Cảnh báo có thể mất hàng thế kỷ để khắc phục tình trạng băng tan tại Nam Cực
Giới khoa học cảnh báo tuy lượng băng tại Nam Cực đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, song sẽ không có biện pháp nào giúp khắc phục tình trạng này một cách nhanh chóng.
Băng trôi tại Vịnh Chiriguano ở Nam Cực. Ảnh: AFP/TTXVN
Kết luận này được đưa ra trong nghiên cứu khoa học đăng tải ngày 8/8 trên tạp chí Frontiers in Environmental Science.
Năm 2022, diện tích băng tối thiểu ở Nam Cực vào mùa hè đã giảm xuống dưới 2 triệu km2 lần đầu tiên kể từ khi quá trình giám sát bằng vệ tinh bắt đầu vào năm 1978, trước khi đánh dấu mức giảm sâu hơn nữa vào tháng 2 vừa qua.
Nhà khoa học khí hậu của Anh Caroline Holmes cảnh báo có thể “mất nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để khắc phục tình trạng trên”, đồng thời nhấn mạnh không còn biện pháp nào khác nhanh chóng hơn.
Video đang HOT
Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Nam Cực tại Đại học Victoria Wellington (Australia), ông Tim Naish cho biết, diện tích băng tối thiểu năm nay thấp hơn 20% so với mức trung bình trong 30 năm qua, với lượng băng biển bị mất đi tương đương gấp gần 10 lần diện tích lãnh thổ New Zealand. Theo ông Naish, Trái Đất có thể đã gần chạm đến điểm tới hạn mà một khi đã vượt quá, sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng không thể ngăn ngừa trong tương lai.
Nghiên cứu khoa học trên cho thấy tình trạng ấm lên toàn cầu đã khiến vùng Nam Cực dễ tổn thương hơn trước các hình thái thời tiết cực đoan, với hậu quả sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Trên cơ sở bằng chứng khoa học mới nhất từ các nghiên cứu về đại dương, khí quyển và sinh quyển ở Nam Cực, nghiên cứu cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ khiến các đợt sóng nhiệt diễn ra thường xuyên hơn trên quy mô lớn hơn, trong khi băng tiếp tục tan chảy.
Giới khoa học vốn chưa thể xác định được hậu quả cụ thể của biến đổi khí hậu với Nam Cực, cũng như lượng băng tại đây. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu về sông băng tại Đại học Exeter Martin Siegert cho rằng từ các hiện tượng có thể thấy rõ như băng tan, giới khoa học có thể khẳng định rằng các hiện tượng này sẽ tiếp tục diễn ra với cường độ lớn hơn nữa. Ông Siegert mô tả Nam Cực là môi trường mong manh, đồng thời bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng trong tương lai của sự gia tăng cường độ và tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan đối với khu vực này.
Nam Cực chứa khoảng 90% lượng băng trên thế giới, với dải băng dày tới 4,8 km và rộng 13,7 triệu km2. Ngoài băng biển, Nam Cực còn có băng trên đất liền. Dù là châu lục lạnh nhất thế giới, nhưng Nam Cực cũng không thể “miễn dịch” trước tình trạng ấm lên toàn cầu. Lục địa này không trải qua tình trạng băng tan nhanh trong 4 thập kỷ qua do biến đổi khí hậu như ở Greenland và Bắc Cực, song kể từ năm 2016, tỷ lệ băng tan tại đây bắt đầu tăng cao, gây lo ngại xu hướng này có thể kéo dài.
Nhà khoa học khí hậu tiên phong Claude Lorius qua đời ở tuổi 91
Ông Claude Lorius, chuyên gia hàng đầu thế giới về sông băng, người có những phát hiện tại Nam Cực vào những năm 1980 giúp chứng minh con người liên quan tình trạng ấm lên toàn cầu, đã qua đời ở tuổi 91 tại vùng Burgundy (Pháp).
Nhà khoa học Pháp Claude Lorius. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Nhà xuất bản Arhaud của Pháp, nơi đã xuất bản các bản ghi chép của chuyên gia Claude Lorius, cùng nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã thông báo tin ông qua đời sáng 21/3.
