Cảnh sát biển Việt Nam vây ráp hải tặc
11 tên cướp biển trang bị dao và súng ngắn đã bị cảnh sát biển Việt Nam bắt giữ sau nhiều giờ cố thủ trong lãnh hải Việt Nam (cách mũi Vũng Tàu hơn 60 hải lý).
Khoảng 20h50′ ngày 22/11, Vùng Cảnh sát biển 3 đã đưa 11 nghi can được cho là tổ chức đánh cướp tàu chở dầu Zafirah vào bờ phục vụ công tác điều tra. Trước đó, lúc 19h20 ngày 19/11, con tàu chở dầu này bị mất liên lạc tại vị trí 07-22′520 N, 109- 10′410 E. Trên tàu có 5 thuỷ thủ người Myanmar và 4 thuỷ thủ người Indonesia.
Cướp biển cố thủ
Trước khi tàu Sar 413 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 đưa được 9 thuyền viên tàu bị cướp biển cập bến an toàn, Cục Cảnh sát biển Việt Nam đã lệnh cho Vùng Cảnh sát biển 3 triển khai truy lùng con tàu bị cướp.
Theo đó, 2 biên đội tàu 6007, 9001, 4034 và 4031, 2011 đã được huy động tìm kiếm. Đến rạng sáng ngày 22/11, một biên đội tàu của cảnh sát biển đã phát hiện tàu Zafirah trong lãnh hải Việt Nam (cách mũi Vũng Tàu hơn 60 hải lý) nên lập tức triển khai khống chế, yêu cầu tàu thả neo.
Tàu chở dầu Zafirah bị cướp
Trưa cùng ngày, tàu CSB 2011 xuất bến từ TP.Vũng Tàu chở theo thuyền trưởng và thuyền phó tàu tàu Zafirah ra vị trí tàu neo đậu để nhận dạng tàu. Ngay sau khi xác định đúng tàu bị cướp, lực lượng Cảnh sát biển đã phát loa yêu cầu các đối tượng trên tàu hạ vũ khí đầu hàng nhưng bọn chúng cố thủ.
Sau nhiều giờ vận động bất thành, khoảng 16 giờ cùng ngày, biên đội tàu 4031, 2011 của cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức tấn công. Bọn cướp trên tàu được trang bị vũ khí gồm dao dài và súng ngắn sau gần một giờ chống trả đã phải tra tay vào còng.
Video đang HOT
11 đối tượng quốc tịch Indonesia bị bắt giữ được cho là đã sử dụng phương thức “ngụy trạng” tàu vừa cướp được để tránh bị cảnh sát biển truy lùng, phát hiện. Vào thời điểm Vùng Cảnh sát biển 3 tìm thấy, con tàu chở dầu bị cướp đã bị bọn chúng sơn lớp sơn mới và tên mới.
Lời kể của những người bị cướp
Anh Sann Winnaung (37 tuổi, quốc tịch Myanmar), thuyền trưởng tàu Zafirah, cho biết tàu xuất phát từ cảng Pasir Guadang (Malaysia) đến một cảng khác trong nước. Vào khoảng 3h ngày 18/11, khi đi ngang hải phận Indonesia thì bọn cướp tấn công.
Các đối tượng cướp tàu chở dầu đã bị bắt giữ
“Những tên cướp này nói tiếng Indonesia. Bọn chúng cầm theo dao dài và súng ngắn rút ra từ túi quần. Sau khi khống chế chúng tôi xong, bọn chúng nhốt chúng tôi vào cabin và để lại một ít thức ăn”, ông Sann nói, mặt còn lấm tấm mồ hôi.
La Ode Muhamamad Yasrin (23 tuổi, quốc tịch Indonesia), Phó 2 tàu Zafirah kể tiếp: “Lúc đó tôi sợ lắm vì bọn chúng nói chống cự sẽ giết hết. Chúng tôi còn chắp tay vái lạy cơ mà. Giờ thoát rồi nhưng tôi vẫn còn sợ”.
Theo 9 thành viên trên tàu chở dầu bị cướp kể lại, hơn một ngày sau khi bị giam giữ trên chính tàu của mình, họ bị bọn cướp ép rời tàu xuống một xuồng cứu sinh. Chiếc xuồng trôi dạt vào vùng biển Việt Nam trong lúc bọn cướp cũng lái tàu vào hải phận Việt Nam tránh sự truy lùng của cảnh sát biển Indonesia và Malaysia.
May mắn cho nhóm thủy thủ trên xuồng cứu sinh, họ đã được 2 tàu cá tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là BV 91592 TS và BV 92350 TS cứu vớt khi cách cách mũi Vũng Tàu khoảng 120 hải lý về phía Đông Đông Nam và cách Côn Đảo 140 hải lý. Từ đó, hai tàu cá này đã báo cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Khoảng 12h 45′ ngày 21/11, Vungtau MRCC đã điều tàu SAR 413 từ Côn Đảo đến vị trí các tàu cá để tiếp nhận các thuyền viên bị nạn. Đến 24h cùng ngày toàn bộ 9 thuyền viên tàu ZAFIRAH được chuyển sang tàu SAR 413 an toàn. Ngay sau khi tiếp nhận các thuyền viên bị nạn, tàu SAR 413 đã tổ chức chăm sóc y tế ban đầu cho các thuyền viên và tổ chức đưa vào bờ bàn giao cho các cơ quan chức năng để lấy lời khai.
