Cánh cửa vẫn mở cho giáo viên hợp đồng ở Cà Mau nhưng… hẹp hơn
Nhiều băn khoăn liên quan đến việc thi tuyển và xét tuyển viên chức giáo dục tại Cà Mau.
Vừa qua, ngành giáo dục Cà Mau đã thực hiện thi tuyển viên chức giáo dục, nhiều giáo viên hợp đồng đã giảng dạy nhiều năm nhưng thi không đậu. Gần đây, nắm bắt được chủ trương, giáo viên hợp đồng có thâm niên nhiều năm có thể được xét đặc cách, không cần thông qua thi tuyển nên hiện các thầy cô đang rất băn khoăn: Tại sao lại thực hiện thi tuyển mà không xét tuyển để giáo viên hợp đồng được “rộng cửa” hơn?
Cô Kiều, cô Thúy chưa biết, số phận mình sẽ ra sao?
Băn khoăn của giáo viên
Sau khi có kết quả thi tuyển viên chức giáo dục, cô Phạm Thị Phương Kiều, cô Đặng Mộng Thúy và nhiều giáo viên hợp đồng khác của Trường THCS – THPT Lý Văn Lâm (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) rất buồn bã. Cô Kiều đã gắn bó với nghề giáo từ năm 2011, nhiều năm liền cô giảng dạy môn Anh Văn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng cô rớt kỳ thi.
Theo chủ trương chung, các giáo viên không đậu viên chức sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Thực tế, năm học mới này, cô Kiều không được nhà trường phân công giảng dạy nhưng cũng chưa nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng. Hiện các thầy cô chưa rõ số phận mình ra sao?
Cô Phạm Thị Phương Kiều chia sẻ: “Trước khi thi được phổ biến những giáo viên dạy đủ 5 năm trở về trước ghi những thông tin để được ưu tiên mọi người cũng mừng. Kết quả thi cuối cùng không đậu nên mọi người rất hụt hẫng. Mới đây có chủ trương từ Bộ Nội vụ sẽ xét đặc cách cho các giáo viên dạy lâu năm hy vọng lãnh đạo tỉnh thực hiện chủ trương đó để có thể được xét đặc cách”.
Theo các giáo viên, chủ trương “xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng dạy lâu năm” được Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời phiếu chất vấn của đại biểu đặt ra tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho giáo viên hợp đồng ở Hà Nội.
Video đang HOT
Nhiều giáo viên hợp đồng Trường Lý Văn Lâm rớt kỳ thi tuyển viên chức (ảnh: nhân vật cung cấp).
Theo đó, tại Công văn số 9028-CV/VPTW ngày 11/3/2019 của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đồng ý cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Mới đây, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ ngày 20/9/2019, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng lại một lần nữa cho biết, Bộ Chính trị, Thủ tướng đã có chỉ đạo vấn đề này. Tinh thần chung là những người ký hợp đồng trước ngày 31/12/2015, có đóng bảo hiểm thì giao cho chủ tịch UBND các tỉnh căn cứ vào vị trí việc làm, biên chế để tuyển dụng và được tuyển dụng đặc cách.
Theo Sở Giáo dục – Đào tạo Cà Mau, kỳ thi tuyển viên chức của ngành được tổ chức vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua. Riêng Sở thực hiện tuyển dụng 369 biên chế. Trong đó, có 331 giáo viên hợp đồng tham gia thi tuyển. Số giáo viên trúng tuyển cũng là 331 người. Có 49 giáo viên hợp đồng thi rớt.
Ông Ngô Vũ Linh, Trưởng phòng Tổ chức – Cán bộ (Sở Giáo dục – Đào tạo Cà Mau) cho biết, với các giáo viên hợp đồng không đậu sẽ xin ý kiến để tiếp tục hợp đồng vì thực tế vẫn còn thiếu biên chế. Về việc có chủ trương “xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng”.
Ông Linh nêu rõ: “Sở sẽ xin ý kiến cấp trên xem coi xử lý việc xét làm sao chứ thẩm quyền không thuộc sở. Nói chung là chưa dứt luôn các trường hợp cống hiến lâu năm. Sở sẽ tìm hướng nào giải quyết có nhân văn. Sẽ xin ý kiến từ tỉnh”.
Quy định không cho phép
Ông Nguyễn Phương Bắc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Cà Mau cho biết, vào tháng 11/2018 UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo về việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục.
Trong đó có nội dung: “Cần có kế hoạch xét tuyển đặc cách đối với những viên chức đã có quá trình công tác, cống hiến cho ngành giáo dục, đảm bảo điều kiện xét tuyển đặc cách theo nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ”.
Tuy nhiên, kế hoạch tuyển dụng được thực hiện vào giữa năm 2019, khi đó, Nghị định 29 đã được thay thế bằng Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 về sửa đổi bổ sung quy định tuyển dụng công chức, viên chức…
Nghị định 161 chỉ còn quy định tuyển dụng đặc biệt viên chức đối với”Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”.
