Cánh cửa đại học ‘khép’ lại với nữ sinh mồ côi mẹ
Đạt điểm tổ hợp xét tuyển khối A1 là 27,2, nhưng con đường vào đại học của nữ sinh mồ côi mẹ ở Quảng Nam đang dần ‘khép’ lại vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Cô học trò Cao Thị Mỹ Duyên – Ảnh: Mạnh Cường
Những ngày cuối tháng 7, căn nhà nằm trong con hẻm ở thôn An Thọ (xã Tam An, H.Phú Ninh, Quảng Nam) của nữ sinh Cao Thị Mỹ Duyên (lớp 12/3, Trường THPT Trần Văn Dư) rộn rã tiếng cười. Người thân và bạn bè liên tục gọi điện chúc mừng khi biết tin Duyên đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua với tổng số điểm xét tuyển khối A1 là 27,2 (toán 9, lý 9 và tiếng Anh 9,2).
Duyên cũng là thủ khoa khối A1 tại cụm thi Quảng Nam. Với kết quả này, Mỹ Duyên đang làm hồ sơ vào Khoa Kinh tế quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM.
Là con gái đầu trong gia đình có hai chị em, cách đây 3 năm thì mẹ em không may đột ngột qua đời. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng suốt 12 năm học Duyên là học sinh giỏi. Cô cũng vừa đoạt giải ba môn tiếng Anh cấp tỉnh, kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 năm học 2018 – 2019.
“Mẹ mất khi chỉ cách ngày khai giảng vào lớp 10 đúng 2 ngày. Em đã suy sụp rất nhiều. Nhưng rồi, được sự động viên của ba, em đã vượt qua được cú sốc đầu đời”, Duyên nghẹn lại.
Để có được kết quả cao trong kỳ thi vừa qua là một sự nỗ lực không ngừng của cô nữ sinh mồ côi. Bản thân Duyên rất vui khi những nỗ lực đã được đền đáp một cách xứng đáng. “Chỉ có học mới giúp con người ta thoát nghèo thôi! Vì ba, vì em trai, em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa. Nếu được vào đại học, em sẽ cố gắng chăm chỉ học để sau này trở thành một nhà kinh doanh giỏi”, Duyên chia sẻ.
Trong quá trình nói chuyện, đôi mắt của cô nữ sinh nghèo toát lên sự lo lắng, giọng nói bỗng chốc nghẹn lại: “Ước mơ là vậy. Nhưng em lo sợ mình không thực hiện được vì nhà nghèo. Con đường vào đại học cũng sẽ dần khép lại vì sợ ba không đủ điều kiện, khả năng để lo, bởi phía sau em còn có em trai năm nay đang vào lớp 11 nữa”, Duyên trải lòng và cho hay nếu có cơ hội vào được đại học, em sẽ vừa đi học vừa đi làm thêm kiếm tiền tự trang trải cho bản thân để ba bớt khổ.
Ông Cao Đình Hảo (47 tuổi, ba Duyên) cho biết khi hay tin con đạt điểm cao trong kỳ thi, cả nhà ai cũng vui mừng nhưng đó cũng là một nỗi lo dài phía trước. Nhiều đêm bản thân nằm trằn trọc suy nghĩ với những câu hỏi không lời đáp. “Vợ mất, các con đã thiệt thòi nhiều so với bạn bè của nó. Gia đình lại càng thêm khó khăn hơn, không biết sắp tới có lo nổi cho các con ăn học không nữa khi mà gánh nặng mưu sinh vẫn còn đè nặng”, ông Hảo trăn trở.
Ông Hảo cũng cho hay, nếu được vào đại học việc học xa nhà của con gái cũng một điều khiến ông rất lo lắng. “Đây là lần đầu tiên con bé rời khỏi vòng tay che chở của tôi, biết nó có chăm sóc tốt cho bản thân hay không nữa. Làm một người ba mà không thể giúp con thực hiện được ước mơ thì tôi sẽ trở thành một người ba tồi mất. Vì con, dù khó khăn tới đâu tôi cũng sẽ cố gắng hết sức, làm đủ mọi việc để có tiền lo cho các con ăn học”, ông Hảo trải lòng.
Video đang HOT
Theo Thanh niên
Nam sinh Nghệ An thi đạt 27,35 điểm có nguy cơ lỡ hẹn với giảng đường đại học
Gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn nhưng với nghị lực vượt khó, em Phạm Nhân Quyền, học sinh lớp 12A01, trường THPT Quỳnh Lưu 1 đạt 27,35 điểm. Thế nhưng vì gia đình đặc biệt khó khăn nên em dễ phải "lỡ hẹn" với giảng đường đại học.
"Cố lên, tương lai trong tầm tay"
Kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, Phạm Nhân Quyền đạt 27,35 điểm khối A (Toán 9,6; Hóa 9,25 và Lý 8,5 điểm). Kết quả ấy không mấy bất ngờ đối với những người biết rõ em. Bởi theo thầy cô và bạn bè, Quyền rất thông minh, sáng tạo, không ngừng tìm tòi phương pháp giải bài tập. Em cũng đã đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Phạm Nhân Quyền (áo xanh) luôn có ý chí quyết tâm và nghị lực trong học tập.
Quyền chia sẻ: em mong muốn sau này có một tương lai tươi đẹp hơn và trở thành chỗ dựa vững chắc cho mẹ và ông bà ngoại đã già yếu, đưa gia đình thoát nghèo. Vì thế em xác định không có con đường nào khác chính là con đường học tập.
Trước bàn học của em là dòng chữ "Cố lên tương lai trong tầm tay", để nhìn vào đó làm động lực, quyết tâm phấn đấu tìm ra nhiều cách riêng để đạt thành tích học tập cao nhất.
