Cạnh tranh huy động vốn không kỳ hạn
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) đua huy động kỳ hạn dài bằng lãi suất cao, một số NHTM có vốn nhà nước lại định hướng tìm nguồn vốn giá rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, hiện nay vị thế tỷ lệ vốn không kỳ hạn trong tổng huy động ( CASA) đã có sự thay đổi, khi những NHTM có vốn nhà nước đang chịu sự cạnh tranh của các NHTMCP.
Chiến lược hút vốn không kỳ hạn của Techcombank là phát triển thẻ ghi nợ nhưng giảm nhiều loại phí để giữ chân khách hàng bỏ tiền vào thẻ.
Nỗ lực của NHTMCP
Thông tin được công bố từ Techcombank cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, NH này vẫn duy trì được tỷ lệ lãi cận biên (NIM) tốt, đạt mức 4,2% (cao hơn mức trung bình 3,3% của toàn ngành).
Theo lãnh đạo Techcombank, tỷ lệ NIM này được duy trì nhờ tập trung chuyển dịch sang cho vay bán lẻ, đặc biệt chú trọng phát triển theo các chuỗi giá trị để nâng cao tỷ lệ CASA, qua đó giảm dần chi phí vốn cho NH. Số liệu cho thấy huy động vốn trong 3 năm qua chỉ tăng trưởng khoảng 8%, nhưng CASA tăng trưởng cao hơn, đẩy tỷ trọng CASA trong tổng huy động tăng từ 22,7% lên mức 30,4% trong 6 tháng đầu năm 2019.
Trước đây, lợi thế huy động tiền gửi không kỳ hạn thuộc về các NHTM có vốn nhà nước, do có được nguồn tiền gửi dồi dào từ các tập đoàn, tổng công ty lớn. Những năm gần đây, một số NHTMCP quy mô lớn bắt đầu quan tâm hơn đến việc huy động tiền gửi không kỳ hạn để giải tỏa áp lực phải giữ lãi suất cạnh tranh so với các nhà băng khác và dần vươn lên đầu bảng về tỷ lệ CASA.
Năm 2018, CASA toàn ngành có sự suy giảm nhẹ từ mức 18,7% đầu năm về 18,2% vào cuối năm. Tuy nhiên, MB vẫn giữ được mức CASA cao nhất với 33,5%. Theo sau là NH sở hữu cơ cấu tiền gửi mạnh Vietcombank với CASA giữ ổn định quanh trên mức 28%, và Techcombank với tỷ lệ 27%.
Đến cuối quý II-2019, xét về lượng tiền gửi không kỳ hạn, Vietcombank vẫn đứng đầu hệ thống với lượng tiền gửi bao gồm cả VNĐ và ngoại tệ đạt 239.500 tỷ đồng, tăng 5,5% so với đầu năm. Vị trí thứ 2 thuộc về BIDV với 152.000 tỷ đồng, kế đó là Vietinbank với 121.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, xét về tỷ lệ CASA, Vietcombank với mức 27,49% lại xếp sau cả Techcombank. Trong khi đó, MB vẫn giữ vị trí đầu bảng với mức 33%. Nhóm sau gồm TPBank với 17,16% và ACB với 16,6%. Trong khi đó, BIDV và Vietinbank có mạng lưới chi nhánh rộng lớn và hút tiền gửi lớn nhất trong hệ thống, lại không phải là NH có lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn nhất. CASA của 2 NH này lần lượt ở mức 14,34% và 14,37%.
Những chiến lược hút vốn
Khi khách hàng có niềm tin để gia tăng lượng giao dịch bằng thẻ hoặc kênh trực tuyến thay cho tiền mặt, số dư tiền gửi không kỳ hạn mới gia tăng một cách bền vững.
Video đang HOT
Tăng trưởng CASA giúp NH có lợi thế lớn trong việc giảm chi phí huy động vốn. Đơn cử, mức tăng trưởng CASA lên đến 68% của Techcombank, đã giúp NH tối ưu hơn 700 tỷ đồng chi phí huy động trong suốt 6 tháng 2019. Nhưng để đạt được lợi thế này, các NH đều phải thực thi chiến lược phù hợp.