Từ đó, không thể thực hiện xét tuyển đặc cách theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh trong kỳ tuyển dụng viên chức ngành giáo dục vừa qua.
Trả lời chúng tôi về việc, các thầy cô cho rằng: “Gần đây đã có chủ trương xét đặc cách”. Ông Nguyễn Phương Bắc cho biết, đã tiếp nhận chủ trương này qua thông tin đại chúng như các giáo viên đã phản ánh và đang chờ chủ trương từ Bộ Nội vụ để thực hiện cho đúng.
“Theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ trên cơ sở các địa phương sẽ báo cáo tình hình về hợp đồng giáo viên từ năm 2015 trở về trước. Chúng tôi đang chờ Bộ Nội vụ có văn bản thì chúng tôi sẽ tổng hợp báo cáo và thực hiện theo chỉ đạo. Những người làm lâu năm sẽ được đảm bảo quyền lợi”, ông Bắc nói.
Trong kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục vừa qua, riêng các giáo viên hợp đồng thuộc Sở GDĐT Cà Mau quản lý, đã có 49 người không đậu. Mở rộng ra trên toàn địa bàn tỉnh Cà Mau, kỳ thi tuyển ở 8 huyện 1 thành phố thì chắc chắn còn rất nhiều giáo viên hợp đồng không đậu. Kết quả thi tuyển đã được công nhận. Chưa biết chủ trương tuyển dụng bằng hình thức xét đặc cách được triển khai thực hiện, nhưng cho dù có được xét đặc cách đi chăng nữa thì “cánh cửa” vào viên chức của giáo viên hợp đồng cũng “hẹp” hơn rất nhiều./.
Theo Trần Hiếu/VOV – ĐBSCL
Chủ tịch Hà Nội công khai 3 điều kiện xét tuyển với giáo viên hợp đồng
Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ thành lập hội đồng xét tuyển. Sau khi xét tuyển hết (số giáo viên hợp đồng lâu năm) thì sẽ thi tuyển với số còn lại.
Ngày 9/7, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Đức Chung đã đăng đàn giải trình làm rõ hơn các vấn đề cử tri, người dân Hà Nội quan tâm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: Báo An ninh Thủ đô
Liên quan đến các trường hợp giáo viên tại các huyện ở Hà Nội đã ký hợp đồng lao động lâu năm nhưng không được xét tuyển viên chức... Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, Bộ Nội vụ đã giao Thành phố xét tuyển với các trường hợp này.
Cụ thể, ông Chung cho biết, sau khi Bộ Nội vụ có văn bản trả lời Hà Nội có thể thực hiện xét tuyển theo thẩm quyền, Thành phố quyết định sẽ xét tuyển đối với toàn bộ giáo viên có hợp đồng lâu năm với một số điều kiện cụ thể như sau:
Thứ nhất là giáo viên có hợp đồng và có đóng bảo hiểm ít nhất 5 năm trở lại đây.
Thứ hai là có kiểm tra đảm bảo sức khỏe.
Thứ ba là có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm, tức là giáo viên phải dạy môn mà trường có nhu cầu tuyển dụng.
"Tôi báo cáo để Hội đồng nhân dân Thành phố cũng thực hiện giám sát. Tới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ thành lập hội đồng xét tuyển. Sau khi xét tuyển hết thì sẽ thi tuyển với số còn lại", Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho hay.
Trước đó như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, sau hơn 3 tháng kêu cứu và đấu tranh của các giáo viên hợp đồng ở Hà Nội, cuối cùng Uỷ ban Nhân dân thành phố cũng chỉ đạo một cơ chế nhân văn, thấu tình đạt lý đối với các giáo viên hợp đồng.
Theo đó, vào cuối tháng 6 vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ra quyết định: Về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 1 và Khoản I phần B. Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 7/3/2019 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Điểm nổi bật trong quyết định này: Thành phố giao cho các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê số lượng giáo viên hiện đang hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn để xem xét thực hiện việc tuyển dụng đặc biệt vào viên chức đối với những trường hợp đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định điều kiện được xem xét tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp đặc biệt.
Sau khi rà soát số lượng giáo viên hợp đồng và thực hiện việc xét tuyển đặc biệt, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã lựa chọn tuyển dụng giáo viên bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển theo các quy định tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 2 của Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Đỗ Thơm
Theo giaoduc.net
Giáo viên có hợp đồng trước ngày 31/12/2015 được tuyển đặc cách, không phải thi Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, Bộ Chính trị cho phép tuyển đặc cách không thông qua thi tuyển với những giáo viên có hợp đồng trước ngày 31/12/2015. Tình trạng giáo viên hợp đồng lâu năm nhưng vẫn bị sa thải hàng loạt khiến dư luận cảm thấy xót xa về số phận hàng ngàn thầy cô giáo đóng góp lâu năm...