc thuốc, ngộ độc khí đốt (bếp gas), đuối nước, bỏng (lửa, axít, kiềm).
Video đang HOT
Người cao tuổi hay mắc phải bệnh tim mạch
Những điều cần chú ý khi sơ cứu tại nhà
Các trường hợp cấp cứu xảy ra tại nhà trong khi chưa có cán bộ y tế đến để chuyển tới bệnh viện thì việc sơ cứu ban đầu tại chỗ có ý nghĩa rất quan trọng vì sơ cứu đúng làm bệnh tạm ổn định, sơ cứu không đúng có thể gây nguy kịch thêm và dẫn đến tử vong.
Những điều không được làm
Vội vã cõng vác người bệnh trong khi họ đang cần nằm thật yên tĩnh; Đè bệnh nhân ra để xoa bóp, day huyệt, đánh gió trong lúc chưa rõ bệnh; Vội vàng làm hô hấp nhân tạo, xoa bóp ngoài tim không đúng chỉ định; Cho tiêm hoặc uống thuốc trong khi chưa rõ bệnh, chưa có hướng dẫn của thầy thuốc; Tập trung đông người gây ồn ào, ngột ngạt và làm người bệnh thêm lo sợ.
Những điều cần làm
Bình tĩnh, đặt người bệnh nằm yên tĩnh ngay tại chỗ, nới bớt thắt lưng, quần áo, tránh lạnh và gió lùa; Động viên người bệnh yên tâm không quá hoảng sợ; Tìm mọi cách gọi y tế nhanh nhất để xử lý đúng và kịp thời. Giải quyết các chất thải sạch sẽ, trường hợp nghi ngộ độc, giữ thức ăn thừa hoặc thuốc để nghiên cứu hoặc giữ lại ít chất thải (nôn, phân, máu…) để làm xét nghiệm nếu cần thiết. Nếu do chấn thương gây chảy máu, gãy xương thì tạm thời sơ cứu bằng cách băng bó, ga rô, nẹp.
Những điều có thể làm (trong điều kiện cho phép):
Đếm mạch, đo huyết áp, lấy nhiệt độ (nếu có sốt); Hà hơi thổi ngạt và xoa bóp ngoài tim khi không còn mạch; Sử dụng loại thuốc đã biết và đã sử dụng quen ở các lần xảy ra cấp cứu trước đây (hôn mê do bệnh đái tháo đường, cơn hen phế quản cấp, cơn đau thắt ngực…).
Nói chung, khi xảy ra các trường hợp cần cấp cứu, trong khi chờ cán bộ y tế đến, trước hết phải bình tĩnh vì càng cuống, càng vội vã càng dễ phạm sai lầm. Không tự tiện xử lý không đúng nguyên tắc. Việc xử trí tiếp hay vận chuyển đi đâu, bằng cách gì do cấp cứu y tế quyết định, cho nên phải tìm cách gọi cấp cứu đến nhanh nhất.
Theo PGS.TS. Dương Xuân Đạm (Sức khỏe & Đời sống)
Bệnh dễ "vận vào người" trong mùa đông
Vào mùa đông lạnh giá, nhiều bệnh nhân có các bệnh mạn tính như tim mạch, hen suyễn, nổi mề đay... lại phát nặng.
Vì vậy, hiểu biết về ảnh hưởng của thời tiết lạnh với bệnh tật sẽ giúp ích nhiều cho chúng ta phòng tránh và chăm sóc người thân có bệnh mạn tính tốt hơn, nhất là trong dịp đón xuân.
Bệnh tim mạch
Khi thời tiết thay đổi lạnh quá sẽ tăng nguy cơ suy tim một cách đáng kể. Một nghiên cứu ở Anh cho biết, mỗi khi mùa đông tới thì cơn suy tim tăng cao hơn so với mùa hè tới 50%. Ở người trung niên, khi nhiệt độ giảm 10 độ thì nguy cơ tăng 13%. Khi trời lạnh, nhiệt độ giảm thì huyết áp tăng lên từ 12 - 18mmHg, với người khỏe mạnh thì không sao, nhưng với người đã bị tăng huyết áp thì số tăng này là đáng kể. Khi nhiệt độ giảm cũng làm máu đặc hơn vì các thành phần của máu như tiểu cầu, hồng huyết cầu, fi brinogen, cholesterol tăng lên, khi đó sự hình thành cục máu đông dễ xảy ra làm tăng nguy cơ nghẹt mạch máu ở tim (nhồi máu cơ tim), não (tai biến mạch máu não) và phổi (thuyên tắc mạch phổi). Bệnh nhân bị bệnh động mạch vành thường hay bị chứng đau thắt tim khi tiếp xúc với thời tiết lạnh và dễ đưa tới cơn suy tim khi gắng sức.
Mạch vành bị xơ vữa.