Mỗi ngày em đều dành thời gian để trao đổi bài với bạn bè và hoàn thành các bài tập mà thầy cô giao. Hơn nữa, Quyền luôn tự tâm niệm lấy yếu tố tự học làm cốt lõi. Chính vì vậy, cứ đều đặn buổi tối bắt đầu từ 7 giờ em ngồi vào bàn học bài đến 12 giờ đêm.
Với tính cách thích sự đổi mới, không muốn đi theo một lối mòn đã định sẵn nên khoảng thời gian học buổi tối này Quyền đặc biệt dành để tìm tòi đa dạng cách giải những bài tập ở các bộ môn trong khối A. Khi có công thức riêng, em thường ghi lại vào một cuốn sổ nhỏ.
Ở trường những giờ ra chơi Quyền luôn tranh thủ thời gian trao đổi thêm bài tập từ bạn bè, thầy cô.
Buổi sáng, em thức dậy lúc 5 giờ để ôn và ghi nhớ lại những kiến thức đã trau dồi được. Do hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện mua các loại sách nâng cao nên em thường xuyên lên mạng tìm chọn và làm các bộ đề thi thử của các trường trong cả nước, cùng với đó là giải xen kẽ các đề mà bản thân thấy chưa được ưng ý.
Với cách học này đã giúp em từng bước tích lũy được vốn kiến thức, nên trong kỳ thi học sinh giỏi năm lớp 9 và 11 em đều đạt giải Nhì cấp tỉnh môn Hóa học. Đặc biệt, như đã nói, em đạt được 27,35 điểm khối A, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay.
Với số điểm này, nguyện vọng của Quyền được trở thành sinh viên của khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, để trong tương lai làm một kỹ sư lập trình phần mềm máy tính.
Ngoài giờ học Quyền phụ giúp mẹ công việc nhà.
"Năm lớp 10 em mới được tiếp xúc, làm quen với máy tính nhưng nhận thấy mạng lập trình của nước ta chưa phát triển bằng các nước trên thế giới. Hơn nữa, em rất thích sự sáng tạo, logic trong lập trình nên rất muốn trở thành một kỹ sư, để có thể đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển của phần mềm máy tính."
Phạm Nhân Quyền, học sinh lớp 12A01, trường THPT Quỳnh Lưu 1
Và ước mơ có thành hiện thực?
Vậy nhưng khi cánh cổng trường đại học đang rộng mở thì Quyền lại lo lắng, chới với khi không biết lấy tiền ở đâu để chuẩn bị nhập học.
Bởi em sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hai mẹ con Quyền sống với nhau và Quyền chưa bao giờ biết bố mình là ai. Mẹ Quyền ốm đau bệnh tật, không được nhanh nhẹn.
Mặc dù vậy, như bao người mẹ khác, với niềm đau đáu không để con phải thiệt thòi, được cắp sách đến trường, được thực hiện những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ, mẹ Quyền không nề hà bất cứ việc gì từ mò cua, bắt ốc, đi chợ bán từng mớ rau hay đi nhặt phế liệu. Thế nhưng mỗi ngày, bà cũng chỉ kiếm được 30 - 40 nghìn đồng và luôn dành dụm phần nhỏ để mua dụng cụ học tập cho con.
Hai mẹ con Quyền sống với nhau và em chưa bao giờ biết mặt bố.
Đi men theo con mương ngoài đồng vào căn nhà nhỏ của mẹ con Quyền được ông bà ngoại làm cho đã lâu mới cảm nhận được sự vất vả, trong nhà không có tài sản gì đáng giá. Chiếc ghế Quyền thường ngồi học cũng đã ọp ẹp nhưng em lại cho rằng đó như một chiếc ghế xoay thú vị để lắc người qua lại giải trí mỗi khi học hành căng thẳng.
Biết hoàn cảnh gia đình nên em luôn chú tâm vào học tập. Ngoài ra có thời gian rỗi là giúp đỡ mẹ việc nhà. Quyền rất may mắn được thầy cô, bạn bè quan tâm giúp đỡ về sách vở và đặc biệt người anh họ cho một cái laptop, tuy cũ nhưng em rất quý trọng món đồ này. Bởi đây chính là phương tiện để em phát huy khả năng tự học của mình.
"Quyền là một em học sinh thông minh, tiếp thu bài nhanh, khả năng tự học tốt. Em luôn tìm ra cách giải bài rất độc đáo, nhất là môn Hóa học và Toán."
Thầy Hồ Ngọc Châu - Giáo viên chủ nhiệm lớp 12A01, trường THPT Quỳnh Lưu 1
Lớp 12A01 ngoài Quyền thì còn có 9 học sinh đạt trên 26 điểm ở các khối trong kỳ thi vừa qua. Hiện tại, các thầy cô giáo ở trường rất mong mỏi mỗi học trò đều phát huy tốt khả năng trong môi trường đại học và cũng như hy vọng có mạnh thường quân nào nhận giúp đỡ, đồng hành cùng Phạm Nhân Quyền để em vượt qua hoàn cảnh, yên tâm rèn luyện, thực hiện được ước mơ trong tương lai.
Hồng Diện
Theo baonghean
Nữ sinh học giỏi dự tính bảo lưu kết quả thi đại học 1 năm để làm công nhân Những ngày này, thầy trò lớp 12C1 nói riêng và Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) nói chung đều phấn khởi và tự hào vì có hai học sinh của trường nằm trong số có điểm cao nhất tỉnh Kiên Giang. Đó là các bạn Trần Thúy Vy và Lâm Lê Thanh Tuyền. Em Trần Thúy...