Theo 24h
Hùng binh thủy vệ biên đất Quảng
Cách đây hơn 170 năm, những người con đất Quảng Nam đã đầu quân vào lực lượng thủy vệ biên để bảo vệ lãnh hải Việt Nam.
Gia phả tộc Lê Văn (nay là thôn Hạ Thanh, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) ghi rõ, năm 1838, ông Lê Văn Ước, hậu duệ đời thứ 6 tộc Lê được Tuần phủ Nam Ngãi ra chỉ dụ số 1 tạm giao quyền Suất đội thủy vệ binh Quảng Nam số 1. Từ đây, hàng trăm người con trên đất Quảng Nam đã tiếp bước, rẽ sóng vươn khơi, xả thân vì sự nghiệp bảo vệ vùng biển, lãnh hải của Tổ quốc.
Con cháu tộc Lê Văn nâng niu các chỉ dụ do các vua Nguyên ban như báu vật - Ảnh: Hoàng Sơn
Đại đoàn dân binh nghĩa dũng
Theo tài liệu gia phả tộc Lê Văn, tổ tiên tộc Lê nguyên gốc là dân xứ Thanh Ba, xã Kim Anh, phủ Kim Sơn, Nghệ An. Năm 1600, dưới triều vua Lê Kinh Tông, chiến tranh Trịnh - Nguyễn xảy ra liên miên, tổ đời thứ nhất tộc Lê đã dẫn vợ, con vào đất Thuận Quảng lẩn tránh trong 30 năm. Trang thứ hai gia phả ghi, năm 1630, họ lại vào vùng Tiên Đõa, xã Tân Hiệp, phủ Thăng Hoa (nay là Bình Sa, H.Thăng Bình Quảng Nam) lập nghiệp, an cư. Tiếp đó, người của tộc Lê đời thứ 4 về lập địa bạ làng Phú Quý Hạ, làng Phú Ngọc, phủ Thăng Hoa (nay là Tam Phú, Tam Thanh, TP.Tam Kỳ). Ông Lê Văn Ước được sinh ra vào năm Gia Long thứ hai, đơn vị ông đầu quân đầu tiên là Đội thủy vệ biên Quảng Nam số 1.
Căn cứ theo 4 sắc phong hiện vẫn được giữ tại nhà thờ tộc Lê thì ông Lê Văn Ước chính là người giữ chức suất đội thủy vệ binh của hai đội số 1 và số 2, với 100 quân. Theo bản dịch của trụ trì chùa Kỳ Viên (TP.Tam Kỳ), sa môn Thích Chánh Huệ vào đầu tháng 10.2010, chỉ dụ 1 (năm Minh Mạng thứ 18, vào ngày 10.3.1838) và chỉ dụ 2, ông Lê Văn Ước được quan Tuần phủ Nam Ngãi giao làm Đội trưởng Đội Tả thủy vệ Quảng Nam số 1 (năm Thiệu Trị thứ nhất, vào ngày 6.12.1841). Bản dịch viết: "Xét đội Tả thủy vệ Quảng Nam số 1 vị trí đội trưởng còn treo khuyết. Nay căn cứ lời quan viên thưa lên là đã chọn được vị ủy quyền đội trưởng y vệ tên Lê Văn Ước đầu quân lâu năm, công vụ cần mẫn, xin được cấp giấy chứng nhận làm đội trưởng đội y vệ...".
Vào năm Thiệu Trị thứ 2, vào ngày 18.1.1842, ông Lê Văn Ước được quan Tuần phủ Nam Ngãi giao chỉ dụ số 3 giữ thêm chức Suất đội thủy vệ biên Quảng Nam số 2. Đặc biệt, năm Tự Đức thứ 11 (tháng 12.1859), thời điểm thực dân Pháp chiếm Đà Nẵng, ông được quan tri phủ huyện Hà Đông họ Hà phê chỉ dụ số 4 đứng ra kêu gọi dân chúng lập Đại đoàn dân binh nghĩa dũng.
Chỉ dụ viết: "Dưới hạt là các xã thôn đoàn kết, tùy theo mỗi nơi mà quy định tuyển 50, 60 hay trên 40 người làm thành một tiểu đoàn. Mỗi đoàn bố trí một đoàn trưởng, lựa chọn như thế nào có thể thu phục được họ. Quy thúc (tập hợp) thành 5 tiểu đoàn, có tên theo thứ tự thành một đại đoàn... Các đoàn lấy vải đỏ may cờ nhỏ, trên đó viết dòng chữ "Hà Đông tiên giang đoàn dân dũng" nhằm trưng bày và cáo phó cho dân biết...". Theo đó, bốn phường: Hòa Thanh Trung, Hòa Thanh Thượng, Hòa Thanh Hạ và Vinh Giang được bố trí làm một đoàn, ông Lê Văn Ước được cử làm đoàn trưởng.