Bệnh hô hấp
Với những bệnh nhân hen suyễn, họ đều có kinh nghiệm nhất định khi thời tiết đổi lạnh. Cơn lạnh làm khí quản của họ co thắt, sự lưu thông của không khí bị trở ngại và cơn suyễn dễ xảy ra hơn, khó thở nhiều hơn, nhất là khi gió thổi mạnh. Ở các vùng có sương mù dày đặc thì các cơn viêm phế quản cũng trầm trọng hơn. Bác sĩ chuyên khoa dị ứng Majed Koleilat cũng nhận thấy người bị suyễn thường gặp nhiều rủi ro hơn mỗi khi trời lạnh, gió mạnh, áp suất không khí lên cao.
Bệnh nhức nửa đầu Migraine
Nghiên cứu của Trung tâm điều trị nhức đầu ở Stanforf, Connecticutt, Mỹ cho biết: 51% bệnh nhân bị nhức đầu khi thời tiết thay đổi; 62% cảm thấy là có nhức đầu khi quá lạnh, quá khô hoặc quá ẩm ướt.
Bệnh đau nhức xương khớp
Nhiều bệnh nhân viêm xương khớp nói là họ thường cảm thấy cơn đau mỗi khi thời tiết thay đổi, hoặc có thể tiên đoán thời tiết sẽ ra sao khi xương đau, khớp nhức. ây là những người mẫn cảm với mưa, lạnh hoặc thay đổi thời tiết. Một số nghiên cứu cho biết: 70% dân chúng có kinh nghiệm tương tự, nhất là ở giới phụ nữ.
Bị lạnh nhiều cũng có thể gây trầm cảm.
BS. Terrence Starz, Giám đốc Trung tâm viêm khớp, Đại học Pittsburgh khuyên, vào mùa đông nên giữ thân thể ấm áp, tránh công việc quá sức ngoài trời lạnh.
Dị ứng lạnh
Khi gặp thời tiết lạnh, nhiều người bị dị ứng ngứa khắp da. Nguyên nhân là do khi tiếp xúc với lạnh, kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều chất histamin và các hóa chất hệ thống miễn dịch khác vào da gây mẩn đỏ, ngứa...
Lạnh cóng
Tổn thương gây ra do lạnh giá. Lạnh cóng làm mất cảm giác tạm thời hay vĩnh viễn ở bộ phận bị thương tổn. Vị trí thường gặp là mũi, tai, má, cằm, ngón tay, ngón chân là những nơi hay bị lạnh cóng nhiều nhất. Nguy cơ lạnh cóng tăng lên nếu máu bị cản trở hoặc không mặc quần áo đủ ấm khi trời giá lạnh. Thương tổn do lạnh giá có thể ở ngoài da hoặc nằm sâu trong tế bào dưới da. Khi nông thì da hơi đau, tái, cứng trong khi đó tế bào bên dưới lại mềm. Chứng lạnh cóng cũng là một trường hợp cấp cứu, cần được cấp cứu tại bệnh viện.
Trầm cảm
Một rủi ro của mùa đông, tuy không hiểm nghèo nhưng cũng làm trạng thái tinh thần của nhiều người trầm xuống, đó là "nỗi buồn mùa đông" (Blues Winter). Thông thường tâm trạng trầm buồn này xảy ra vào cùng một thời gian hàng năm, từ đầu tháng 10 tới tháng 3, trầm trọng nhất là vào tháng giêng, tháng 2. Đây là thời gian mà ngày ngắn, đêm dài.
Lý giải cho hiện tượng này, người ta cho rằng trong thời tiết giá lạnh, chất serotonin trong não bộ thấp, mà ít serotonin là lý do khiến con người trầm buồn. Người mang "nỗi buồn mùa đông" có tất cả các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Điều trị bệnh thường dùng ánh sáng nhân tạo với các ngọn đèn đặc biệt.
Chăm sóc và phòng tránh lạnh
Cách chăm sóc cho bệnh nhân và phòng bệnh hiệu quả bao gồm: chăm lo cho người bệnh, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi mặc quần áo đủ ấm; nếu có điều kiện, nhà ở cần được trang bị điều hòa hai chiều nóng lạnh để sử dụng trong mùa đông; nên che kín cửa sổ ở hướng gió lạnh lùa vào nhà như hướng Bắc, Đông Bắc; mọi người, nhất là bệnh nhân cần được ăn uống đủ chất dinh dưỡng; không uống nhiều rượu bia khi trời lạnh; cần điều trị tích cực các bệnh mạn tính về tim, gan, tuyến giáp, bệnh nhiễm khuẩn; tránh dùng các loại thuốc gây hạ thân nhiệt; hạn chế hoặc không để cho người cao tuổi và trẻ em ở ngoài lạnh quá lâu; các tổ chức xã hội cần quan tâm chăm sóc đối với người già cả, sống cô đơn.
Theo ThS. NGUYỄN HOÀNG LAN (Sức khỏe & Đời sống)
Phòng bệnh cho trẻ khi trời chuyển lạnh Gần 2 tuần qua, nhiệt độ miền Bắc giảm sâu khiến không chỉ người già, trẻ con mà người khỏe mạnh cũng đổ bệnh. Đặc biệt, số lượng bệnh hô hấp cũng tăng vọt. Tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, dù có tới hơn 40 phòng khám nhi nhưng chỗ nào cũng đông nghẹt phụ huynh thấp thỏm đứng, ngồi bế con...