“Cánh cửa mới” cho giáo dục toàn cầu
Hệ thống hỗ trợ học tập thích ứng là một trong những công nghệ mở ra “ thế giới mới” cho ngành Giáo dục.
Hệ thống được điều khiển bởi trí thông minh nhân tạo, với khả năng cung cấp hướng dẫn cho người học.
Hệ thống hỗ trợ sẽ trở thành trợ giảng cho người học.
“Trợ giảng” trực tuyến
Trong chiến tranh, hoặc sau một trận động đất, toàn xã hội được huy động để giải quyết thách thức trước mắt. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tìm cách biến cuộc khủng hoảng thành những tiến bộ. Nhờ đó, giúp cải thiện cuộc sống hoặc cứu lấy tương lai.
Đại dịch Covid-19 là một thách thức như vậy. Đối với Zachary Pardos – Giáo sư Trợ lý tại Trường Đại học Giáo dục và Trường Thông tin UC Berkeley (Mỹ), cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu này đã đặt ra một câu hỏi lớn: Với hàng chục triệu sinh viên trên khắp thế giới phải nghỉ học ở nhà, làm thế nào để có thể bảo đảm rằng, người học nhận được nền giáo dục tốt nhất có thể?
Pardos là một chuyên gia về công nghệ học tập thích ứng, nghiên cứu động lực của việc học và sắp xếp dữ liệu lớn. Từ đó, xây dựng các công cụ thân thiện với người dùng. Ông đã làm việc với giáo viên và học sinh ở mọi cấp độ để tích hợp công nghệ vào chương trình giảng dạy hằng ngày.
Ông Pardos mô tả cách các hệ thống công nghệ mới thu hút sinh viên; Đồng thời, công nghệ có khả năng đánh giá điểm mạnh và yếu của sinh viên, ngay cả khi họ không ở trong lớp học. Đặc biệt, hệ thống hỗ trợ học tập thích ứng là một trong những công nghệ mở ra “thế giới mới” cho ngành Giáo dục, trong bối cảnh Covid-19 bùng phát.
Hệ thống không phải là một khóa học trực tuyến, mà là một trợ giảng trực tuyến, được điều khiển bởi trí thông minh nhân tạo, với khả năng cung cấp hướng dẫn cho người học.
Trước đây, những công nghệ như vậy đã được sử dụng trong nghiên cứu đại học và đôi khi là tại các lớp trung học của Mỹ. Tuy nhiên, khi đại dịch bùng phát, các nhà giáo dục phải xem xét những cách hiệu quả nhất để dạy học sinh ở nhà.
Điều đó đồng nghĩa với việc, Covid-19 có thể mở ra cánh cửa cho những ý tưởng mới. Đặc biệt, công nghệ mới được dự đoán sẽ tồn tại trong lớp học, ngay cả khi thảm họa kết thúc.
Ông Pardos cho rằng, khi đại dịch và sự gián đoạn kinh tế đang thay đổi bối cảnh cho công việc trong tương lai, các công nghệ học tập có sức mạnh để giúp sinh viên xoay chuyển nhanh chóng, hướng tới những nghề nghiệp mới. Khi nghĩ về công nghệ hỗ trợ học tập thích ứng, người học thường tưởng tượng đến các khóa học trực tuyến, hoặc việc nhấp chuột để trả lời câu hỏi từ một người hướng dẫn.
Song, thực tế, công nghệ mới mang lại điều khác biệt. Nhờ tính năng tự động đánh giá, trong một khóa học trực tuyến, sinh viên có thể nhận được phản hồi về tính đúng đắn của các vấn đề, hoặc thậm chí là bài luận.
“Các thành phần chính của hệ thống hỗ trợ học tập thích ứng có xu hướng là một mô hình liên tục đánh giá những gì học sinh biết, danh sách kiến thức trong lĩnh vực đang được học. Sau đó, hệ thống gợi ý trình tự nội dung thích ứng dựa trên những gì học sinh biết. Một ví dụ là hệ thống ALEKS tại Trường Berkely. Nó được sử dụng bởi những sinh viên năm nhất chưa sẵn sàng cho môn Toán cấp đại học”, ông Pardos giải thích.
Song, sự chưa sẵn sàng của sinh viên được thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy, một khóa học ngắn hạn trong mùa hè có thể sẽ không khắc phục điều đó. Thay vào đó, việc có các “gia sư” công nghệ liên tục đánh giá mức độ sẵn sàng và hướng dẫn thích ứng cho từng học sinh sắp nhập học là một sự hỗ trợ lớn.
