Cảnh báo rủi ro từ tăng trưởng nóng bancassurance
Kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đang phát triển nở rộ, đóng góp doanh thu quan trọng cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành cảnh báo, kênh phân phối này đang tăng trưởng nóng, nhiều nhân viên chưa được đào tạo bài bản khiến nhà bảo hiểm phải “ bồi thường oan”.
“Quýt làm cam chịu”
Mới đây, một doanh nghiệp bảo hiểm bị tòa án tuyên buộc bồi thường 3 tỷ đồng cho một khách hàng doanh nghiệp. Đáng nói là lý do bồi thường xuất phát từ sai sót trong quá trình tư vấn của nhân viên ngân hàng hợp tác phân phối sản phẩm với doanh nghiệp bảo hiểm trên. Cụ thể, tư vấn viên đã không giải thích đầy đủ các điều khoản loại trừ trong hợp đồng với khách hàng.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia trong ngành, do quy mô của vụ việc trên lớn, giá trị bồi thường lên tới tiền tỷ nên nhà bảo hiểm, ngân hàng hợp tác và khách hàng mới mang nhau ra tòa phân xử.
Còn không ít trường hợp tranh chấp bảo hiểm bắt nguồn từ lỗi của phía ngân hàng (trong vai trò là đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm), giá trị bồi thường chỉ vài chục triệu đồng, đặc biệt giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm có mối quan hệ mẹ – con thì đều được các bên giải quyết êm thấm trong nội bộ.
Tại không ít ngân hàng, nhân viên phòng giao dịch đi học về sản phẩm bảo hiểm liên kết về chỉ dạy lại cho nhân viên khác
Bancassurance đang là kênh phân phối được hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm chú trọng phát triển. Nhiều công ty bảo hiểm đã ký những hợp đồng hợp tác độc quyền có giá trị hàng nghìn tỷ đồng với ngân hàng.
Số liệu từ các doanh nghiệp bảo hiểm cho hay, tính đến hết tháng 7/2018, doanh thu phí bảo hiểm mới bán qua kênh ngân hàng đạt hơn 2.860 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm khoảng 20% tổng doanh thu khai thác mới của thị trường bảo hiểm, đóng góp khoảng 10% vào tổng doanh thu phí của cả ngành.
Trước sự phát triển mạnh của kênh phân phối này cùng một số vụ việc tranh chấp phát sinh về bồi thường liên quan, bên lề Hội thảo “Cơ sở hạ tầng tài chính:
Video đang HOT
Hệ thống sinh thái cho sự phát triển của ngành tài chính” mới đây, chuyên gia Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng bộ môn Bảo hiểm, Đại học Kinh tế TP.HCM bày tỏ băn khoăn về việc phân định trách nhiệm giữa ngân hàng – đại lý bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm ra sao trong các tranh chấp với khách hàng.
“Nếu nảy sinh tranh chấp thì đây là tranh chấp giữa khách hàng bảo hiểm với doanh nghiệp theo hợp đồng bảo hiểm, hay tranh chấp giữa khách hàng với ngân hàng – người trực tiếp cung cấp dịch vụ tư vấn cho việc chọn và mua bảo hiểm? Cơ sở nào để khách hàng khiếu nại ngân hàng?”, ông Hùng đặt câu hỏi.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một số chuyên gia cho rằng, hợp đồng đại lý bảo hiểm nhân thọ thể hiện mối quan hệ ràng buộc giữa đại lý với doanh nghiệp bảo hiểm, tuỳ theo chiến lược đào tạo đại lý cũng như các chiến lược kinh doanh khác mà các công ty đưa ra các thoả thuận riêng với đại lý, nhưng phải đảm bảo quyền lợi phù hợp với thực tế.
Nếu vi phạm hợp đồng và phát sinh tranh chấp, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng tham gia bảo hiểm thì trước khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm trước tiên.
“Đại lý bảo hiểm hoạt động theo sự ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm. Vì vậy, hành vi của đại lý gây thiệt hại đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của khách hàng tham gia bảo hiểm vẫn thuộc về trách nhiệm của doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có biện pháp xử lý với đại lý vi phạm”, luật sư Trần Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM nói.
Rủi ro từ tăng trưởng nóng
Luật Kinh doanh bảo hiểm (Điều 88) có quy định rõ: “Trong trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm về hợp đồng bảo hiểm, do đại lý bảo hiểm thu xếp giao kết. Đại lý bảo hiểm có trách nhiệm bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm”.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành, trên thực tế, trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý để đòi phía ngân hàng – đại lý phân phối sản phẩm bồi hoàn thiệt hại, doanh nghiệp bảo hiểm có thể “lộ” ra nhiều sai sót, đơn cử như “đại lý không đủ điều kiện bán bảo hiểm nhưng vẫn cho họ đi bán”. Do đó, đôi khi doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải bỏ qua cho vẹn cả đôi đường.