Nếu Vietcombank có tỷ trọng CASA cao nhờ quy mô khách hàng lớn, thì MB khai thác lợi thế đặc biệt từ lượng khách hàng tổ chức lớn thuộc quân đội, thông qua đó phát triển các sản phẩm như dịch vụ trả lương cho Viettel, hay thu thuế cho Cục Hải quan và Kho bạc Nhà nước.
Về phía Techcombank, CASA tăng mạnh nhờ số lượng thẻ ghi nợ trong 6 tháng tăng 28% so với cùng kỳ, số lượng thẻ tín dụng tăng 43%. Tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ tín dụng tăng trên 80%, đạt 13.000 tỷ đồng, thẻ ghi nợ đạt trên 60% so với cùng kỳ đạt 23.000 tỷ đồng.
Điểm nhấn thu hút khách hàng cá nhân của NH này thường được nhắc đến là miễn nhiều loại phí giao dịch, cộng với chương trình hoàn tiền 1% không giới hạn cho khách hàng dùng thẻ ghi nợ thanh toán.
Lãnh đạo Techcombank cũng cho biết, những chính sách này đã giúp tỷ lệ giao dịch rút tiền mặt trên thẻ ghi nợ giảm từ 89% còn 80%, trong khi tỷ lệ này đối với thẻ ghi nợ trên thị trường là 95%. NH này còn tập trung vào số hóa, chuyển dịch khách hàng giao dịch từ kênh vật lý sang kênh online.
Cuối tháng 6-2019, Techcombank đạt 2 triệu khách hàng giao dịch trên kênh trực tuyến, giá trị giao dịch tăng 3 lần so với cùng kỳ, dẫn đến tăng trưởng ấn tượng tiền gửi không kỳ hạn CASA trong bán lẻ với mức tăng trưởng 68%.
Cuộc đua tiếp tục nóng
Trong bối cảnh hiện nay, để giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn có lãi, các NH phải hạ thấp các chi phí huy động và hoạt động. Báo cáo tài chính của các NH những năm gần đây cho thấy, chi phí hoạt động của nhiều NH được tiết giảm mạnh, nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa thể giảm xuống do chi phí huy động cao.
Bài toán phù hợp trong thời điểm này để giảm chi phí huy động vốn là phải có các giải pháp để tăng CASA. Một số thống kê cho thấy, chi phí huy động vốn bình quân của Vietcombank chỉ khoảng 3,5%/năm, cho phép NH này giữ được lãi suất cho vay thấp, trong khi tỷ lệ NIM vẫn giữ được ở mức 2-3%/năm.
Theo một đại diện của Vietcombank, NH đã chuyển dịch 34% tín dụng sang bán lẻ trong năm 2018 và tiếp tục đẩy mạnh định hướng buôn bán lẻ, nhằm giúp NH tối đa hóa lợi nhuận trong năm nay. Để thực hiện định hướng này, Vietcombank đưa ra nhiều dịch vụ, sản phẩm tốt để hút nhiều khách hàng, từ đó có nguồn vốn không kỳ hạn lớn đưa vào NH với chi phí rẻ hơn, tạo điều kiện để có lãi suất cho vay cạnh tranh.
Trong khi đó, ACB cũng đang muốn tăng mạnh tỷ lệ này. Tại chiến lược phát triển mới trong giai đoạn 2020-2024, ACB đặt mục tiêu đạt tỷ lệ CASA ở mức 25% vào năm 2021.
Theo các chuyên gia, khi khách hàng có niềm tin để gia tăng lượng giao dịch bằng thẻ hoặc kênh trực tuyến thay cho tiền mặt, số dư tiền gửi không kỳ hạn mới gia tăng một cách bền vững. Vì thế, bên cạnh việc tạo quan hệ tốt với các doanh nghiệp có dòng tiền ra vào hàng ngày lớn, hiện các NH đang tăng CASA bằng cách chuyển dịch sang bán lẻ.