Ông Pardos nhận định, Mastering Physics và Mathia là những ví dụ về hệ thống hỗ trợ học tập thích ứng. Hầu hết, các nhà xuất bản sách giáo khoa lớn đã mua hoặc phát triển các hệ thống hỗ trợ như vậy. Trong khi đó, hàng loạt công nghệ học tập thích ứng đã ra đời từ các phòng thí nghiệm. Một số trong đó có chung trọng tâm là đánh giá người học.
“Điểm yếu của các hệ thống hỗ trợ học tập thích ứng là thường giới hạn nhận xét ở các lĩnh vực STEM. Một thách thức trong tương lai là mở rộng hạn chế đó. Song, các phương pháp tiếp cận dữ liệu lớn đã mang đến nhiều hứa hẹn trong việc khắc phục điều đó”, ông Pardos chia sẻ.
Video đang HOT
Ông Zachary Pardos.
“Đảo ngược” tình thế
Nói về lợi ích của công nghệ này, ông Pardos cho biết, hệ thống hỗ trợ học tập thích ứng được cá nhân hóa. Thông thường, nhiều sinh viên không biết bắt đầu tìm kiếm thông tin từ đâu. Khi đó, họ sẽ phải tìm đến các khóa học hoặc nhân viên hướng dẫn để được hỗ trợ.
Trong khi đó, công nghệ hỗ trợ học tập thích ứng có thể cung cấp sự trợ giúp. Khi một học sinh chưa thể trả lời câu hỏi, thay vì chuyển sang bài học tiếp theo, hệ thống sẽ mở rộng bài học hiện tại một cách phù hợp. Đồng thời, hệ thống sẽ đưa ra trợ giúp và hoạt động trong suốt quá trình học dưới dạng gợi ý, cho đến khi học sinh hiểu bài.
Trong bối cảnh đại dịch bùng phát, hàng triệu học sinh không thể đến trường. Công nghệ hỗ trợ học tập thích ứng này được cho là mang lại sự hỗ trợ lớn. Theo ông Pardos, việc thiếu tương tác trực tiếp giữa giáo viên – học sinh có thể được bù đắp một phần bằng công nghệ này.
Đặc biệt, vào những thời điểm học sinh không tham gia lớp trực tuyến trong thời gian thực, họ có thể tương tác với công nghệ có khả năng cá nhân hóa việc giảng dạy. Mặc dù dung lượng có hạn, nhưng hệ thống mang lại nhiều lợi ích hơn video hay sách giáo khoa.
Ông Pardos nhận định, về bản chất, cuộc khủng hoảng sức khỏe này sẽ khiến mọi người phải suy nghĩ về sự đổi mới trong giáo dục. Hiện tại, hàng loạt nhà giáo dục đã phải giao tiếp, học hỏi và giảng dạy thông qua phương tiện trực tuyến. Điều đó cho thấy, việc tìm ra những công cụ có thể cải thiện chất lượng học tập trong môi trường trực tuyến và trực tiếp là vô cùng cần thiết.
Đại dịch cũng đặt ra nhiều thách thức, bao gồm sự thiếu gắn kết giữa người dạy và học. Do đó, cần ứng dụng công nghệ một cách thích hợp nhằm tạo ra trải nghiệm học tập trực tuyến toàn diện. Một số nhà giáo dục đã bày tỏ lo ngại rằng, trong thời kỳ đại dịch, những người học ở nhà sẽ khó được kiểm soát. Song, nếu công nghệ học tập thích ứng được áp dụng rộng rãi, chúng có thể “đảo ngược” tình thế.
“Ở đây, có cả vấn đề về quyền truy cập và định hướng. Với quyền truy cập, các thẻ và thiết bị SIM dữ liệu (mô-đun thông tin thuê bao) được coi như xe buýt – phương tiện đưa sinh viên đến lớp học. Ngay cả khi sinh viên có quyền truy cập, nhiều bằng chứng cho thấy, cách họ định hướng việc học trực tuyến có thể dẫn đến sự khác nhau về thành tích”, ông Pardos chia sẻ.
Chuyên gia này dẫn chứng, một đồng nghiệp của ông tại Trường Đại học bang Arizona đã nghiên cứu cách sinh viên sử dụng tài liệu trong khóa học trực tuyến. Đồng thời, xem xét liệu những sinh viên trượt khóa học có cách theo dõi bài khác các bạn không.