Theo quan sát của chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán từ thực tế bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng hiện nay, khi mua bảo hiểm, khách hàng cần phải được tư vấn thấu đáo, hầu hết nhân viên ngân hàng khi đi bán bảo hiểm (cả nhân thọ lẫn phi nhân thọ) đều bỏ quên trách nhiệm tư vấn cặn kẽ cho khách hàng, nguyên nhân chính vẫn do không được đào tạo bài bản.
Ông Đán chỉ ra thực trạng, tại không ít ngân hàng, nhân viên phòng giao dịch đi học về sản phẩm bảo hiểm liên kết về chỉ dạy lại cho nhân viên khác bán bảo hiểm cho khách hàng.
Những sai sót của các tư vấn viên bancassurance, theo nhân viên một ngân hàng lớn, chủ yếu vẫn nằm ở khâu chào bán bảo hiểm, do kiêm nhiệm nhiều công việc tại phòng giao dịch, không được đào tạo bài bản, trong khi sản phẩm bảo hiểm khá đặc thù, bộ hợp đồng phức tạp, khó hiểu.
Tất nhiên, có những vụ việc khách hàng khiếu nại trực tiếp ngân hàng, nhưng lỗi không hoàn toàn do ngân hàng gây ra. Khi đó, căn cứ vào từng vụ về việc cụ thể mới có thể xác định được đúng trách nhiệm của các bên trong một cuộc tranh chấp, nhưng dù thế nào thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn là người hứng chịu.
Kim Lan
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều sau khi Phố Wall tăng điểm
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên sáng 20/9 sau khi chứng khoán Phố Wall qua đêm tăng mạnh.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản ghi nhận mức tăng 0,20% trong những giờ đầu giao dịch khi nhóm chứng khoán bảo hiểm tăng 1,36%.
Ảnh minh họa (Nguồn: CNBC)
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,3% khi cổ phiếu của Samsung Electronics tăng 0,98%.
Trong khi đó, chỉ số ASX 200 của Australia đi ngược xu hướng và giảm 0,32% bởi hầu hết cổ phiếu của các ngân hàng lớn đều giảm điểm và nhóm chứng khoán tài chính giảm 0,41%.
Tại thị trường Mỹ, chứng khoán Phố Wall qua đêm tăng cao khi chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 158,80 điểm và chốt phiên ở mức 26.405,76 USD, còn chỉ số S&P 500 tăng 0,13% và kết thúc phiên ở mức 2.907,95 USD.
Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite trượt nhẹ 0,08% xuống còn 7.950,04 USD.
Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra vào ngày 19/9 tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc đang đối mặt với một loạt khó khăn và thách thức trong phát triển kinh tế và một khó khăn lớn hơn là duy trì nền kinh tế ổn định.
Ông Lý Khắc Cường cũng cho biết, Trung Quốc đã chuẩn bị đầy đủ các công cụ chính sách để đối phó với các rủi ro, thách thức và các công cụ chính sách này sẽ giúp nước này tăng cường khả năng đối chọi với những khó khăn.
Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc đã không đề cập cụ thể đến tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Washington.
Cùng ngày 19/9, tỉ phú Jack Ma, Chủ tịch Tập đoàn bán lẻ Alibaba cho biết, Alibaba không còn ý định tạo 1 triệu việc làm tại nước Mỹ, do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Trả lời báo chí Trung Quốc, ông Jack Ma cho rằng, lời hứa mang lại 1 triệu việc làm chỉ có thể thực hiện dựa trên tiền đề quan hệ đối tác hữu nghị giữa Mỹ và Trung Quốc và mối quan hệ thương mại song phương hợp lý.
"Tiền đề đó hiện không còn nữa, vì vậy chúng tôi không thể thực hiện được lời hứa," Chủ tịch Alibaba nói.
Trên thị trường tiền tệ, vào lúc 8h12 sáng nay theo giờ Hong Kong/Singapore, chỉ số đô la Mỹ (USD) tiếp tục giảm điểm so với phiên hôm qua và giao dịch ở mức 94.559 điểm.
Đồng yên Nhật vẫn giữ giá so với USD và giao dịch ở mức 112,30 yên đổi được 1 USD, trong khi đồng đô la Australia (AUD) giảm nhẹ và giao dịch ở mức 1 AUD đổi được 0,7261 USD./.
CTV Hồng Quang/VOV.VNTheo CNBC
[Infographic] Vai trò của FDI với phát triển kinh tế 30 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, bổ sung vào nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng thu ngân sách, thúc đẩy xuất khẩu và nhiều lĩnh vực quan trọng khác. ĐT (Theo TTXVN)