Cảnh báo về nạn bạo lực nữ sinh
Những năm gần đây vấn đề bạo lực trong các nữ sinh đang trở nên nổi cộm. Lý do dẫn đến đánh nhau như: thấy ghét thì đánh, dám nhìn đểu nên đánh, trả thù tình, thậm chí chẳng có lí do gì cũng… đánh.
Mới đây, chuyện một học sinh Trung học Phổ thông (THPT) ở Đà Nẵng bị đánh chết ngay trước cổng trường học, hay những trận hỗn chiến giữa các nữ sinh được tung công khai lên mạng khiến cho dư luận vô cùng lo lắng khi nó xảy ra tại một môi trường được cho là an toàn. Những sự việc như vậy đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những lệch lạc trong sự phát triển nhân cách và những bất ổn trong tâm lý của một bộ phận học sinh hiện nay.
Năm 2008, một cuộc khảo sát đã được tiến hành tại hai trường THPT ở Hà Nội, với sự tham gia của 200 học sinh về tình trạng bạo lực nữ sinh. 96,7% học sinh được hỏi cho biết, ở trường các học sinh có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau. 45% số được hỏi cho rằng, điều đó là bình thường, 30% nói có thể chấp nhận được. Khảo sát cũng cho thấy những lí do rất “trời ơi” nhưng lại là cái cớ để các nữ sinh đánh nhau như: thấy ghét thì đánh, dám nhìn đểu nên đánh, trả thù tình, người khác nhờ đánh, thậm chí chẳng có lí do gì cũng… đánh.
Đầu năm học 2007 – 2008, thầy cô trường THCS Trần Phú (TP.HCM) nhận được thông tin một nhóm HS trong trường tổ chức trò chơi ” bốc thăm” đánh nhau. Nếu học sinh nào có mã số trùng với lá thăm sẽ bị… đánh vô cớ. Nếu nạn nhân là nam thì bị các “đàn anh” đánh, nếu là nữ, sẽ có các “đàn chị” ra tay.
Điều đáng lo ngại là, trong những năm gần đây vấn đề bạo lực trong các nữ sinh đang trở nên nổi cộm. Cách đây gần một năm, cư dân mạng xôn xao vì những hình ảnh bạo lực của 2 nữ sinh được trích từ một clip, theo tiêu đề của người đưa cảnh quay này lên mạng thì câu chuyện xảy ra ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Vụ hành hung và làm nhục diễn ra trước sự chứng kiến và đồng lõa của một nhóm học sinh khác.
Lý giải cho những hiện tượng này, TS. Phan Mai Hương, chuyên gia tâm lý, Viện Tâm lý học Việt Nam phân tích: “Những em gây bạo lực cho người khác thường là những người có bức bối ở trong lòng, hoặc khi gặp vấn đề thì các em không được dạy cách giải quyết nào khác ngoại trừ việc dùng đến bạo lực. Hơn nữa, hiện nay với sự xuất hiện của các phương tiện hiện đại như: điện thoại di động và Internet, những hình ảnh đáng sợ này mới được phơi bày trước công luận. Sở dĩ nạn bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng, một phần cũng từ sự vô tâm của những người xung quanh và không có dấu hiệu can thiệp hoặc báo cơ quan chức năng”.
Ông Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên cho biết: “Lỗi một phần không chỉ ở các em mà ở chính người lớn”. Theo các chuyên gia tâm lý, nhìn sâu xa hơn về hiện tượng này thì đây là những bất ổn tiềm tàng trong đời sống gia đình, trong mối quan hệ cộng đồng. Khi được hỏi về “Thái độ của cha mẹ khi biết con gái đánh nhau”, kết quả: Hơn 40% các em nói rằng bị cha mẹ mắng chửi và đánh sau khi biết chuyện, trong khi 42,6% cho biết cha mẹ không quan tâm đến chuyện đó.
Nghiên cứu mới đây của nhóm tác giả Lê Thị Kim Dung, Lã Thị Bưởi, Đinh Đăng Hoè cho thấy: Gần 100% học sinh phải học thêm; 85% số học sinh luôn căng thẳng tâm thần do áp lực của việc học tập; 61% trẻ luôn căng thẳng do áp lực của các kỳ thi, kiểm tra quá nhiều; 65% học sinh luôn gặp khó khăn trong học tập do khối lượng nội dung quá lớn của các môn học. Theo PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội, những rối nhiễu tâm lý ở học sinh chủ yếu xuất phát từ áp lực học tập.
Ông Trần Văn Vũ, Phó trưởng khoa 3 (Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) cho biết, mỗi năm, bệnh viện đón gần 4.000 bệnh nhân, trong đó 30% là đối tượng học sinh, sinh viên. Thời điểm bệnh nhân nhập viện đông nhất là sau mỗi lần tuyển sinh đại học.
Có một thực tế, chương trình học hiện nay quá nặng nề khiến cho cả giáo viên cũng chỉ “quay cuồng” chạy cho kịp chương trình, mà quên đi một điều rằng, giáo dục nhân cách được hình thành từ chính những năm tháng phổ thông.
Nghiên cứu tại trường chuyên Quảng Bình cũng cho thấy, có tới 95% số học sinh có rối loạn lo âu nói rằng, các bạn ấy rất cần ai đó để chia sẻ, cần một chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học đường lắng nghe để nói lên nỗi lòng mình. Thế nhưng, tại các nhà trường, giáo viên tham vấn chưa được coi trọng và chưa được xem là môn học chính. Công tác giáo dục về pháp luật, đạo đức cho các học sinh ngay từ khi mới bước vào trên ghế nhà trường còn nhiều hạn chế./.