Nghiên cứu đối với dữ liệu từ khóa học cho thấy, đi đến các câu hỏi trước và sau đó tìm câu trả lời trong tài liệu là một xu hướng phổ biến ở những sinh viên không vượt qua khóa học. Để cải thiện tình hình, giáo viên hướng dẫn đã gửi email cho những người không truy cập bài học. Đồng thời, cho họ biết tầm quan trọng đối với sự thành công của các sinh viên trước. Kết quả là, các sinh viên đã có sự cải thiện về điểm số.
Thay đổi ngành Giáo dục
Nếu sinh viên chưa nắm được kiến thức, hệ thống hỗ trợ sẽ không chuyển sang bài giảng mới.
Một số học sinh sẽ không có định hướng kỷ luật đối với việc học trực tuyến. Nếu không thông qua các buổi cầu truyền hình trực tiếp và điểm danh, làm thế nào giáo viên duy trì kết cấu bài học và giúp học sinh đi đúng hướng? Đó là câu hỏi không ít giáo viên đặt ra. Theo ông Pardos, điều quan trọng là khuyến khích và chia sẻ với người học.
“Công nghệ đang thay đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Tôi nghĩ điều đó cũng đang xảy ra trong giáo dục – nơi giáo viên đang làm việc cùng với công nghệ. Nhiều hệ thống hỗ trợ học tập thích ứng đã được truyền cảm hứng từ việc dạy kèm một thầy một trò.
Chúng ta sẽ thấy công nghệ trở nên dễ dàng hòa nhập hơn với những gì giáo viên đang cố gắng hoàn thành. Công nghệ học máy, đặc biệt là xử lý ngôn ngữ tự nhiên, sẽ cung cấp các phương pháp tiếp cận sư phạm”, ông Pardos cho biết.
Theo chuyên gia này, hệ thống học tập thích ứng sẽ được sử dụng trong các bối cảnh rộng lớn hơn. Do bối cảnh kinh tế thay đổi, nhiều sinh viên có thể quyết định chuyển hướng nghề nghiệp.
Khi đó, sinh viên sẽ có kiến thức từ lĩnh vực đã học. Đồng thời, tận dụng những gì đã học trong các chương trình giảng dạy để chuyển đổi một cách dễ dàng sang những gì họ muốn theo đuổi.
“Đây là một nhiệm vụ cá nhân hóa đầy thách thức. Nhiều người nghĩ rằng, công nghệ có thể làm được mọi thứ. Mọi người cần học các môn học thuật, nhưng họ cũng cần học để làm người.
Họ cần học về lòng nhân ái, sự rộng lượng, cách làm việc cùng nhau, cách chia sẻ trách nhiệm, duy trì các mối quan hệ. Đây chắc chắn là một chủ đề học tập suốt đời. Làm thế nào để trở thành một công dân tốt? Sẽ không có một công nghệ hỗ trợ học tập thích ứng nào dạy điều đó”, ông Pardos nhận định.
Giữ chân giảng viên trẻ: Cần môi trường làm việc - nghiên cứu đúng nghĩa
Có ý kiến cho rằng, rất khó để giữ chân giảng viên trẻ vì lý do kinh tế. Thế nhưng, đối với một giảng viên đại học có năng lực thì không thiếu gì cách nâng cao thu nhập.
Ảnh minh họa/INT
Vấn đề quan trọng là làm sao để giảng viên trẻ không vơi nhiệt huyết, toàn tâm toàn ý vào việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng): Cải thiện môi trường làm việc - nghiên cứu để giữ giảng viên trẻ
PGS.TS Phan Cao Thọ
Ngoài hưởng lương tập sự, giảng viên trẻ cũng nhận được sự "san sẻ" từ các giảng viên chính như đảm nhiệm giúp sinh viên ở các giờ thực hành, hướng dẫn bảo vệ đề tài, trợ giảng, hướng dẫn đề án môn học... Vì thế, dù giảng viên tập sự không được tính giờ giảng nhưng trên thực tế vẫn có thu nhập (tiền trợ giảng...).
Thực ra, tổng thu nhập bình quân những năm đầu của cán bộ trẻ không thấp vì họ vẫn được hưởng các chế độ phúc lợi của trường. Chúng tôi luôn tìm mọi cách giúp giảng viên trẻ ổn định cuộc sống, vững chuyên môn để nâng cao chất lượng giảng dạy. Như nguồn quỹ tương trợ của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật với khoảng 300 triệu đồng hầu như được giải quyết cho các cán bộ trẻ mượn để trang trải chi phí học tập nâng cao trình độ.