Như ACB, để CASA đạt 25% vào năm 2021 NH này dự kiến tăng gấp đôi số tài khoản, tức lên đến 5 triệu tài khoản vào năm 2021. Tuy nhiên, muốn tăng tỷ lệ này không chỉ dựa vào chính sách tốt, các NH cũng cần đầu tư mạnh vào công nghệ, chuyển dịch từ giao dịch NH truyền thống sang NH số. Khi khách hàng có niềm tin để gia tăng lượng giao dịch bằng thẻ hoặc kênh trực tuyến thay cho tiền mặt, số dư tiền gửi không kỳ hạn mới gia tăng một cách bền vững.
Yên Lam
Theo saigondautu
Thấy gì ở lãi suất trái phiếu vượt 14%/năm của doanh nghiệp địa ốc?
Từ đầu năm đến nay, lãi suất trái phiếu đã tăng từ 9,5%/năm lên cao nhất 14,45%/năm, tùy kỳ hạn. Một số ý kiến lo ngại một cuộc chạy đua lãi suất phát hành sẽ xảy ra khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp phát hành ở mức cao. Tuy nhiên, cũng có không ít chuyên gia cho rằng việc phát hành trái phiếu huy vộng vốn chưa đáng ngại.
Cuộc đua lãi suất trái phiếu
Cuối tháng 2, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (HoSE: CII) là doanh nghiệp đầu tiên công bố phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có tài sản đảm bảo với giá trị 370 tỷ đồng. Lãi suất phát hành 9,5%/năm, kỳ hạn 3 năm, trái chủ là các nhà đầu tư tổ chức.
Sang tháng 3, lãi suất không có nhiều thay đổi. Mức trên được giữ nguyên với 200 tỷ đồng trái phiếu do Văn Phú Invest (HoSE: VPI) phát hành, kỳ hạn 2 năm và 10,8% cho 200 tỷ đồng trái phiếu của Novaland (HoSE: NVL), kỳ hạn 1 năm.
Tháng 4 - 5, mặt bằng lãi suất bắt đầu thiết lập giá trị mới, khoảng từ 10,5% đến 12% mỗi năm, áp dụng cho kỳ hạn phổ biến từ 2 đến 3 năm. Một số doanh nghiệp phát hành trong giai đoạn này như Novaland (400 tỷ đồng), Văn Phú Invest (800 tỷ đồng), Hà Đô (250 tỷ đồng).
Cá biệt, Phát Đạt (HoSE: PDR) phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cao nhất 14,45%/năm cho Dragon Capital và 3 tổ chức trong nước. Kỳ hạn trái phiếu trong một năm, có tài sản đảm bảo bằng 18 triệu cổ phiếu PDR.
Tháng 6, doanh nghiệp này tiếp tục phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 14%/năm cho trái chủ là Công ty Chứng khoán Hải Phòng và hai cá nhân. Cùng thời điểm, Novaland cũng phát hành 1.300 tỷ đồng trái phiếu cho PVcomBank kỳ hạn 4 năm, lãi suất 11,75%/năm và Hà Đô phát hành 400 tỷ đồng trong 15 tháng, lãi suất 10%/năm.
Khảo sát cho thấy, mặt bằng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp phổ biến khoảng 9 - 12%/năm cho kỳ hạn 2 - 3 năm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lãi suất cũng đã tăng từ 9,5%/năm lên cao nhất 14,45%/năm tùy kỳ hạn.
Tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai nhận định mặt bằng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó doanh nghiệp địa ốc phổ biến ở mức 10 - 12%/năm. Trường hợp lãi suất 14 - 14,45% như của Phát Đạt là cá biệt. Nguyên nhân được Thứ trưởng chỉ ra là mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng thương mại đều tăng.
Nhiều ý kiến lo ngại một cuộc chạy đua lãi suất phát hành sẽ xảy ra, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp phát hành ở mức cao. TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cho rằng điều này khó có thể lặp lại như thời điểm 2006 - 2007. Bởi lẽ, doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu cũng đã phải cân đối giữ chi phí trả cho người mua và tỷ suất sinh lời huy động được. Mặt bằng lãi suất 14 - 15%/năm hiện nay với doanh nghiệp địa ốc là cao, vì như vậy doanh nghiệp phải đạt được tỷ suất sinh lời trên 20% - tỷ lệ không dễ trong thời kỳ tăng trưởng chậm. Theo ông Tín, hiện nay lãi suất đã ở mức trần.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phát Đạt trong một lần gặp gỡ giới phân tích hồi tháng 3 có cho rằng lãi suất 14 - 15%/năm không phải quá cao, nếu nhìn từ hiệu quả đầu tư. Phát Đạt có những dự án cần dòng tiền nhanh, số tiền huy động cho dự án có thể đem lại lợi nhuận cao hơn thế. Như vậy việc phát hành trái phiếu giúp dòng tiền của công ty quay nhanh, không phức tạp như vay ngân hàng, hiệu quả đầu tư cao hơn. Theo tính toán, Phát Đạt công bố phát hành đợt trái phiếu lãi suất trên từ 15/3 và báo cáo kết quả ngày 11/4, tức gần một tháng.
