Canh chua củ hủ dừa tôm đất
Quá quen thuộc với hình ảnh làm nguyên liệu cho các món gỏi, củ hủ dừa nay còn có thể sử dụng để làm các món canh vừa lạ miệng vừa dễ nấu. Cùng bắt tay thực hiện ngay món canh chua củ hủ dừa thôi!
Nguyên liệu
300g củ hủ dừa (chọn lấy phần thân), 150g tôm đất làm sạch, 50g cà chua bi, 1 muỗng canh tỏi băm, 1 lít nước lọc. Rau nêm: rau răm, tỏi phi. Ăn kèm: cơm trắng/bún tươi và nước mắm ớt. Gia vị: dầu ăn, nước mắm.
Video đang HOT
Thực hiện
Củ hủ dừa cắt lát mỏng. Cà chua bi cắt đôi. Rau răm cắt nhỏ. Tôm đất cắt bỏ chân và đầu nhọn ở đuôi, rửa sạch, để ráo.
Ướp tôm: Tôm đập giập nhẹ, ướp với 1 muỗng canh gia vị nêm sẵn lẩu Thái, để thấm. Nấu canh: phi thơm tỏi, cho cà chua vào xào mềm, thêm 1 lít nước lọc vào nấu sôi, nêm 1/2 gói gia vị nêm sẵn lẩu Thái, khuấy đều, cho củ hủ dừa vào nấu khoảng 3 phút, cho tôm đất vào nấu chín rồi tắt lửa và nêm rau răm vào.
Múc canh ra tô, cho thêm tỏi phi, dùng nóng kèm cơm trắng hoặc bún tươi và nước mắm ớt.
Mách nhỏ
Tôm đập giập nhẹ để món canh ngọt vị hơn.
Ướp tôm với gia vị nêm sẵn lẩu Thái để giúp tôm thấm vị ngon hơn.
Bùi ngùi với da heo trộn
Tôi nhớ ngày xưa, khi kinh tế gia đình chẳng mấy dư dả, tôi vẫn thường được ông bà nội đãi món da heo trộn. Món ăn đơn giản gồm da heo cùng đu đủ xắt sợi ấy, đã trở thành món ăn đong đầy kỷ niệm của những tháng ngày gian khó ngày xưa.
Còn nhớ cách đây hơn hai mươi năm về trước, cứ dăm bữa nửa tháng, nội tôi lại ra chợ mua về một mớ mỡ heo để thắng mỡ dùng dần, chứ nhà chẳng dư dả mà mua dầu thực vật. Từng khổ mỡ heo dày sấn, được nội cẩn thận lọc riêng da và mỡ, để khi thắng, mỡ heo không bị bắn. Phần da heo dư ra là phần mà tôi mong đợi nhất, bởi đấy là nguyên liệu chính làm nên món da heo trộn chua cay, thơm lựng mà nội vẫn thường tỉ mỉ chế biến dành riêng cho tôi.
Món ăn giản đơn từ da heo cùng dăm miếng đu đủ xắt sợi.
Sau khi luộc chín da heo, nội vớt ra để ráo rồi xắt mỏng, ướp cùng chút nước mắm ớt, tỏi. Trong khi chờ gia vị ngấm vào da heo, nội ra vườn hái đu đủ vào bào sợi, ngâm nước lã cho sạch mủ rồi vắt ráo. Ngoài ra, nội còn hái thêm mớ rau răm, rang ít đậu phụng và giã nước mắm chanh, ớt, tỏi. Rồi cứ thế, nội trộn lần lượt da heo, đu đủ bào sợi với vài muỗng nước mắm chanh, tỏi, ớt. Sau cùng, rắc đậu phụng và rau răm lên trên là xong.
Nhìn thì đơn giản vậy, nhưng "nghề ăn cũng lắm công phu". Công phu ở đây là khâu luộc da heo. Phải luộc sao cho da vừa chín tới, nếu chín quá, da heo sẽ bị mềm. Đu đủ bào sợi cũng phải chọn quả đu đủ già vừa phải và khi trộn cũng không được trộn quá tay, để sợi đu đủ vẫn còn giữ được độ giòn, ngọt...
Nước mắm chanh, tỏi, ớt trộn gỏi phải pha sao cho vừa phải, không quá mặn cũng không quá ngọt, vừa có vị mặn mà vừa phải của nước mắm, vừa có vị chua nhẹ của chanh, vị nồng nàn, cay của tỏi ớt... Cứ thế, món da heo trộn nội làm là sự tổng hòa của đủ vị chua, cay, ngọt, mặn với cái bùi, dai của da heo; giòn sần sật của đu đủ, thanh cay của rau răm... khiến tôi cứ thòm thèm, muốn gắp hoài, gắp mãi.
Từng là món ăn giá rẻ của một thời khó nhọc, nhưng da heo trộn bây giờ đã trở thành đặc sản của nhiều nhà hàng, quán ăn. Thành ra, tôi không còn cần phải chờ mỗi lần nội thắng mỡ heo mới được thưởng thức món da heo trộn như ngày thơ ấu, mà có thể thưởng thức bất cứ khi nào mình muốn. Dẫu vậy, tôi vẫn thèm cảm giác háo hức, mong chờ của những ngày xưa. Tôi thèm được nhìn nội ngồi tỉ mỉ cắt miếng da heo thành từng sợi, thèm được nghe nội gọi tôi í ới, rồi bảo tôi là "Con à, lột vỏ đậu phụng cho nội làm da heo trộn nghen con!".
5 món đặc sản sông nước miền Nam đãi người Bắc Bộ Nếu như miền Bắc ăn nhạt và thanh, miền Trung ăn mặn và cay, thì khi nhắc đến những đặc trưng về vị giác của ẩm thực miền Nam sẽ gợi nhớ đến những sản vật của đồng bằng sông nước miền Nam như tôm đất, cá đồng, cây trái miệt vườn, rau rừng củ dại... với những tính từ như ngọt, béo,...