Trong điều kiện "cạnh tranh" để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao như hiện nay, điều quan trọng không phải ở chỗ chế độ đãi ngộ mà là điều kiện, môi trường làm việc cùng những chính sách thuận lợi cho việc phát triển chuyên môn.
Nếu môi trường làm việc thân thiện, giảng viên trẻ được tôn trọng, tạo điều kiện tốt để thể hiện được năng lực bản thân, cùng các cơ chế hỗ trợ từ nghiên cứu khoa học (NCKH), hợp tác quốc tế như cho phép giảng viên liên kết với đối tác nước ngoài, doanh nghiệp, tổ chức hội thảo là đòn bẩy rất tốt để cán bộ trẻ thể hiện năng lực cũng như duy trì nhiệt tình cống hiến... Ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật hiện có nhiều giảng viên thế hệ cuối 7X, 8X đảm nhiệm công tác quản lý từ bộ môn, khoa cho đến cấp trường.
Cách bền vững nhất để các cơ sở giáo dục đại học giữ chân được giảng viên trẻ chính là cải thiện môi trường làm việc - nghiên cứu của giảng viên như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và các cơ hội tiếp xúc với thông tin khoa học. Ở môi trường làm việc nào cũng cần có tình đồng nghiệp chân thành và thiện chí. Đấy là đôi cánh nâng đỡ cho cán bộ trẻ có thể vượt qua những khó khăn khi bước vào nghề và trưởng thành nhanh chóng trong chuyên môn.
PGS.TS Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng: Tăng cường năng lực nghiên cứu
PGS.TS Võ Thị Thúy Anh
Ngoài việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho giảng viên nghiên cứu và giảng dạy, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo cho giảng viên trẻ về công bố quốc tế, phương pháp phân tích dữ liệu, khai phá dữ liệu, phần mềm nghiên cứu khoa học, sở hữu trí tuệ....
Việc duy trì đều đặn mô hình Nhóm đọc tại các khoa cũng góp phần tạo dựng thói quen sinh hoạt học thuật, là cách để thúc đẩy sự lan tỏa kiến thức, hình thành "cộng đồng bạn đọc khoa học" tại trường và tại các khoa. Với khối ngành kinh tế, để đăng được bài báo trên tạp chí quốc tế có uy tín là không đơn giản.
Người làm NCKH phải biết thế giới nghiên cứu đến đâu rồi từ đó mới tìm được khoảng trống. Muốn như vậy phải tiếp cận được tri thức của thế giới và Nhóm đọc là một kênh giúp giảng viên cập nhật hướng nghiên cứu trên thế giới rất hiệu quả. Qua đó, để có thể cùng nhau đào sâu, tìm được khoảng trống làm nên sự sáng tạo cho những công bố kế tiếp. Chính vì vậy, đối với giảng viên trẻ, đây là cơ hội giúp họ làm đầy tri thức, phục vụ cho công tác giảng dạy, tiếp cận các xu hướng nghiên cứu và hỗ trợ hướng dẫn sinh viên trong nghiên cứu.
Chỉ tính riêng trong năm học 2020 - 2021, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng có 65 công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục WoS/Scopus, trong đó có 44 công trình trên các tạp chí WoS/ISI và 21 công trình trên các tạp chí Scopus. Đặc biệt, một số bài báo thuộc nhóm A* và 60% số bài thuộc xếp hạng Q1 theo Scimago Journal Rank của Scopus.
Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng lọt vào tốp 3 trường có nhiều công bố nhất Việt Nam trên danh mục WoS/ISI khối ngành Kinh tế và Kinh doanh/Quản lý. Các giảng viên của nhà trường cũng đã công bố hơn 88 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước, tham gia 105 báo cáo tham luận tại các hội thảo trong nước và quốc tế. Nhà trường cũng ký mới 27 đề tài NCKH các cấp, trong đó có 1 đề tài cấp Nhà nước. Hơn một nửa trong số này do giảng viên trẻ đảm nhiệm.
TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân: Giúp giảng viên trẻ sống được bằng năng lực của mình
TS Võ Thanh Hải
Chúng tôi ý thức rằng, có nhiều tiền cũng chưa chắc đã làm NCKH được nếu không giữ chân nhà nghiên cứu. Vì vậy, việc "treo thưởng" nhiều tiền cũng chưa chắc đã thu hút được nhà khoa học trẻ đầu quân về trường nếu không tạo dựng được một môi trường NCKH đúng nghĩa.