Ông Lê Văn Tài (75 tuổi), con cháu đời thứ 13 tộc Lê Văn cho biết: "Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, 4 chỉ dụ từ gần 200 năm trước vẫn được con cháu dòng họ giữ gìn cẩn thận. Ngày nay, chúng tôi vẫn treo 4 chỉ dụ này tại nhà thờ họ để răn dạy, khơi dậy lòng tự hào cho con cháu về một thời oanh liệt của tiên tổ khi góp sức bảo vệ vùng biển quê hương".
U hồn ấp nấm
Theo tài liệu "Những di tích lịch sử tộc Lê Văn liên quan đến Hoàng Sa và phong trào yêu nước chống ngoại xâm" do những người đứng đầu tộc Lê soạn thảo, ông Lê Văn Ước, là người đã tích cực tuần tra, giám sát và bảo vệ các cảng Đà Nẵng, cửa Đại Chiêm (Hội An), cửa An Hòa, đảo Cù Lao Chàm và đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa. Tài liệu này cũng dẫn nguồn tài liệu theo "Việt Nam - Sự kiện" (của Viện Sử học Việt Nam, xuất bản năm 2001): Năm 1836, thủy binh đưa thuyền ra Hoàng Sa thăm dò đường thủy, đo đạc vẽ bản đồ dâng lên Bộ Công nghiên cứu. Nhiệm vụ của các đội thủy vệ biên lúc bấy giờ còn được sai đến Hoàng Sa, Trường Sa thu lượm hải sản, đo đạc mực nước thủy triều sâu cạn trên các đảo.
Theo đó, ông Lê Văn Ước đã cùng quân binh nhiều lần dong thuyền kiểm soát trên biển như lực lượng biên phòng trên biển thời điểm đó. Gia phả tộc Lê Văn còn ghi tên tuổi 24 người mất tích trên biển khi đang theo ông Lê Văn Ước làm nhiệm vụ tuần tra. Ngày nay để tưởng nhớ vong linh Suất đội trưởng Lê Văn Ước cũng như 24 người mất tích, con cháu họ Lê đã chọn một ngày lành vào trung tuần tháng 3 Âm lịch hàng năm để tưởng niệm. Ngoài ra, tộc Lê còn đắp thêm 24 ngội mộ gió cho 24 người mất tích trên biển theo phong tục "u hồn ấp nấm" để con cháu đời sau tưởng vọng.
Tộc Lê cũng truyền cho con cháu đời sau được biết, những người lính tham gia thủy vệ biên mỗi lần ra kiểm sát đảo Hoàng Sa, Trường Sa phải mang theo hành trang quyết tử gồm: 2 chiếc chiếu, 7 tấm kẹp tre, 1 đoạn dây thừng và 1 bảng tên người lính. Khi sóng to gió lớn, thuyền gặp nạn, có người chết thì lấy hành trang đó buộc chặt vào thi thể, cột vào ống phao tre thả trôi dạt trên biển để tấp vào bờ.
Ông Lê Xuân Trĩ (79 tuổi), đời thứ 12 của tộc Lê cho biết: "Căn cứ vào các cứ liệu di tích lịch sử, họ Lê đã kiến nghị lên cơ quan chức năng công nhận mộ của Suất đội Lê Văn Ước là di tích lịch sử cấp tỉnh".
Trong văn bản xác minh di sản văn hóa tộc Lê do thượng tá Huỳnh Văn Long, Phó trưởng Công an TP.Tam Kỳ khẳng định: Các tài liệu liên quan chưa thể hiện rõ các di sản văn hóa của tộc Lê (thôn Hạ Thanh, xã Tam Thanh) có liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, nhưng cho thấy được ý thức bảo vệ vùng biển Tổ quốc của cha ông ta thời xưa. Để xác định đúng di sản văn hóa tộc Lê có liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền đảo Hoàng Sa thì cần phải thẩm định, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Đội tả thủy vệ Quảng Nam số 1 mà ông Lê Văn Ước đã tham gia".
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Tam Kỳ cho biết: "Vấn đề công nhận mộ Suất đội Lê Văn Ước là di tích cấp tỉnh sẽ được các bên liên quan hoàn chỉnh các hồ sơ theo đúng quy trình trong thời gian sớm nhất".
Theo TNO
Thủy thủ Việt bị hải tặc bắt: Mất lương Các doanh nghiệp đang xúc tiến thanh lý hợp đồng với các thủy thủ trở về từ tay cướp biển Somalia. Tuy nhiên họ không thể nhận được tiền lương những tháng cuối cùng. Trung tâm Xuất khẩu lao động thuộc Công ty Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Tổng hợp Hà Nội (Servico Hà Nội) vừa có thông báo gửi các...