Năm 1955, khi vừa rời trường đại học, chàng thanh niên Claude Lorius đã quyết định tham gia một phái đoàn của International Geophysical Year, chương trình nghiên cứu toàn cầu về Nam Cực. Sau 2 tháng lênh đênh trên biển và 4 tuần vượt qua các vùng địa hình khắc nghiệt, Lorius đã đến được trạm Charcot ở Nam Cực, cách đất liền 320 km.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn AFP, Claude Lorius chia sẻ: Tôi không chọn khoa học, tôi chọn sự phiêu lưu". Ông cũng kể lại niềm vui sướng cực độ vì "Nam Cực là nơi tốt nhất để chứng kiến các vấn đề môi trường của hành tinh".
Ông cùng 2 người khác đã ở đây 1 năm, trong điều kiện cơ sở vật chất hạn chế và một chiếc radio liên lạc bị hỏng trong nhiệt độ luôn ở mức âm 40 độ C. Ông cho biết: "Chúng tôi đã bị cắt đứt với phần còn lại của thế giới trong nhiều tháng và đó chính là lúc tôi học được cách chung sống và cách thể hiện tình đoàn kết".
Claude Lorius đã dẫn đầu 22 cuộc thám hiểm Greenland và Nam Cực, nơi ông đi lại nhiều lần trong vòng 6 năm. Vào những năm 1970, ông bắt đầu nghi ngờ con người liên quan đến hiện tượng ấm lên toàn cầu. Nhưng phải đến cuộc thám hiểm năm 1984 tại căn cứ Vostok của Nga ở Nam Cực, ông mới có thể nghiên cứu lõi băng được khoan sâu dưới tảng địa cực đông cứng và xác nhận những nghi ngờ của mình.
Claude Lorius cũng nổi tiếng thế giới về nghiên cứu bong bóng khí trong băng, công bố năm 1987, cho phép các nhà khoa học xem xét lại những thông tin về băng từ hơn 160.000 năm trước đây.
Năm 1965, một khối băng lấy từ một mẫu lõi và được cho vào ly rượu whiskey đã đem đến cho Claude Lorius một phát hiện: băng chứa bong bóng khí từ xa xưa, qua đó ông nhận ra tiềm năng khoa học của việc phân tích không khí bị nén trong băng.
Nghiên cứu này cho thấy khí CO2 nén trong băng đã thoát ra khi nhiệt độ tăng kể từ giữa thế kỷ 19, thời điểm bắt đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp. Cơ quan nghiên cứu CNRS của Pháp khẳng định "không còn nghi ngờ gì nữa", sự ấm lên toàn cầu là do sự ô nhiễm mà các hoạt động của con người gây ra.
Kể từ đó, Claude Lorius đã quyết tâm thúc đẩy cuộc chiến chống lại sự ấm lên toàn cầu. Ông là một trong những chuyên gia đầu tiên của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc khi ủy ban này được thành lập năm 1988. Năm 2002, cùng với người bạn và đồng nghiệp Jean Jouzel, ông đã nhận huy chương vàng của CNRS.
Ông Lorius cũng là người Pháp đầu tiên nhận giải Hành tinh Xanh danh giá. Ở tuổi 80, ông đã trở lại Nam cực để ghi hình cho bộ phim tài liệu "Băng tuyết và bầu trời" của đạo diễn Luc Jacquet về sự nghiệp thám hiểm phi thường của ông. Bộ phim đã được công chiếu tại lễ bế mạc Liên hoan phim Cannes năm 2015.
Băng biển ở Nam Cực thấp nhất trong gần 45 năm Các nhà khoa học cảnh báo lớp băng bề mặt tại Nam Cực đang tan chảy ở mức kỷ lục. Băng trôi tại Vịnh Chiriguano, quần đảo Nam Shetland, Nam Cực. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ (NSIDC) cho biết băng ở Nam Cực đã giảm xuống còn 1,91 triệu km2 trong tuần này. Đây cũng...