Ngoài đầu tư phòng lab, nhà trường còn xây dựng cơ chế chính sách, bảo đảm cho các nhà khoa học được phát huy tính sáng tạo và sống được bằng chính năng lực khoa học của mình. Từ năm 2009, Trường ĐH Duy Tân xây dựng lại chiến lược phát triển, đánh giá lại đội ngũ, những cán bộ, giảng viên chuyên môn hóa NCKH - giảng dạy sẽ chủ yếu tập trung vào NCKH, nghiên cứu những công trình ngoài trường, tham gia giảng dạy chỉ đạt định mức tối thiểu theo quy định. Bên cạnh đó, nhóm giảng viên giảng dạy - nghiên cứu thì các công trình nghiên cứu sẽ phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy và đề tài cấp cơ sở hoặc tham gia nhóm nghiên cứu.
Hiện, trường đã xây dựng hoàn chỉnh cơ chế chính sách đặc thù cho các nhà nghiên cứu. Trong đó, thu nhập phải cao hơn hệ giảng viên và được tính vào lương chứ không chỉ dừng lại ở việc khen thưởng đột xuất khi có kết quả. Nhà trường cũng đầu tư cho cán bộ, giảng viên tham gia hội nghị - hội thảo chung với nhóm nghiên cứu của các trường ĐH mà giảng viên nhà trường hợp tác được và đầu tư cho cán bộ nghiên cứu ra nước ngoài hợp tác thực hiện nghiên cứu của mình.
PGS.TS Lê Phước Cường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng: Chính sách mới giúp giảng viên trẻ có thêm động lực trong nghiên cứu
PGS.TS Lê Phước Cường. Ảnh: NVCC
Năm 2012, tôi làm giảng viên tập sự sau 7 năm nghiên cứu và học tập tại Nga. Vì đã xác định sẽ theo con đường nghiên cứu chuyên sâu nên môi trường giảng dạy ở cơ sở giáo dục ĐH là phù hợp. Trong thời gian tập sự, ngoài công việc chủ yếu là chuẩn bị bài giảng cho năm học tiếp theo sẽ giảng dạy, tôi còn đề xuất một số nhiệm vụ khoa học công nghệ để triển khai.
Thời gian đầu tập sự, trường hỗ trợ cho giảng viên trẻ mỗi tháng vài trăm nghìn ngoài lương, tuy ít nhưng cũng vui vì đời sống cán bộ viên chức, đặc biệt là cán bộ trẻ được quan tâm. Còn nói về thu nhập của giảng viên trẻ không đủ sức để giữ chân hoặc thu hút, điều này tùy thuộc vào quan điểm sống của mỗi cá nhân. Với tôi, do thực hiện được một số đề tài nghiên cứu nên đời sống tạm ổn, không cảm thấy quá thiếu thốn và vẫn có nhiều nhiệt huyết để cống hiến.
Với những chính sách mới về KHCN, điều kiện tham gia các hoạt động hội thảo trong nước và quốc tế, chính sách về khen thưởng trên tạp chí quốc tế đã có tác dụng hỗ trợ và khuyến khích sức trẻ trong công tác giảng dạy, sáng tạo và NCKH. Cán bộ trẻ NCKH hiện nay cũng khác trước, có nhiều cơ hội đăng ký thực hiện những đề tài lớn như Nafosted, cấp Bộ, cấp Nhà nước và tỉ lệ có được đề tài để thực hiện khá cao.
Chính sách phát triển ưu tiên dành cho Khoa học công nghệ của Nhà nước và nhà trường đã đi vào thực chất, nhu cầu chứ không còn hình thức như trước nữa. Giảng viên trẻ được khuyến khích và hỗ trợ công tác giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm giúp họ được cọ xát và tạo động lực để tìm ra cái mới, tiếp thu cái mới.
Trường học các nước làm gì để học sinh hạnh phúc? Đồng cảm là một môn học trong chương trình giảng dạy phổ thông tại Đan Mạch. Giáo viên khuyến khích học sinh Đan Mạch tự khám phá kiến thức. Còn Australia lồng ghép khóa học Positive Detective (Công nhận điều tích cực) trong các nhà trường, còn học sinh Ấn Độ được dạy về hạnh phúc... Phần Lan: Chơi nhiều, học ít Ít...