Doanh nghiệp địa ốc đua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: Getty Images. Thấy gì từ cuộc đua?
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhìn nhận không phải bây giờ, các doanh nghiệp địa ốc mới phát hành trái phiếu mà thực hiện từ những năm 2008 - 2009. Tuy nhiên hiện nay, nguồn vốn trung dài hạn của các doanh nghiệp vẫn phụ thuộc trên 90% nguồn vốn từ ngân hàng. Nhưng các ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản nên các doanh nghiệp cần tìm cách gọi vốn qua các kênh khác và trái phiếu là kênh thay thế tối ưu. Ngoài ra, ông Hiển nhấn mạnh một số doanh nghiệp bất động sản đang thực sự khó khăn, không thể vay ngân hàng.
Với việc lãi suất trái phiếu có thể lên đến 14,45%/năm, ông Hiển nhận định hoàn toàn bình thường ngay cả khi so với lãi suất ngân hàng. Bởi nếu thấp hơn thì doanh nghiệp đã làm từ rất lâu. Hơn nữa, với trái phiếu, doanh nghiệp không bị giám sát về giải ngân, sử dụng vốn uyển chuyển hơn. Đặc biệt, ông cho rằng dù lãi suất có cao hơn lãi vay ngân hàng nhưng doanh nghiệp không phải dùng tài sản thế chấp, nên đánh đổi lãi suất như vậy không có gì bất thường.
Không quá lo ngại về lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất chung là quan điểm của ông Bùi Quang Tín. Ông nhận định trái phiếu doanh nghiệp là một trong những yếu tố tác động trực tiếp lên mặt bằng lãi suất thị trường, vì nó là kênh huy động vốn tác động trực tiếp đến nguồn huy động vốn của ngân hàng. Tuy nhiên tác động này không quá lo ngại, bởi theo ông, kênh tiền gửi vào ngân hàng cũng đang có lãi suất tốt, chừng 9% cho khoản tiền gửi trên 12 tháng mà lại an toàn cho người gửi. Ngược lại, người mua trái phiếu doanh nghiệp cần phải tìm hiểu, đánh giá về doanh nghiệp trước khi mua để tránh các rủi ro; hơn nữa thị trường trái phiếu thứ cấp chưa phát triển nên khả năng chuyển trái phiếu sang tiền mặt khi có việc khẩn cấp là điều khó khăn.
Nhìn nhận thị trường, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho rằng lãi suất và mức độ huy động với xu hướng biến động như vậy chưa đáng ngại. Tuy nhiên, Bộ vẫn phải theo dõi, nắm bắt tình hình, đánh giá thường xuyên và có biện pháp phù hợp nếu thị trường trái phiếu bị ảnh hưởng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai dẫn số liệu tổng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty đại chúng trong 7 tháng là 31.000 tỷ đồng, bằng 64% giá trị cả năm 2018. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 22% giá trị phát hành, tương đương 6.820 tỷ đồng.
Theo Khổng Chiêm
NDH
Cấu trúc lợi nhuận ngân hàng và rủi ro tiềm ẩn Lãi suất có xu hướng tăng không hẳn do chính sách siết lại, mà chịu tác động lớn hơn từ thay đổi cấu trúc lợi nhuận các ngân hàng. Rủi ro tiềm ẩn ở đây. Rủi ro tiềm ẩn không trực tiếp ở hoạt động ngân hàng và nợ xấu, mà ở chi phí của nền kinh tế trong vay vốn cho tiêu...